Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1528/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 10 tháng 6 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG ĐỀ ÁN XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015; Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2015;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006;

Căn cứ Nghị định số 47/2020/NĐ-CP Ngày 9/4/2020 của Chính phủ về Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 950/QĐ-TTg 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Căn cứ Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 22/6/2020 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện Chương trình hành động số 84-CTr/TU ngày 31/12/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Căn cứ Quyết định số 2795/QĐ-UBND ngày 13/11/2020 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, phiên bản 2.0;

Căn cứ Chương trình công tác năm 2021 của BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc (Chương trình số 06-CTr/TU ngày 15/01/2021).

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 290/TTr-SXD ngày 01/6/2021, về việc phê duyệt Đề cương Đề án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề cương Đề án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 như sau:

1. Nội dung đề cương: (Có bản đề cương kèm theo).

2. Dự toán kinh phí: được phê duyệt sau khi được cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

3. Tiến độ triển khai thực hiện Đề án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030: Năm 2021

Điều 2. Tổ chức thực hiện lập Chương trình:

1. Chủ đầu tư (Sở Xây dựng) có trách nhiệm tổ chức lập Đề án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 theo đúng quy định của pháp luật.

2. Giao Sở Tài chính thẩm định dự toán kinh phí thực hiện đề án trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định hiện hành.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các ngành: Xây dựng, Kế hoạch và đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông và thủ trưởng các cơ quan có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Vũ Chí Giang

 

ĐỀ CƯƠNG

LẬP ĐỀ ÁN XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành Kèm theo tờ trình số 1528/QĐ-UBND ngày 10/6/2021 của UBND tỉnh)

I. TÊN ĐỀ ÁN

Đề án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

II. CÁC CĂN CỨ PHÁP LÝ

Căn cứ Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2015;

Căn cứ Luật đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006;

Căn cứ Luật An toàn thông tin mạng số 86/2015/QH13 ngày 19/11/2015;

Căn cứ Luật An ninh mạng số 24/2018/QH14 ngày 12/6/2018;

Nghị định số 45/2020/NĐ-CP Ngày 8/4/2020 của Chính phủ về Thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử;

Nghị định số 47/2020/NĐ-CP Ngày 9/4/2020 của Chính phủ về Quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/09/2019 của Chính phủ về việc Quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 64/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về Ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành TW Đảng; trong đó, có nội dung “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa dịch vụ hành chính công để tiết kiệm thời gian, chi phí”;

Căn cứ Nghị quyết số 36-NQ-TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế và Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 15/4/2015 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị;

Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4;

Căn cứ Quyết định số 950/QĐ-TTg 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Căn cứ Thông tư số 39/2017/TT-BTTTT ngày 15/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 2378/QĐ-BTTTT ngày 30/12/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông về công bố định mức chi phí quản lý dự án, chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước;

Căn cứ theo Quyết định số 1688/QĐ-BTTTT ngày 11/10/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 2378/QĐ-BTTTT ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước;

Căn cứ văn bản số 58/BTTTT-KHCN ngày 11/01/2018 của Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các nguyên tắc định hướng về công nghệ thông tin và truyền thông trong xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 829/QĐ-BTTT ngày 31/5/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0)

Căn cứ văn bản số 3098/BTTT-KHCN ngày 13/9/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố Bộ chỉ số đô thị thông minh Việt Nam đến năm 2025 (phiên bản 1.0)

Căn cứ Quyết định số 2323/ QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ thông tin và Truyền thông về việc Ban hành Khung kiến trúc Chính quyền điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0;

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt" Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 "Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 29 tháng 3 năm 2019 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về Thực hiện Nghị Quyết số 17-NQ/CP ngày 7/03/2019 Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025;

Quyết định số 2795/QĐ-UBND ngày 13/11/2020 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Vĩnh Phúc, phiên bản 2.0;

Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 22/6/2020 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện Chương trình hành động số 84-CTr/TU ngày 31/12/2019 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư

Các văn bản pháp lý khác có liên quan;

III. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN LẬP, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THÔNG MINH

Để triển khai lập Đề án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Sở Xây dựng là chủ đầu tư lập và tổ chức triển khai thực hiện theo các bước như sau:

- Bước 1: Sở Xây dựng trình duyệt Đề cương nhiệm vụ và dự toán Đề án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc trình UBND tỉnh phê duyệt

- Bước 2: Sở Xây dựng tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn; Đại diện chủ đầu tư ký hợp đồng với đơn vị tư vấn để tổ chức, thực hiện lập Đề án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

- Bước 3: Đơn vị tư vấn báo cáo Sở Xây dựng, Sở TT&TT, các Sở/ ngành và UBND tỉnh

- Bước 4: Xin ý kiến thỏa thuận của Bộ Xây dựng, Bộ TT&TT

- Bước 5: Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc thông qua Đề án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

IV. NỘI DUNG THỰC HIỆN

4.1. Lý do và sự cần thiết lập Đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc

a) Bối cảnh chung

Đô thị hóa trên Thế giới cũng như Việt Nam ngày càng tăng nhanh. Tại Việt Nam, tỷ lệ đô thị hóa hiện nay khoảng 40%, định hướng sẽ đạt khoảng 45%-50% giai đoạn 2025. Đô thị hóa là một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Đô thị hóa mang lại cơ hội về tăng trưởng kinh tế và các triển vọng về môi trường kinh doanh cũng như việc làm cho người dân, góp phần vào tăng trưởng quốc gia. Tuy nhiên, sự mở rộng nhanh chóng của các đô thị và tốc độ đô thị hóa nhanh đang gây ra áp lực cho cơ sở hạ tầng, môi trường và cơ cấu xã hội của các đô thị. Hiện nay, các cụm đô thị chỉ chiếm 0,5% diện tích của thế giới, nhưng tiêu thụ đến 75% tài nguyên, các nguồn lực và cơ sở hạ tầng của thành phố đã vượt quá khả năng cung cấp, các thành phố đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm không khí, quản lý chất thải, thiếu nước sạch và năng lượng điện, cơ sở hạ tầng xuống cấp, khan hiếm tài nguyên và tắc nghẽn giao thông,…

Ngoài ra, biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Việt Nam là 1 trong 4 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự BĐKH và dâng cao của nước biển.

