Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1495/QĐ-CTUBND

Hưng Yên, ngày 06 tháng 08 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG LĨNH VỰC ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA BAN QUẢN LÝ CÁC KCN TỈNH HƯNG YÊN

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/6/2010 về kiểm soát thủ tục hành chính; số 48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh tại Tờ trình số 345/TTr-BQL ngày 16/7/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thông qua phương án đơn giản hóa 02 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, thương mại quốc tế thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh (Có phụ lục đính kèm).

Điều 2. Giao Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan:

1. Gửi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính không thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh tới các bộ, ngành chức năng ở trung ương xem xét, quyết định theo thẩm quyền.

2. Trình Chủ tịch UBND tỉnh kịp thời công bố, công khai các thủ tục hành chính, sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án đơn giản hóa.

Điều 3. Giao Sở Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị có liên quan thực hiện Quyết định.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Công Thương;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- TTTH-CB tỉnh;
- Lưu: VT, NCT.

CHỦ TỊCH




Doãn Thế Cường

 

PHỤ LỤC

PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH LĨNH VỰC ĐẦU TƯ, THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1495/QĐ-UBND ngày 06 tháng 08 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên)

1. Thủ tục: Cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam.

1.1. Nội dung đơn giản hóa

- Đề nghị bãi bỏ đầu mục hồ sơ “Bản sao điều lệ hoạt động của Thương nhân nước ngoài là tổ chức kinh tế" quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 của Chính phủ.

Lý do: Đầu mục hồ sơ này không cần thiết, vì khi thẩm tra hồ sơ về tư cách pháp lý và tình trạng hoạt động của thương nhân, các nội dung này đã được thể hiện trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc báo cáo tài chính của thương nhân.

- Đề nghị bãi bỏ nội dung: “Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương có quy định thời hạn hoạt động của thương nhân nước ngoài thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm” quy định tai Điểm b Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2006/NĐ-CP .

Lý do: Việc quy định thời hạn hoạt động của Giấy đăng ký kinh doanh còn ít nhất 01 năm là không phù hợp, vì một số quốc gia, vùng lãnh thổ chỉ cấp Giấy đăng ký kinh doanh có thời hạn 01 năm. Sau khi thương nhân được cấp Giấy phép kinh doanh, cần thực hiện hợp thức hóa lãnh sự, trước khi thực hiện thủ tục thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam, nên khi nộp hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam không đảm bảo đủ 01 năm, điều này gây khó khăn cho các thương nhân thuộc quốc gia, vùng Lãnh thổ cấp đăng ký kinh doanh có thời hạn như trên khi thực hiện thủ tục thành lập Văn phòng đại diện tại Việt Nam.

- Đề nghị quy định rõ “tài liệu khác có giá trị tương đương” tại Điểm c Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2006/NĐ-CP .

Lý do: Đầu mục hồ sơ này không rõ ràng về hình thức, không rõ các tài liệu gì, gây khó khăn cho thương nhân khi chuẩn bị hồ sơ, cũng như cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ.

- Đề nghị sửa đổi thời hạn giải quyết thủ tục hành chính quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 72/2006/NĐ-CP .

Lý do: Thời hạn trên chưa hợp lý, vì nội dung thẩm tra đối với thủ tục này không quá phức tạp, nên có thể rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính xuống còn 7 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ.

- Đề nghị bổ sung cơ quan giải quyết thủ tục hành chính quy định tại Điều 3 Nghị định số 72/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 của Chính phủ và Khoản 1 Mục I Thông tư số 11/2006/TT-BTM ngày 28/9/2006 của Bộ Thương mại.

Lý do: Nghị định số 72/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 và Thông tư số 11/2006/TT-BTM ngày 28/9/2006 quy định về thủ tục này, tuy nhiên lại không quy định thẩm quyền cấp giấy phép của các Ban Quản lý các khu công nghiệp. Hiện nay, các Ban Quản lý các khu công nghiệp thực hiện cấp Giấy phép theo hướng dẫn của Bộ Công thương tại văn bản số 7190/BCT-KH ngày 15/8/2008; việc này không đảm bảo cơ sở pháp lý khi thực hiện.

1.2. Kiến nghị thực thi: Sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản quy định tại Nghị định số 72/2006/NĐ-CP ngày 25/7/2006 của Chính Phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về Văn phòng đại diện, Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, gồm:

- Bãi bỏ đầu mục hồ sơ “Bản sao Điều lệ hoạt động của thương nhân đối với thương nhân nước ngoài là các tổ chức kinh tế quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 5.

- Bãi bỏ nội dung “Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương có quy định thời hạn hoạt động của thương nhân nước ngoài thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm” quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 5.

- Quy định rõ “tài liệu khác có giá trị tương đương” tại Điểm c Khoản 1 Điều 5.

- Sửa đổi thời hạn giải quyết thủ tục hành chính quy định tại Khoản 2 Điều 7 “Đối với việc thành lập Văn phòng đại diện, trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ....” thành “Đối với việc thành lập Văn phòng đi diện, trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ...”.

- Bổ sung thẩm quyền của Ban Quản lý các khu công nghiệp thực hiện cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam vào Điều 3.

1.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 5.546.000 đồng/năm

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 3.596.000 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 1.950.000 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 35%.

2. Thủ tục: Cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

2.1. Nội dung đơn giản hóa

Đề nghị thay thế thủ tục “Cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” quy định tại Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 của Chính phủ, bằng thủ tục “Thông báo thay đổi ngành, nghề kinh doanh”.

Lý do: Đến nay một số điều kiện mà doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phải đáp ứng khi thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa đã không còn cần thiết phải thẩm tra để cấp phép. Mục tiêu quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán hàng hóa của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chỉ còn đảm bảo các hoạt động này phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và theo danh mục hàng hóa không được thực hiện. Do vậy, không cần thiết phải thực hiện thủ tục thẩm tra cấp Giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa, mà có thể áp dụng hình thức quản lý khác đơn giản hơn, ít tốn kém hơn mà vẫn đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước và quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

2.2. Kiến nghị thực thi

- Sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số điều, khoản quy định tại của Nghị định số 23/2007/NĐ-CP ngày 12/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể:

+ Bãi bỏ nội dung “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm cấp Giấy phép kinh doanh để hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (sau đây gọi tắt là Giấy phép kinh doanh) cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư (gọi chung là Giấy chứng nhận đầu tư) sau khi có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Thương mại, trừ các trường hợp quy định tại Khoản 2 và 3 Điều này” quy định tại Khoản 1 Điều 5.

+ Bãi bỏ Điều 7 quy định về “Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh”.

+ Bãi bỏ Điều 8 quy định về “Quy trình cấp Giấy phép kinh doanh".

+ Bãi bỏ Điều 9 quy định về “Nội dung và thời hạn hiệu lực của Giấy phép kinh doanh”.

+ Bãi bỏ Điều 10 quy định về “Sửa đổi, bổ sung Giấy phép kinh doanh”.

+ Bãi Bỏ điều 11 quy định về “Cấp lại Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa”.

- Sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số điều, khoản quy định tại Thông tư số 08/2013/TT-BCT ngày 22/4/2013 của Bộ Công thương quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, cụ thể:

+ Bải bỏ Điều 12 quy định về “Cấp phép bổ sung mục tiêu hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa”.

+ Bải bỏ Điều 13 quy định về “Sửa đổi, bổ sung Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa”.

+ Bải bỏ Điều 14 quy định về “Cấp lại Giấy phép kinh doanh”.

2.3. Lợi ích phương án đơn giản hóa

- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 6.728.000 đồng/năm.

- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 380.000 đồng/năm.

- Chi phí tiết kiệm: 6.348.000 đồng/năm.

- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 94,4%.