Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1476/QĐ-UBND | Yên Bái, ngày 21 tháng 7 năm 2021 |
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI NGÀNH DỊCH VỤ TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2021-2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 19 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025;
Căn cứ Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 30 tháng 10 năm 2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 30-NQ/TƯ ngày 24 tháng 02 năm 2021 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển ngành dịch vụ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025;
Căn cứ Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 16 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái 5 năm 2021 - 2025;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 75/TTr-SKHĐT ngày 25 tháng 6 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành dịch vụ tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 (Đề án kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
CƠ CẤU LẠI NGÀNH DỊCH VỤ TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1476/QĐ-UBND ngày 21 tháng năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái)
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Trong những năm qua, ngành dịch vụ tỉnh Yên Bái đã không ngừng phát triển và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tỷ trọng các ngành dịch vụ tăng dần trong cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, ngành dịch vụ của tỉnh vẫn còn rất nhiều khó khăn, hạn chế như: đóng góp chưa nhiều cho tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm; quy mô hoạt động nhỏ; phát triển chưa đồng đều; thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả và chất lượng chưa cao; mức độ xã hội hóa chưa mạnh mẽ; hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ; công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch và quản lý nhà nước chuyên ngành còn hạn chế; chưa hình thành các chuỗi giá trị, chưa tạo ra các sản phẩm, dịch vụ, điểm đến hấp dẫn, nổi trội, khác biệt, có lợi thế cạnh tranh cao; nguồn nhân lực ngành dịch vụ hạn chế cả về số lượng và chất lượng; thiếu những dự án mang tính động lực để tạo sự phát triển bứt phá cho ngành dịch vụ của tỉnh...
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định rõ phương hướng phát triển trong thời gian tới là “Phát triển mạnh dịch vụ, thương mại; đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững”; phát triển kinh tế số; phát triển mạnh khu vực dịch vụ trên nền tảng ứng dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, nhất là các dịch vụ có giá trị gia tăng cao; chủ động tham gia tích cực các chương trình mục tiêu quốc gia góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc. Yên Bái là đối tác, hợp tác hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn, là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX đã ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TU ngày 24/02/2021 về phát triển ngành dịch vụ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, việc xây dựng và ban hành “Đề án cơ cấu lại ngành dịch vụ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025” là thực sự cần thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm cơ sở để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện cơ cấu lại ngành dịch vụ và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư, huy động các nguồn lực nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh về du lịch, thương mại,... góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
1. Chủ trương của Đảng
- Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
- Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
- Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
- Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
- Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 06/10/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
- Chương trình hành động số 83-CTr/TU ngày 05/8/2017 của Tỉnh ủy Yên Bái thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
- Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
- Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
- Chương trình hành động số 10-CTr/TU ngày 30/10/2020 của Tỉnh ủy Yên Bái thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
- Nghị quyết số 30-NQ/TU ngày 24/02/2021 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về phát triển ngành dịch vụ tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
2. Căn cứ pháp lý
- Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15/6/2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17/6/2014.
- Luật Thương mại ngày 14/6/2005.
- Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006.
- Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008.
- Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16/6/2010.
- Luật các tổ chức tín dụng ngày 16/6/2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng ngày 20/11/2017.
- Luật Xuất bản ngày 20/11/2012.
- Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18/6/2013.
- Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20/11/2014.
- Luật Báo chí ngày 05/4/2016.
- Luật Du lịch ngày 19/6/2017.
- Luật Giáo dục ngày 14/6/2019.
- Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.
- Nghị định số 163/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ logistics.
- Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.
- Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới.
- Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/02/2017 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW và Nghị quyết số 24/2016/QH14.
- Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025.
- Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Quyết định số 355/QĐ-TTg ngày 25/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Quyết định 950/QĐ-TTg ngày 25/07/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.
- Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030.
- Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 04/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
- Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới.
- Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
- Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Quyết định số 1497/QĐ-TTg ngày 08/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
- Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030.
- Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Quyết định số 283/QĐ-TTg ngày 19/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.
- Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Quyết định số 531/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- Quyết định số 34/QĐ-NHNN ngày 07/01/2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Nghị quyết số 09/2020/NQ-HĐND ngày 14/4/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2020 - 2025.
- Nghị quyết số 56/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái 5 năm 2021 - 2025.
- Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025.
- Nghị quyết số 70/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025.
- Nghị quyết số 71/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua một số Đề án phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025.
- Nghị quyết số 73/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025.
- Nghị quyết số 05/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025.
- Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định một số chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025.
- Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025.
- Nghị quyết số 12/2021/NQ-HĐND ngày 19/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định một số chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025.
1. Đánh giá thực trạng ngành dịch vụ trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.
2. Xác định quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ cơ cấu lại ngành dịch vụ trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển, thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 cũng như mục tiêu, định hướng phát triển của quốc gia về cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2025.
3. Đề ra các nhóm giải pháp cơ cấu lại ngành dịch vụ để đưa dịch vụ Yên Bái phát triển nhanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập nâng cao mức sống cho người lao động, nâng tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế và phát triển hài hòa các mục tiêu, đảm bảo phát triển bền vững.
4. Làm căn cứ lập kế hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các ngành dịch vụ.
IV. PHẠM VI THỰC HIỆN VÀ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Phạm vi thực hiện: Đề án thực hiện trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân có liên quan hoạt động kinh doanh dịch vụ và các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.
ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG NGÀNH DỊCH VỤ TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ngành dịch vụ đóng vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Những năm qua, ngành dịch vụ đạt được một số kết quả khá khả quan: Tốc độ tăng trưởng ngành dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 5,62%/năm; tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm 42,02% GRDP toàn tỉnh, là ngành có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế; tỷ lệ lao động làm việc trong ngành dịch vụ chiếm khoảng 22,8% (trong đó lao động qua đào tạo đạt khoảng 27,6%); vốn đầu tư phát triển ngành dịch vụ đạt 42.327 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ đã có bước tăng trưởng khá, đáp ứng ngày tốt hơn nhu cầu đầu tư, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Giai đoạn 2016 - 2020, đã cấp chủ trương đầu tư cho trên 50 dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ với tổng số vốn đăng ký 17.026 tỷ đồng, trong đó có nhiêu tập đoàn, tổng công ty bán lẻ, ngân hàng, bảo hiểm lớn đã đầu tư vào thị trường Yên Bái, góp phần đa dạng hóa loại hình dịch vụ, nâng cao chất lượng, tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, sự phát triển dịch vụ còn nhiều hạn chế, tốc độ tăng trưởng chưa cao, thấp hơn tốc độ tăng trưởng GRDP chung của tỉnh (6,14%/năm). Ngành dịch vụ chưa thể hiện được vai trò chủ đạo dẫn dắt tốc độ tăng trưởng nền kinh tế, quy mô và chất lượng dịch vụ chưa tương ứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tốc độ chuyển dịch cơ cấu GRDP của nền kinh tế theo hướng dịch vụ hóa còn chậm, tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP tuy đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực xong còn chậm và tác động lan tỏa thấp. Hệ thống phân phối còn nhiều bất cập, chi phí trung gian lớn, chưa kết nối thông suốt, hiệu quả và chưa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ, tính chuyên nghiệp chưa cao.
Yên Bái là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư vẫn phụ thuộc phần lớn vào sự hỗ trợ của trung ương nên chưa chủ động được nguồn lực để đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng phục vụ các ngành dịch vụ. Một số ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vai trò, vị trí của việc phát triển dịch vụ; sự phối hợp giữa các ngành, địa phương trong phát triển dịch vụ còn chưa chặt chẽ, đồng bộ; chưa có định hướng dài hạn về phát triển ngành dịch vụ rõ ràng; cơ chế chính sách chưa thật sự thu hút được các nhà đầu tư. Tình hình thiên tai, dịch bệnh nhất là dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động và ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, nhất là đối với các lĩnh vực du lịch, thương mại, vận tải,...
II. KẾT QUẢ MỘT SỐ NGÀNH DỊCH VỤ
Thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TU ngày 18/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XVIII về đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Kết cấu hạ tầng phục vụ ngành du lịch đã được quan tâm đầu tư, các khu du lịch đã được hình thành và phát triển; sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng. Hoạt động du lịch gan với sự kiện, lễ hội được tổ chức ngày càng chuyên nghiệp và chất lượng, góp phần giữ gìn và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống và tạo được ấn tượng tốt đẹp với du khách. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng được tăng cường; vị trí của du lịch Yên Bái, đặc biệt là du lịch tại một số địa phương trọng điểm như: huyện Mù Cang Chải, thị xã Nghĩa Lộ... tiếp tục được khẳng định trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế. Du lịch Yên Bái đang trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 lao động, góp phần tăng thu nhập cho người dân và tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân. Giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã đón 3.054.000 lượt khách (năm 2020 đón 760.000 lượt khách), trong đó khách quốc tế là 227.158 lượt khách; tốc độ tăng trưởng bình quân khách du lịch hàng năm đạt 10,3%, tăng 1,8% so với mục tiêu Nghị quyết; doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân hàng năm 19,6%, tăng 8,2% so với mục tiêu Nghị quyết; hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 449 cơ sở lưu trú, trong đó khách sạn, nhà nghỉ là 240 cơ sở (với 3.027 phòng, 03 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao) và 209 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay). Hoạt động du lịch đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa thực sự khai thác hết tiềm năng, lợi thế về du lịch của tỉnh; hiệu quả hoạt động kinh doanh du lịch còn thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao; chưa giữ chân được khách lưu trú, đặc biệt là khách quốc tế; sản phẩm du lịch chưa thật sự đa dạng, thiếu hấp dẫn, hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí gắn với du lịch còn đơn điệu; hạ tầng phục vụ du lịch còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hệ thống cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu cho các phân khúc thị trường khách du lịch.
Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, quảng bá xúc tiến du lịch còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa có chiến lược quảng bá cho cả giai đoạn; việc tổ chức hoạt động du lịch còn thiếu tính liên kết; sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương còn chưa chặt chẽ; chưa thu hút được các nhà đầu tư có ảnh hưởng lớn để đầu tư phát triển đồng bộ các vùng du lịch của tỉnh. Hạ tầng về kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực trong ngành vừa thiếu, vừa yếu, đặc biệt là nguồn nhân lực qua đào tạo.
Hoạt động dịch vụ thương mại, xuất nhập khẩu của tỉnh đã đạt được kết quả tích cực và có sự phát triển khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2020 là 18.766 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,55%/năm. Tốc độ tăng trưởng của ngành thương mại, dịch vụ năm 2020 đạt 5%; tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành thương mại, dịch vụ chiếm 42% trong GRDP; tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng qua mạng lưới thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại đạt 10%; tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại đạt 6%. Hoạt động xuất khẩu tiếp tục tăng khá, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 20,05%/năm. Giá trị xuất khẩu năm 2020 đạt 164,2 triệu USD, gấp 2,5 lần so với năm 2015, trong đó: tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng khoáng sản đang có xu hướng giảm, từ trên 50% năm 2015 xuống còn khoảng 35% năm 2020; nhóm công nghiệp nhẹ, công nghiệp chế biến tăng từ 38,4% năm 2015 lên trên 50% năm 2020.
Cơ sở hạ tầng thương mại từng bước được cải tạo, đầu tư xây dựng mới và ngày càng hoàn thiện. Toàn tỉnh hiện có 01 trung tâm thương mại hạng III, 02 siêu thị hạng II, 99 chợ (trong đó có 04 chợ hạng II, 95 chợ hạng III), 116 cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu, 150 cửa hàng tiện ích và 22.564 cửa hàng, cửa hiệu. Thương mại điện tử đã từng bước đi vào cuộc sống, góp phần tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 15% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 20% các giao dịch mua hàng trên website và ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; 10% giá trị giao dịch thương mại điện tử B2C ở các huyện, thị xã; 20% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 15% các doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử và cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng; 75% cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp được cập nhật kiến thức mới về thương mại điện tử thông qua tuyên truyền và tập huấn ngắn hạn; 100% doanh nghiệp tham gia kết nối mạng internet, ứng dụng thư điện tử, ứng dụng các phần mềm khai báo thuế, bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng dịch vụ thương mại chưa bền vững và chưa thể hiện được vai trò là ngành dịch vụ có tiềm năng của tỉnh. Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hệ thống các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại hiện đại, cửa hàng tiện ích,... Chưa thu hút được nhiều nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng thương mại. Hoạt động thương mại trên địa bàn còn chậm phát triển, chưa có các trung tâm thương mại lớn mang tính liên kết khu vực, liên kết vùng.
Chất lượng quy hoạch chưa cao, chưa hình thành cụm thương mại dịch vụ nào, chưa có khu vực riêng để tổ chức Hội chợ, triển lãm và các hoạt động ngoài trời khác. Môi trường đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển thương mại. Dịch vụ thương mại chưa có bước tiến mang tính đột phá để chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực.
3. Dịch vụ Giáo dục và Đào tạo
Toàn tỉnh hiện có tổng số 466 cơ sở giáo dục riêng các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông có 443 trường (179 trường Mầm non, 56 trường TH, 182 trường THCS và 26 trường THPT), 6.792 lớp, 221.316 cháu mầm non, học sinh phổ thông so với năm học 2015 - 2016 khối các trường mầm non, phổ thông giảm 124 trường, tăng 91 lớp, tăng 27.806 học sinh. Chất lượng giáo dục ngày càng được nâng lên, trong 5 năm, từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có 2.859 lượt học sinh đoạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa THCS, THPT cấp tỉnh, cấp quốc gia. Công tác xã hội hóa đã đạt được nhũng kết quả nhất định, bước đầu huy động được nhiều nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng và sửa chữa, nâng cấp nhiều công trình đã góp phần cùng Nhà nước giải quyết khó khăn bước đầu về cơ sở vật chất trong ngành Giáo dục và Đào tạo. Trong giai đoạn 2016 - 2020, đã huy động nguồn xã hội hóa được trên 120 tỷ đồng.
Phát triển giáo dục vùng cao, vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 09 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) với 88 lớp, 2.997 học sinh; học sinh người DTTS cấp THCS, THPT được học tại trường PTDTNT đạt trên 7%. Hệ thống trường PTDTBT được củng cố và phát triển với quy mô 50 trường PTDTBT, 57 trường có học sinh bán trú, 25.705 học sinh bán trú. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã được quan tâm, đến hết năm 2020, tỷ lệ số trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia đạt 56,4%, tăng 19,0% so với năm 2015.
Chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ tiếp tục được duy trì và nâng cao. Số xã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi: 173/173 đơn vị cấp xã, 9/9 đơn vị cấp huyện, số xã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học: 100% đơn vị cấp xã, đạt chuẩn mức độ III; 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn mức độ III. Số xã duy trì phổ cập giáo dục trung học cơ sở: 173/173 xã đạt chuẩn mức độ 1, 170/173 xã đạt chuẩn mức độ II; 82/173 xã đạt chuẩn mức độ III; 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn mức độ II. 173/173 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ I, đạt 100%, trong đó có 152/173 đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ II, đạt 87,86%.
Mạng lưới trường, lớp ngoài công lập được quan tâm, phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 25 đơn vị ngoài công lập bao gồm 15 trường Mầm non, 29 nhóm trẻ, lớp tư thục độc lập với 140 lớp, 2.858 học sinh; 10 trung tâm Ngoại ngữ, tin học. Công tác phân luồng học sinh, phát triển quy mô gắn với nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp luôn được chú trọng, triển khai có hiệu quả. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn đã đạt được những kết quả bước đầu; tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp của các ngành, địa phương có liên quan. Qua đó, nâng cao năng lực đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của cả nước và hội nhập quốc tế. Đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trong đó có 05 trường Cao đẳng, Trung cấp đào tạo nghề công lập); thực hiện tuyển sinh đào tạo cho 20.386 người, tạo việc làm cho 21.381 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 63,2% (trong đó lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 31,5%); tỷ lệ lao động được đào tạo ở nhóm ngành dịch vụ so với tổng số lao động được đào tạo nghề hàng năm đạt 22,4%. Giai đoạn 2016 - 2020, từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động dạy nghề của các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, hoạt động truyền nghề, tự học nghề... tỉnh Yên Bái đã đào tạo cho 101.309 người, trong đó: trình độ Cao đẳng 7.545 người, Trung cấp 13.576 người, Sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng 80.188 người.
Tuy vậy, chất lượng giáo dục giữa các loại hình, giữa các khu vực, vùng miên, địa phương trong tỉnh còn có sự chênh lệch rõ rệt. Công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ ở một số xã vùng khó khăn còn chưa thật sự vững chắc. Đội ngũ giáo viên các trường mầm non, phổ thông còn thiếu so với yêu cầu. Các điều kiện đảm bảo cho phát triển giáo dục và phổ cập giáo dục còn ở mức thấp, nhất là ở bậc học mầm non; các trường phổ thông dân tộc bán trú còn thiếu phòng ở, công trình phụ trợ phục vụ cho học sinh. Gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp dịch vụ chưa được chặt chẽ; đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp chưa nhiều.
Việc huy động các nguồn lực nhất là việc thực hiện xã hội hóa giáo dục còn hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số nhà trường chưa thật hiệu quả, chậm đổi mới, chưa chủ động liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước. Một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên năng lực chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh ít, quy mô nhỏ, nhu cầu sử dụng không nhiều lao động.
4. Dịch vụ Y tế, chăm sóc sức khỏe
Tổ chức bộ máy ngành y tế tiếp tục được sắp xếp và kiện toàn theo hướng tinh gọn. Hệ thống y tế công lập gồm: 12 đơn vị tuyến tỉnh (02 chi cục, 03 đơn vị sự nghiệp dự phòng và lĩnh vực khác; 02 Bệnh viện đa khoa, 05 bệnh viện chuyên khoa); tuyến huyện có 08 Trung tâm Y tế huyện, thành phố đa chức năng, 01 Trung tâm y tế thị xã Nghĩa Lộ thực hiện chức năng y tế dự phòng và dân số, 18 phòng khám đa khoa khu vực; tuyến xã có 155 trạm y tế. Y tế tư nhân gồm: 02 Bệnh viện đa khoa, 06 phòng khám đa khoa và 208 cơ sở hành nghề khác (phòng khám chuyên khoa, phòng chẩn trị y học cổ truyền, cơ sở chẩn đoán hình ảnh,...). Dược tư nhân gồm 483 cơ sở: 09 công ty, 123 nhà thuốc, 343 quầy thuốc bán lẻ, 08 loại hình khác. Bệnh viện Giao thông vận tải đang thực hiện các thủ tục bàn giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp nhận, quản lý.
Xã hội hóa y tế ngày càng phát triển, giai đoạn từ 2017 đến nay có tổng số 08/15 cơ sở khám chữa bệnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật có thực hiện xã hội hóa bằng hình thức hợp đồng liên doanh 13 hợp đồng, đề án liên doanh 12 đề án. Đến nay, 13 hợp đồng liên doanh và 09 đề án liên doanh kết thúc, còn 03 đề án đang thực hiện tại đơn vị.
Công tác y tế dự phòng được triển khai chủ động, tiếp cận được nhiều kỹ thuật tiên tiến để phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Hệ thống giám sát dịch được củng cố, hoạt động tiêm chủng mở rộng, kiểm soát bệnh không lây nhiễm, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, y tế học đường, bệnh nghề nghiệp,... từng bước phát triển ngày càng đáp ứng nhu cầu của người dân. Y tế cơ sở đã được củng cố và tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị và chất lượng hoạt động. Trạm y tế xã hoạt động theo nguyên lý y học gia đình dần triển khai rõ nét và mở rộng.
Công tác khám, chữa bệnh có sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng khám, điều trị và thái độ phục vụ; các cơ sở y tế xác định lấy người bệnh làm trung tâm, tiến tới sự hài lòng của người bệnh. Xây dựng cơ sở y tế xanh - sạch - đẹp, an toàn; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư hiện đại; triển khai áp dụng thêm nhiều kỹ thuật mới chuyên sâu cả ở tuyến tỉnh và tuyến huyện như: phẫu thuật nội soi; phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng; phẫu thuật sọ não, thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp IUI, kỹ thuật chụp và can thiệp mạch trên hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái; triển khai điều trị tắc tia sữa bằng máy siêu âm đa tần, tia hồng ngoại tại Bệnh viện Sản Nhi (đơn vị đầu tiên của khu vực phía Bắc). Việc chuyển tuyến nội trú ngày càng được cải thiện; năm 2018, 2019, tỷ lệ chuyện tuyến nội trú là 3,9%; năm 2020, tỷ lệ chuyển tuyến nội trú giảm còn 3,4%; đặc biệt ở những chuyên khoa như: Ung thư, tâm - thần kinh, nội tiết, tim mạch, bệnh về máu... người dân không phải chuyển tuyến trên điều trị góp phần giảm chi phí của người dân đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Điểm bình quân chất lượng bệnh viện trên toàn tỉnh tăng dần qua các năm đến năm 2020 là 3,19 điểm (tối đa 5 điểm), có 01 đơn vị đạt mức tốt và 11 đơn vị đạt mức khá. Các đơn vị sự nghiệp đã đổi mới trong cung ứng các dịch vụ y tế công: Xây dựng quy trình khám chữa bệnh hiệu quả, bố trí khoa khám bệnh hợp lý, giảm thời gian chờ đợi khi đến khám bệnh, tăng tiện nghi cho người bệnh điều trị nội trú, góp phần tăng tỷ lệ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế (Tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân ngoại trú đạt 94,8%; tỷ lệ hài lòng người bệnh nội trú tăng từ 91,9% năm 2017 lên 94,3% năm 2020).
Công nghệ thông tin đã được ứng dụng sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực y tế từ dự phòng đến khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu, đã thực hiện khám chữa bệnh không giấy tờ ở nhiều khâu, hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa được thiết lập, kết nối. Năm 2020 có 8/15 đơn vị triển khai thực hiện Đề án khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe, dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao còn thiêu, xã hội hóa y tế chưa mạnh, liên kết trong dịch vụ y tế chậm phát triển. Cải tiến chất lượng ở các đơn vị chưa được thúc đẩy mạnh mẽ, bài bản. Y tế cơ sở đã được củng cố và tăng cường nhưng chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu, vận chuyển tuyến huyện, tuyến tỉnh để khám chữa các bệnh thông thường. Công nghệ thông tin đã được ứng dụng sâu rộng ở tất cả các lĩnh vực y tế, nhưng các phần mềm chưa được liên thông, cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ. Cơ chế tự chủ trong lĩnh vực y tế chưa được nâng cao.
Nhân lực y tế thiếu ở tất cả các tuyến, nhất là cán bộ có trình độ chuyên môn giỏi, chất lượng cao; thiếu bác sỹ làm việc tại các huyện vùng cao và trạm y tế xã. Chính sách đãi ngộ, thu hút cán bộ y tế còn nhiều điểm chưa phù hợp, chưa khuyến khích được cán bộ công tác tại các xã đặc biệt khó khăn, nhũng lĩnh vực đặc biệt độc hại. Các đơn vị sự nghiệp công thực hiện tự chủ tài chính còn gặp khó khăn do trình độ quản lý về tài chính còn yếu, cơ chế giao tự chủ chưa tạo động lực thúc đẩy các đơn vị phát triển. Hệ thống các văn bản quy định về xã hội hóa y tế còn chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ. Mô hình bệnh tật thay đổi, các bệnh truyền nhiễm đang diễn biến vô cùng phức tạp; các bệnh không truyền nhiễm, bệnh lạ, bệnh mới cũng diễn biến rất khó lường.
5. Dịch vụ Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm
Dịch vụ ngân hàng tiếp tục phát triển, đa dạng hóa các loại hình và hiện đại hóa. Đến nay, toàn tỉnh có 10 chi nhánh ngân hàng loại I, 09 chi nhánh ngân hàng loại II, 49 máy rút tiền tự động (ATM), 14 phòng giao dịch bưu điện, 173 điểm giao dịch, 17 quỹ tín dụng nhân dân và 05 điểm giao dịch lưu động. Tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các chi nhánh ngân hàng thương mại là 05%, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế là 10%.
Tổng nguồn vốn của các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng trên địa bàn tỉnh đến 31/12/2020 đạt 30.067 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 19.863 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đạt 26.358 tỷ đồng, tăng gấp 2,25 lần so với thực hiện năm 2015. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng so với tổng dư nợ cho vay hằng năm của các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng luôn ở mức thấp dưới 1% (năm 2015 là 0,23%, năm 2016 là 0,33%, năm 2017 là 0,37%, năm 2018 là 0,29%, năm 2019 là 0,44% và năm 2020 là 0,5%). Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán là 10%.
Số lượng thẻ thanh toán ATM đã phát hành là 345.979 thẻ; số đơn vị hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thực hiện thanh toán lương qua tài khoản là 979/1.036 đơn vị, đạt 94,5%. Đến 31/12/2020, số giao dịch qua máy ATM là 3.579.776 lượt, đạt 259,35%; số giao dịch thanh toán qua Internet là 1.182.489 lượt, đạt 48,49%; số lượng giao dịch qua điện thoại di động thông minh là 6.647.431 lượt, đạt 293,5%.
Dịch vụ bảo hiểm trong thời gian qua đã tăng về quy mô và chất lượng phục vụ. Số người dân tham gia đóng bảo hiểm xã hội là 68.513 người, đạt 16,6 % số lượng so với lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó bảo hiểm xã hội bắt buộc là 52.031 người, bảo hiểm tự nguyện là 16.482 người. Nợ bảo hiểm xã hội đến 31/12/2020 là 36,2 tỷ đồng, tương đương 2,1% số phải thu. Dịch vụ bảo hiểm thương mại cung cấp chủ yếu là bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ gồm bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm tín dụng.
Tuy nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cũng đã ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức tín dụng. Các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân nguồn vốn hoạt động còn hạn chế, nguồn vốn huy động tại địa phương chỉ chiếm 65,4% tổng nguồn vốn hoạt động. Việc xử lý, thu hồi một số khoản nợ xấu gặp nhiều khó khăn. Mạng lưới chi nhánh ngân hàng thương mại chưa phát triển và bao phủ ở một số địa bàn tiềm năng như: thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Yên và huyện Mù Cang Chải. Sản phẩm bảo hiểm chưa đa dạng, đặc biệt các dịch vụ bảo hiểm liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp chưa được chú trọng.
Quy mô và năng lực tài chính của hệ thống tổ chức tín dụng nhỏ so với nhu cầu của nền kinh tế; khả năng sinh lời của các tổ chức tín dụng ở mức chưa cao. Cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng còn nặng về giá/lãi suất, chưa coi trọng đúng mức về chất lượng dịch vụ. Hoạt động cấp tín dụng vẫn là chủ yếu, dịch vụ phi tín dụng chưa phát triển. Năng lực quản trị điều hành và kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng còn nhiều bất cập so với quy mô và tốc độ tăng trưởng. Việc nâng cao năng lực tài chính thông qua vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng gặp rất nhiều khó khăn, việc đầu tư, trang bị tài sản, đổi mới công nghệ hiện đại còn hạn chế. Các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế cố định, trọn gói khó điều chỉnh theo nhu cầu thực tế. Cơ quan quản lý, các thành phần kinh tế chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, định hướng phát triển của các loại hình dịch vụ tài chính.
6. Dịch vụ Logistics và vận tải
Hoạt động vận tải những năm qua đã có nhiều đổi mới về phương thức và loại hình; nhu cầu vận tải hàng hóa và vận tải hành khách tăng nhanh về khối lượng vận chuyển và khối lượng luân chuyển; chất lượng vận tải ngày càng được nâng cao đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và giao lưu của nhân dân. Khối lượng vận chuyển hàng hóa năm 2020 ước đạt 10,8 triệu tấn, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,41%/năm; khối lượng luân chuyển hàng hóa năm 2020 ước đạt 220 triệu tấn.km, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,89%/năm. Khối lượng vận chuyển hành khách năm 2020 ước đạt 12,2 triệu người, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 4,68%/năm; khối lượng luân chuyển hành khách năm 2020 ước đạt 680 triệu người.km, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 7,51%/năm. Toàn tỉnh có 04 doanh nghiệp, 01 hợp tác xã với 386 đầu phương tiện kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định; 94 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng với khoảng 100 đầu phương tiện; 04 doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi với 214 đầu phương tiện; 773 doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hàng hóa và các hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động với 8.415 đầu phương tiện và 05 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe Container với 55 đầu phương tiện.
Dịch vụ hỗ trợ vận tải hàng hóa, kho bãi, vận tải logistics hiện nay chưa có. Tỷ lệ xe chạy rỗng đạt 9,8%. Tỷ trọng chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ trong cơ cấu chi phí logistics đạt 6,5%.
Tuy nhiên, chất lượng vận tải hành khách và hàng hóa chỉ ở mức trung bình so với các tỉnh trong khu vực, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hoạt động có quy mô nhỏ và siêu nhỏ; doanh nghiệp vận tải vẫn chưa có sự đầu tư tốt về phương tiện vận chuyển và nguồn nhân lực. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chở quá tải, đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định,... vẫn còn tồn tại. Công tác quản lý vận tải chưa thật sự được đổi mới, chưa theo kịp với sự phát triển. Hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và sự gia tăng của các phương tiện giao thông.
Việc triển khai thực hiện các văn bản quản lý nhà nước về lĩnh vực dịch vận tải và logistics còn chưa được sâu rộng, toàn diện, đồng bộ. Công tác phối hợp thực hiện chưa thật sự chặt chẽ, thường xuyên, nhất là giữa các cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng dịch vụ vận tải, logistics còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư và yêu cầu phát triển. Định hướng phát triển, vai trò dịch vụ Logistics đối với phát triển kinh tế - xã hội chưa được quan tâm đúng mức.
7. Dịch vụ Công nghệ thông tin và truyền thông
Hoạt động báo chí, xuất bản đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Toàn tỉnh hiện có 03 cơ sở in được cấp phép hoạt động với tổng số lao động 51 người, 17 cơ sở in tư nhân được cấp giấy xác nhận hoạt động in gia công sản phẩm, 01 cơ sở phát hành xuất bản phẩm và 09 cơ sở tư nhân. Năm 2020, các cơ sở in và phát hành xuất bản phẩm thực hiện in 132.991 triệu trang với tổng doanh thu đạt 12,9 tỷ đồng, phát hành trên 2.883.900 bản sách với tổng doanh thu đạt 28,6 tỷ đồng.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông hiện có 15 doanh nghiệp, trong đó: 09 doanh nghiệp bưu chính với tổng số 239 điểm giao dịch bưu chính, chuyển phát; 06 doanh nghiệp viễn thông với trên 70.000 km truyền dẫn quang, trên 1.000 vị trí trạm thông tin di động đảm bảo hạ tầng cung cấp dịch vụ cho 100% địa bàn các xã, phường, thị trấn, trên 80% số thôn, bản đáp ứng cho việc triển khai dịch vụ Internet cố định, băng rộng, di động. Doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông năm 2020 đạt 980 tỷ đồng, tăng 149% so với năm 2016 (tương đương 657 tỷ đồng), tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 9,8%/năm.
Hạ tầng công nghệ thông tin tại các cơ quan trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện. Đến hết năm 2020, 80% hồ sơ công việc cấp tỉnh, cấp huyện và 30% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 37,7% hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 65% cơ quan, đơn vị sử dụng dịch vụ in xuất bản phẩm, tài liệu tuyên truyền tại các cơ sở in trên địa bàn tỉnh; 80% dân số được phủ sóng 4G; 80% người sử dụng dịch vụ di động có sử dụng điện thoại thông minh; 100% máy tính từ tỉnh tới huyện, xã được kết nối mạng LAN, Internet tốc độ cao, được kết nối với mạng truyền số liệu chuyên dùng và đảm bảo an toàn thông tin. Hệ thống hội nghị giao ban điện tử đa phương tiện đã được triển khai tới 150 điểm cầu kết nối. Hệ thống Cổng dịch vụ Hành chính công, phần mềm một cửa điện tử, phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, thư điện tử được đã được triển khai đồng bộ, liên thông 04 cấp và sử dụng chữ ký số để trao đổi văn bản điện tử. Hoạt động kinh tế số bước đầu đã có sự phát triển, toàn tỉnh có hơn 100 doanh nghiệp công nghệ thông tin hoạt động trong lĩnh vực buôn bán, sửa chữa các sản phẩm công nghệ thông tin và thiết bị điện tử viễn thông, với quy mô còn nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu được bán trong tỉnh. Có 02 đơn vị sản xuất phần mềm, 01 đơn vị kinh doanh dịch vụ phần mềm và 05 doanh nghiệp cung cấp nội dung số.
Tuy nhiên, hạ tầng bưu chính, viễn thông mặc dù đã có sự phát triển nhưng còn chưa đồng đều; chưa phổ cập được dịch vụ 4G, chưa có dịch vụ 5G. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 có phát sinh hồ sơ thấp. Hạ tầng công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp còn chưa đồng bộ, hệ thống mạng LAN xây dựng không theo tiêu chuẩn, không đồng bộ, không có hệ thống an toàn, an ninh thông tin giám sát tập trung. Hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm tại địa phương còn nhiều khó khăn, hạn chế. Khả năng cung ứng các sản phẩm về công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm và nội dung số của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, chưa có những sản phẩm phần mềm đáp ứng được quy mô triển khai phổ cập phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.
Việc triển khai hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và cung cấp các dịch vụ chất lượng cao gặp nhiều khó khăn. Nhận thức và sự tiếp cận của người dân, doanh nghiệp đối với các dịch vụ công trực tuyến, các nền tảng số phục vụ sản xuất, kinh doanh chưa cao. Nguồn nhân lực về công nghệ thông tin còn thiếu và yếu; chưa có cơ chế, chính sách thu hút người giỏi về công nghệ thông tin vào làm việc tại cơ quan nhà nước. Các dự án công nghệ thông tin chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến tình trạng không chung nền tảng, gây khó khăn cho việc đồng bộ, kết nối. Đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông còn thiếu về số lượng, hạn chế về kinh nghiệm.
8. Dịch vụ Khoa học và Công nghệ
Việc triển khai thực hiện các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ trong thời gian qua đạt được nhiều thành tựu, đã chuyển giao và ứng dụng 17 mô hình thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học, chăn nuôi, thủy sản (8 mô hình công nghệ sinh học; 5 mô hình nông nghiệp và 04 mô hình chăn nuôi, thủy sản) cho người dân để áp dụng vào sản xuất.
Hoạt động dịch vụ thuộc lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã được chỉ định, công nhận hoạt động trên 03 lĩnh vực: Chỉ định kiểm định, hiệu chuẩn 20 loại phương tiện đo nhóm 2, chuẩn đo lường; công nhận thử nghiệm 05 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực điện - điện tử; cấp phép kiểm định 05 loại thiết bị X-quang chẩn đoán y tế, cung cấp dịch vụ kiểm xạ. Số lượng phương tiện đo được kiểm định, kiểm định đối chứng và đánh giá an toàn đã thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 là 24.190 lượt phương tiện đo. Hệ thống quản lý chất lượng trong các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp tục được triển khai có hiệu quả thông qua việc tổ chức các đoàn kiểm tra, đánh giá việc xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh. Kết quả thu được từ dịch vụ khoa học và công nghệ giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3,48 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động dịch vụ tư vấn, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ chưa phát huy được thế mạnh của đơn vị. Việc tổ chức triển khai nhân rộng các mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật tới người dân còn hạn chế. Một số mô hình hỗ trợ, chuyển giao còn nhỏ lẻ, manh mún nên hiệu quả mang lại chưa cao. Hoạt động dịch vụ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng chưa đáp ứng theo nhu cầu của tổ chức, doanh nghiệp. Trang thiết bị phục vụ cho lĩnh vực kiểm định mới chỉ đáp ứng yêu cầu được chỉ định kiểm định 20/68 loại phương tiện đo nhóm 2; lĩnh vực thử nghiệm chưa được đầu tư.
Nhận thức về phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ của người dân, doanh nghiệp còn chưa cao. Các tổ chức, cá nhân đặt hàng công nghệ hỗ trợ, tư vấn, chuyển giao khoa học và công nghệ gần như chưa phát triển, vẫn còn trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước. Các sản phẩm sản xuất kinh doanh và dịch vụ chủ yếu là các sản phẩm duy trì sản xuất từ các đề tài, dự án khoa học. Trại thực nghiệm chưa được đầu tư đồng bộ, chủ yếu hỗ trợ cho người dân để quảng bá giới thiệu sản phẩm chưa trở thành sản phẩm hàng hóa đem lại nguồn thu dịch vụ. Hoạt động cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể về định mức kinh tế - kỹ thuật gây khó khăn trong thực hiện.
Các ngành dịch vụ khác như: môi trường, nông lâm nghiệp, pháp lý, hành chính,... trong thời gian qua đã đóng góp một phần lớn giá trị GRDP trong tỷ trọng khu vực dịch vụ và tạo việc làm ổn định cho người lao động góp phần phục vụ đời sống dân sinh, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Tuy nhiên, các ngành dịch vụ chưa thực sự phát huy hết tiềm năng, lợi thế, mới chủ yếu thực hiện vai trò phục vụ theo yêu cầu; chưa chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ một cách đồng bộ. Một số ngành dịch vụ như tư pháp, hỗ trợ kinh doanh, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, vui chơi giải trí chất lượng cao... chưa thực sự được chú trọng.
Chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích đủ mạnh để thu hút nguồn lực đầu tư của các tổ chức xã hội, chưa phân cấp đủ mạnh và giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp.
NỘI DUNG CƠ CẤU LẠI NGÀNH DỊCH VỤ TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2021 -2025
1. Quan điểm
- Phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và lợi thế đặc trưng của từng vùng, địa phương trong tỉnh để phát triển các ngành dịch vụ trở thành khu vực kinh tế quan trọng, đóng góp tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh, bền vững.
- Tập trung cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh. Tập trung nguồn lực phát triển một số ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế của tỉnh, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như: Du lịch, thương mại, giáo dục, đào tạo nghề, y tế, chăm sóc sức khoẻ, tài chính, ngân hàng, logistics, vận tải,... Phát triển dịch vụ đa dạng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển theo chiều sâu, hướng tới cung cấp dịch vụ chất lượng cao, khẳng định thương hiệu, tính hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Khai thác triệt để lợi thế về vị trí địa lý để phát huy vai trò, vị thế là trung tâm liên kết phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Chú trọng giải pháp kết nối phát triển vùng, đầu tư đồng bộ dịch vụ logistics để tạo lợi thế cho các nhóm dịch vụ chất lượng cao phát triển trong tương lai.
- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển dịch vụ. Nguồn vốn từ ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển, củng cố, nâng cấp, hiện đại hóa có trọng điểm về kết cấu hạ tầng quan trọng như: giao thông kết nối vùng và liên vùng, hạ tầng điện, công nghệ thông tin, cung cấp nước sạch,... Thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung ứng các loại hình dịch vụ công, bảo đảm bình đẳng giữa các tổ chức cung ứng dịch vụ công lập và ngoài công lập.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Cơ cấu lại ngành dịch vụ theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh, tập trung vào các ngành dịch vụ có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”. Cơ cấu lại ngành dịch vụ có mối liên hệ mật thiết, liên thông, tương tác, hỗ trợ với cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành công nghiệp và các đề án phát triển giáo dục- đào tạo, xây dựng huyện Mù Cang chải thành huyện du lịch, thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch giai đoạn 2021- 2025,... Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển ngành dịch vụ theo hướng đồng bộ, xây dựng các sản phẩm dịch vụ chất lượng, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao. Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển các ngành dịch vụ theo cơ chế thị trường. Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ phù hợp với đặc điểm của từng vùng, địa phương theo nhu cầu xã hội.
2.2. Mục tiêu chủ yếu
Phấn đấu đến năm 2025 ngành dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng và chiếm tỷ trọng cao trong GRDP toàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ giai đoạn 2021 - 2025 trên 7,5%/năm; tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm khoảng 46,5% GRDP; tỷ lệ lao động làm việc trong ngành dịch vụ chiếm khoảng 26%, trong đó lao động qua đào tạo khoảng 32 - 35%. Cụ thể như sau:
(1) Dịch vụ Du lịch: Đón trên 1.500.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế 400.000 lượt, tăng trưởng bình quân đạt 14,6%/năm; doanh thu từ du lịch đạt khoảng 1.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân đạt 26%/năm; tạo việc làm cho khoảng 12.500 lao động.
(2) Dịch vụ Thương mại:
Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng qua mạng lưới thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại đạt 15 - 17%/năm; tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại chiếm khoảng 10 - 12% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 30.000 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 500 triệu USD.
(3) Dịch vụ Giáo dục và Đào tạo: Huy động trên 30% trẻ em trong độ tuổi ra nhà trẻ, 97% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp; 99,9% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; từ 97% trở lên học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; từ 95% trở lên học sinh hoàn thành cấp học trung học cơ sở; từ 90% trở lên học sinh hoàn thành cấp học trung học phổ thông; học sinh người dân tộc thiểu số cấp tiểu học, trung học cơ sở được học tại trường dân tộc bán trú đạt từ 30% trở lên; duy trì từ 70% trở lên số trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Đảm bảo số lượng giáo viên giảng dạy ở tất cả các cấp học; 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định.
(4) Dịch vụ Y tế, chăm sóc sức khỏe: Tuổi thọ trung bình người dân đạt 74,5 tuổi, số năm sống khoẻ đạt tối thiểu 68 năm; số bác sỹ/10 nghìn dân đạt 12 bác sỹ; số giường bệnh/10 nghìn dân đạt 35 giường bệnh; tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin 98,5%; tỷ lệ số xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế đạt trên 90%.
(5) Dịch vụ Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm: Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ hiện có để đạt mức tăng trưởng tín dụng hằng năm từ 12 - 14% năm; phát triển đa dạng các loại hình bảo hiểm; mở rộng phát triển thêm các loại hình dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của xã hội.
(6) Dịch vụ Logistics và vận tải: Khối lượng luân chuyển hàng hóa dự kiến 302 triệu tấn.km, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 8,4%/năm; khối lượng luân chuyển hành khách dự kiến 982 triệu người.km, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 8,5%/năm.
(7) Dịch vụ Công nghệ thông tin và truyền thông: Phát triển hạ tầng bưu chính theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số; chuyển dịch hạ tầng viễn thông sang hạ tầng ICT, phát triển hạ tầng số theo hướng đồng bộ, hiện đại để thúc đẩy chuyển đổi số, hướng tới nền kinh tế số, xã hội số; 100% các khu, cụm công nghiệp và trung tâm huyện, thị xã, thành phố được phủ sóng 4G/5G; 50% hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền; cung cấp 100% các dịch vụ hành chính công trực tuyến ở mức độ 4 trên địa bàn tỉnh.
(8) Dịch vụ Khoa học và Công nghệ: Xây dựng 20 - 25 mô hình chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đến người dân.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. 1. Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch
- Rà soát, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch phát triển ngành dịch vụ tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Yên Bái thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021 - 2030 và các Quy hoạch xây dựng bảo đảm tính khoa học, gắn kết, đồng bộ và hệ thống giữa các quy hoạch làm cơ sở để các cấp, các ngành thực hiện điều chỉnh các chương trình, đề án, chính sách có liên quan bảo đảm phù hợp với tình hình, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội gắn với yêu cầu thị trường nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển dịch vụ.
- Quy hoạch quỹ đất cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ để thu hút các dự án đầu tư và mở rộng quy mô hoạt động của các loại hình dịch vụ. Tăng cường việc giám sát, quản lý tốt việc thực hiện các quy hoạch, công khai lộ trình thực hiện quy hoạch...
1.2. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, từng bước cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của các ngành dịch vụ trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ công, tăng cường quản lý nhà nước về dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); môi trường đầu tư thông thoáng, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ. Kiểm tra, quản lý chặt chẽ và xử lý theo đúng pháp luật đối với dự án đầu tư không thực hiện đúng theo cam kết.
1.3. Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ
- Rà soát điều chỉnh, bổ sung và xây dựng mới các cơ chế, chính sách theo hướng thông thoáng, hấp dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, đầu tư kinh doanh phát triển dịch vụ. Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngành dịch vụ.
- Thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển dịch vụ của Trung ương; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực như: thương mại, du lịch, giáo dục, y tế, khoa học và công nghệ, thông tin và truyền thông, kho bãi, logistics,... Ưu tiên các dự án có kỹ thuật, công nghệ cao; nhà đầu tư có thương hiệu và năng lực tài chính tốt, tạo ra một số sản phẩm đặc trưng, khác biệt của tỉnh để dẫn dắt hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp trong tỉnh.
1.4. Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ để phát triển dịch vụ
- Tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng, trang bị phương tiện kỹ thuật theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm tạo thuận lợi cho phát triển dịch vụ. Bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho việc phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng có tính kết nối, mang tính lan tỏa và thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ.
- Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật ngành dịch vụ, phát triển nhân lực và quảng bá xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch; khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ theo hình thức đối tác công tư (PPP) để phát triển kết cấu hạ tầng với các công trình đồng bộ, hiện đại. Đầu tư trọng tâm, trọng điểm, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công, từng bước điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo hướng giảm dần tỷ trọng đầu tư từ nhà nước, tăng nguồn vốn tín dụng phát triển, vốn đầu tư của các doanh nghiệp và vốn trong dân để đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ.
1.5. Phát triển các sản phẩm chủ yếu
- Từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên thị trường quốc gia, khu vực và quốc tế; đẩy mạnh tiềm năng và lợi thế của từng ngành dịch vụ, không ngừng tăng cường hợp tác giữa các ngành dịch vụ để cùng cạnh tranh và phát triển; xây dựng các vùng liên kết dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp để tạo tác động lan tỏa của ngành dịch vụ đối với nền kinh tế. Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển các ngành dịch vụ du lịch, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế,...
- Tập trung phát triển đào tạo một số ngành, sản phẩm dịch vụ có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh theo hướng hài hòa, gắn kết giữa các vùng, hiện đại hóa, tăng trưởng xanh và bền vững gắn với nâng cao uy tín chất lượng sản phẩm dịch vụ của tỉnh: du lịch, thương mại,... Đồng thời phát triển hình thành một số trung tâm dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, khác biệt, có năng lực cạnh tranh tầm quốc gia và khu vực quốc tế.
- Phát triển các sản phẩm du lịch: du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm; sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - làng nghề truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc phục vụ du lịch. Các sản phẩm dịch vụ khác như: bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ, y tế, bảo hiểm nông nghiệp, hệ thống thẻ du lịch; dịch vụ khoa học và công nghệ; dịch vụ công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông chất lượng cao,...
1.6. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực dịch vụ
- Thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực dịch vụ, có kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm nghề nghiệp cao. Tăng cường sự kết nối, phối hợp, hỗ trợ giữa các đơn vị cung ứng, đào tạo và sử dụng lao động, xây dựng các chương trình đào tạo kết hợp giữa kiến thức chuyên môn với kinh nghiệm thực tế để cung ứng cho thị trường nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
- Đa dạng hóa các loại hình đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhà quản lý kinh doanh đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ trong điều kiện hội nhập. Đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đào tạo nghề để chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ.
1.7. Tăng cường công tác truyền thông, quảng bá và phát triển thị trường
Không ngừng mở rộng xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm có thể mạnh của Yên Bái ra bên ngoài thông qua hoạt động đối ngoại, tổ chức hội chợ, hội thảo trong nước và quốc tế,... Tăng cường tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương, của tỉnh (Cổng thông tin điện tử, website...); sản xuất và phát hành các ấn phẩm báo chí; xây dựng phim tài liệu quảng bá, giới thiệu du lịch Yên Bái.
1.8. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường
- Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ theo hướng phát triển dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, ứng dụng các thành tựu khoa học Cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ như du lịch, logistics và vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông, thương mại, tài chính, ngân hàng, y tế, giáo dục,... Duy trì tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh và tăng dần tỷ trọng khu vực dịch vụ trong cơ cấu GRDP.
- Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển dịch vụ kết hợp với việc nâng cao ý thức của người dân với mục tiêu tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, sinh thái tại các khu dịch vụ, khu du lịch. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ các hoạt động kinh doanh dịch vụ nhằm đa dạng hoá các loại hình dịch vụ. Triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, dự án bảo vệ môi trường; có giải pháp huy động các nguồn lực để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
1.9. Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, hiệu lực hiệu quả quản lý của nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể và nhân dân
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, chính quyền và công tác vận động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư tham gia đầu tư các dự án trong lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng, thẩm định dự án,... tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trên cơ sở quy định của pháp luật. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước; công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho nhân dân về vai trò ngành dịch vụ trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong phát triển dịch vụ.
2. Nhiệm vụ, giải pháp một số ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế
2.1. Dịch vụ Du lịch
- Xây dựng, định vị rõ thương hiệu du lịch Yên Bái và hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị, tạo hình ảnh và điểm đến đặc thù “Yên Bái - Nơi hội tụ sắc màu Tây Bắc” với các loại hình: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch tìm hiểu văn hóa dân tộc thiểu số, lễ hội truyền thống; du lịch tham quan các di tích lịch sử - văn hóa; du lịch thể thao, vui chơi, giải trí,... ở bốn vùng du lịch trọng điểm của tỉnh.
- Tập trung phát triển nhanh kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ phục vụ phát triển du lịch gồm hạ tầng giao thông kết nối, công nghệ thông tin tại các khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia, khu vực có tiềm năng phát triển du lịch.
- Phát triển sản phẩm du lịch chất lượng, đa dạng, bản sắc dân tộc, đặc sắc khác biệt, có giá trị gia tăng cao và tăng tính trải nghiệm cho du khách dựa trên lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan của tùng vùng, địa phương phù hợp với nhu cầu của thị trường và khả năng cạnh tranh của du lịch Yên Bái như: xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch “Con đường di sản Tây Bắc”, gắn chuỗi sản phẩm du lịch trong vùng Tây Bắc mang tính đặc trưng riêng có của vùng, đảm bảo bản sắc riêng của địa phương. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trực tiếp tham gia nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch.
- Phát triển thị trường, xúc tiến quảng bá và thương hiệu du lịch. Tập trung thu hút có lựa chọn các phân khúc thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao và lưu trú dài ngày theo hướng chuyên nghiệp, nhằm vào thị trường mục tiêu, lấy sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch là trọng tâm. Phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa, chú trọng thị trường khách nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần và mua sắm.
- Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành du lịch, đảm bảo về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập quốc tế.
- Tăng cường liên kết, hợp tác phát triển du lịch thông minh kết hợp với du lịch nông thôn trên nền tảng phát triển nông nghiệp gắn với phát triển mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong xây dựng nông thôn mới, rừng phong cảnh. Nâng cao hiệu quả chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng với thành phố Hồ Chí Minh; mở rộng liên kết hợp tác với du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình và các tỉnh phía Nam; tỉnh Valdemarne, thành phố Chevilly Larue (Cộng hòa Pháp); tỉnh Viêng Chăn, tỉnh Xay Nha Bu Ly (Lào); tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN,...
2.2. Dịch vụ Thương mại
- Phát triển đồng bộ hệ thống bán buôn, bán lẻ theo hướng văn minh, hiện đại. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tập đoàn bán lẻ lớn có uy tín trong nước tham gia để mở rộng thị trường. Chú trọng phát triển thị trường khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, phân phối để phát triển mạnh thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm đặc sản. Thực hiện tốt chương trình hợp tác giữa tỉnh Yên Bái với các tỉnh, nhất là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nông dân trong việc cung ứng nông sản, thực phẩm sản-xuất tại Yên Bái để đưa ra tiêu thụ ở thị trường tỉnh ngoài. Từng bước nâng cao tỷ lệ hàng hóa do tỉnh sản xuất trong các siêu thị, trung tâm thương mại.
- Tập trung thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại truyền thống và hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Xây mới các trung tâm thương mại quy mô hạng III tại địa bàn thuận lợi; xây mới chợ Bến Đò, chợ trung tâm km4 thành phố Yên Bái và chợ trung tâm huyện Mù Cang Chải và nâng cấp, cải tạo chợ (xã Lâm Thượng, xã Khánh Thiện, xã An Phú, huyện Lục Yên; xã Châu Quế Thượng, xã Châu Quế Hạ, xã Phong Dụ Hạ, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên; xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải). Xây mới siêu thị quy mô hạng III (thành phố Yên Bái; thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên và thị xã Nghĩa Lộ). Đổi mới phương thức quản lý để nâng cao hiệu quả quản lý chợ nhằm thu hút nguồn lực xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân đầu tư nâng cấp xây dựng chợ.
- Phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ thương mại, tập trung vào hệ thống thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến; ứng dụng công nghệ 4.0 trong truy xuất trực tuyến nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa... Phát triển các dịch vụ tích hợp dựa trên công nghệ tiên tiến như công nghệ thẻ thông minh, công nghệ Block Chain, công nghệ nhận dạng đối tượng, mã vạch,... Phấn đấu 35% dân số tham gia mua sắm trực tuyến; 40% các giao dịch mua hàng trên website và ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử; 30% giá trị giao dịch thương mại điện tử ở các huyện, thị xã; 40 - 50% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến; 35 - 50% doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử và cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng; 100% cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp được cập nhật kiến thức mới về thương mại điện tử.
- Tăng cường các biện pháp hỗ trợ đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kiểm tra giám sát về hoạt động mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa. Đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp bán lẻ với các nhà sản xuất, tạo nguồn hàng sản xuất trong nước đủ tiêu chuẩn, chất lượng đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ, áp dụng và mở rộng phương thức phân phối hiện đại, khuyến khích phát triển doanh nghiệp kinh doanh theo dạng chuỗi.