Đứng trước những thách thức mà các đô thị phải đối mặt, xu hướng phát triển đô thị trên Thế giới cũng như Việt Nam đã và đang trải qua nhiều giai đoạn tiến hóa từ Mô hình thành phố Vườn (thế kỷ 19), đô thị nén, đô thị theo mô hình giao thông công cộng TOD, đô thị phức hợp đa chức năng (thế kỷ 20) và hiện đang chuyển sang xu hướng đô thị tăng trưởng xanh, phát thải thấp và đặc biệt tận dụng những thế mạnh của cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển theo hướng “Đô thị thông minh bền vững”.

Có nhiều khái niệm và cách hiểu khác nhau về Đô thị thông minh, nhưng tựu chung một đô thị thông minh đòi hỏi hội tụ 03 yếu tố: hạ tầng hiệu quả, phát triển bền vững và môi trường sống thân thiện; dựa trên 06 tiêu chí: nền kinh tế thông minh, di chuyển thông minh, công dân thông minh, môi trường thông minh, quản lý điều hành thông minh và cuộc sống thông minh.

Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 đã đưa ra quan điểm “giai đoạn 2018-2025 ưu tiên xây dựng các nội dung cơ bản bao gồm: Quy hoạch đô thị thông minh; Xây dựng và quản lý đô thị thông minh; Cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với Cơ sở nền tảng là Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT trong đó bao gồm cơ sở dữ liệu không gian đô thị thông minh được kết nối liên thông và hệ thống tích hợp hai hệ thống trên; và mục tiêu tổng quát: Phát triển đô thị thông minh bền vững ở Việt Nam hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, khai thác, phát huy các tiềm năng và lợi thế, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực; khai thác tối ưu hiệu quả tài nguyên, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, đồng thời đảm bảo tạo điều kiện đối với các tổ chức, cá nhân, người dân tham gia hiệu quả nghiên cứu, đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị thông minh; hạn chế các rủi ro và nguy cơ tiềm năng; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và các dịch vụ đô thị; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, hội nhập quốc tế”.

b) Sự cần thiết lập Đề án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc

Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, do vậy Vĩnh Phúc có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia.

Theo Quyết định số 950/QĐ-TTg 01/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 829/QĐ-BTTT ngày 31/5/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0) và Quyết định số 2323/ QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 của Bộ thông tin và Truyền thông về việc Ban hành Khung kiến trúc Chính quyền điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 thể hiện rõ chủ trương phát triển đô thị thông minh là một trong những chiến lược quan trọng tại Việt Nam, là một hướng đi tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế cũng như thực tế phát triển tại Việt Nam. Nhận thức rõ được vai trò, tầm quan trọng và tác dụng của phát triển đô thị thông minh trong chiến lược phát triển đô thị bền vững, tỉnh Vĩnh Phúc cấp thiết phải xây dựng Đề án đô thị thông minh.

Theo “Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 10/07/2020, cũng như “Đề án phát triển kinh tế xã hội tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025 theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng” được UBND tỉnh phê duyệt ngày 18/06/2020, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2025, xây dựng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền đề xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương; xây dựng các huyện Bình Xuyên, Vĩnh Tường, Tam Đảo đạt các tiêu chí của đô thị loại IV, làm tiền đề để thành lập các thị xã; hướng tới xây dựng Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Với mục tiêu hướng tới phát triển hệ thống đô thị tỉnh Vĩnh Phúc theo mục tiêu tăng trưởng xanh, ứng phó với BĐKH và thông minh bền vững; đồng thời trong bối cảnh chuyển đổi số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi các chiến lược, định hướng phát triển đô thị của tỉnh Vĩnh Phúc cần thay đổi toàn diện về tư duy quản lý và phát triển một cách hiệu quả hơn. Đề án đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc sẽ được nghiên cứu dựa trên cơ sở khoa học, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm nước ngoài cũng như trong nước về xây dựng và phát triển đô thị thông minh (ĐTTM), có đối chiếu với các điều kiện cụ thể của tỉnh, nêu lên các giải pháp về cơ chế chính sách, về công nghệ và đầu tư, nhằm mục tiêu xây dựng đô thị Vĩnh Phúc trở thành đô thị xanh, đáng sống, thông minh bền vững. Đề án, khi được phê duyệt, sẽ là căn cứ để UBND tỉnh quản lý đầu tư xây dựng các dự án có yếu tố liên quan đến ĐTTM trong tương lai. Việc xây dựng Đề án rất cần thiết với vai trò như một “kim chỉ nam” làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng các dự án phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh một cách thông minh từ bước quy hoạch đến quản lý vận hành.

ĐTTM là vấn đề rất mới đối với Việt Nam, mặt khác, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với tiến trình chuyển đổi số mạnh mẽ đang diễn ra trên thế giới cũng tác động sâu sắc đến bản thân nội hàm của khái niệm ĐTTM. Đề án “Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc” sẽ kế thừa các thành tựu đã đạt được, xây dựng một đề án mở, mang tính định hướng lâu dài, với một khung vững chắc, song vẫn tạo ra một cơ chế thông minh, cho phép điều chỉnh, bổ sung một cách linh hoạt, có kiểm soát. Nhờ đó, việc xây dựng các ĐTTM ở Vĩnh Phúc mới luôn cập nhật được các xu hướng công nghệ hiện đại nhất, hiệu quả nhất.

4.2. Mục tiêu của Đề án

- Mục tiêu tổng quát:

Tạo tiền đề cho sự đổi mới về quan điểm phát triển đô thị, từ đó huy động các nguồn lực xã hội cùng các thành tựu của công nghệ để giải quyết hiệu quả các vấn đề của địa phương, tiến tới sự phát triển đô thị xanh, bền vững.

Cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh của toàn tỉnh nói chung và các đô thị nói riêng, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội Vùng và khu vực.

- Mục tiêu cụ thể

Hoàn thiện các thành phần trong Kiến trúc ICT về phát triển đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc; xác định rõ các nội dung, hạng mục đầu tư; bố trí và thu hút mọi nguồn lực, thực hiện các lộ trình để xây dựng thành công Chính quyền điện tử, đổi mới tư duy và phương thức phát triển đô thị thông minh dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.

Xây dựng lộ trình triển khai thích hợp trong từng giai đoạn; ưu tiên triển khai dịch vụ thông minh trên các lĩnh vực trọng điểm của địa phương, gắn kết chặt chẽ với đảm bảo an toàn, an ninh mạng nhằm triển khai đô thị thông minh thành công và bền vững.

4.3. Phạm vi lập Đề án

Phạm vi lập đề án xây dựng đô thị thông minh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 bao gồm toàn bộ phạm vi tỉnh Vĩnh Phúc; bao gồm 9 đơn vị hành chính cấp huyện: TP. Vĩnh Yên, Phúc Yên và 07 huyện, diện tích khoảng 1.231,6 km2.

4.4. Xu hướng phát triển đô thị thông minh

Trên thế giới chưa có các tiêu chuẩn chính thức về đô thị thông minh (ĐTTM)/ thành phố thông minh (TPTM), tuy nhiên, một số tiêu chí chính sau đây được các tổ chức, các nước lựa chọn để đánh giá và làm tiêu chí xây dựng thành phố thông minh (6 đặc trưng cơ bản) là:

Nền kinh tế thông minh;

Di chuyển thông minh;

Môi trường thông minh;

Quản lý đô thị hiện đại;

Công dân thông minh;

Cuộc sống thông minh...

Trong một thành phố thông minh, hoạt động quản lý nhà nước của bộ máy chính quyền (hay “Chính quyền điện tử”, “Chính quyền thông minh”) đóng vai trò quan trọng.

Mỗi địa phương tùy theo những nhu cầu và điều kiện cụ thể sẽ lựa chọn cách đi phù hợp để xây dựng mô hình đô thị thông minh cho riêng địa phương mình, thước đo hiệu quả là sự cải thiện điều kiện, môi trường sống của người dân đô thị. Việc xây dựng đô thị thông minh là chiến lược để giải quyết bài toán xây dựng và quản lý đô thị hiện đại trước quá trình đô thị hóa nhanh, dân cư tăng nhanh đòi hỏi giải quyết các vấn đề nóng của đô thị như ùn tắc giao thông, ngập lụt đô thị, ô nhiễm môi trường để đảm bảo môi trường sống trong sạch an toàn, cũng như đáp ứng các nhu cầu an sinh xã hội, y tế, giáo dục, đời sống văn hóa xã hội ngày càng cao.

Có nhiều cách phân loại các lĩnh vực trong thành phố thông minh. Việc phân loại phụ thuộc vào trình độ phát triển của đô thị, phương thức quản trị và rất nhiều yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội khác.

4.5. Định hướng cụ thể phát triển đô thị thông minh Việt Nam Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam (QĐ 950/QĐ-TTg)

a) 04 thành tố cơ bản phát triển đô thị thông minh bền vững:

i) Quy hoạch đô thị thông minh

- Đổi mới phương pháp lập quy hoạch, nghiên cứu lồng ghép xuyên suốt tư tưởng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó BĐKH, sử dụng đất và tài nguyên hiệu quả.

- Đề xuất mô hình phát triển không gian đô thị phù hợp theo đặc thù từng địa phương, đa chức năng, linh hoạt, hướng tới mô hình đô thị phát thải các-bon thấp.

- Quy hoạch đô thị được lập trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị được số hóa; được hỗ trợ bởi các công cụ phân tích dữ liệu đa chỉ tiêu, công cụ dự báo, các hệ thống hỗ trợ ra quyết định quy hoạch

- Các nội dung quy hoạch/kế hoạch được kết nối liên thông, cập nhật đồng bộ trong khi lập cũng như trong quá trình triển khai thực hiện theo quy hoạch.

ii) Xây dựng và quản lý đô thị thông minh

- Song song với việc xây dựng Chính phủ điện tử, đổi mới toàn bộ quy trình nghiệp vụ và tư duy QLNN, ứng dụng công nghệ toàn diện vào các nghiệp vụ quản lý chuyên ngành, đảm bảo điều hành, quản trị đô thị tổng thể và từng ngành/lĩnh vực có hiệu lực, hiệu quả trên nền tảng thông tin đô thị sát thực hơn, cập nhật hơn, và được liên thông đa ngành, được hỗ trợ bởi các công cụ phân tích, dự báo, hỗ trợ ra quyết định quản lý.

- Tăng cường sự tham gia ý kiến, góp ý, phản ánh của cộng đồng trong quy hoạch đô thị cũng như quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch.

- Hạ tầng đô thị được quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ, quản lý vận hành thông minh kết nối với hệ thống quản trị đô thị

iii) Dịch vụ, tiện ích thông minh

- Các dịch vụ, tiện ích cho tổ chức, cá nhân do chính quyền cung cấp được thực hiện một phần hoặc toàn bộ qua môi trường mạng

- Các tiện ích cho người dân do các tổ chức, cá nhân, thị trường cung cấp. iv) Hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa (hạ tầng dữ liệu không gian đô thị)

Nền tảng tích hợp bao gồm các điều kiện kỹ thuật và thể chế để tích hợp các cơ sở dữ liệu; cơ chế thu thập, duy trì và sử dụng dữ liệu; cơ chế điều phối liên cấp, liên vùng, giữa đô thị và nông thôn để giải quyết vấn đề theo phạm vi ảnh hưởng.

- Cơ sở dữ liệu đô thị đa chỉ tiêu được lập, thu thập, duy trì, cập nhập, quản lý đồng bộ, thống nhất theo Khung kiến trúc ICT

- Hạ tầng dữ liệu số được đầu tư xây dựng đồng bộ, kết nối với các hạ tầng kỹ thuật và công trình khác trong đô thị

- Xây dựng đô thị thông minh trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý GIS

- Quản lý công trình xây dựng theo hệ thống quản lý thông tin công trình BIM, BMS,...

b) Các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Đề án 950

- 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn

Hình thành hệ thống CSDL không gian đô thị số hóa

Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông minh trong Quy hoạch và QL PTĐT

Phát triển hạ tầng đô thị thông minh

Phát triển các tiện ích thông minh

Xây dựng tiềm lực phát triển đô thị thông minh

Huy động các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật

Thúc đẩy hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đô thị thông minh

- 07 nhiệm vụ ưu tiên:

Nghiên cứu hoàn thiện chính sách

Thiết lập và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu

Phát triển quy hoạch thông minh

Thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh

Thí điểm phát triển đô thị thông minh

Đẩy mạnh chính phủ điện tử

Nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và chuyên môn

Khung tham chiếu ICT về đô thị thông minh

Theo khái niệm tại Khung tham chiếu ICT về đô thị thông minh (ban hành theo QĐ số 829/QĐ/BTTTT ngày 31/5/2019 của Bộ Thông tin và Truyền Thông) thì Khái niệm Đô thị thông minh bền vững là đô thị sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, phát huy hiệu quả các hoạt động và dịch vụ của đô thị, tăng khả năng cạnh tranh, trong khi vẫn đảm bảo đáp ứng các nhu cầu hiện tại và tương lai đối với các khía cạnh khác về kinh tế, xã hội, môi trường.

Có một số khái niệm khác liên quan đến thành phố thông minh như: Thành phố tri thức, thành phố kết nối, thành phố số, thành phố sinh thái (eco-city)… Tuy nhiên hiện nay khái niệm thành phố thông minh là khái niệm phổ biến, được cả giới nghiên cứu, cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân chấp nhận.

Khung tham chiếu ICT về đô thị thông minh về cơ bản là sự mở rộng mô hình khung kiến trúc tổng thể Chính phủ điện tử cấp tỉnh do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành. Sự khác nhau ở đây là mở rộng lĩnh vực, trong đó CQĐT chỉ là một trong các lĩnh vực ứng dụng thông minh. Trên thực tế nó là thành phần cốt yếu vì đã được đầu tư và phát triển từ lâu. Mô hình kiến trúc tổng thể này mở rộng công nghệ hiện đại để giúp cho thành phố thông minh hơn. Đó là các hệ thống IoT, M2M, Big Data…

Xây dựng mô hình Thành phố thông minh sẽ là quá trình phát triển các thành phần Kiến trúc theo lộ trình và bước đi cụ thể, trên cơ sở ưu tiên từng lĩnh vực, dịch vụ trong từng giai đoạn

Hệ thống ứng dụng quản lý nghiệp vụ được vận hành phân tán tại các Sở/ngành & địa phương. Xây dựng Trung tâm điều hành thành phố Thông minh trên cơ sở tổng hợp, khai thác cơ sở dữ liệu quản lý của các ngành & địa phương.

4.6. Cách tiếp cận xây dựng ĐTTM Vĩnh Phúc

Để đảm bảo tính tích hợp, đa ngành trong phát triển đô thị thông minh, Đề án cần có cách tiếp cận tổng hợp, hài hòa và tuân thủ các khung định hướng chiến lược như Quy hoạch Tỉnh, Quy hoạch xây dựng, Quy hoạch đô thị, Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (giai đoạn 2016 - 2020), Chương trình phát triển đô thị các cấp. Từ đó xác định các vấn đề của địa phương về đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế, phát triển đô thị (hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật), quản trị đô thị và sự tham gia các bên liên quan vào phát triển đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc

Các định hướng chiến lược phát triển đô thị cần được soi chiếu theo 06 lĩnh vực chủ yếu phát triển ĐTTM (nền kinh tế, quản trị, môi trường, giao thông, cư dân, cuộc sống) cùng với bộ chỉ số KPI ĐTTM VN (phiên bản 1.0) để xác định các lĩnh vực, nhiệm vụ ưu tiên trọng điểm của tỉnh Vĩnh Phúc được phát triển dựa trên nền tảng phát triển công nghệ của tỉnh; đồng thời đáp ứng các 04 trụ cột chính của định hướng phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam (Quy hoạch ĐTTM, XD & quản lý ĐTTM, dịch vụ tiện ích ĐTTM trên cơ sở nền tảng HTKT và hạ tầng ICT gồm CSDL không gian ĐTTM liên thông và tích hợp) với sự tham gia của các thành phần kinh tế vào việc phát triển ĐTTM.

4.7. Nội dung Đề án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc

Nội dung Đề án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc bao gồm nhưng không giới hạn nghiên cứu những nội dung chủ yếu như sau:

Nội dung 1: Tình hình xây dựng, phát triển đô thị thông minh trên Thế giới và Việt nam

1. Khái niệm về đô thị thông minh

Trình bày khái quát chung về khái niệm ĐTTM, TPTM trong bối cảnh tổng thể của cuộc CMCN lần thứ 4 và xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới:

- Sơ lược về các quan điểm, định nghĩa về ĐTTM, TPTM trên thế giới (trên cơ sở tổng hợp hơn 160 định nghĩa); phân tích các quan điểm để lựa chọn cách tiếp cận phù hợp với bối cảnh Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng

- Khái niệm ĐTTM, TPTM liên quan đến tăng trưởng xanh, ứng phó với BĐKH, thành phố đáng sống, thành phố có nhiều tiện ích cho cư dân.

- Xu hướng xây dựng thành phố “thông minh hơn”, “thông minh bền vững”.

- Lấy con người (cư dân) làm trung tâm.

- Kế thừa những thành tựu của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, đặc biệt là ICT (công nghệ thông tin-viễn thông).

- Xây dựng ĐTTM, TPTM phù hợp với trình độ phát triển và năng lực kinh tế, công nghệ của địa phương

2. Quan điểm về ĐTTM, TPTM ở Việt Nam

- Bám sát quan điểm của Đề án 950 phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam của Chính phủ; có thể hiểu theo cách Thông minh hóa đô thị thông qua các quá trình quy hoạch đô thị, quản trị đô thị và cung cấp các ứng dụng tiện ích đô thị nhằm nâng cao chất lượng sống, cải thiện chất lượng phục vụ của chính quyền đô thị và tạo sự tham gia tích cực của các bên liên quan (chính quyền, doanh nghiệp và người dân) hướng tới mục tiêu phát triển đô thị xanh, ứng phó với BĐKH và thông minh bền vững.

- Làm rõ một số quan điểm, bất cập, cách nhìn chưa hoàn chỉnh về ĐTTM tại một số địa phương như:

Nhận thức ở cơ sở còn lúng túng, nhân lực không theo kịp yêu cầu.

Xu hướng dựa vào các hãng lớn, công ty lớn về công nghệ.

Xu hướng “ôm đồm công việc điều hành”, dựa vào hệ thống camera quan sát và Trung tâm giám sát, điều hành ĐTTM.

- Lấy con người (cư dân, doanh nghiệp) làm trung tâm, nhưng chỉ nhấn mạnh mặt “thụ hưởng”, mà coi nhẹ mặt “tham gia tích cực”.

Quan niệm “xây dựng TPTM” như việc “xây dựng một loạt tiện ích, ứng dụng thông minh (tự động) hỗ trợ người dân trên các mặt: dịch vụ hành chính công, giáo dục, y tế, vệ sinh môi trường…”.

Quan niệm chưa đúng về việc “TPTM là một sản phẩm”, cần quan niệm: ĐTTM, TPTM là một phương thức phát triển, yếu tố “thông minh” nằm ở phương thức sử dụng hiệu quả tài nguyên, vật lực, nhân lực, kinh phí (có hạn) một cách hợp lý nhất, để giải quyết vấn đề mà đời sống đô thị đặt ra. Yếu tố “thông minh” không đứng yên, mà thay đổi theo thời gian, tiến trình phát triển đô thị. Yếu tố “thông minh” - muốn duy trì lâu dài - cần phải “cấy gien thông minh”.

3. Tình hình xây dựng ĐTTM, TPTM tại Việt Nam và một số nước trên Thế giới

3.1 Tình hình chung tại một số nước trên Thế giới

- Phân tích tình hình chung về xây dựng ĐTTM, TPTM ở các nước phát triển, đang phát triển, kém phát triển, đánh giá sự khác nhau về các mô hình ĐTTM, TPTM.

- Phân tích tổng hợp theo 03 nhóm mô hình điển hình: (1) Đối phó với các vấn đề nóng, bức xúc của đô thị (ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm, thủ tục hành chính,…); (2) Đáp ứng toàn diện; (3) Dung hòa giữa hai mô hình trên.

- Vai trò, sự tham gia của chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng và người dân trong xây dựng và phát triển ĐTTM, TPTM.

- Phân tích kinh nghiệm của một số nước trên thế giới có điều kiện tương đồng, rút ra bài học cho Việt Nam và Vĩnh Phúc (một số thành phố ở Đông Á - Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…; một số thành phố ở Đông Nam Á - Thái Lan, Singapore…; một số nước phát triển khác có mức độ phù hợp)

3.2. Tình hình triển khai ĐTTM, TPTM tại Việt Nam

- Phân tích các đề án của các tỉnh, thành phố trong nước và các kinh nghiệm triển khai thực tiễn ban đầu, rút ra các bài học kinh nghiệm cho Vĩnh Phúc:

Việt Nam có 3 thành phố (Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng) được Chính phủ chỉ định tham gia Mạng lưới TPTM Asean.

Nghiên cứu kinh nghiệm các tỉnh/thành đã và đang triển khai đề án ĐTTM (30 tỉnh/ thành phố đã triển khai xây dựng Đề án, trong đó 19 tỉnh/ thành phố phê duyệt Đề án); nghiên cứu sâu một số địa phương tuy chưa phê duyệt Đề án, nhưng đã triển khai một số ứng dụng thông minh từ nhiều năm nay để rút kinh nghiệm (ví dụ TP., Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh).

- Phân tích kinh nghiệm của một số tỉnh, thành phố đã triển khai:

Lắp đặt camera an ninh, camera giao thông.

Xử lý các vấn đề đột phá, giải quyết các vấn đề bức xúc đã tồn tại nhiều năm ở đô thị (quản lý đất đai, ùn tắc giao thông, ngập úng khi mưa bão, đối phó với dịch bệnh…).

Một số thành phố đã xây dựng Trung tâm điều hành giám sát ĐTTM.

Một số thành phố xây dựng riêng Khung kiến trúc ICT cho CPĐT và cho ĐTTM. Một số thành phố lồng ghép khi xây dựng riêng Khung kiến trúc ICT cho CPĐT và ĐTTM.

- Một số thành phố xây dựng bộ tiêu chí KPI về TPTM, dựa trên bộ tiêu chí của Bộ TTTT ban hành.

3.3. Những khó khăn, thách thức trong xây dựng, phát triển ĐTTM

Một số vấn đề cần nghiên cứu:

- Cách tiếp cận quy hoạch đô thị thông minh

- Xây dựng và quản trị đô thị thông minh

- Xây dựng hạ tầng dữ liệu mở, dùng chung cho các sở ban ngành, cho cộng đồng xã hội (doanh nghiệp, người dân, hiệp hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội).

- Giải quyết, xử lý mối quan hệ giữa: cải cách hành chính, chính quyền điện tử, ĐTTM/TPTM, chuyển đổi số.

- Giải quyết, xử lý mối quan hệ giữa: quản lý theo ngành dọc và quản lý của chính quyền đô thị.

- Dịch vụ, tiện ích thông minh lấy người dân làm trung tâm.

3.4. Bài học kinh nghiệm cho tỉnh Vĩnh Phúc

- Tổng hợp các kinh nghiệm quốc tế và trong nước, đối chiếu với tình hình cụ thể của địa phương làm cơ sở đưa ra các nguyên tắc phát triển đô thị thông minh bền vững cho tỉnh Vĩnh Phúc

- Một số quan điểm cần xem xét thêm: Kiên trì với nguyên tắc “cấy gien thông minh”; Quy hoạch đô thị theo cách tiếp cận thông minh nghĩa rộng; xác định: thực hiện chuyển đổi số, xây dựng CPĐT, xây dựng TPTM như một cuộc cách mạng; nâng cao nhận thức, bên cạnh vai trò chính của Sở Xây dựng và Sở TT&TT cần có sự tham gia tích cực của các cấp các ngành và toàn bộ hệ thống chính trị, cũng như vai trò của người dân.

Nội dung 2: Hiện trạng xây dựng ĐTTM tại tỉnh Vĩnh Phúc

1. Tổng quan về quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020

Đánh giá tổng hợp hiện trạng phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020 về các lĩnh vực, các chỉ tiêu phát triển kinh tế: công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ, nông-lâm-ngư nghiệp; làm rõ thể mạnh kinh tế của tỉnh, huyện và các đô thị trọng điểm của Tỉnh (khu, cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch, tài chính,…); tình hình hoạt động trong các lĩnh vực xã hội (văn hóa, giáo dục & đào tạo, y tế, thể dục thể thao,…); hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường.

2. Tình hình Quản lý quy hoạch & phát triển đô thị

- Đánh giá tình hình triển khai công tác quản lý quy hoạch & phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh cụ thể hóa Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh (giai đoạn trước), Quy hoạch chung các đô thị, quy hoạch phân khu, Quy hoạch xây dựng vùng huyện, Chương trình phát triển đô thị của Tỉnh, Chương trình phát triển đô thị của đô thị trực thuộc tỉnh (TP. Vĩnh Yên, Phúc Yên); Xem xét trên khía cạnh lồng ghép các yếu tố về tăng trưởng xanh, ứng phó BĐKH và quan điểm quy hoạch đô thị thông minh theo nghĩa rộng.

- Nhận diện các vấn đề nóng, bức xúc trong quá trình phát triển đô thị cần tập trung ưu tiên giải quyết của tỉnh Vĩnh Phúc.

3. Hiện trạng cơ sở hạ tầng viễn thông, tình hình ứng dụng CNTT của tỉnh Vĩnh Phúc

- Đánh giá hiện trạng cơ sở hạ tầng viễn thông của Tỉnh và các đô thị/ khu vực trọng điểm

- Đánh giá hiện trạng ứng dụng CNTT trong cơ quan quản lý Nhà nước tại Vĩnh Phúc (phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu, nhân lực, mô hình hoạt động,…)

- Đánh giá tình hình triển khai kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan quản lý Nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020

4. Chương trình xây dựng CQĐT hướng tới chính quyền số của tỉnh, Đề án chuyển đổi số của tỉnh, Đề án, kế hoạch ứng dụng CNTT

- Đánh giá tình hình triển khai và những kết quả xây dựng CQĐT tại tỉnh đã đạt được, những vấn đề bất cập và khó khăn.

- Đánh giá tình hình triển khai và những kết quả triển khai Đề án chuyển đổi số, Đề án, kế hoạch ứng dụng CNTT của tỉnh, những vấn đề bất cập và khó khăn.

Nội dung 3: Rà soát, đánh giá các Định hướng phát triển đô thị tại tỉnh Vĩnh Phúc theo quan điểm phát triển đô thị thông minh

1. Quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị

- Tổng hợp các quy hoạch, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc; các chỉ tiêu phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2025 và đến 2030; các trọng tâm phát triển kinh tế động lực theo từng vùng/đô thị trọng điểm, các khu/cụm công nghiệp, vùng phát triển du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ, tài chính,…; nghiên cứu các định hướng Quy hoạch tỉnh trong thời gian tới.

- Rà soát tổng hợp các quy hoạch, định hướng phát triển hệ thống đô thị (Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, Chương trình phát triển đô thị Tỉnh, Quy hoạch chung các đô thị quan trọng, Quy hoạch xây dựng vùng huyện,…) theo các vấn đề: hệ thống hạ tầng xã hội ưu tiên đầu tư (giáo dục & đào tạo, văn hóa, TDTT, y tế,…), hạ tầng kỹ thuật khung (giao thông, cấp nước, cao độ nền & thoát nước mưa, xử lý nước thải, xử lý chất thải rắn, năng lượng, chiếu sáng, thông tin liên lạc, nghĩa trang,…)

- Nghiên cứu các giải pháp định hướng đề xuất giải quyết các vấn đề nóng, bức xúc ưu tiên tập trung của Tỉnh & đô thị trọng điểm.

2. Định hướng, kế hoạch ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

- Nghiên cứu kế hoạch triển khai Đề án xây dựng CQĐT, đề án chuyển đổi số của tỉnh, kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan QLNN tỉnh Vĩnh Phúc

- Nghiên cứu cụ thể các quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án theo các lĩnh vực, khía cạnh có liên quan đến ĐTTM.

Nội dung 4: Đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đô thị thông minh của tỉnh Vĩnh Phúc

1. Các nội dung cần nghiên cứu, đề xuất

a) Tiếp cận theo 06 đặc trưng cơ bản của đô thị thông minh 06 đặc trưng cơ bản được nhiều nước lựa chọn để đánh giá và làm tiêu chí xây dựng thành phố thông minh:

Nền kinh tế thông minh;

Di chuyển thông minh;

Môi trường thông minh;

Quản lý đô thị hiện đại;

Công dân thông minh;

Cuộc sống thông minh...

b) Tiếp cận theo 04 thành tố cơ bản theo Đề án 950

i) Quy hoạch đô thị thông minh

- Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc, quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch đô thị: yêu cầu nghiên cứu, lồng ghép xuyên suốt quan điểm phát triển bền vững, phát triển đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, sử dụng đất và tài nguyên thiên nhiên tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo, phát triển kinh tế tuần hoàn,...

- Quy hoạch đô thị và các chuyên ngành theo cách tiếp cận bền vững hơn, thông minh hơn, sử dụng công nghệ hỗ trợ ra quyết định quy hoạch: nghiên cứu mô hình phát triển không gian đô thị phù hợp theo đặc trưng từng khu vực (đô thị nén, phức hợp, đa chức năng linh hoạt, QHĐT xanh,...); tăng cường không gian xanh, mặt nước; phát triển không gian thông minh tiết kiệm năng lượng (tối ưu hóa thông gió, bóng đổ công trình, giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị,....); công trình xanh; không gian đô thị linh hoạt cao độ nền, thoát nước gắn với thiết kế đô thị tạo không gian lưu chứa nước tạm thời ứng phó với BĐKH; phát triển hạ tầng thoát nước xanh; phát triển giao thông công cộng, quản lý GT thông minh; sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, chiếu sáng LED thông minh; quản lý tổng hợp nguồn nước; phân loại, xử lý, tái chế CTR, giảm thiểu CTR nhựa theo hướng phát triển kinh tế tuần hoàn; kiểm soát môi trường,...

- Ứng dụng GIS trong phân tích lập quy hoạch, hệ thống phân tích hỗ trợ ra quyết định quy hoạch dựa trên nền tảng cơ sở dữ liệu quy hoạch và đô thị được số hóa và liên thông với ngành TN&MT.

- Thí điểm triển khai một số khu đô thị mới tại đô thị Vĩnh Phúc áp dụng các giải pháp đô thị thông minh.

ii) Xây dựng và quản lý đô thị thông minh

- Song song với việc xây dựng Chính phủ điện tử, đổi mới toàn bộ quy trình nghiệp vụ và tư duy QLNN, ứng dụng công nghệ toàn diện vào các nghiệp vụ quản lý chuyên ngành, đảm bảo điều hành, quản trị đô thị tổng thể và từng ngành/lĩnh vực có hiệu lực, hiệu quả trên nền tảng thông tin đô thị sát thực hơn, cập nhật hơn, và được liên thông đa ngành, được hỗ trợ bởi các công cụ phân tích, dự báo, hỗ trợ ra quyết định quản lý.

- Ưu tiên bước đầu đổi mới toàn bộ nghiệp vụ quản lý Nhà nước ngành Xây dựng vận hành trên các hệ thống ứng dụng và cơ sở dữ liệu địa lý quản lý quy hoạch, kiến trúc, dự án phát triển đô thị, cấp phép dự án, cấp phép xây dựng, quản lý nhà ở & TT BĐS, quản lý vận hành hệ thống HTKT, quản lý hoạt động xây dựng,... kết nối với hệ thống quản lý tại chính quyền đô thị; đặc biệt liên thông chia sẻ với cơ sở dữ liệu quản lý đất đai của ngành TN&MT (địa hình, địa chính, hành chính, sử dụng đất TN&MT)

- Xây dựng cơ chế vận hành giữa các Sở/ngành, chính quyền đô thị & Trung tâm tích hợp dữ liệu của Tỉnh; cơ chế chia sẻ, cập nhật thông tin, cơ sở dữ liệu đảm bảo hình thành hạ tầng dữ liệu không gian cấp Tỉnh trên nền tảng GIS.

- Hạ tầng đô thị được quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ, quản lý vận hành thông minh kết nối với hệ thống quản trị đô thị

- Đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và chuyên môn về phát triển đô thị thông minh (phân theo cấp quản lý, lĩnh vực chuyên ngành,...).

iii) Dịch vụ, tiện ích thông minh

- Trên cơ sở đổi mới quản lý hành chính công, cung cấp các dịch vụ, tiện ích quản lý & quản trị đô thị thông minh cho tổ chức, cá nhân với vai trò vừa là người sử dụng vừa giám sát và phản hồi thông tin phát triển đô thị trên địa bàn.

- Khuyến khích các mô hình khởi nghiệp, sự tham gia của các thành phần kinh tế, xã hội hóa vào phát triển các dịch vụ, tiện ích thông minh trên nền tảng cơ sở dữ liệu số, xây dựng các dịch vụ, tiện ích thông minh phục vụ người dân.

iv) Hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa (hạ tầng dữ liệu không gian đô thị)

- Xây dựng cơ sở dữ liệu bản đồ địa lý dùng chung của Tỉnh với nền tảng gốc là cơ sở dữ liệu bản đồ chia sẻ liên thông giữa ngành Xây dựng (Quy hoạch đô thị, quản lý vận hành hạ tầng kỹ thuật đô thị) với ngành TN&MT (địa hình, địa chính, hành chính, sử dụng đất TN&MT)

- Xây dựng cơ sở dữ liệu đô thị đa chỉ tiêu được lập, thu thập, duy trì, cập nhật, quản lý đồng bộ, thống nhất theo Khung kiến trúc ICT trên nền tảng CSDL bản đồ địa lý dùng chung ngành XD & ngành TN&MT

- Xây dựng đô thị thông minh trên nền tảng hệ thống thông tin địa lý GIS

- Quản lý công trình xây dựng theo hệ thống quản lý thông tin công trình BIM, BMS.

- Quản lý đất đai trên hệ thống ứng dụng ngành TN&MT

- Xây dựng hệ thống ứng dụng vận hành các nghiệp vụ QLNN theo từng lĩnh vực chuyên ngành, nhiệm vụ, chức năng của từng Sở/ngành/địa phương.

2. Một số nội dung định hướng về công nghệ

Mô tả có tính chất định hướng và đề ra các yêu cầu ở mức hệ thống, đảm bảo cho các thành tố cấu thành hạ tầng đô thị thông minh tương hợp với nhau thành một thể thống nhất. Kiến trúc chung của đô thị thông minh được đề xuất như sau:

- Hạ tầng thông tin đô thị thông minh (mô tả kiến trúc chung):

Hạ tầng kết nối, viễn thông, internet, IoT

Hạ tầng ứng dụng, mạng xã hội, kiến trúc chung các nền tảng ứng dụng TPTM cho Tỉnh và TP Vĩnh Yên

Hạ tầng dữ liệu đô thị thông minh bao gồm hạ tầng dữ liệu không gian (GIS). Các nguyên tắc xây dựng và vận hành hạ tầng dữ liệu mở, thống nhất

Hạ tầng lưu trữ, tính toán

Hạ tầng quan trắc (camera, cảm biến...)

- Hạ tầng kỹ thuật đô thị thông minh:

Hạ tầng giao thông thông minh

Hạ tầng năng lượng (điện) thông minh

Hạ tầng cấp nước thông minh

Hạ tầng thoát nước thông minh

Hạ tầng thu gom rác thải thông minh

Quản lý bảo vệ môi trường thông minh

Hạ tầng chiếu sáng đô thị thông minh

Hạ tầng xanh

- Hạ tầng kinh tế-xã hội thông minh:

Chính quyền điện tử

Xây dựng và Quản lý phát triển đô thị thông minh

Đất đai, tài nguyên & môi trường thông minh

Y tế thông minh

Giáo dục & đào tạo thông minh

Văn hóa thông minh

Du lịch thông minh

Công nghiệp thông minh

Nông nghiệp thông minh

An ninh, an toàn

- Các hệ thống, cơ chế hỗ trợ phát triển ĐTTM:

Quy chế khuyến khích và quản lý các công trình xây dựng thông minh, các tòa nhà, khu đô thị, khu công nghiệp, các trang trại thông minh

Quy chế quản lý xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thông minh

Hệ thống quản lý thông tin quy hoạch và phát triển đô thị

Hệ thống quản lý các dự án đầu tư

3. Giám sát và đo lường quá trình xây dựng và phát triển ĐTTM

Nghiên cứu các hệ thống giám sát, đánh giá mức độ thông minh, bộ tiêu chí KPI ĐTTM của tỉnh Vĩnh Phúc trên cơ sở nghiên cứu các hệ thống đánh giá:

- Tiêu chuẩn quốc tế về đô thị phát triển bền vững

- Các chỉ số cho dịch vụ đô thị và chất lượng cuộc sống, mang ký hiệu ISO 37120:2014,

- Bộ chỉ số ĐTTM Việt Nam đến năm 2025 (phiên bản 1.0) - do Bộ TTTT ban hành

4. Các lĩnh vực ưu tiên, giải pháp chủ yếu, và nhiệm vụ trọng tâm

- Xác định các lĩnh vực ưu tiên

- Đề xuất các nhiệm vụ, dự án trọng tâm

- Đề xuất các giải pháp chủ yếu, nguồn lực thực hiện

5. Tổ chức thực hiện

- Lộ trình tổng quát, nguyên tắc triển khai

- Lộ trình cụ thể giai đoạn 2021-2025 và định hướng giai đoạn 2026-2030

- Phân công thực hiện

V. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

Tiến độ thực hiện lập và trình duyệt Đề án Xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc dự kiến là 06 tháng (không kể thời gian chờ báo cáo các cấp, trình và phê duyệt)

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

6.1 Căn cứ lập dự toán

- Căn cứ Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu;

- Căn cứ Thông tư số 02/2015/TT-BLĐTBXH ngày 12/01/2015 của Bộ Lao động Thương binh và xã hội quy định mức lương đối với chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở dự toán gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn áp dụng hình thức hợp đồng theo thời gian sử dụng vốn nhà nước;

- Căn cứ Thông tư 40/2017/TT-BTC ngày 28/04/2017 về việc Quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tiêu hội nghị đối với các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;

- Căn cứ Nghị quyết số 48/2017/NQ-HĐND ngày 18/12/2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về việc Quy định một số mức chi công tác phí, tổ chức các hội nghị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

6.2 Kinh phí thực hiện

- Tổng kinh phí thực hiện tạm tính: 1.539.362.000 đồng (Một tỷ năm trăm ba mươi chín triệu, ba trăm sáu mươi hai ngàn đồng). Chi phí cụ thể do Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt.

(Dự toán cụ thể của việc lập Đề án đã được UBND tỉnh giao Sở Tài chính thẩm định tại Văn bản số 3980/UBND-CN2 ngày 26/5/2021).

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1528/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt đề cương Đề án xây dựng đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 1528/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/06/2021
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Vũ Chí Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản