Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/2019/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 6 tháng 5 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG HỖ TRỢ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHĂN NUÔI NÔNG HỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN GIAI ĐOẠN 2019 - 2020 THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 50/2014/QĐ- TTG NGÀY 04/9/2014 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản Quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020;

Căn cứ Thông tư số 09/2015/TT-BNNPTNT ngày 03/3/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện điểm a, khoản 1, Điều 6, Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ;

Căn cứ Thông tư số 205/2015/TT-BTC ngày 23/12/2015 của Bộ Tài chính về việc quy định về cơ chế tài chính thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số: 743/TTr-SNN-KHTC ngày 21 tháng 3 năm 2019,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định việc hỗ trợ loại tinh, mức hỗ trợ liều tinh và đơn giá liều tinh phối giống nhân tạo cho lợn; loại giống, số lượng và mức hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi mua gà, vịt giống bố mẹ hậu bị; việc lập, cấp phát, nghiệm thu và cơ chế tài chính, phương thức hỗ trợ đối với các nội dung hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các cơ quan quản lý nhà nước: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, UBND cấp huyện (Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế), UBND cấp xã và các đơn vị liên quan;

b) Các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi lợn, gà, vịt trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp (sau đây gọi là hộ chăn nuôi);

c) Các công ty sản xuất, cung ứng giống vật nuôi; các đơn vị sản xuất, cung ứng tinh lợn.

Điều 2. Hỗ trợ đối với các hộ chăn nuôi

1. Hỗ trợ phối giống nhân tạo hàng năm đối với lợn

a) Loại tinh hỗ trợ: tinh các giống lợn ngoại: Yorshire, Landrace, Duroc, Pietrain và Pidu;

b) Mức hỗ trợ liều tinh: Hỗ trợ 100% kinh phí liều tinh cho các hộ chăn nuôi để thực hiện phối giống cho lợn nái, mức hỗ trợ không quá 02 liều tinh cho một lần phối giống và không quá 05 liều tinh cho một lợn nái/năm. Liều tinh 30 ml dùng phối cho lợn nái nội, liều tinh 50ml phối cho lợn nái lai;

c) Đơn giá: Giá hàng năm ủy quyền cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thông báo để các đơn vị liên quan căn cứ thực hiện;

2. Hỗ trợ mua gà, vịt giống bố mẹ hậu bị

a) Loại giống được hỗ trợ: Các giống gà, vịt phù hợp với nhu cầu của địa phương: gà Lương Phượng, gà Ri, gà Ai cập; vịt SuperM, vịt CV2000 và các giống gà, vịt khác thuộc Danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Gà, vịt giống bố mẹ hậu bị khi mua về tối thiểu phải từ 08 tuần tuổi trở lên;

b) Số lượng và mức hỗ trợ: Hỗ trợ một lần 50% giá trị gà, vịt giống bố mẹ hậu bị. Mức hỗ trợ không quá 50.000 đồng/1 con; mỗi hộ được hỗ trợ mua không quá 200 con gà hoặc 200 con vịt giống bố mẹ hậu bị;

c) Đơn giá: Giá hàng năm ủy quyền cho Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT thông báo để các đơn vị liên quan căn cứ thực hiện;

Điều 3. Lập kế hoạch thực hiện việc hỗ trợ

Hàng năm, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) lập đăng ký chỉ tiêu hỗ trợ tinh lợn và mua gà, vịt giống bố mẹ hậu bị năm sau gửi về đơn vị Chủ đầu tư (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) trước ngày 30 tháng 7 hàng năm để tổng hợp, báo cáo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính kiểm tra, tổng hợp, lập kế hoạch kinh phí hỗ trợ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Sau khi có Quyết định phê duyệt dự toán thu, chi ngân sách hàng năm, kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ kế hoạch sản xuất Ủy ban nhân dân tỉnh giao, có thông báo kế hoạch thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi nông hộ theo Quyết định số 50/2014/QĐ- TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ cho các địa phương, đơn vị trong phạm vi kinh phí được giao.

Điều 4. Quy trình nghiệm thu

1. Nghiệm thu cơ sở

a) Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức nghiệm thu cơ sở với các hộ chăn nuôi được hưởng chính sách;

b) Phương pháp nghiệm thu: Đánh giá kết quả thực hiện chính sách đối với từng hộ chăn nuôi để tổng hợp thành kết quả chung toàn xã (phường, thị trấn). Cụ thể:

Đối với nghiệm thu cơ sở tinh lợn: Căn cứ đơn đề nghị hỗ trợ tinh lợn phối cho lợn nái của hộ chăn nuôi, đơn vị cung ứng tinh lập danh sách tổng hợp ký nhận thực tế của các hộ chăn nuôi, tổng hợp số hộ chăn nuôi, loại tinh, số lượng liều tinh trình UBND cấp xã xác nhận.

Đối với nghiệm thu cơ sở về hỗ trợ mua gà, vịt giống: căn cứ đơn đề nghị hỗ trợ mua gà, vịt giống và hóa đơn theo quy định, UBND cấp xã có trách nhiệm nghiệm thu và tổng hợp loại giống, số lượng con giống, giá mua con giống theo hóa đơn, kinh phí đề nghị hỗ trợ theo quy định trình Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế) UBND cấp huyện.

2. Nghiệm thu phúc tra

a) Nghiệm thu phúc tra do Chủ đầu tư chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện (Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế) tổ chức thực hiện sau khi có kết quả nghiệm thu cơ sở;

b) Phương pháp nghiệm thu: Chọn mẫu ngẫu nhiên từ 5 - 10% tổng kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ trên địa bàn. Cụ thể:

Đối với nghiệm thu phúc tra hỗ trợ tinh lợn: Căn cứ kết quả nghiệm thu cơ sở của cấp xã, Đơn vị cung ứng tinh có trách nhiệm lập bảng tổng hợp kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tinh lợn có xác nhận của Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế), hoàn thiện hồ sơ trình Chủ đầu tư để tiến hành kiểm tra, nghiệm thu phúc tra;

Đối với nghiệm thu phúc tra hỗ trợ mua gà, vịt giống: Căn cứ kết quả nghiệm thu cơ sở của cấp xã, Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế) tổng hợp kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ mua gà, vịt giống trên địa bàn và hoàn thiện hồ sơ trình Chủ đầu tư tiến hành kiểm tra, nghiệm thu phúc tra.

c) Nghiệm thu phúc tra là cơ sở để Chủ đầu tư làm căn cứ  thanh quyết toán kinh phí cho đơn vị cung ứng tinh lợn và hỗ trợ kinh phí mua gà vịt giống bố mẹ hậu bị cho người dân theo quy định.

Điều 5. Cơ chế tài chính và phương thức hỗ trợ

1. Cơ chế tài chính

Thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 1 và Khoản 2, Điều  2, Thông tư số 205/2015/TT-BTC ngày 23/12/2015 của Bộ Tài chính Quy định về cơ chế tài chính thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020.

2. Phương thức hỗ trợ kinh phí

a) Kinh phí hỗ trợ phối giống nhân tạo cho lợn được Chủ đầu tư cấp cho đơn vị sản xuất, cung ứng tinh lợn (không hỗ trợ trực tiếp cho hộ chăn nuôi).

b) Kinh phí hỗ trợ mua gà, vịt giống bố mẹ hậu bị được Chủ đầu tư cấp cho UBND cấp huyện (Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế) để chi trả cho các hộ chăn nuôi theo quy định.

Điều 6. Trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Phối hợp với Sở Tài chính để lập kế hoạch kinh phí hỗ trợ hàng năm theo Quyết định này trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

b) Phối hợp với Sở Tài chính thẩm định giá các loại gà, vịt giống và các loại tinh lợn;

c) Phê duyệt dự toán kinh phí thực hiện một số nội dung hỗ trợ theo Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ cho các đơn vị căn cứ thực hiện;

d) Chủ trì thực hiện việc kiểm tra, phê duyệt quyết toán nguồn kinh phí thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn;

e) Hàng năm tổng hợp kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ của các đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Sở Tài chính

a) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT lập kế hoạch kinh phí thực hiện chính sách hàng năm, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ bổ sung kinh phí thực hiện chính sách từ nguồn ngân sách Trung ương;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, thông báo giá các mặt hàng thực hiện chính sách làm căn cứ cho việc thanh quyết toán.

3. Chủ đầu tư (Chi cục Chăn nuôi và Thú y)

a) Có trách nhiệm kiểm tra, giám sát các đơn vị sản xuất, cung ứng tinh đảm bảo số lượng và chất lượng theo quy định;

b) Phối hợp UBND cấp huyện (Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Kinh tế) hướng dẫn người dân lựa chọn con giống có chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường và lựa chọn Công ty cung ứng (tinh lợn, con giống) đủ điều kiện được chỉ định;

c) Hướng dẫn các đơn vị thực hiện chính sách lập hồ sơ thanh quyết toán theo đúng trình tự, thủ tục đã quy định;

d) Kết thúc năm ngân sách, tổng hợp quyết toán nguồn kinh phí vào báo cáo tài chính của đơn vị trình cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phê duyệt và quyết toán theo quy định của Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

4. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Lựa chọn các hộ chăn nuôi đủ điều kiện được hỗ trợ chính sách mua gà, vịt giống bố mẹ;

b) Hướng dẫn người dân lựa chọn con giống có chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị trường và đơn vị cung ứng (tinh lợn và con giống) đủ điều kiện được chỉ định;

c) Căn cứ đơn đề nghị hỗ trợ mua con giống và hóa đơn tài chính của các hộ chăn nuôi, tổng hợp danh sách các hộ chăn nuôi của các xã trên địa bàn huyện về: loại giống, số lượng con giống, giá mua con giống theo hóa đơn, kinh phí hỗ trợ theo quy định, hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ trình Chủ đầu tư thanh toán hỗ trợ theo quy định.

5. Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Căn cứ vào đơn đề nghị hỗ trợ mua con giống gửi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế) tham mưu UBND cấp huyện lựa chọn các hộ đủ điều kiện hỗ trợ con giống;

b) Phối hợp với Đơn vị cung ứng tinh kiểm tra, xác nhận danh sách các hộ chăn nuôi được hỗ trợ tinh lợn (loại tinh, số lượng liều tinh,...).

c) Rà soát, tổng hợp danh sách các hộ chăn nuôi (theo địa bàn xã), loại giống, số lượng con giống, giá mua con giống theo hóa đơn, kinh phí hỗ trợ theo quy định gửi Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phòng Kinh tế).

d) Phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương thực hiện công khai chính sách hỗ trợ của nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã và tại xóm (thôn, bản) theo quy định tại Thông tư số 54/2006/TT-BTC ngày 19/6/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai hỗ trợ trực tiếp của ngân sách đối với các cá nhân, dân cư.

6. Đơn vị sản xuất, cung ứng tinh lợn:

Chịu trách nhiệm cung ứng tinh lợn đảm bảo số lượng, chất lượng, đúng chủng loại và thời gian; đồng thời hoàn thiện các hồ sơ thanh quyết toán đầy đủ theo quy định hiện hành.

7. Đơn vị sản xuất, cung ứng giống vật nuôi:

Chịu trách nhiệm cung ứng con giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, lý lịch giống rõ ràng; cung cấp hồ sơ, hóa đơn tài chính đúng quy định; phối hợp với UBND cấp huyện hướng dẫn các hộ chăn nuôi quy trình kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh thú y, phòng bệnh phù hợp với từng loại giống.

8. Các hộ chăn nuôi:

Chịu trách nhiệm mua gà, vịt giống bố mẹ hậu bị đúng số lượng, đơn giá, chọn loại giống phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương. Sau khi đã mua con giống và có hóa đơn tài chính đầy đủ thì được hỗ trợ một phần kinh phí đã mua con giống theo quy định.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 16 tháng 5 năm 2019.

Bãi bỏ các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh: số 2695/QĐ-UBND ngày 21/6/2017 về phê duyệt một số nội dung thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ- TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh Nghệ An; số 3807/QĐ- UBND ngày 18/8/2017 về điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 2695/QĐ-UBND và Quyết định số 5823/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 về bổ sung Quyết định số 2695/QĐ-UBND .

Điều 8. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 14/2019/QĐ-UBND quy định về hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Nghê An giai đoạn 2019-2020 theo Quyết định 50/2014/QĐ-TTg

  • Số hiệu: 14/2019/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/05/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Đinh Viết Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản