Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 145/2011/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 10 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XỬ LÝ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ SẢN XUẤT GIẤY PHONG KHÊ THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 64/2003/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2005;

Căn cứ Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước;

Căn cứ Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”;

Căn cứ Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách Nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích;

Căn cứ Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách Nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích.

Căn cứ Nghị định số 117/2009/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc Xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 04/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị quyết số 29/2011/NQ-HĐND17 ngày 29 tháng 9 năm 2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc thông qua Đề án "Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề sản xuất giấy Phong Khê theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ";

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 39/TTr- TNMT ngày 12 tháng 9 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề sản xuất giấy Phong Khê theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ Tướng Chính phủ” (có Đề án kèm theo) .

Giao UBND thành phố Bắc Ninh thực hiện việc lập, trình phê duyệt Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề giấy tái chế Phong Khê và xây dựng kế hoạch cụ thể tổ chức triển khai thực hiện Dự án.

Điều 2. Quy định hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề sản xuất giấy Phong Khê, thành phố Bắc Ninh như sau:

1. Đối tượng và phạm vi hỗ trợ:

- Khu vực 1: Bao gồm khu vực làng nghề và các cơ sở đang sản xuất giấy. Mục tiêu là xử lý ô nhiễm môi trường nước thải, hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo dự án được phê duyệt (bao gồm cả kênh dẫn nước thải).

- Khu vực 2: Bao gồm khu vực liền kề với làng nghề và các cơ sở sản xuất (dọc bờ đê ven sông, bờ kênh). Mục tiêu là thu gom và vận chuyển chất thải rắn.

- Khu vực 3: Bao gồm khu vực các hồ ao, kênh mương và lòng sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm. Tại khu vực này cần tập trung đầu tư xử lý ô nhiễm nguồn nước và thực hiện lồng ghép với Dự án cải tạo sông Ngũ Huyện Khê do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư.

2. Điều kiện được hỗ trợ:

Các công trình xử lý nước thải tập trung, xử lý chất thải rắn và xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm, ao, hồ, kênh mương làng nghề sản xuất giấy Phong Khê phải được thực hiện theo đúng nội dung của các Dự án được phê duyệt.

3. Mức hỗ trợ:

Nhà nước hỗ trợ 80%, các cơ sở đóng góp 20% tổng kinh phí theo các Dự án được duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Thủ trưởng các cơ quan: Văn Phòng UBND tỉnh; các Sở, Ban, Ngành thuộc UBND tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UBND TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Tử Quỳnh

 

ĐỀ ÁN

XỬ LÝ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ SẢN XUẤT GIẤY PHONG KHÊ THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 64/2003/QĐ-TTG CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Kèm theo Quyết định số 145/2011/QĐ-UBND ngày 10 tháng 11 năm 2011 của UBND tỉnh)

I. SỰ CẦN THIẾT LẬP ĐỀ ÁN

Làng nghề - một loại hình sản xuất đặc thù của nông thôn Bắc Ninh, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động của địa phương.

Một trong những làng nghề có nguồn nước thải lớn và ô nhiễm nhất hiện nay là khu vực làng nghề sản xuất giấy tái chế Phong Khê, nước thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tới sông Ngũ Huyện Khê, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân trong vùng, chính vì vậy làng nghề sản xuất giấy Phong Khê đã nằm trong danh sách phải xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/ QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế xã hội, xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015 theo hướng công nghiệp hoá gắn với bảo vệ môi trường, nhằm ngăn chặn mức độ gia tăng ô nhiễm, phục hồi suy thoái và nâng cao chất lượng môi trường, trong những năm qua các cơ quan trung ương và địa phương đã có một số mô hình xử lý điểm ô nhiễm môi trường nhưng thiếu cơ chế quản lý nên không phát huy được hiệu quả, tình hình ô nhiễm môi trường ở khu vực làng nghề Phong Khê ngày một gia tăng. Do vậy vấn đề xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại xã Phong Khê là rất cần thiết và cần phải có sự tập trung cao độ và rất kiên quyết.

II. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

Xử lý triệt để ô nhiễm môi trường khu vực làng nghề sản xuất giấy Phong Khê để cải thiện chất lượng môi trường sinh thái cộng đồng khu vực dân cư nhằm thực hiện dứt điểm Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

III. NHỮNG CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Luật Bảo vệ môi trường năm 2005.

2. Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

3. Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.

4. Quyết định số 64/2011/QĐ-UBND ngày 23/5/2011 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc Ban hành Quy chế Bảo vệ môi trường làng nghề, Cụm công nghiệp tỉnh Bắc Ninh.

5. Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách Nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích.

6. Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách Nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích.

7. Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về Xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

8. Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.

9. Văn bản số 561/UBND-NN của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh ngày 01/4/2011 về việc “Bảo vệ môi trường làng nghề, khu công nghiệp vừa và nhỏ”.

10. Quyết định số 873/QĐ-UBND ngày 12 tháng 7 năm 2010 về việc Phê duyệt bổ sung dự án đầu tư xây dựng công trình Hệ thống xử lý nước thải tập trung Cụm công nghiệp Phong Khê, thành phố Bắc Ninh.

IV. THỰC TRẠNG Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG LÀNG NGHỀ SẢN XUẤT GIẤY PHONG KHÊ

A. Hiện trạng môi trường

Làng nghề tái chế giấy Phong Khê thuộc xã Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, dân số của xã khoảng 9.500 người, với khoảng 2.220 hộ. Hiện nay, số lượng các cơ sở sản xuất giấy tại làng nghề đã lên tới 234 cơ sở. Trong đó, có 56 cơ sở tại Cụm công nghiệp Phong Khê 1; 22 cơ sở tại CCN Phong Khê 2 (Cụm công nghiệp và dịch vụ thương mại Phong Khê - do Xí nghiệp giấy Hợp Tiến làm chủ đầu tư); còn lại là các hộ nằm xen kẽ trong các khu dân cư của các thôn là: Dương ổ 112 cơ sở (trong đó có 32 cơ sở lấn chiếm đất đai tại khu vực Đồng Ngòi), Đào Xá 30 cơ sở, Châm Khê 9 cơ sở, Ngô Khê 5 cơ sở.

Đa phần các cơ sở sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, mỗi cơ sở chỉ sử dụng khoảng 250 - 300 m2 đất , nguyên liệu sản xuất chủ yếu là các loại giấy phế liệu được thu gom trong nước và một phần nhập khẩu từ nước ngoài. Hầu hết các cơ sở sản xuất của Phong Khê có thiết bị cũ kỹ lạc hậu, sản xuất trước năm 1980, trình độ lao động thấp, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên hiệu quả sản xuất thường không cao, tiêu tốn nhiều năng lượng và nguyên liệu, khiến giá thành sản phẩm tăng, chất lượng sản phẩm thấp, thiếu tính cạnh tranh, có tác động tiêu cực tới chất lượng môi trường và sức khoẻ con người.

Chỉ khoảng 2 - 3 cơ sở sản xuất có áp dụng công nghệ xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường, còn lại hầu hết đều không đảm bảo được các điều kiện quy định, nước thải không được xử lý nội bộ đạt quy chuẩn trước khi thải ra bên ngoài và chất thải rắn không được thu gom để xử lý tập trung nên môi trường nơi đây đã trở nên ô nhiễm nghiêm trọng.

1. Về môi trường nước:

Theo kết quả phân tích tại các cơ sở sản xuất cho thấy: Nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải vượt nhiều lần so với quy chuẩn cho phép: BOD5 vượt từ 4,5 - 13 lần, COD vượt từ 6,2 - 19 lần. Chất rắn lơ lửng (TSS) vượt 17 - 18 lần. Đặc biệt, các hoá chất đặc trưng như Cl- vượt từ 7 - 21 lần. Tổng lượng nước thải theo khảo sát ban đầu từ các cơ sở sản xuất thải ra bên ngoài khoảng 5.000m3/ngày đêm (lưu lượng nước thải sẽ được xác định chính xác sau khi Đề án đã được phê duyệt để thực hiện Dự án xử lý nước thải tập trung) đã ảnh hưởng đến môi trường nước mặt và nước ngầm với bán kính khoảng 500m hai bên lưu vực sông Ngũ Huyện Khê.

2. Môi trường không khí:

Do hoạt động của các cơ sở sản xuất giấy tái chế, sử dụng nồi hơi cung cấp nhiệt cho máy xeo giấy đã tiêu thụ một lượng lớn than (ước tính khoảng 500 tấn than/ngày), mặt khác gần đây một số cơ sở còn sử dụng cả nhiên liệu củi thay cho than gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông và tác động đến việc chặt phá rừng. Khí thải phát sinh từ quá trình đốt cháy nhiên liệu không được xử lý (có chứa các thành phần các khí độc hại như SO2, CO, NOx, ...) thải trực tiếp ra môi trường, làm cho bầu không khí của thôn, làng bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt vào những ngày mưa, những ngày có độ ẩm cao, khí thải không phát tán được.

3. Môi trường đất:

Các chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, không được thu gom, đổ tuỳ tiện ra hệ thống đường làng, ven sông, kênh mương. Theo kết quả điều tra, lượng chất thải rắn phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và hoạt động sinh hoạt của người dân địa phương khoảng 60 - 65 tấn rác thải mỗi ngày, bao gồm cả chất thải nguy hại. Thêm vào đó, nước mưa chảy tràn trên bề mặt đã cuốn theo lượng dầu, mỡ, kim loại nặng, hóa chất xuống ao hồ và diện tích đất canh tác xung quanh khu vực sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp.

B. Công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường

1. Công tác thanh tra, kiểm tra:

Sở TNMT đã phối hợp với UBND Thành phố Bắc Ninh và các Ngành có liên quan tiến hành thanh tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường đối với 157 cơ sở sản xuất giấy trên địa bàn xã Phong Khê. Kết quả: Có 152 cơ sở sản xuất không lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, chiếm 96% số cơ sở được thanh tra. Đã Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 138 cơ sở sản xuất do vi phạm quy định về bảo vệ môi trường và đã yêu cầu khắc phục tồn tại xong tiến độ rất chậm.

2. Việc thu nộp phí nước thải công nghiệp:

Thực hiện Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 của Chính phủ và Quyết định số 113/2004/QĐ-UB của UBND tỉnh Bắc Ninh ngày 12/7/2004 về việc thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức kê khai, thẩm định và thông báo số phí bảo vệ môi trường đối với 197 cơ sở sản xuất giấy tại Phong Khê. Nhìn chung các cơ sở thiếu ý thức chấp hành trong việc nộp phí theo quy định, số cơ sở nộp phí đạt tỷ lệ thấp, số phí tồn đọng còn nhiều, tỷ lệ thu đạt khoảng 42%.

3. Tình hình thực hiện các Dự án đầu tư nhằm khắc phục ô nhiễm môi trường ở Phong Khê

- Công trình xử lý nước thải làng nghề sản xuất giấy Phong Khê

Năm 2000, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề sản xuất giấy Phong Khê bằng công nghệ hồ sinh học, với tổng vốn đầu tư 1.400.000 đồng. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 770.000 đồng đầu tư xây dựng hệ thống cống thoát nước và hồ sinh học. Nhưng đến nay, công trình không hoạt động được do thiếu kinh phí.

- Mô hình xử lý nước thải tại Xí nghiệp giấy Hiền Hòa, xã Phong Khê

Từ năm 1999 đến 2001, Viện Cơ học đã đầu tư mô hình xử lý nước thải tại Xí nghiệp giấy Hiền Hòa bằng công nghệ hóa lý kết hợp lọc sinh học, công suất 150 m3/ngày đêm. Mô hình xử lý đã được đầu tư đúng yêu cầu kỹ thuật, nước thải sau khi xử lý đạt Quy chuẩn môi trường Việt Nam đối với nước thải công nghiệp. Tuy nhiên đến nay công trình đã hư hỏng không vận hành được.

- Mô hình xử lý nước thải sản xuất giấy tái chế thôn Đào Xá, xã Phong Khê

Dự án đầu tư cải thiện môi trường làng nghề do tổ chức Quỹ hỗ trợ phát triển Cộng hoà Czech và CIDA-Canada phối hợp với Viện Khoa học Thuỷ lợi - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chương trình hợp tác ba bên giữa Việt Nam, Czech và Canada từ năm 2005 nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng môi trường tiến tới phát triển bền vững, với công suất 120 m3/ngày đêm bằng công nghệ tuyển nổi. Tuy nhiên, hiện nay hệ thống xử lý đã không hoạt động do không có kinh phí vận hành.

C. Nguyên nhân ô nhiễm môi trường ở Phong Khê

- Ý thức chấp hành Luật bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất giấy còn nhiều hạn chế.

- Nguồn nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất chủ yếu là chất thải để tái chế, trong đó công nghệ sản xuất lại lạc hậu, cũ kỹ, tiêu tốn nhiều nguyên, nhiên liệu, hiệu quả sản xuất thấp, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

- Chưa có cơ chế chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư để xử lý ô nhiễm môi trường.

- Sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ môi trường còn thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên, nhất là việc thẩm định, cấp phép thực hiện các dự án đầu tư và kiểm tra sau đầu tư, đặc biệt là vai trò quản lý của cấp chính quyền cơ sở chưa tập trung cao.

- Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa kiên quyết, dứt điểm.

- Hầu hết các cơ sở sản xuất chưa đầu tư hệ thống tự xử lý ô nhiễm môi trường nội bộ trước khi thải ra bên ngoài. Trong khi đó toàn khu vực chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

- Chưa thực hiện triệt để công tác quy hoạch phát triển Cụm công nghiệp thay thế làng nghề.

V. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ XỬ LÝ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Các giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại làng nghề sản xuất giấy tái chế Phong Khê được áp dụng cho từng khu vực, bao gồm 3 khu vực sau:

Khu vực 1: Bao gồm khu vực làng nghề và các cơ sở sản xuất giấy. (Không bao gồm các cơ sở thuộc Cụm công nghiệp dịch vụ và thương mại Phong Khê đã có Xí nghiệp giấy Hợp Tiến làm chủ đầu tư và các cơ sở thuộc thôn Ngô Khê).

Khu vực 2: Bao gồm khu vực liền kề với làng nghề và các cơ sở sản xuất (dọc bờ đê ven sông, bờ kênh).

Khu vực 3: Bao gồm khu vực các hồ, ao, kênh mương và lòng sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm.

A. Giải pháp cụ thể đối với khu vực 1: Bao gồm khu vực làng nghề và các cơ sở sản xuất đang hoạt động. Mục tiêu của Đề án là xử lý ô nhiễm môi trường nước thải cần thực các nhiệm vụ và giải pháp sau:

1. Giải pháp xử lý nước thải sơ bộ tại cơ sở sản xuất:

a. Phân loại các cơ sở sản xuất:

Căn cứ vào Luật Bảo vệ môi trường 2005 và thông tư số 07/2007/TT-BTNMT ngày 03 tháng 7 năm 2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì các cơ sở sản xuất tại Phong Khê được chia thành 3 mức độ ô nhiễm như sau:

- Cơ sở gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng, gồm: 117 cơ sở sản xuất giấy vàng mã và giấy vệ sinh.

- Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gồm: 5 cơ sở sản xuất giấy viết.

- Cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gồm: 85 cơ sở sản xuất giấy Kraft, bao gói.

b. Giải pháp xử lý nước thải sơ bộ tại cơ sở

Tất cả các cơ sở phải thực hiện việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sơ bộ bằng hệ thống bể lắng, lọc trước khi thải ra hệ thống xử lý nước thải chung (có hướng dẫn cụ thể quy trình xử lý), với lộ trình như sau:

+ Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng phải thực hiện xong trong quý I/2012.

+ Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải thực hiện xong trong quý II/2012.

+ Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện xong trong quý III/2012.

2. Giải pháp hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung

Thực hiện Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (bao gồm cả kênh dẫn nước thải và cống trên kênh) do UBND thành phố Bắc Ninh là chủ đầu tư. Trước mắt thực hiện giai đoạn 1 ước tính công suất là 5.000 m3/ngày đêm, tạm tính mức đầu tư khoảng 98,44 tỷ đồng và lộ trình phải xây dựng xong trong quý IV năm 2012, bao gồm:

Chi phí xây dựng: khoảng 28,7 tỷ VNĐ.

Chi phí thiết bị: khoảng 56,8 tỷ VNĐ.

Chi phí quản lý dự án: khoảng 1,2 tỷ VNĐ.

Chi phí tư vấn đầu tư: khoảng 2,5 tỷ VNĐ.

Chi phí dự phòng và chi phí khác: 9,2 tỷ VNĐ.

a - Phương án hỗ trợ kinh phí đầu tư ban đầu để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung:

*. Những căn cứ để hỗ trợ kinh phí:

- Căn cứ Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thỉểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích.

- Quyết định số 38/2011/QĐ-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 58/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu kinh phí từ ngân sách Nhà nước nhằm xử lý triệt để, khắc phục ô nhiễm và giảm thiểu suy thoái môi trường cho một số đối tượng thuộc khu vực công ích.

- Căn cứ Nghị định số 04/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo về môi trường.

- Làng nghề sản xuất giấy tái chế Phong Khê nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.

- Các cơ sở sản xuất giấy Phong Khê đã đóng góp một phần vào tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Cụ thể thu ngân sách của Phong Khê năm 2008 là 9,6 tỷ VNĐ, năm 2009 là 11 tỷ VNĐ, năm 2010 là 28 tỷ VNĐ.

*. Mức kinh phí hỗ trợ: Nhà nước hỗ trợ 80%, các cơ sở đóng góp 20% tổng kinh phí theo Dự án được duyệt.

b- Phương án phân bổ kinh phí để thu của các cơ sở sản xuất.

Phân bổ theo định mức tiêu thụ điện năng của ngành điện trên chỉ số đồng hồ đo điện hàng tháng của từng cơ sở.

3. Giải pháp thu kinh phí để vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Ngoài việc đóng góp kinh phí để xây dựng ban đầu, các cơ sở sản xuất phải đóng góp kinh phí vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung; UBND thành phố Bắc Ninh có trách nhiệm thu kinh phí này theo định mức phân bổ hàng tháng cho từng cơ sở.

Kinh phí vận hành dự tính khoảng 4.500 đồng/m3 nước thải. Các cơ sở sản xuất có trách nhiệm đóng góp kinh phí theo định mức phân bổ tuỳ theo công suất hoạt động, điện năng tiêu thụ, mức độ ô nhiễm và khối lượng nước thải để duy trì vận hành thường xuyên hàng ngày, bao gồm: chi phí hoá chất, điện năng, nhân công, vận chuyển, bùn thải...

4. Giải pháp về kỹ thuật công nghệ

Tiến hành rà soát phân loại công nghệ và máy móc thiết bị hiện có của các cơ sở sản xuất, nếu thuộc loại lạc hậu, tốn nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường thì phải chuyển đổi sang lắp đặt theo công nghệ mới hiện đại tiết kiệm điện năng, ít gây ảnh hưởng đến môi trường, thời gian hoàn thành chậm nhất là trong năm 2015.

5. Giải pháp hỗ trợ, ưu đãi vay vốn

Hướng dẫn, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất được vay vốn ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất vốn vay tại Quỹ bảo vệ môi trường hoặc Ngân hàng phát triển theo quy định tại Nghị định số 04/2009/NĐ-CP ngày 14/01/2009 của Chính phủ về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường.

6. Tăng cường hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức

- Tăng cường sự phối kết hợp của các cơ quan tuyên truyền, các tổ chức chính trị xã hội, các Đoàn thể quần chúng nâng cao chất lượng truyền thông bảo vệ môi trường, thông qua các hoạt động tuyên truyền có biểu dương, khen thưởng kịp thời gương người tốt việc tốt.

- Các thôn, xóm, cụm công nghiệp phải thành lập tổ, đội làm công tác vệ sinh môi trường thu gom chất thải rắn về nơi tập kết và phát động phong trào tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm và cụm công nghiệp.

- Vận động nhân dân, cơ sở sản xuất tích cực tham gia trong việc thực hiện Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

7. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất theo kế hoạch hoặc đột xuất.

- Kiên quyết xử lý nghiêm đối với những cơ sở vi phạm Luật Bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật, cụ thể:

+ Phạt tiền, tạm đình chỉ hoạt động sản xuất, buộc di dời, cấm hoạt động, công khai thông tin về vi phạm Luật bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định 117/2009/NĐ- CP ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về “xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” đối với các cơ sở vi phạm.

+ Ngừng cung cấp điện, đình chỉ việc vay vốn hoặc rút vốn vay trước thời hạn đối với các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, cho đến khi thực hiện xong việc đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý ô nhiễm đạt quy chuẩn được cơ quan chuyên môn về môi trường xác nhận theo quy định tại Quyết định số 64/2011/QĐ-UBND ngày 23/5/2011 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc Ban hành Quy chế Bảo vệ môi trường làng nghề, cụm công nghiệp tỉnh Bắc Ninh.

+ Thu hồi đất: Đối với các cơ sở vi phạm Luật Đất đai (Cố ý không thực hiện nghĩa vụ tài chính, sử dụng đất không hiệu quả, sai mục đích...).

- Không cấp mới các loại giấy phép đối với các cơ sở sản xuất lấn chiếm đất đai, công nghệ sản xuất lạc hậu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

B. Khu vực 2: Bao gồm khu vực liền kề với làng nghề và các cơ sở sản xuất (dọc bờ đê ven sông, bờ kênh). Mục tiêu Đề án là thu gom và vận chuyển chất thải rắn (mới và hiện có).

UBND thành phố Bắc Ninh làm chủ đầu tư tiến hành lập Dự án về “Xử lý chất thải rắn làng nghề sản xuất giấy Phong Khê” trình UBND tỉnh phê duyệt, nội dung bao gồm:

- Điều tra, đánh giá thực trạng: Thành phần, tải lượng rác thải trên địa bàn.

- Biện pháp xử lý: Đầu tư xây dựng 02 điểm thu gom và vận chuyển rác thải từ những năm trước để lại và rác thải mới phát sinh về nơi xử lý chung của tỉnh.

- Lộ trình xử lý rác thải hiện có: Hoàn thành trong năm 2012.

- Mức hỗ trợ kinh phí thực hiện: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 80% và thu của các cơ sở sản xuất 20% theo dự án được duyệt.

C. Khu vực 3: Bao gồm khu vực các hồ ao, kênh mương và lòng sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm. Tại khu vực này cần tập trung đầu tư xử lý ô nhiễm nguồn nước.

UBND thành phố Bắc Ninh làm chủ đầu tư tiến hành lập Dự án về “Xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm, ao, hồ và kênh mương làng nghề sản xuất giấy Phong Khê” và trình UBND tỉnh phê duyệt, với các nội dung sau:

- Điều tra, đánh giá thực trạng mức độ ô nhiễm ao, hồ, kênh, mương.

- Các biện pháp xử lý: Nạo vét, khơi thông dòng chảy.

- Lộ trình xử lý: Hoàn thành trong năm 2015.

- Tổng kinh phí thực hiện xử lý ao, hồ, kênh, mương ước khoảng 20 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ 80% bằng 16 tỷ đồng, các cơ sở sản xuất đóng góp 20% bằng 4 tỷ đồng.

Việc xử lý ô nhiễm lòng sông Ngũ Huyện Khê được thực hiện lồng ghép với Dự án cải tạo sông Ngũ Huyện Khê do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư đang từng bước triển khai thực hiện.

Ngoài 3 khu vực trên, các cơ sở sản xuất không nằm trong phạm vi của Đề án phải tự đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt QCVN hiện hành trước khi thải ra môi trường.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. UBND tỉnh Bắc Ninh

Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề sản xuất giấy Phong Khê theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ” gồm các ngành: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công thương, Công an tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Cục thuế tỉnh, Ngân hàng nhà nước tỉnh, Công ty Điện lực, UBND thành phố Bắc Ninh, UBND xã Phong Khê.

2. UBND thành phố Bắc Ninh

- Thành lập Ban quản lý các dự án để trực tiếp thực hiện các dự án thành phần của Đề án, thời gian hoàn thành trong Quý I/2012.

- Lập Dự án điều chỉnh bổ sung để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trình cấp có thẩm quyền phê duyệt xong trong Quý I/2012.

- Triển khai thực hiện dự án đến từng cơ sở sản xuất, làm tốt công tác tuyên truyền tới các cơ sở sản xuất trong khu vực dự án.

- Thành lập Tổ chức để giám sát xây dựng; quản lý vận hành và thu tiền đóng góp của các cơ sở sản xuất phục vụ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

- Xử lý kịp thời, nghiêm túc các trường hợp vi phạm về Bảo vệ môi trường.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Bắc Ninh trong quá trình thẩm định điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Phong Khê để đảm bảo đúng định mức và quy trình công nghệ và đúng tiến độ xây dựng đã đề ra.

- Phối hợp với UBND thành phố Bắc Ninh tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm túc các vi phạm của các tổ chức cá nhân về bảo vệ môi trường.

- Thẩm định tờ khai phí bảo vệ môi trường và ra thông báo số phí bảo vệ môi trường tới các cơ sở sản xuất theo Nghị định 67/2003/NĐ-CP .

- Tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình sản xuất tại làng nghề giấy Phong Khê được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ bảo vệ môi trường và các tổ chức tín dụng khác.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì phối hợp Sở Công thương và các ngành, UBND thành phố Bắc Ninh tổ chức thẩm định công nghệ của hệ thống xử lý nước thải tập trung làng nghề sản xuất giấy tái chế Phong Khê, rà soát, đánh giá hiện trạng thiết bị, công nghệ của các cơ sở sản xuất tại Phong Khê.

5. Sở Công Thương

- Chủ trì phối hợp các ngành trong việc xây dựng lộ trình dừng sản xuất đối với các cơ sở sản xuất đang áp dụng công nghệ lạc hậu trên địa bàn xã Phong Khê.

- Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ rà soát, đánh giá hiện trạng thiết bị, công nghệ của các cơ sở sản xuất tại Phong Khê.

6. Công an tỉnh

- Xây dựng kế hoạch để chủ động biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Chỉ đạo công an các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra, xử lý theo quy định của Pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề.

7. Sở Kế hoạch và đầu tư

- Thẩm định Dự án đầu xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung Phong Khê trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Cân đối nguồn ngân sách hỗ trợ triển khai Dự án sau khi được phê duyệt, không cấp giấy phép kinh doanh, giấy phép đầu tư đối với các cơ sở sản xuất mới có hành vi lấn chiếm đất đai, sử dụng đất sai mục đích.

8. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc lập kế hoạch phân bổ kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước đối với việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Hướng dẫn kiểm tra đôn đốc, thanh quyết toán nguồn ngân sách hỗ trợ đã phân bổ theo quy định.

9. Cục thuế tỉnh Bắc Ninh

Phối hợp, tuyên truyền hướng dẫn chính sách, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện thu, nộp phí của các cơ sở sản xuất, thực hiện quyết toán việc thu nộp tiền phí bảo vệ môi trường theo thông báo của Sở Tài nguyên và Môi trường.

10. Công ty Điện lực Bắc Ninh

Ngừng cung cấp điện có thời hạn đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

11. Ngân hàng Nhà nước tỉnh

Chỉ đạo các Tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đình chỉ việc cho vay hoặc rút vốn vay trước thời hạn đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường theo thông báo của cơ quan chuyên môn về môi trường.

12. UBND xã Phong Khê

- Làm tốt công tác tuyên truyền vận động các cơ sở sản xuất và nhân dân chấp hành tốt Luật Bảo vệ Môi trường.

- Phổ biến việc thu hồi đất để thực hiện Dự án đảm bảo đúng thời gian theo quy định.

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ sở nộp kinh phí thực hiện Dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và kinh phí vận hành hệ thống xử lý này.

- Triển khai thực hiện các biện pháp hữu hiệu đối với các cơ sở sản xuất và các hộ không chấp hành các quy định đề ra nhằm tạo điều kiện thuận lợi việc triển khai Dự án đạt kết quả.

13. Các cơ sở sản xuất

- Thực hiện đúng tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải sơ bộ trước khi thải ra hệ thống xử lý nước thải chung:

- Đóng góp kinh phí xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung và kinh phí vận hành đầy đủ theo quy định.

- Thực hiện ký cam kết chấp hành tốt Luật bảo vệ môi trường và các giải pháp của Đề án này./.