2.3. Dịch vụ Giáo dục và Đào tạo
- Tiếp tục sắp xếp mạng lưới trường lớp, quy mô giáo dục các ngành học, bậc học hợp lý, hiệu quả đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục; nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Duy trì 100% đơn vị cấp xã, 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ III; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ I; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ I.
- Nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế; chú trọng đào tạo nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý, quản trị doanh nghiệp, quản lý xã hội, tổ chức cuộc sống và chăm sóc con người. Thực hiện có hiệu quả chính sách để thu hút, trọng dụng giáo viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi; tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách tuyển dụng giáo viên tiếng Anh chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế và những sinh viên giỏi về giảng dạy tại các trường trọng điểm về chất lượng.
- Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục và đào tạo; khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục và đào tạo chất lượng cao. Đến năm 2025, xây dựng và phát triển hệ thống trường ngoài công lập với tổng số 17 trường mầm non ngoài công lập (đạt tỷ lệ 3,7% trên tổng số trường mầm non, phổ thông); mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng 03 trường trọng điểm chất lượng cao; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 85%.
- Đẩy mạnh đào tạo nghề cho người lao động, đặc biệt chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực dịch vụ. Tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở giáo dục nghề với doanh nghiệp và thị trường lao động. Khuyến khích các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục, đào tạo để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong các ngành có nhu cầu cao. Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; chuẩn hóa các điều kiện đảm bảo chất lượng, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số trong giáo dục, đào tạo và ứng dụng các mô hình giáo dục, đào tạo mới trên nền tảng công nghệ thông tin như internet, trên thiết bị di động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% (trong đó: lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 40%); tỷ lệ lao động được đào tạo ở nhóm ngành dịch vụ chiếm khoảng 25 - 30% so với tổng số lao động được đào tạo nghề hàng năm.
2.4. Dịch vụ Y tế, chăm sóc sức khỏe
- Phát triển hệ thống y tế theo hướng hiện đại, dự phòng tích cực và chủ động; giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do bệnh tật và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đẩy mạnh phát triển các dịch vụ y tế có chất lượng cao, hình thành trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2025 tất cả các đơn vị khám chữa bệnh theo yêu cầu phù hợp nhu cầu của người dân. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh hướng tới sự hài lòng của người bệnh đạt trên 90%. Tăng cường chất lượng công tác dân số và phát triển; đổi mới mạnh mẽ cơ chế, phương thức hoạt động và chất lượng hoạt động của y tế cơ sở, phát triển mạnh y học gia đình. Nâng cao năng lực y tế dự phòng, tăng cường hệ thống giám sát dịch, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, phòng chống bệnh, tật học đường, phòng chống tai nạn thương tích, bệnh nghề nghiệp, kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp. Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 01 tuổi. Tăng nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, bệnh lao,...
- Duy trì toàn tỉnh 01 bệnh viện hạng I và 09 bệnh viện hạng II. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở y tế, đặc biệt là Trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao tại Bệnh viện đa khoa tỉnh trở thành trung tâm khám chữa bệnh chất lượng cao của khu vực Tây Bắc. Đến năm 2025, toàn tỉnh thực hiện thêm 485 danh mục kỹ thuật mới, riêng đối với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tập trung vào các kỹ thuật cao, chuyên sâu thuộc các chuyên ngành: Tim mạch can thiệp, can thiệp mạch não, mạch ngoại vi và các khối u trên máy DSA, phẫu thuật thần kinh - cột sống, phẫu thuật vi phẫu, ung bướu,...; tăng cường xã hội hóa y tế, phấn đấu có thêm 100 giường bệnh ở khu vực tư nhân, 80 cơ sở hành nghề y, dược tư nhân. Tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến nội trú 2,86%. Số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế năm 2025 là 156. Tỷ lệ hài lòng bệnh nhân nội trú đạt trên 90%. Tỷ lệ người dân được quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 90%. Tỷ lệ trạm y tế xã/phường có bác sỹ đạt 72,3% (trong đó: tỷ lệ trạm y tế xã/phường có bác sỹ làm việc đạt 90%).
- Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác giữa các bệnh viện tuyến tỉnh với các bệnh viện Trung ương và quốc tế trong đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, quản lý như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện K, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Yokosuka Kyosai - Nhật Bản, tổ chức JICA,... Chú trọng đào tạo chuyển giao kỹ thuật các chuyên ngành. Dự kiến đào tạo chuyển giao 25 kỹ thuật từ Trung ương về tỉnh. Phát triển nguồn nhân lực y tế đảm bảo quy mô, cơ cấu, chất lượng theo quy định. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phát huy tối đa các trang thiết bị y tế hiện đại; đào tạo theo nhu cầu sử dụng của đơn vị, theo đặt hàng từng lĩnh vực. Thực hiện luân phiên cán bộ y tế của trung tâm y tế tuyến huyện đến trạm y tế xã.
- Đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính các cơ sở y tế công lập, phấn đấu đến năm 2025 có 11/15 bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện tự chủ chi thường xuyên (đạt 73,33%). Đẩy mạnh khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng bệnh viện tư nhân; phòng khám chất lượng cao; trung tâm chăm sóc sức khỏe; trung tâm chăm sóc sắc đẹp,...
- Thực hiện chuyển đổi số ngành y tế, triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trong việc kết nối từ xa giữa các cơ sở y tế trong tỉnh với các bệnh viện trung ương, từng bước triển khai bệnh án điện tử tại 03 cơ sở: Bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, trung tâm y tế huyện Văn Yên. Triển khai đồng bộ hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý trạm y tế, tiêm chủng, quản lý bệnh tật, hồ sơ sức khoẻ người dân gắn với quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế.
2.5. Dịch vụ Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm
- Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tài chính- ngân hàng theo hướng đổi mới quy trình, thủ tục và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian, chi phí, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Chủ động cung ứng kịp thời các phương tiện thanh toán, tiền mặt cho khách hàng đảm bảo hoạt động thông suốt, an toàn hệ thống thanh toán, điểm máy rút tiền tự động và nghiệp vụ kho quỹ.
- Tiếp tục phát triển mạng lưới, quy mô hệ thống ngân hàng trên địa bàn; tăng cường công tác quản lý, giảm nợ xấu; duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng, tăng nguồn vốn huy động. Phấn đấu tăng thêm từ 01 - 02 chi nhánh ngân hàng thương mại, đến hết năm 2025 toàn tỉnh có 13 chi nhánh ngân hàng loại I, duy trì 09 chi nhánh ngân hàng loại II và 17 quỹ tín dụng nhân dân. Các chi nhánh ngân hàng thương mại áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn của toàn hệ thống; tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các chi nhánh ngân hàng thương mại lên khoảng 16 - 17%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Tổng vốn huy động khoảng 66.000 tỷ đồng. Tổng dư nợ cho vay khoảng 57.000 tỷ đông. Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 8%. Chi nhánh ngân hàng thương mại chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư lắp đặt thêm máy ATM đến địa bàn các huyện, xã, điểm chấp nhận thanh toán thẻ nhằm phục vụ người dân.
- Phát triển các kênh huy động, cung cấp vốn cho thị trường, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là cung cấp vốn cho các nhà đầu tư chiến lược đang có dự án khảo sát nghiên cứu đầu tư vào tỉnh. Thành lập 01 doanh nghiệp tư vấn tài chính hoạt động trên địa bàn theo hướng chuyên nghiệp. Gia tăng số lượng doanh nghiệp, cá nhân tham gia đóng bảo hiểm xã hội lên mức 20%, giảm nợ bảo hiểm xã hội ở mức dưới 2%. Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bảo hiểm; mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm, nhất là đối với bảo hiểm sản phẩm trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp. Tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất kinh doanh tiếp cận vốn vay.
- Phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng gan với ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, chuyển dần từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số. Quản lý chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng, hạn chế tới mức thấp nhất nợ xấu phát sinh; tăng cường quản lý dịch vụ bảo hiểm, tài chính khác trên địa bàn. Khuyến khích người nhận lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp và cá nhân, tổ chức cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thanh toán qua phương tiện không dùng tiền mặt.
- Phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế; quỹ tín dụng nhân dân thực hiện hiệu quả phương án củng cố và phát triển, từng bước nâng cao năng lực quản trị, điều hành, năng lực tài chính. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển nguồn nhân lực của ngành tài chính, ngân hàng; hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, quỹ tín dụng nhân dân.
2.6. Dịch vụ Logistics và vận tải
- Thu hút đầu tư hiệu quả phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tuyên truyền khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ logistics, vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh. Thiết lập mạng lưới trung tâm phân phối nhiều cấp và các tuyến vận tải hàng hóa trong khu vực đô thị và các vùng sản xuất trọng điểm. Hình thành các khu cảng cạn tại khu vực Yên Bái có hạ tầng hiện đại, đồng bộ các khu chức năng, thực hiện đầy đủ các dịch vụ của ICD quốc tế. Đầu tư xây dựng 3 tuyến xe buýt kết nối thành phố Yên Bái với thị trấn Cổ Phúc, huyện Văn Yên và huyện Yên Bình, mỗi tuyến tối thiểu có 3 - 5 phương tiện chất lượng cao hoạt động. Xây dựng, nâng cấp các bãi đỗ xe tỉnh tại trung tâm thành phố, thị xã, huyện lỵ và các khu, điểm du lịch.
- Phối hợp hoàn thành cải tạo, nâng cấp toàn tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng vào cấp kỹ thuật; xóa bỏ toàn bộ các đường ngang dân sinh, xây dựng hệ thống đường ngang có phòng vệ, đường gom, rào cách ly, rào bảo vệ hành lang an toàn; chỉnh trang các ga hành khách thuộc địa phận tỉnh Yên Bái. Chuẩn bị các điều kiện để đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt Lào Cai - Yên Bái - Hà Nội - Hải Phòng (song song với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai) với chiều dài khoảng 392 km với khố đường tiêu chuẩn 1.435 mm. Khai thông luồng lạch đường thủy sông Hồng từ Yên Bái - Lào Cai đảm bảo thông tuyến xà lan 50 tấn hoạt động; đầu tư nâng cấp và xây mới hệ thống bến cảng trên sông Hồng và hồ Thác Bà; hoàn thành nâng cấp các tuyến thủy nội địa chính đạt cấp kỹ thuật quy định.
- Phát triển các trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ logistics. Hình thành 02 - 03 trung tâm dịch vụ logistics và vận tải lớn (tại khu vực ga Văn Phú, các nút giao IC12, IC14). Giảm lượng xe chạy rỗng từ 10 - 15% so với hiện nay, giảm tỷ trọng chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ từ 05 - 10% trong cơ cấu chi phí logistics. Tạo việc làm cho 14.500 lao động trong lĩnh vực logistics và vận tải.
- Tăng cường kết nối, phát triển hợp lý phương thức vận tải và dịch vụ logistics, đặc biệt chú trọng cơ cấu lại thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa. Nâng cao năng lực quản lý của doanh nghiệp kinh doanh vận tải, dịch vụ logistics và sử dụng hợp lý các nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải. Tăng cường quản lý, lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình xe, việc cấp và sử dụng phù hiệu, kê khai, niêm yết giá cước của các đơn vị vận tải...
2.7. Dịch vụ Công nghệ thông tin và truyền thông
- Triển khai xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, chuyển đổi số, kinh tế số, đô thị thông minh. Khuyến khích phát triển các nền tảng số để ứng dụng trong lĩnh vực bưu chính. Khai thác và ứng dụng hiệu quả nền tảng mã địa chỉ gan với bản đồ số (Vpostcode) nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động vận chuyển và giao nhận hàng hóa trong thương mại điện tử và logistics. Hoàn thành việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong tỉnh và quốc gia thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP). Hỗ trợ phát triển 01-03 doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh có đủ năng lực cung cấp các dịch vụ, giải pháp, nền tảng chuyển đổi số trong một số lĩnh vực phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Hỗ trợ, tư vấn cho 05-10 doanh nghiệp xây dựng mô hình điểm về doanh nghiệp chuyển đổi sổ phục vụ sản xuất, kinh doanh.
- Chú trọng việc thúc đẩy cung ứng dịch vụ công qua mạng bưu chính công cộng, dịch vụ bưu chính công ích để góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Phát triển hạ tầng viễn thông tiến tới phổ cập dịch vụ 4G và phủ sóng mạng thông tin di động 5G ở các khu công nghiệp, trung tâm các huyện, thị xã, thành phố. Triển khai chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và dịch vụ công trực tuyến liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh. Duy trì 100% xã có điểm phục vụ bưu chính; 100% hồ sơ công việc cấp tỉnh, cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt từ 50% trở lên. Tỷ lệ phát hành và sử dụng xuất bản phẩm điện tử đạt 5%. Tỷ lệ cơ quan, đơn vị sử dụng dịch vụ in xuất bản phẩm, tài liệu tuyên truyền tại các cơ sở in trên địa bàn tỉnh đạt 90%. Tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 100%. Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ di động có sử dụng điện thoại thông minh đạt 100%.
- Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý chuyển đối số cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Giám đốc điều hành doanh nghiệp; nâng cao nhận thức, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ số cho cán bộ, công chức, doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh; đổi mới về nội dung và hình thức, nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh, truyền hình đảm bảo tính kịp thời, hấp dẫn, thiết thực, bổ ích,... phục vụ nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị, địa phương xuất bản tài liệu không kinh doanh phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền nhiệm vụ chính trị; khuyến khích các đơn vị áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại. Hướng dẫn, cung cấp thông tin cho báo chí, nhân dân; đa dạng hóa các kênh thông tin, tăng cường quản lý các trang tin điện tử, báo giấy và báo điện tử.
2.8. Dịch vụ Khoa học và Công nghệ
- Triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ đưa giống cây trồng mới, con giống mới nhằm bổ sung cơ cấu giống, vật nuôi của địa phương, tập trung vào thế mạnh của địa phương về nuôi trồng thủy sản, cây dược liệu, cây lâm nghiệp làm giàu rừng. Đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến cho các doanh nghiệp, ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có tính lan toả, liên kết với các doanh nghiệp để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và chuyển giao công nghệ. Phấn đấu doanh thu dịch vụ khoa học và công nghệ đạt bình quân trên 1,4 tỷ đồng/năm.
- Tiêu chuẩn đo lường chất lượng từng bước được nghiên cứu ứng dụng, áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật trở thành một yêu cầu của hoạt động sản xuất, kinh doanh; là công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, thương mại. Phát triển hoạt động dịch vụ đánh giá sự phù hợp, dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường để tạo sự chuyển biến về số lượng và chất lượng của các dịch vụ này.
- Phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; hạ tầng thông tin và thống kê khoa học công nghệ quốc gia theo hướng hiện đại hóa, đa dạng hóa vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; khu vực tư nhân xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo và cung ứng dịch vụ khoa học và công nghệ; tăng quy mô tài chính cho các quỹ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ.
- Rà soát, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân xây dựng, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản; hỗ trợ xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm hàng hóa của địa phương; mở rộng lĩnh vực và hoạt động dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện đo lường, đáp ứng đầy đủ, kịp thời theo yêu cầu.
2.9. Các dịch vụ khác
- Xây dựng, tổ chức thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thúc đẩy phát triển các lĩnh vực dịch vụ khác như: nông lâm nghiệp, môi trường, tư pháp, hành chính, hỗ trợ kinh doanh, vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao, bất động sản,... để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế có thế mạnh của tỉnh.
- Khuyến khích xã hội hóa đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ các dịch vụ khác: khu vui chơi giải trí chất lượng cao, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, tư pháp, nông nghiệp, môi trường,... Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi các nhà đầu tư kinh doanh chứng khoán, bất động sản trong nước và quốc tế đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tăng cường giao khoán tự chủ đối với các dịch vụ sự nghiệp: dịch vụ môi trường, dịch vụ hỗ trợ nông lâm nghiệp,...
Huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, đồng thời lồng ghép, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách nhà nước thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình mục tiêu quốc gia,... để tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ tốt nhất cho phát triển ngành dịch vụ tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
1. Tổng vốn đầu tư: Dự kiến tổng vốn đầu tư thực hiện đề án là 23.534.000 triệu đồng, trong đó: vốn ngân sách nhà nước 2.711.365 triệu đồng (chiếm 11,52%); vốn ngoài ngân sách nhà nước 20.822.635 triệu đồng (chiếm 88,48%), cụ thể:
- Dịch vụ Du lịch: 16.361.515 triệu đồng, chiếm 69,52% tổng vốn, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 0,33% tổng vốn lĩnh vực dịch vụ Du lịch.
- Dịch vụ Thương mại: 1.384.096 triệu đồng, chiếm 5,88% tổng vốn, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 2,34% tổng vốn lĩnh vực dịch vụ Thương mại.
- Dịch vụ Giáo dục và Đào tạo: 1.542.322 triệu đồng, chiếm 6,55% tổng vốn, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 92,86% tổng vốn lĩnh vực Giáo dục Đào tạo.
- Dịch vụ Y tế, chăm sóc sức khỏe: 1.278.522 triệu đồng, chiếm 5,43% tổng vốn, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 62,96% tổng vốn lĩnh vực Y tế, chăm sóc sức khỏe.
- Dịch vụ Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm: 1.115.000 triệu đồng, chiếm 2,61% tổng vốn (không có vốn ngân sách nhà nước).
- Dịch vụ Logistics và vận tải: 1.720.645 triệu đồng, chiếm 7,31% tổng vốn, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 3,36% tổng vốn lĩnh vực dịch vụ Logistics và vận tải.
- Dịch vụ Công nghệ thông tin và Truyền thông: 496.900 triệu đồng, chiếm 2,11% tổng vốn, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 59,31% tổng vốn lĩnh vực dịch vụ Công nghệ thông tin và Truyền thông.
- Dịch vụ Khoa học và Công nghệ: 135.000 triệu đồng, chiếm 0,57% tổng vốn, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 25,93% tổng vốn lĩnh vực dịch vụ Khoa học và Công nghệ.
2. Nguồn vốn đầu tư: Nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.
(Có phụ lục chi tiết kèm theo)
1. Hiệu quả về kinh tế
Đề án được triển khai thực hiện sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế của tỉnh, tăng thu nhập cho người dân; hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển chung của xã hội, đồng thời vừa đáp ứng được các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Xây dựng, phát triển đồng bộ các ngành dịch vụ có chất lượng cao và bền vững như: các trung tâm thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, dịch vụ vận tải, tài chính, ngân hàng, viễn thông... góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
2. Hiệu quả về xã hội
Thực hiện đề án sẽ góp phần nâng cao chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng dịch vụ đồng bộ trong tỉnh tạo điều kiện kết nối giao lưu các vùng, liên vùng. Tạo thêm được nhiều việc làm cho người lao động phục vụ trong lĩnh vực dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Tạo mỹ quan đô thị, diện mạo nông thôn mới và từng bước xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ. Chủ động và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, tạo nền tảng để mở rộng quan hệ hợp tác và phát triển kinh tế đối ngoại. Nâng cao nhận thức, hiểu biết các phong tục tập quán, tăng cường sự hợp tác, giao lưu giữa các dân tộc trong và ngoài tỉnh nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giá trị di tích, danh lam thắng cảnh.
3. Hiệu quả về môi trường
Thực hiện đề án sẽ góp phần cải thiện cảnh quan, môi trường và giảm thiếu tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, điểm dịch vụ tập trung; giảm thiểu tình trạng thiên tai, dịch bệnh, tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Việc phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ các ngành dịch vụ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tăng cường sự giao lưu, trao đổi hiểu biết về môi trường, từ đó nâng cao ý thức giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường của cộng đồng địa phương.
Căn cứ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án và chức năng, nhiệm vụ của các Sở, ngành để chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện những nội dung có liên quan và tích cực phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai, thực hiện đề án một cách hiệu quả; phối hợp với Sở Tài chính cân đối, bố trí lồng ghép các nguồn vốn ngân sách hằng năm đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ phát triển kinh doanh dịch vụ của tỉnh; phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ và tham mưu báo cáo đánh giá sơ kết, tổng kết đề án.
Đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư nhằm giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; phối hợp với các Sở, ngành, địa phương xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng dịch vụ.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chủ trì, phối hợp với các cấp, các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chính sách phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025; hằng năm xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ; thực hiện hướng dẫn, tuyên truyền phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách đến các đối tượng là tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân biết để triển khai thực hiện.
Thường xuyên kiểm tra đôn đốc, giám sát, đánh giá việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, chính sách phát triển du lịch, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện hằng năm.
3. Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành liên quan nghiên cứu rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định của tỉnh về phát triển các loại hình và hạ tầng thương mại, dịch vụ do ngành quản lý; xây dựng và triển khai kế hoạch hằng năm phát triển thương mại điện tử và các loại hình dịch vụ thương mại khác.
Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát, bố trí các vị trí, địa điểm đầu tư phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn, đề xuất các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện; phối hợp với Cục quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, quản lý thị trường, ngăn ngừa đấu tranh chống các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, kiểm soát các hoạt động kinh doanh đảm bảo trật tự, cạnh tranh và phát triển theo đúng chủ trương chính sách và quy định pháp luật của Nhà nước.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả đề án về giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch biên chế giáo viên hằng năm, kế hoạch tuyển dụng giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục; phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, bố trí kinh phí thực hiện các đề án.
Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo, hoạt động khuyến học, khuyến tài tạo điều kiện phát triển dịch vụ giáo dục và đào tạo ở các cấp học.
5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các các địa phương liên quan trong việc phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo nghề để cung cấp nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế. Hướng dẫn việc liên kết, hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài tinh nhàm đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực lĩnh vực dịch vụ; tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong ngành dịch vụ.
6. Sở Y tế
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các các địa phương liên quan nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hoạt động trợ giúp xã hội. Hướng dẫn kiểm tra các đơn vị kinh doanh dịch vụ thực hiện tốt quy chế bảo vệ môi trường và quy chế hành nghề y, dược, sản xuất, mua bán trang thiết bị y tế, mỹ phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân theo hình thức xã hội hóa. Phát triển các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cộng đồng, dịch vụ y tế có chất lượng cao.
7. Sở Tài chính
Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tham mưu bố trí, thanh quyết toán nguồn vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện đề án đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
8. Sở Giao thông vận tải
Chủ trì xây dựng chính sách, khuyến khích các thành phần kinh tế để phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ Logistics và vận tải; ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối tuyến đường gắn với các khu, các trung tâm và các điểm dịch vụ. Phát triển, đôi mới, nâng cao đội ngũ, phương tiện vận tải, năng lực vận tải của các doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu của ngành dịch vụ logistics. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện việc cấp biên hiệu xe ôtô đạt tiêu chuẩn vận chuyển khách du lịch, cấp biển hiệu phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách du lịch và kiểm tra hoạt động kinh doanh vận chuyển.
9. Sở Thông tin và Truyền thông
Hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền quảng bá về dịch vụ; tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong việc quảng bá hình ảnh, văn hóa con người Yên Bái ra bên ngoài.
Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành trong việc phát triển nâng cao chất lượng dịch vụ thông tin và truyền thông. Thẩm định, cấp phép xuất bản tài liệu có nội dung tuyên truyền quảng bá về dịch vụ, du lịch Yên Bái cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
10. Sở Khoa học và Công nghệ
Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp phát triển dịch vụ khoa học và công nghệ, phát triển mạng lưới và đẩy mạnh hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ từ tỉnh đến huyện và cơ sở. Chú trọng ứng dụng khoa học và công nghệ hỗ trợ phát triển nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
11. Ngân hàng nhà nước
Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương hướng dẫn để nâng cao chất lượng phục vụ của ngành ngân hàng đảm bảo đúng quy định và hiệu quả.
12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan
12.1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án; kế hoạch phát triển dịch vụ 5 năm, hàng năm phù hợp với kế hoạch của tỉnh và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó chú trọng phát triển các cơ sở dịch vụ, các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội trở thành điểm đến du lịch nổi trội, khác biệt, hấp dẫn; phối hợp hình thành khu mua sắm đặc trưng, ẩm thực đảm bảo phục vụ khách du lịch.
Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển dịch vụ, du lịch cho cộng đồng dân cư của địa phương. Phối hợp với các Sở, ngành thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trong quản lý nhà nước về đất đai, bảo vệ môi trường và an ninh trật tự tại các khu, điểm dịch vụ, du lịch; chủ động xây dựng các quy hoạch điểm dịch vụ, du lịch địa phương; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đầu tư xây dựng và hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức triển khai nội dung Đề án trên địa bàn.
12.2. Các đơn vị có liên quan
Căn cứ chức năng và nhiệm vụ của đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả những nội dung, nhiệm vụ thuộc trách nhiệm, phạm vi quản lý và chủ động phối hợp với các Sở, ngành chức năng tăng cường công tác tuyên truyền vận động, quản lý, giám sát nhằm phát triển ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh./.
MỤC TIÊU CỤ THỂ MỘT SỐ NGÀNH DỊCH VỤ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
Stt | Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Thực hiện năm 2020 | Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 | Ghi chú | ||||
Năm 2021 | Năm 2022 | Năm 2023 | Năm 2024 | Năm 2025 | |||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
A | Một số chỉ tiêu chung ngành dịch vụ |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ | % | 3,17 | 7,40 | 7,45 | 7,55 | 7,60 | 7,65 | Bình quân >7,5%/năm |
2 | Tỷ trọng ngành dịch vụ trong GRDP | % | 42,02 | 44,5 | 45,0 | 45,5 | 46,0 | 46,5 |
|
3 | Tỷ lệ lao động làm việc trong ngành dịch vụ | % | 22,8 | 23,4 | 24,0 | 24,7 | 25,4 | 26 |
|
- | Trong đó: Lao động qua đào tạo | % | 27,6 | 28,5 | 29,4 | 30,3 | 31,2 | 32-35 |
|
B | Chỉ tiêu các ngành dịch vụ chủ yếu |
|
|
|
|
|
|
|
|
I | Dịch vụ Du lịch |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Số lượt khách du lịch | Lượt khách | 760.000 | 900.000 | 1.100.000 | 1.250.000 | 1.350.000 | 1.500.000 |
|
- | Trong đó: Khách quốc tế | Lượt khách | 7.500 | 150.000 | 250.000 | 300.000 | 350.000 | 400.000 |
|
2 | Doanh thu từ du lịch | Tỷ đồng | 475 | 625 | 800 | 1.100 | 1.300 | 1.500 |
|
3 | Số lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch | Lao động | 7.000 | 8.100 | 9.200 | 10.300 | 11.400 | 12.500 |
|
- | Lao động trực tiếp | Lao động | 3.000 | 3.200 | 3.700 | 4.000 | 4.500 | 5.000 |
|
- | Lao động gián tiếp | Lao động | 4.000 | 4.900 | 5.500 | 6.300 | 6.900 | 7.500 |
|
4 | Số buồng tại cơ sở lưu trú | Buồng | 3.027 | 3.200 | 3.700 | 4.000 | 4.500 | 5.000 |
|
II | Dịch vụ Thương mại |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng | Tỷ đồng | 18.766 | 21.500 | 23.500 | 25.500 | 27.700 | 30.000 |
|
2 | Giá trị xuất khẩu hàng hóa | Triệu USD | 164,2 | 220 | 280 | 360 | 420 | 500 |
|
3 | Tốc độ tăng giá trị gia tăng của ngành dịch vụ thương mại | % | 5 | 6 | 7 | 8 | 10 | 12 |
|
4 | Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng qua mạng lưới thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại | % | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 - 17 |
|
5 | Tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại | % | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 10- 12 |
|
6 | Số lượng siêu thị (hạng III) | Siêu thị | 2 | 2 | 2 | 3 | 4 | 5 |
|
7 | Số lượng trung tâm thương mại (hạng III) | TTTM | 1 | 1 | 1 | 2 | 3 | 3 |
|
8 | Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP | Điểm | 3 | 5 | 7 | 10 | 12 | 14 |
|
9 | Tỷ lệ dân số tham gia mua sắm trực tuyến | % | 15 | 20 | 25 | 30 | 33 | 35 |
|
10 | Tỷ lệ các giao dịch mua hàng trên website và ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn | % | 20 | 23 | 27 | 30 | 35 | 40 |
|
11 | Tỷ lệ giá trị giao dịch thương mại điện tử B2C ở các huyện, thị xã, thành phố | % | 10 | 13 | 15 | 20 | 25 | 30 |
|
12 | Tỷ lệ website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến | % | 20 | 25 | 30 | 35 | 40 | 40-50 |
|
13 | Tỷ lệ các doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại điện tử và cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông, truyền thông triển khai hợp đồng điện tử với người tiêu dùng | % | 15 | 20 | 25 | 30 | 35 | 35-50 |
|
14 | Tỷ lệ cán bộ quản lý nhà nước và cán bộ lãnh đạo doanh nghiệp được cập nhật kiến thức mới về thương mại điện tử thông qua tuyên truyền và tập huấn ngắn hạn | % | 75 | 80 | 85 | 90 | 95 | 100 |
|
III | Dịch vụ Giáo dục và Đào tạo |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Trường Mầm non | Trường | 179 | 180 | 182 | 185 | 187 | 189 |
|
- | Trong đó: Ngoài công lập | Trường | 15 | 15 | 16 | 16 | 16 | 17 |
|
2 | Trường Tiểu học | Trường | 56 | 57 | 57 | 57 | 57 | 57 |
|
3 | Trường Trung học cơ sở | T rường | 182 | 182 | 182 | 182 | 182 | 182 |
|
4 | Trường Trung học phổ thông | Trường | 26 | 26 | 26 | 26 | 26 | 26 |
|
5 | Trường trọng điểm chất lượng cao | Trường |
|
| 3 | 6 | 9 | 9 |
|
6 | Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi ra nhà trẻ | % | 19,1 | 19,2 | 22 | 24,9 | 27,5 | >30 |
|
7 | Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp | % | 92,5 | 93,5 | 94,9 | 96,1 | 96,6 | 97 |
|
8 | Tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 | % | 99,7 | 99,7 | 99,8 | 99,8 | 99,9 | 99,9 |
|
9 | Tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp học TH | % | 96,7 | 96,7 | 96,8 | 96,8 | 97 | 97 |
|
10 | Tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp học THCS | % | 93,3 | 93,6 | 94,0 | 94,3 | 94,6 | 95 |
|
11 | Tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp học THPT | % | 89 | 89,2 | 89,4 | 89,6 | 89,8 | 90 |
|
12 | Tỷ lệ học sinh người DTTS cấp TH, THCS được học tại trường dân tộc bán trú | % | 27,4 | 27,5 | 28 | 28,5 | 29 | 30 |
|
13 | Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo | % | 81,7 | 91,9 | 95,0 | 96,5 | 98,5 | 100 |
|
14 | Tỷ lệ đơn vị cấp xã, cấp huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ III; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ I; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ I | % | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 |
|
15 | Tỷ lệ số trường mầm non và phổ thông đạt chuẩn quốc gia | % | 56,4 | 59,5 | 63,5 | 68,4 | 70,0 | >70 |
|
16 | Tỷ lệ phòng học kiên cố | % | 83,8 | 84 | 84,4 | 84,6 | 84,8 | 85 |
|
17 | Tỷ lệ lao động qua đào tạo | % | 63,2 | 64,8 | 66,0 | 67,4 | 68,7 | 70 |
|
- | Trong đó: Lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ | % | 31,5 | 33,2 | 34,9 | 36,6 | 38,3 | 40 |
|
18 | Tỷ lệ lao động được đào tạo ở nhóm ngành dịch vụ so với tổng số lao động được đào tạo nghề hàng năm | % | 22,4 | 23 | 23,5 | 24 | 24,5 | 25-30 |
|
IV | Dịch vụ Y tế, chăm sóc sức khỏe |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Tuổi thọ trung bình người dân | Tuổi | 73,5 | 73,7 | 73,90 | 74,10 | 74,30 | 74,5 |
|
2 | Số năm sống khoẻ | Năm | 65 | 65,6 | 66,2 | 66,8 | 67,4 | 68 |
|
3 | Số bác sỹ/10 nghìn dân | Bác sỹ | 10,2 | 10,4 | 10,8 | 11,2 | 11,6 | 12 |
|
4 | Số giường bệnh/10 nghìn dân | Giường bệnh | 33,9 | 34,3 | 34,6 | 35 | 35 | 35 |
|
5 | Tỷ lệ trẻ em dưới 01 tuổi được tiêm đầy đủ các loại vắc xin | % | 98,6 | 98,5 | 98,5 | 98,5 | 98,5 | 98,5 |
|
6 | Bệnh viện hạng I | Bệnh viện | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 | 1 |
|
7 | Bệnh viện hạng II | Bệnh viện | 3 | 3 | 7 | 9 | 9 | 9 |
|
8 | Tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến nội trú | % | 3,4 | 3,3 | 3,2 | 3,1 | 3,0 | 2,86 |
|
9 | Số đơn vị tự chủ 100% chi thường xuyên | Đơn vị | 7 | 10 | 10 | 11 | 11 | 11 |
|
10 | Số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế | Xã, phường, thị trấn | 6 | 6 | 6 | 5 | 5 | 4 |
|
- | Lũy kế số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế | Xã, phường, thị trấn | 130 | 136 | 142 | 147 | 152 | 156 |
|
- | Tỷ lệ số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế | % | 75,1 | 78,6 | 82,1 | 85,0 | 87,9 | >90 |
|
11 | Tỷ lệ hài lòng bệnh nhân nội trú | % | 94,3 | >90 | >90 | >90 | >90 | >90 |
|
12 | Tỷ lệ người dân được quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử | % | 64 | 70 | 75 | 80 | 85 | 90 |
|
13 | Tỷ lệ trạm y tế xã/phường có bác sỹ | % | 72,3 | 72,3 | 72,3 | 72,3 | 72,3 | 72,3 |
|
- | Trong đó: Tỷ lệ trạm y tế xã/phường có bác sỹ làm việc | % | 87,9 | 88 | 88 | 88 | 89 | 90 |
|
V | Dịch vụ Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Chi nhánh ngân hàng | Cơ sở | 19 | 20 | 20 | 20 | 21 | 22 |
|
- | Loại I | Cơ sở | 10 | 11 | 11 | 11 | 12 | 13 |
|
- | Loại II | Cơ sở | 9 | 9 | 9 | 9 | 9 | 9 |
|
2 | Quỹ tín dụng nhân dân | Cơ sở | 17 | 17 | 17 | 17 | 17 | 17 |
|
3 | Tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các chi nhánh ngân hàng thương mại | % | 5 | 6 | 8 | 11 | 13 | 16-17 |
|
4 | Tăng trưởng tín dụng hàng năm | % | 10 | 12 | 12- 14 | 12- 14 | 12-14 | 12 - 14 |
|
5 | Tổng vốn huy động | Tỷ đồng | 30.067 | 35.200 | 41.200 | 48.200 | 56.400 | 66.000 |
|
6 | Tổng dư nợ cho vay | Tỷ đồng | 26.358 | 30.800 | 36.000 | 42.000 | 49.000 | 57.000 |
|
7 | Tỷ lệ nợ xấu nội bảng so với tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng | % | <1 | <2 | <2 | <2 | <2 | <2 |
|
8 | Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán | % | 10 | 9,5 | 9 | 8,5 | 8 | <8 |
|
9 | Tỷ lệ người dân tham gia đóng bảo hiểm so với lực lượng lao động độ tuổi | % | 16,6 |
|
|
|
| 20 |
|
10 | Tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội | % | 2,1 |
|
|
|
| <2 |
|
11 | Thành lập doanh nghiệp tư vấn tài chính theo hướng chuyên nghiệp | Doanh nghiệp |
|
|
|
|
| 1 |
|
VI | Dịch vụ Logistics và vận tải |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Khối lượng vận chuyển hàng hóa | Triệu tấn | 10,8 | 11,5 | 12,3 | 13,1 | 13,9 | 14,8 |
|
- | Tốc độ tăng trường bình quân | %/năm | 5,41 |
|
|
|
| 6,50 |
|
2 | Khối lượng luân chuyển hàng hóa | Triệu tấn.km | 220 | 235 | 251 | 265 | 285 | 302 |
|
- | Tốc độ tăng trưởng bình quân | %/năm | 5,89 |
|
|
|
| 8,4 |
|
3 | Khối lượng vận chuyển hàng hóa logistics | Triệu tấn | 3,25 | 3,45 | 3,68 | 3,92 | 4,20 | 4,50 |
|
- | Tốc độ tăng trưởng | % | 6,00 | 6,15 | 6,67 | 6,52 | 7,14 | 7,14 |
|
4 | Khối lượng luân chuyển hàng hóa logistics | Triệu tấn.km | 66,0 | 70,5 | 75,3 | 80,5 | 85,9 | 91,7 |
|
- | Tốc độ tăng trưởng | % | 6,00 | 6,82 | 6,81 | 6,91 | 6,71 | 6,75 |
|
5 | Khối lượng vận chuyển hành khách | Triệu người | 12,2 | 13,1 | 14,2 | 15,2 | 16,5 | 17,6 |
|
- | Tốc độ tăng trường bình quân | %/năm | 4,68 |
|
|
|
| 7,60 |
|
6 | Khối lượng luân chuyển hành khách | Triệu người, km | 680 | 730 | 795 | 851 | 924 | 982 |
|
- | Tốc độ tăng trướng bình quân | %/năm | 7,51 |
|
|
|
| 8,5 |
|
VII | Dịch vụ Công nghệ thông tin và truyền thông |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến liên quan tới người dân, doanh nghiệp ở mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công của tỉnh | % | 39 | 50 | 65 | 80 | 90 | 100 |
|
7 | Tỷ lệ cơ quan, đơn vị sử dụng dịch vụ in xuất bản phẩm, tài liệu tuyên truyền tại các cơ sở in trên địa bàn tỉnh | % | 65 | 70 | 75 | 80 | 85 | 90 |
|
2 | Tỷ lệ xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ | % | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 | 100 |
|
3 | Tỷ lệ hồ sơ công việc cấp tỉnh, cấp huyện được xử lý trên môi trường mạng | % | 80 | 90 | 100 | 100 | 100 | 100 |
|
4 | Tỷ lệ hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng | % | 30 | 40 | 45 | 50 | 55 | 60 |
|
5 | Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 | % | 37,7 | 40 | 43 | 46 | 48 | 50 |
|
8 | Tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G | % | 80 | 85 | 90 | 95 | 100 | 100 |
|
9 | Tỷ lệ phủ sóng 4G/5G tại trung tâm các huyện, thị xã, thành phố và các khu, cụm CN | % |
|
|
| 20 | 50 | 100 |
|
6 | Tỷ lệ phát hành và sử dụng xuất bản phẩm điện tử | % | 1,5 | 2 | 3 | 3,5 | 4 | 5 |
|
10 | Tỷ lệ người sử dụng dịch vụ di động có sử dụng điện thoại thông minh | % | 80 | 85 | 90 | 93 | 97 | 100 |
|
11 | Doanh thu dịch vụ bưu chính, viễn thông | Tỷ đồng | 980 | 1.080 | 1.185 | 1.300 | 1.435 | 1.575 |
|
12 | Đào tạo nâng cao kỹ năng lãnh đạo số cho các cấp lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước | Lớp |
|
| 2 | 2 | 2 | 2 |
|
13 | Đào tạo nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức trong Cơ quan nhà nước | Lớp | 3 | 3 | 10 | 10 | 10 | 10 |
|
14 | Nâng cao nhận thức, bồi dưỡng kiến thức, đào tạo kỹ năng số, công nghệ số, kinh tế số, xã hội số cho doanh nghiệp và người dân để thích ứng với thay đổi của chuyển đổi số | Lớp |
|
| 10 | 10 | 10 | 10 |
|
15 | Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền | % | 45 | 46 | 47 | 48 | 49 | 50 |
|
VIII | Dịch vụ Khoa học và Công nghệ |
|
|
|
|
|
|
|
|
1 | Xây dựng mô hình chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ | Mô hình | (Giai đoạn 2016-2020) 17 | 4 | 5 | 5 | 5 | 6 |
|
Đơn vị tính vốn: Triệu đồng
Stt | Nội dung | Dự kiến tổng vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 | Chia ra | Ghi chú | ||||
Năm 2021 | Năm 2022 | Năm 2023 | Năm 2024 | Năm 2025 | ||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 |
| TỔNG SỐ | 23.534.000 | 2.127.199 | 4.246.115 | 6.231.518 | 5.737.677 | 5.191.491 |
|
I | Dịch vụ Du lịch | 16.361.515 | 777.257 | 2.394.798 | 4.721.421 | 4.314.154 | 4.153.885 |
|
1 | Vốn ngân sách nhà nước | 54.365 | 32.182 | 9.723 | 4.421 | 4.154 | 3.885 |
|
2 | Vốn ngoài ngân sách | 16.307.150 | 745.075 | 2.385.075 | 4.717.000 | 4.310.000 | 4.150.000 |
|
II | Dịch vụ Thương mại | 1.384.096 | 335.189 | 549.107 | 320.190 | 145.240 | 34.370 |
|
1 | Vốn ngân sách nhà nước | 32.366 | 15.009 | 12.557 | 1.340 | 1.890 | 1.570 |
|
2 | Vốn ngoài ngân sách | 1.351.730 | 320.180 | 536.550 | 318.850 | 143.350 | 32.800 |
|
III | Dịch vụ Giáo dục và Đào tạo | 1.542.322 | 425.673 | 412.848 | 328.633 | 328.232 | 46.936 |
|
1 | Vốn ngân sách nhà nước | 1.432.172 | 425.673 | 383.348 | 292.133 | 292.582 | 38.436 |
|
2 | Vốn ngoài ngân sách | 110.150 | 0 | 29.500 | 36.500 | 35.650 | 8.500 |
|
IV | Dịch vụ Y tế, chăm sóc sức khỏe | 1.278.522 | 257.030 | 419.567 | 236.274 | 215.651 | 150.000 |
|
1 | Vốn ngân sách nhà nước | 804.962 | 168.470 | 259.567 | 161.274 | 140.651 | 75.000 |
|
2 | Vốn ngoài ngân sách | 473.560 | 88.560 | 160.000 | 75.000 | 75.000 | 75.000 |
|
V | Dịch vụ Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm | 615.000 | 103.000 | 103.000 | 103.000 | 143.000 | 163.000 |
|
1 | Vốn ngân sách nhà nước | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
|
2 | Vốn ngoài ngân sách | 615.000 | 103.000 | 103.000 | 103.000 | 143.000 | 163.000 |
|
VI | Dịch vụ Logistics và vận tải | 1.720.645 | 200.000 | 272.145 | 386.100 | 451.500 | 410.900 |
|
1 | Vốn ngân sách nhà nước | 57.800 |
| 8.300 | 13.100 | 18.500 | 17.900 |
|
2 | Vốn ngoài ngân sách | 1.662.845 | 200.000 | 263.845 | 373.000 | 433.000 | 393.000 |
|
VII | Dịch vụ Công nghệ thông tin và truyền thông | 496.900 | 29.050 | 74.650 | 120.900 | 139.900 | 132.400 |
|
1 | Vốn ngân sách nhà nước | 294.700 | 29.050 | 74.100 | 60.350 | 69.350 | 61.850 |
|
2 | Vốn ngoài ngân sách | 202.200 |
| 550 | 60.550 | 70.550 | 70.550 |
|
VIII | Dịch vụ Khoa học và Công nghệ | 135.000 | 0 | 20.000 | 15.000 | 0 | 100.000 |
|
1 | Vốn ngân sách nhà nước | 35.000 |
| 20.000 | 15.000 |
|
|
|
2 | Vốn ngoài ngân sách | 100.000 |
|
|
|
| 100.000 |
|
TỔNG HỢP DỰ ÁN ĐẦU TƯ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI NGÀNH DỊCH VỤ TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
Đơn vị tính vốn: Triệu đồng
Stt | Nội dung | Tổng mức đầu tư (dự kiến) | Dự kiến tổng vốn đầu tư giai đoạn 2021-2025 | Chia ra | ||||||||||||||||
Tổng số | Trong đó: | Năm 2021 | Năm 2022 | Năm 2023 | Năm 2024 | Năm 2025 | ||||||||||||||
Vốn NSNN | Vốn ngoài ngân sách | Tổng số | Trong đó: | Tổng số | Trong đó: | Tổng số | Trong đó: | Tổng số | Trong đó: | Tổng số | Trong đó: | |||||||||
Vốn NSNN | Vốn ngoài ngân sách | Vốn NSNN | Vốn ngoài ngân sách | Vốn NSNN | Vốn ngoài ngân sách | Vốn NSNN | Vốn ngoài ngân sách | Vốn NSNN | Vốn ngoài ngân sách | |||||||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |
| TỔNG SỐ | 249.277.950 | 23.534.000 | 2.711.365 | 20.822.635 | 2.127.199 | 670.384 | 1.456.815 | 4.246.115 | 767.595 | 3.478.520 | 6.181.518 | 547.618 | 5.683.900 | 5.737.677 | 527.127 | 5.210.550 | 5.191.491 | 198.641 | 4.992.850 |
1 | Dịch vụ Du lịch | 242.055.931 | 16.361.515 | 54.365 | 16.307.150 | 777.257 | 32.182 | 745.075 | 2.394.798 | 9.723 | 2.385.075 | 4.721.421 | 4.421 | 4.717.000 | 4.314.154 | 4.154 | 4.310.000 | 4.153.885 | 3.885 | 4.150.000 |
1 | Phát triển hạ tầng du lịch | 242.035.037 | 16.340.621 | 33.471 | 16.307.150 | 773.675 | 28.600 | 745.075 | 2.389.946 | 4.871 | 2.385.075 | 4.717.000 | 0 | 4.717.000 | 1.310.000 | 0 | 4.310.000 | 1.150.000 | 0 | 4.150.000 |
1.1 | Hạ tầng kỹ thuật công viên Đồng Tâm, thành phố Yên Bái | 100.000 | 29.871 | 29.871 |
| 25.000 | 25.000 |
| 4.871 | 4.871 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.2 | Hạ tầng điểm du lịch dù lượn Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải | 13.600 | 3.600 | 3.600 |
| 3.600 | 3.600 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
1.3 | Các dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch của nhà đầu tư | 241.921 437 | 16.307.150 | 0 | 16.307.150 | 745.075 | 0 | 745.075 | 2.385.075 | 0 | 2.385.075 | 4.717.000 | 0 | 4.717.000 | 1.310.000 | 0 | 4.310.000 | 1.150.000 | 0 | 4.150.000 |
(1) | Dự án khu du lịch Bình nguyên xanh Khai Trung, huyện Lục Yên | 56.150 | 56.150 |
| 56.150 | 28.075 |
| 28.075 | 28.075 |
| 28.075 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(2) | Dự án khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng phức hợp Quốc tế Vân Hội, huyện Trấn Yên | 2.700.000 | 1.450.000 |
| 1.450.000 | 50.000 |
| 50.000 | 200.000 |
| 200.000 | 400.000 |
| 400.000 | 400.000 |
| 400.000 | 400.000 |
| 400.000 |
(3) | Dự án đầu tư xây dựng trung tâm huấn luyện và trải nghiệm tại xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn và xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải | 150.000 | 150.000 |
| 150.000 | 50.000 |
| 50.000 | 50.000 |
| 50.000 | 50.000 |
| 50.000 |
|
|
|
|
|
|
(4) | Dự án Khu nghỉ dưỡng Mù Cang Chải (Mù Cang Chải Resort) | 1.188.080 | 200.000 |
| 200.000 | 100.000 |
| 100.000 | 100.000 |
| 100.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(5) | Dự án tổ hợp sân wolf ngôi sao Yên Bái, huyện Trấn Yên | 683.033 | 290.000 |
| 290.000 | 100.000 |
| 100.000 | 190.000 |
| 190.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(6) | Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu | 50.136 | 51.000 |
| 51.000 | 17.000 |
| 17.000 | 17.000 |
| 17.000 | 17.000 |
| 17.000 |
|
|
|
|
|
|
(7) | Dự án đầu tư khu du lịch sinh thái nước nóng Bán Bon, thị xã Nghĩa Lộ | 1.518.038 | 500.000 |
| 500.000 | 100.000 |
| 100.000 | 100.000 |
| 100.000 | 100.000 |
| 100.000 | 100.000 |
| 100.000 | 100.000 |
| 100.000 |
(8) | Dự án đầu tư khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Bản Hốc, huyện Văn Chấn | 320.000 | 320.000 |
| 320.000 | 80.000 |
| 80.000 | 80.000 |
| 80.000 | 80.000 |
| 80.000 | 80.000 |
| 80.000 |
|
|
|
(9) | Dự án đầu tư công viên văn hóa, thể thao du lịch và phụ trợ Hồ Thác Bà, huyện Yên Bình | 4 980.000 | 700.000 |
| 700.000 | 100.000 |
| 100.000 | 300 000 |
| 300.000 | 300.000 |
| 300.000 |
|
|
|
|
|
|
(10) | Dự án đầu tư xây dựng không gian văn hóa Suối Giàng | 118.000 | 110.000 |
| 110 000 | 10.000 |
| 10.000 | 50 000 |
| 50.000 | 50.000 |
| 50.000 |
|
|
|
|
|
|
(11) | Dự án đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái thể thao,vui chơi, giải trí hồ Thác Bà | 285.000 | 180.000 |
| 180.000 | 60.000 |
| 60.000 | 60.000 |
| 60.000 | 60.000 |
| 60.000 |
|
|
|
|
|
|
(12) | Dự án đầu tư khu du lịch - Văn hóa - Nghỉ dưỡng tại xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải | 2 500.000 | 1.000.000 |
| 1 000.000 |
|
|
| 100.000 |
| 100.000 | 300 000 |
| 300.000 | 300.000 |
| 300.000 | 300.000 |
| 300.000 |
(13) | Quần thể du lịch, thể thao quốc tế Venus Yên Bái tại huyện Trấn Yên | 960.000 | 500.000 |
| 500.000 |
|
|
| 50.000 |
| 50.000 | 100.000 |
| 100.000 | 150.000 |
| 150.000 | 200.000 |
| 200.000 |
(14) | Khu du lịch nghỉ dưỡng khoáng nóng tại khu vực xã Phú Nham, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái | 6 213.000 | 600.000 |
| 600.000 |
|
|
| 50.000 |
| 50.000 | 200.000 |
| 200.000 | 200.000 |
| 200.000 | 150.000 |
| 150.000 |
(15) | Đầu tư xây dựng công viên Đồi thông (eo gió), huyện Trạm Tấu | 200.000 | 200.000 |
| 200.000 |
|
|
| 60.000 |
| 60.000 | 60.000 |
| 60.000 | 80.000 |
| 80.000 |
|
|
|
(16) | Dự án Khu du lịch Quốc gia hồ Thác Bà, tỉnh Yên Bái (Tập đoàn Sun Group) | 220 000.000 | 10.000.000 |
| 10.000.000 | 50.000 |
| 50.000 | 950.000 |
| 950.000 | 3.000.000 |
| 3.000.000 |
|
| 3.000.000 |
|
| 3.000.000 |
2 | Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 | 20.894 | 20.894 | 20.894 |
| 3.582 | 3.582 |
| 4.852 | 4.852 |
| 4.421 | 4.421 |
| 4.154 | 4.154 |
| 3.885 | 3.885 |
|
2.1 | Hỗ trợ cơ sở vật chất và hạ tầng du lịch tỉnh Yên Bái | 7.350 | 7.350 | 7.350 |
| 1.170 | 1.170 |
| 2.150 | 2.150 |
| 1.550 | 1.550 |
| 1.400 | 1.400 |
| 1.080 | 1.080 |
|
2.2 | Hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Yên Bái | 6.338 | 6.338 | 6.338 |
| 1.140 | 1.140 |
| 1.212 | 1.212 |
| 1.351 | 1.351 |
| 1.284 | 1.284 |
| 1.351 | 1.351 |
|
2.3 | Hỗ trợ hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch ngoài tỉnh | 1.250 | 1.250 | 1.250 |
| 250 | 250 |
| 250 | 250 |
| 250 | 250 |
| 250 | 250 |
| 250 | 250 |
|
2.4 | Hỗ trợ bảo tồn, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa trên địa bàn tỉnh Yên Bái | 5.956 | 5.956 | 5.956 |
| 1.022 | 1.022 |
| 1.240 | 1.240 |
| 1.270 | 1.270 |
| 1.220 | 1.220 |
| 1.204 | 1.204 |
|
II | Dịch vụ Thương mại | 1.430.275 | 1.384.096 | 32.366 | 1.351.730 | 335.189 | 15 009 | 320.180 | 549.107 | 12.557 | 536.550 | 270.190 | 1.340 | 318.850 | 145.240 | 1.890 | 143.350 | 34.370 | 1.570 | 32.800 |
1 | Phát triển thương mại điện tử | 16.470 | 16.470 | 4.570 | 11.900 | 2.000 | 650 | 1.350 | 2.810 | 860 | 1.950 | 3.470 | 1.020 | 2.450 | 4.410 | 1.060 | 3.350 | 3.780 | 980 | 2.800 |
2 | Phát triển hạ tầng thương mại | 1.412.955 | 1.366.776 | 26.946 | 1.339.830 | 333.019 | 14.189 | 318.830 | 546.127 | 11.527 | 534.600 | 266.550 | 150 | 316.400 | 140.660 | 660 | 140.000 | 30.420 | 420 | 30.000 |
2.1 | Nâng cấp, cải tạo một số chợ | 1.560 | 1.560 | 1.560 |
| 180 | 180 |
| 150 | 150 |
| 150 | 150 |
| 660 | 660 |
| 420 | 420 |
|
2.2 | Xây mới một số chợ | 70.529 | 25.386 | 25.386 |
| 14.009 | 14.009 |
| 11.377 | 11.377 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(1) | Chợ Bến Đò, thành phố Yên Bái | 20.000 | 5.886 | 5.886 |
| 5.886 | 5.886 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(2) | Chợ trung tâm huyện Mù Cang Chải | 35.529 | 12.000 | 12.000 |
| 8 123 | 8.123 |
| 3.877 | 3.877 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(3) | Chợ trung tâm Km4 thành phố Yên Bái | 15.000 | 7.500 | 7.500 |
|
|
|
| 7.500 | 7.500 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
2.3 | Các dự án đầu tư phát triển hạ tầng thương mại của nhà đầu tư | 1340.866 | 1 339.830 | 0 | 1.339.830 | 318.830 | 0 | 318.830 | 534.600 | 0 | 534.600 | 266.400 | 0 | 316.400 | 140.000 | 0 | 140.000 | 30.000 | 0 | 30.000 |
(1) | Xây mới 02 trung tâm thương mại tại thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái | 200.000 | 200.000 |
| 200.000 |
|
|
|
|
|
| 90 000 |
| 90.000 | 110.000 |
| 110 000 |
|
|
|
(2) | Xây mới 03 siêu thị tại thành phố Yên Bái, thị trần Yên Thế, huyện Lục Yên và thị xã Nghĩa Lộ | 85.000 | 85.000 |
| 85.000 |
|
|
|
|
|
| 25.000 |
| 25 000 | 30.000 |
| 30.000 | 30 000 |
| 30.000 |
(3) | Dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện, thành phố Yên Bái | 300.000 | 300.000 |
| 300.000 | 100 000 |
| 100.000 | 200.000 |
| 200.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(4) | Dự án đầu tư khách sạn Hòa Bình Minh, thành phố Yên Bái | 100.000 | 100.000 |
| 100.000 | 50.000 |
| 50.000 | 50.000 |
| 50.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(5) | Dự án đầu tư xây dựng văn phòng, xưởng sửa chữa cơ khí, kho bãi hàng hóa, dịch vụ thương mại tổng hợp huyện Trấn Yên | 56.680 | 56.000 |
| 56.000 | 30.000 |
| 30.000 | 26.000 |
| 26.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(6) | Dự án đầu tư cửa hàng bán lẻ xăng dầu Trường Hiền huyện Trấn Yên | 2.990 | 2.990 |
| 2.990 | 2.990 |
| 2.990 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(7) | Trụ sở làm việc kết hợp kinh doanh thương mại dịch vụ thành phố Yên Bái | 23.000 | 23.000 |
| 23.000 | 23.000 |
| 23.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(8) | Dự án đầu tư xây dựng nhà khách và kinh doanh DV án uống thành phố Yên Bái | 3.300 | 3.300 |
| 3.300 | 3.300 |
| 3.300 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(9) | Dự án đầu tư xây dựng tổ hợp công cộng, dịch vụ thương mại huyện Lục Yên | 302.800 | 302.800 |
| 302.800 |
|
|
| 151.400 |
| 151.400 | 151.400 |
| 151.400 |
|
|
|
|
|
|
(10) | Cửa hàng kinh doanh xăng dầu và trạm dịch vụ vận tải hàng hóa Cường Thịnh, huyện Lục Yên | 7.790 | 7.790 |
| 7.790 | 7.790 |
| 7.790 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(11) | Dự án đầu tư cửa hàng xăng dầu Petrolimex - cửa hàng 23 huyện Văn Yên | 1.050 | 1.050 |
| 1.050 | 1.050 |
| 1.050 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(12) | Cơ sở kinh doanh, dịch vụ Tuấn Khải, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên | 3.000 | 3.000 |
| 3.000 | 3.000 |
| 3.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(13) | Dự án đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ, trưng bày và giới thiệu sản phẩm trên đường nối nút giao IC12 với tỉnh Yên Bái, huyện Trấn Yên | 200.274 | 200.000 |
| 200.000 | 50.000 |
| 50.000 | 100.000 |
| 100.000 |
|
| 50.000 |
|
|
|
|
|
|
(14) | Cửa hàng xăng dầu Minh Quân huyện Trấn Yên | 3.000 | 3.000 |
| 3.000 | 3.000 |
| 3.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(15) | Dự án đầu tư khu tập kết cát sỏi và kinh doanh tập trung huyện Trấn Yên | 14.911 | 15.000 |
| 15.000 | 15.000 |
| 15.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(16) | Dự án đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu Khương Lắm huyện Trấn Yên | 1.850 | 1.800 |
| 1.800 | 1.800 |
| 1.800 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(17) | Dự án đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu Xuất Huệ huyện Trấn Yên | 2.000 | 2.000 |
| 2.000 | 2.000 |
| 2.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(18) | Dự án đầu tư bài tập kết cát, sỏi và kinh doanh vật liệu xây dựng tại xã Minh Quản, huyện Trấn Yên | 2.500 | 2.500 |
| 2.500 | 2.500 |
| 2.500 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(19) | Dự án đầu tư cửa hàng xăng dầu Petrolimex - cửa hàng 37 huyện Trấn Yên | 7.265 | 7.200 |
| 7.200 | 7.200 |
| 7.200 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(20) | Dự án đầu tư cửa hàng xăng dầu Đắc Thiên 2 huyện Văn Chấn | 4.825 | 4.800 |
| 4.800 | 4.800 |
| 4 800 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(21) | Dự án đầu tư cửa hàng xăng dầu Vĩnh Kiên huyện Yên Bình | 2.900 | 2.900 |
| 2.900 | 2.900 |
| 2.900 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(22) | Dự án dấu tư cửa hàng xăng dầu Petrolimex - cửa hàng 30 huyện Yên Bình | 5 500 | 5.500 |
| 5.500 | 5.500 |
| 5.500 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(23) | Cửa hàng xăng dầu Hoàng Anh | 3.900 | 3.900 |
| 3.900 | 1.000 |
| 1.000 | 2.900 |
| 2.900 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(24) | Cửa hàng xăng dầu Cường Quy | 3.000 | 3.000 |
| 3.000 | 1.000 |
| 1.000 | 2.000 |
| 2.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
(25) | Dự án đầu tư xây dựng nhà khách và kinh doanh dịch vụ ăn uống | 3.331 | 3.300 |
| 3.300 | 1.000 |
| 1.000 | 2.300 |
| 2.300 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa | 850 | 850 | 850 |
| 170 | 170 |
| 170 | 170 |
| 170 | 170 |
| 170 | 170 |
| 170 | 170 |
|
III | Dịch vụ Giáo dục và Đào tạo | 1.542.322 | 1.542.322 | 1.432.172 | 110.150 | 425.673 | 425.673 | 0 | 412.848 | 383.348 | 29.500 | 328.633 | 292.133 | 36.500 | 328.232 | 292.582 | 35.650 | 46.936 | 38.436 | 8.500 |
1 | Đề án triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng trường Phổ thông đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 | 1.221.839 | 1.221.839 | 1.141.839 | 80.000 | 401.098 | 401.098 |
| 313.118 | 290.118 | 23.000 | 247.833 | 218.833 | 29.000 | 259.790 | 231.790 | 28.000 |
|
|
|
1.1 | Bồi dưỡng | 32.259 | 32.259 | 32.259 |
| 9.021 | 9.021 |
| 8.954 | 8.954 |
| 6.574 | 6.574 |
| 7.710 | 7.710 |
|
|
|
|
1.2 | Mua sách giáo khoa | 1.831 | 1.831 | 1.831 |
| 374 | 374 |
| 440 | 440 |
| 481 | 481 |
| 536 | 536 |
|
|
|
|
1.3 | Xây dựng tài liệu giáo dục địa phương | 2.279 | 2.279 | 2.279 |
| 1.279 | 1.279 |
| 500 | 500 |
| 500 | 500 |
|
|
|
|
|
|
|
1.4 | Mua sắm thiết bị, đầu tư cơ sở vật chất | 1 185.470 | 1.185.470 | 1.105.470 | 80.000 | 390.424 | 390.424 |
| 303.224 | 280.224 | 23.000 | 240.278 | 211.278 | 29.000 | 251.544 | 223.544 | 28.000 |
|
|
|
| - Tiểu học | 487.966 | 487.966 | 460.966 | 27.000 | 184.968 | 184.968 |
| 125.865 | 118.065 | 7.800 | 90.821 | 81.021 | 9.800 | 86.312 | 76.912 | 9.400 |
|
|
|
| - Trung học cơ sở | 588.822 | 588.822 | 562.322 | 26.500 | 205.456 | 205.456 |
| 144.360 | 136.760 | 7.600 | 123.753 | 114.153 | 9.600 | 115.253 | 105.953 | 9.300 |
|
|
|
| - Trung học phổ thông | 108.682 | 108.682 | 82.182 | 26.500 |
|
|
| 32.999 | 25.399 | 7.600 | 25.704 | 16.104 | 9.600 | 49.979 | 40.679 | 9.300 |
|
|
|
2 | Đề án phát triển trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 | 36.661 | 36.661 | 34.511 | 2.150 | 3.285 | 3.285 |
| 8.800 | 8.800 |
| 9.000 | 8.000 | 1.000 | 9.000 | 7.850 | 1.150 | 6.576 | 6.576 |
|
3 | Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 | 283.822 | 283.822 | 255.822 | 28.000 | 21.290 | 21.290 |
| 90.930 | 84.430 | 6.500 | 71.800 | 65.300 | 6.500 | 59.442 | 52.942 | 6.500 | 40.360 | 31.860 | 8.500 |
3.1 | Đào tạo, bồi dưỡng | 2.005 | 2.005 | 2.005 |
| 550 | 550 |
| 495 | 495 |
| 335 | 335 |
| 375 | 375 |
| 250 | 250 |
|
3.2 | Mua sắm thiết bị | 53.915 | 53.915 | 39.715 | 14.200 | 16.100 | 16.100 |
| 12 915 | 9.615 | 3.300 | 8.905 | 5.605 | 3.300 | 9.765 | 6.465 | 3.300 | 6.230 | 1.930 | 4.300 |
3.3 | Đầu tư cơ sở vật chất | 227.902 | 227.902 | 214.102 | 13.800 | 4.640 | 4.640 |
| 77.520 | 74.320 | 3.200 | 62.560 | 59.360 | 3.200 | 49.302 | 46.102 | 3.200 | 33.880 | 29.680 | 4.200 |
IV | Dịch vụ Y tế, chăm sóc sức khóc | 1.281.877 | 1.278.522 | 804.962 | 473.560 | 257.030 | 168.470 | 88.560 | 419.567 | 259.567 | 160.000 | 236.274 | 161.274 | 75.000 | 215.651 | 140.651 | 75.000 | 150.000 | 75.000 | 75.000 |
1 | Đề án nâng cao năng lực khám, chữa bệnh và đẩy mạnh tự chủ tài chính trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 | 500.000 | 500.000 | 500.000 |
| 50.000 | 50.000 |
| 120.000 | 120.000 |
| 125.000 | 125.000 |
| 130.000 | 130.000 |
| 75.000 | 75 000 |
|
2 | Dự án đầu tư xây dựng trung tâm bảo trợ xã hội và chăm sóc người cao tuổi, thành phố Yên Bái | 2.400 | 2.400 |
| 2.400 | 2.400 |
| 2 400 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Dự án đầu tư xây dựng phòng khám đa khoa chất lượng cao và kinh doanh dịch vụ y tế, thành phố Yên Bái | 50.000 | 50.000 |
| 50.000 | 25.000 |
| 25.000 | 25.000 |
| 25.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
4 | Tổ hợp khu dịch vụ, điều dường và chăm sóc sức khỏe hồ Nước Vàng, thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên | 120.000 | 120.000 |
| 120.000 | 60.000 |
| 60.000 | 60.000 |
| 60.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
5 | Dự án bệnh viện Vinmec, Trấn Yên | 300.000 | 300.000 |
| 300.000 | 0 |
|
| 75.000 |
| 75.000 | 75.000 |
| 75.000 | 75.000 |
| 75.000 | 75.000 |
| 75.000 |
6 | Xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở - dự án thành phần tỉnh Yên Bái, vay vốn WB | 213.662 | 211.848 | 211.848 |
| 61.410 | 61.410 |
| 107.799 | 107.799 |
| 31.988 | 31.988 |
| 10.651 | 10.651 |
|
|
|
|
7 | Xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho bệnh viện đa khoa huyện Lục Yên và 10 phòng khám đa khoa khu vực tỉnh Yên Bái sử dụng vốn ODA của Chính phủ Đức | 38.095 | 36.554 | 36.554 |
| 500 | 500 |
| 31.768 | 31.768 |
| 4.286 | 4.286 |
|
|
|
|
|
|
|
8 | Nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật về quản lý bệnh viện cho bệnh viện da khoa tỉnh Yên Bái, sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc | 19.720 | 19.720 | 18.560 | 1.160 | 19.720 | 18.560 | 1.160 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
9 | Xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ và trung tâm y tế huyện Văn Chấn | 20.000 | 20.000 | 20.000 |
| 20.000 | 20.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
10 | Xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho trung tâm y tế các huyện Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái | 18.000 | 18.000 | 18.000 |
| 18.000 | 18.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
V | Dịch vụ Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm | 615.000 | 615.000 | 0 | 615.000 | 103.000 | 0 | 103.000 | 103.000 | 0 | 103.000 | 103.000 | 0 | 103.000 | 143.000 | 0 | 143.000 | 163.000 | 0 | 163.000 |
1 | Mở mới 02 chi nhánh ngân hàng | 600.000 | 600.000 |
| 600.000 | 100.000 |
| 100.000 | 100.000 |
| 100.000 | 100.000 |
| 100.000 | 140.000 |
| 140.000 | 160.000 |
| 160.000 |
2 | Lắp đặt mới máy ATM, POS, EDC | 15.000 | 15.000 |
| 15.000 | 3.000 |
| 3.000 | 3.000 |
| 3.000 | 3.000 |
| 3.000 | 3.000 |
| 3.000 | 3.000 |
| 3.000 |
VI | Dịch vụ Logistics và vận tải | 1.720.645 | 1.720.645 | 57.800 | 1.662.845 | 200.000 | 0 | 200.000 | 272.145 | 8.300 | 263.845 | 386.100 | 13.100 | 373.000 | 451.500 | 18.500 | 433.000 | 410.900 | 17.900 | 393.000 |
1 | Phương tiện vận tải | 1.000 000 | 1.000.000 |
| 1 000 000 | 200.000 |
| 200.000 | 200.000 |
| 200.000 | 200.000 |
| 200.000 | 200.000 |
| 200.000 | 200 000 |
| 200.000 |
2 | Phát triển ngành dịch vụ logistics | 720 645 | 720.645 | 57.800 | 662.845 |
|
|
| 72.145 | 8.300 | 63.845 | 186.100 | 13.100 | 173.000 | 251.500 | 18.500 | 233.000 | 210.900 | 17.900 | 193.000 |
VII | Dịch vụ Công nghệ thông tin và truyền thông | 496.900 | 496.900 | 294.700 | 202.200 | 29.050 | 29.050 | 0 | 74.650 | 74.100 | 550 | 120.900 | 60.350 | 60.550 | 139.900 | 69.350 | 70.550 | 132.400 | 61.850 | 70.550 |
1 | Đào tạo nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho CB, CC, VC trong cơ quan nhà nước (bao gồm cả nhận thức an toàn thông tin) trên địa bàn tỉnh Yên Bái | 2.000 | 2.000 | 2.000 |
|
|
|
| 1.000 | 1.000 |
| 500 | 500 |
| 500 | 500 |
|
|
|
|
2 | Đào tạo nâng cao kỹ năng lãnh đạo số cho các cấp lãnh đạo trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Yên Bái | 500 | 500 | 500 |
| 250 | 250 |
| 250 | 250 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
3 | Xây dựng, duy trì chuyên mục chuyển đổi số trên Báo Yên Bái, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh | 1.500 | 1.500 | 1.500 |
| 300 | 300 |
| 300 | 300 |
| 300 | 300 |
| 300 | 300 |
| 300 | 300 |
|
4 | Chương trình nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng trong nền kinh tế số trên địa bàn tỉnh Yên Bái | 1.500 | 1.500 | 1.500 |
|
|
|
| 500 | 500 |
| 500 | 500 |
| 500 | 500 |
|
|
|
|
2 | Số hóa dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Yên Bái | 25.000 | 25.000 | 25.000 |
| 5.000 | 5.000 |
| 5.000 | 5.000 |
| 5.000 | 5.000 |
| 5.000 | 5.000 |
| 5 000 | 5.000 |
|
3 | Số hóa kho lưu trữ lịch sử tỉnh Yên Bái | 40.000 | 40.000 | 40.000 |
| 10.000 | 10.000 |
| 10.000 | 10.000 |
| 10.000 | 10.000 |
| 10.000 | 10.000 |
|
|
|
|
4 | Chuyển hóa các hệ thống thông tin dùng chung, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các cơ quan nhà nước theo kiến trúc chính quyền điện tử 2.0 và kiến trúc ICT đô thị thông minh tỉnh Yên Bái | 5.000 | 5.000 | 5.000 |
| 1.000 | 1.000 |
| 1.000 | 1.000 |
| 1.000 | 1.000 |
| 1.000 | 1.000 |
| 1 000 | 1.000 |
|
8 | Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển hình thành doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Yên Bái | 2.000 | 2.000 | 1.000 | 1.000 |
|
|
| 500 | 250 | 250 | 500 | 250 | 250 | 500 | 250 | 250 | 500 | 250 | 250 |
5 | Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Yên Bái | 2.400 | 2.400 | 1.200 | 1.200 |
|
|
| 600 | 300 | 300 | 600 | 300 | 300 | 600 | 300 | 300 | 600 | 300 | 300 |
6 | Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số cho cơ quan nhà nước tỉnh Yên Bái | 40.000 | 40.000 | 40.000 |
| 5.000 | 5.000 |
| 14.000 | 14.000 |
| 1.000 | 1.000 |
| 10.000 | 10.000 |
| 10 000 | 10.000 |
|
7 | Dự án xây dựng nền tảng số, hoàn thiện và phát triển lĩnh vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh Yên Bái | 129.000 | 129.000 | 129.000 |
| 7.500 | 7.500 |
| 31.500 | 31.500 |
| 31.500 | 31.500 |
| 31.500 | 31.500 |
| 27 000 | 27.000 |
|
8 | Doanh nghiệp số (từ 1-3 doanh nghiệp) | 200.000 | 200.000 |
| 200.000 |
|
|
|
|
|
| 60.000 |
| 60.000 | 70.000 |
| 70.000 | 70 000 |
| 70.000 |
9 | Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nâng cao hiệu quả đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Yên Bái | 48.000 | 48.000 | 48.000 |
|
|
|
| 10.000 | 10.000 |
| 10.000 | 10.000 |
| 10.000 | 10.000 |
| 18.000 | 18.000 |
|
VIII | Dịch vụ Khoa học và Công nghệ | 135.000 | 135.000 | 35.000 | 100.000 | 0 | 0 | 0 | 20.000 | 20.000 | 0 | 15.000 | 15.000 | 0 | 0 | 0 | 0 | 100.000 | 0 | 100.000 |
1 | Dự án mở rộng trại thực nghiệm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Yên Bái | 25.000 | 25.000 | 25.000 |
| 0 |
|
| 15.000 | 15 000 |
| 10.000 | 10.000 |
|
|
|
|
|
|
|
2 | Doanh nghiệp khoa học công nghệ | 100.000 | 100.000 |
| 100.000 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
| 100.000 |
| 100.000 |
3 | Dự án tăng cường tiềm lực lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng - ứng dụng năng lượng nguyên tử tỉnh Yên Bái | 10.000 | 10.000 | 10.000 |
| 0 |
|
| 5.000 | 5 000 |
| 5.000 | 5.000 |
|
|
|
|
|
|
|
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ CỤ THỂ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN CƠ CẤU LẠI NGÀNH DỊCH VỤ
TỈNH YÊN BÁI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
STT | Nhiệm vụ | Cơ quan chủ trì thực hiện | Cơ quan phối hợp thực hiện | Thời gian bắt đầu thực hiện | Thời gian hoàn thành | Lãnh đạo UBND tỉnh chủ trì chịu trách nhiệm | Hình thức văn bản |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 |
A | Nhiệm vụ chung |
|
|
|
|
|
|
1 | Xây dựng kịch bản tăng trưởng tỉnh Yên Bái (Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành dịch vụ giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 7,5%/năm; tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm khoảng 46,5%) | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Quý I/2021 | Đồng chí Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh | Kịch bản của UBND tỉnh |
2 | Xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Quý II/2021 | Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
3 | Báo cáo định kỳ và báo cáo tổng kết thực hiện đề án | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Cục Thống kê, các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Quý IV/2025 | Đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Báo cáo |
B | Nhiệm vụ cụ thể từng lĩnh vực |
|
|
|
|
|
|
I | Dịch vụ Du lịch |
|
|
|
|
|
|
1 | Xây dựng Đề án xây dựng phát triển huyện Mù Cang Chải thành huyện du lịch giai đoạn 2021 - 2025 | UBND huyện Mù Cang Chải | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Quý II/2021 | Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Đề án |
2 | Xây dựng Đề án xây dựng thị xã Nghĩa Lộ thành thị xã văn hóa, du lịch giai đoạn 2021 - 2025 | UBND thị xã Nghĩa Lộ | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Quý II/2021 | Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Đề án |
3 | Xây dựng hạng mục du lịch thông minh trong Đề án đô thị thông minh | Văn phòng UBND tỉnh | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2020 | Năm 2021 | Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Đề án |
4 | Xây dựng đồ án Quy hoạch chung xây dựng khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà | Sở Xây dựng | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2020 | Quý III/2021 | Đồng chí Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh | Quyết định |
5 | Đề án xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch tỉnh Yên Bái | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng, chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Đề án |
6 | Xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Quý II/2021 | Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Nghị quyết |
II | Dịch vụ Thương mại |
|
|
|
|
|
|
1 | Phát triển thương mại điện tử | Sở Công Thương | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
2 | Phát triển hạ tầng thương mại | Sở Công Thương | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
3 | Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa | Sở Công Thương | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Chương trình UBND tỉnh |
4 | Xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP | Sở Công Thương | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
III | Dịch vụ Giáo dục và Đào tạo |
|
|
|
|
|
|
1 | Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 | Sở Giáo dục và Đào tạo | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Quý I/2021 | Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Đề án |
2 | Đề án triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và xây dựng trường Phổ thông đạt chuẩn quốc gia tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 | Sở Giáo dục và Đào tạo | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Quý I/2021 | Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Đề án |
3 | Đề án phát triển trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Tất Thành tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 | Sở Giáo dục và Đào tạo | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Quý I/2021 | Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Đề án |
4 | Triển khai thực hiện Nghị quyết số 70/2020/NQ- HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025 | Sở Giáo dục và Đào tạo | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Quý I/2021 | Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Hướng dẫn của UBND tỉnh |
5 | Triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của nhà trường đối với cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý của tỉnh từ năm học 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh Yên Bái | Sở Giáo dục và Đào tạo | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2022 | Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Hướng dẫn của UBND tỉnh |
6 | Đào tạo nghề cho người lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ | Sở Lao động, Thương binh và Xã hội | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
IV | Dịch vụ Y tế, chăm sóc sức khỏe |
|
|
|
|
|
|
1 | Đề án nâng cao năng lực khám, chữa bệnh và đẩy mạnh tự chủ tài chính trong các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025 | Sở Y tế | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Quý II/2021 | Đồng chí Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh | Đề án |
2 | Xây dựng và phát triển hệ thống cung ứng dịch vụ y tế tuyến cơ sở - dự án thành phần tỉnh Yên Bái, vay vốn WB | Sở Y tế | Các Sở, ngành, địa phương và Cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2020 | Năm 2024 | Đồng chí Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
3 | Xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ và trung tâm y tế huyện Văn Chấn | Sở Y tế | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2021 | Đồng chí Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
4 | Xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho trung tâm y tế các huyện Văn Yên, Trấn Yên và thành phố Yên Bái | Sở Y tế | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2022 | Đồng chí Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
5 | Xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho bệnh viện đa khoa huyện Lục Yên và 10 phòng khám đa khoa khu vực tỉnh Yên Bái sử dụng vốn ODA của Chính phủ Đức | Sở Y tế | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2013 | Năm 2023 | Đồng chí Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
6 | Nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật về quản lý trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc | Sở Y tế | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2022 | Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
7 | Đổi mới nâng cao chất lượng y tế tuyến xã, xây dựng trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình | Sở Y tế | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
8 | Nâng cao năng lực y tế dự phòng, đảm bảo an toàn VSTP (Kiểm soát các bệnh không lây nhiễm, phòng chống bệnh, tật học đường, phòng chống tai nạn thương tích, bệnh nghề nghiệp, kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây hại cho sức khỏe như rượu, bia, thuốc lá...; Kiểm soát chất lượng nước, thực phẩm, không khí; Kiểm soát, đảm bảo an toàn VSTP) | Sở Y tế | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
9 | Triển khai chuyển đổi số y tế (Đẩy mạnh ứng dụng CNTT từ quản lý bệnh viện, giám định BHYT, khám chữa bệnh từ xa...; triển khai đồng bộ hệ thống lưu trữ và truyền hình ảnh PACS trong các cơ sở khám chữa bệnh; triển khai hợp phần y tế thông minh trong tổng thể đề án đô thị thông minh của tỉnh). Hoàn thành bệnh án điện tử tại 3 đơn vị: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ và Trung tâm y tế huyện Văn Yên; khuyến khích các đơn vị khác nếu đủ điều kiện | Sở Y tế | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
10 | Các đề án hợp tác với bệnh viện trung ương: 108, Việt Đức, Bạch Mai, ... | Sở Y tế | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
V | Dịch vụ Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm |
|
|
|
|
|
|
1 | Lắp đặt mới máy ATM, POS, EDC | Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Yên Bái | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
2 | Thành lập Chi nhánh ngân hàng thương mại (tăng thêm 02 Chi nhánh so với năm 2020, 13 chi nhánh loại I) | Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Yên Bái | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
3 | 100% chi nhánh ngân hàng Thương mại áp dụng chuẩn mực Basel II | Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Yên Bái | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
4 | Huy động nguồn vốn đạt 66.000 tỷ đồng; Mức dư nợ đạt 57.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2%; Nâng Tỷ trọng doanh thu từ hoạt động phi tín dụng đạt mức 17% | Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Yên Bái | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
5 | Tỷ trọng thanh toán tiền mặt ở mức dưới 8%. | Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Yên Bái | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
6 | Thành lập mới doanh nghiệp tư vấn tài chính | Sở Kế hoạch và Đầu tư | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Giấy chứng nhận |
7 | Tăng tỷ lệ tham gia BHXH lên mức 20% số lượng so với lực lượng lao động độ tuổi, giảm nợ đọng BHXH xuống dưới 2% | Bảo hiểm xã hội tỉnh | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
8 | Mở rộng quy mô ngành dịch vụ bảo hiểm sang lĩnh vực nông nghiệp, hàng hóa, kinh doanh | Sở Tài chính | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
VI | Dịch vụ Logistics và vận tải |
|
|
|
|
|
|
1 | Bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vận tải | Sở Giao thông vận tải | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
2 | Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải | Sở Giao thông vận tải | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
3 | Phát triển ngành dịch vụ logistics | Sở Giao thông vận tải | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
4 | Xây dựng 3 tuyến xe buýt chạy từ thành phố Yên Bái đi thị trấn Cổ Phúc, huyện Yên Bình và đi huyện Văn Yên | Sở Giao thông vận tải | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
VII | Dịch vụ Công nghệ thông tin và truyền thông |
|
|
|
|
|
|
1 | Đào tạo nâng cao kỹ năng lãnh đạo số cho các cấp lãnh đạo; nhận thức và kỹ năng số và nền kinh tế số cho cán bộ trong cơ quan nhà nước tỉnh Yên Bái | Sở Thông tin và Truyền thông | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
2 | Xây dựng, duy trì chuyên mục chuyển đổi số trên Báo Yên Bái, Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh | Sở Thông tin và Truyền thông | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
3 | Số hóa dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Yên Bái | Các Sở, ban, ngành, địa phương | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
4 | Số hóa kho lưu trữ lịch sử tỉnh Yên Bái | Sở Nội vụ | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
5 | Chuyển hóa các hệ thống thông tin dùng chung, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các cơ quan nhà nước theo kiến trúc chính quyền điện tử 2.0 và kiến trúc ICT đô thị thông minh tỉnh Yên Bái | Các Sở, ban, ngành, địa phương | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
6 | Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, phát triển hình thành doanh nghiệp chuyển đổi số phục vụ sản xuất, kinh doanh | Sở Thông tin và Truyền thông | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2022 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
7 | Dự án đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số cho cơ quan nhà nước tỉnh Yên Bái | Sở Thông tin và Truyền thông | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
8 | Xây dựng nền tảng số, hoàn thiện và phát triển lĩnh vực dịch vụ | Các Sở, ban, ngành, địa phương | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch của UBND tỉnh |
9 | Quản lý mạng bưu chính công cộng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị doanh nghiệp, trong khai thác và xử lý bưu gửi nhằm cung ứng dịch vụ chất lượng và hiệu quả cho người sử dụng dịch vụ | Sở Thông tin và Truyền thông | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Văn bản |
10 | Xây dựng và phát triển hạ tầng viễn thông thụ động theo hướng tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn thông tin và mỹ quan đô thị | Sở Thông tin và Truyền thông | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Văn bản |
11 | Triển khai chương trình viễn thông công ích giai đoạn 2021 - 2025; rà soát, phổ cập việc sử dụng điện thoại thông minh cho người dân | Sở Thông tin và Truyền thông | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Văn bản |
VIII | Dịch vụ Khoa học và Công nghệ |
|
|
|
|
|
|
1 | Từng bước nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu ứng dụng và dịch vụ khoa học công nghệ cũng như hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, đánh giá an toàn bức xạ hạt nhân đối với các lĩnh vực, phạm vi được công nhận phục vụ hoạt động sự nghiệp khoa học công nghệ và nhu cầu của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh | Sở Khoa học và Công nghệ | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
2 | Tư vấn xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, các doanh nghiệp trên địa bàn | Sở Khoa học và Công nghệ | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
3 | Đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, triển khai hiệu quả các dịch vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh | Sở Khoa học và Công nghệ | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
4 | Rà soát, hỗ trợ xây dựng, bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của tỉnh | Sở Khoa học và Công nghệ | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
5 | Triển khai đề xuất, quản lý các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đưa giống cây trồng mới, con giống mới nhằm bổ sung cơ cấu giống của địa phương đặc biệt tập trung vào thế mạnh của địa phương về nuôi trồng thủy sản, cây dược liệu, cây lâm nghiệp làm giàu rừng | Sở Khoa học và Công nghệ | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
IX | Các lĩnh vực dịch vụ khác |
|
|
|
|
|
|
1 | Xây dựng, tổ chức thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng thúc đẩy phát triển các lĩnh vực dịch vụ khác như: nông lâm nghiệp, môi trường, tư pháp, hỗ trợ kinh doanh, hành chính, vui chơi giải trí, văn hóa, thể thao, bất động sản... để đáp ứng nhu cầu của nhân dân và yêu cầu phát triển của các ngành kinh tế có thế mạnh của tỉnh | Sở NNPTNT, Sở TNMT, Sở Tư pháp và các Sở, ngành có liên quan | Các Sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị có liên quan | Năm 2021 | Năm 2025 | Đồng chí Chủ tịch, các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh | Kế hoạch ngành |
- 1Kế hoạch 59/KH-UBND năm 2020 thực hiện Quyết định 283/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 2Kế hoạch 115/KH-UBND về thực hiện Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 tại Quyết định 283/QĐ-TTg trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 3Kế hoạch 969/KH-UBND năm 2021 về cơ cấu lại ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2025
- 4Kế hoạch 21/KH-UBND năm 2022 thực hiện cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 5Kế hoạch 46/KH-UBND cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- 1Luật Thương mại 2005
- 2Luật Công nghệ thông tin 2006
- 3Luật Giao thông đường thủy nội địa 2004
- 4Luật giao thông đường bộ 2008
- 5Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 2010
- 6Luật các tổ chức tín dụng 2010
- 7Quyết định 2471/QĐ-TTg năm 2011 Phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Quyết định 950/QĐ-TTg năm 2012 về Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Nghị định 85/2012/NĐ-CP về cơ chế hoạt động, tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám, chữa bệnh của cơ sở khám, chữa bệnh công lập
- 10Luật xuất bản 2012
- 11Quyết định 122/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12Quyết định 355/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Luật khoa học và công nghệ năm 2013
- 14Nghị quyết 29-NQ/TW năm 2013 đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 15Quyết định 318/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Chiến lược phát triển dịch vụ vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16Luật Giao thông đường thủy nội địa sửa đổi 2014
- 17Luật Bảo hiểm xã hội 2014
- 18Nghị quyết 92/NQ-CP năm 2014 về giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới do Chính phủ ban hành
- 19Luật Báo chí 2016
- 20Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 21Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics
- 22Luật Du lịch 2017
- 23Nghị quyết 05-NQ/TW năm 2016 về chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 24Quyết định 2348/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 25Nghị quyết 08-NQ/TW năm 2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 26Nghị quyết 27/NQ-CP năm 2017 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW về chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế và Nghị quyết 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 do Chính phủ ban hành
- 27Nghị định 168/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Du lịch
- 28Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017
- 29Nghị quyết 103/NQ-CP năm 2017 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn do Chính phủ ban hành
- 30Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 31Luật giáo dục 2019
- 32Quyết định 27/2018/QĐ-TTg về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 33Quyết định 986/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 34Quyết định 1497/QĐ-TTg năm 2018 về phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 35Nghị quyết 17/NQ-CP năm 2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025 do Chính phủ ban hành
- 36Quyết định 34/QĐ-NHNN năm 2019 Chương trình hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 37Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 38Quyết định 149/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 39Quyết định 147/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 40Quyết định 283/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 41Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 42Nghị quyết 09/2020/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020-2025
- 43Kế hoạch 59/KH-UBND năm 2020 thực hiện Quyết định 283/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Cà Mau
- 44Nghị quyết 70/2020/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025
- 45Nghị quyết 73/2020/NQ-HĐND về thông qua Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025
- 46Nghị quyết 69/2020/NQ-HĐND quy định về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025
- 47Kế hoạch 115/KH-UBND về thực hiện Đề án Kế hoạch cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 tại Quyết định 283/QĐ-TTg trên địa bàn thành phố Cần Thơ
- 48Quyết định 531/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 49Nghị quyết 71/NQ-HĐND năm 2020 thông qua Đề án phát triển giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025
- 50Nghị quyết 56/NQ-HĐND năm 2020 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái 5 năm 2021-2025
- 51Kế hoạch 969/KH-UBND năm 2021 về cơ cấu lại ngành dịch vụ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đến năm 2025
- 52Nghị quyết 10/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025
- 53Nghị quyết 06/2021/NQ-HĐND quy định về một số chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025
- 54Nghị quyết 12/2021/NQ-HĐND quy định về một số chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025
- 55Nghị quyết 05/2021/NQ-HĐND quy định về một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025
- 56Kế hoạch 21/KH-UBND năm 2022 thực hiện cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sơn La
- 57Kế hoạch 46/KH-UBND cơ cấu lại ngành dịch vụ đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Quyết định 1476/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành dịch vụ tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025
- Số hiệu: 1476/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 21/07/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Yên Bái
- Người ký: Trần Huy Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 21/07/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra