Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 139/2003/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 139/2003/QĐ-TTG NGÀY 11 THÁNG 7 NĂM 2003 VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2004

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ ý kiến của ủy ban Thường vụ Quốc hội tại văn bản số 107/UBTVQH11 ngày 20 tháng 6 năm 2003;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước áp dụng cho năm ngân sách 2004 kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước quy định tại Điều 1 của Quyết định này đã bao gồm tiền lương theo quy định tại Nghị định số 03/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ là cơ sở để xây dựng dự toán chi ngân sách của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, dự toán chi ngân sách của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bao gồm cấp tỉnh, huyện và cấp xã). Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi thực hiện định mức này mà dự toán chi năm 2004 thấp hơn mức dự toán chi năm 2003 Thủ tướng Chính phủ đã giao thì được bổ sung để bảo đảm không thấp hơn mức dự toán năm 2003.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương căn cứ dự toán ngân sách hàng năm được Thủ tướng Chính phủ giao ban hành định mức phân bổ chi ngân sách cho các đơn vị trực thuộc đảm bảo đúng tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực.

Điều 4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ định mức phân bổ ngân sách do Thủ tướng Chính phủ quyết định, khả năng tài chính ngân sách và đặc điểm tình hình ở địa phương, trình Hội đồng nhân dân ban hành định mức phân bổ chi ngân sách để làm căn cứ xây dựng dự toán và phân bổ ngân sách ở địa phương.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành cho năm ngân sách 2004.

Điều 6. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)


ĐỊNH MỨC

PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2004 CHO CÁC BỘ, CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG VÀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 139/2003/QĐ-TTg ngày 11 tháng 7 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ)

I. ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI NGÂN SÁCH CHO CÁC BỘ, CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG

1. Định mức phân bổ dự toán chi quản lý hành chính nhà nước, Đảng, đoàn thể:

Đơn vị: triệu đồng/biên chế/năm

1. Các Bộ, cơ quan Trung ương

(không phải ngành dọc)

Định mức phân bổ năm 2004

- Trên 500 biên chế

24,5

- Từ 401 đến 500 biên chế

25,2

- Từ 301 đến 400 biên chế

26

- Từ 201 đến 300 biên chế

26,7

- Từ 101 đến 200 biên chế

27,4

- Dưới 101 biên chế

28,2

2. Các cơ quan ngành dọc

20

1. Định mức phân bổ nêu trên:

- Đã bao gồm tiền lương, có tính chất lương, các khoản (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn,...) trích theo lương, chi nghiệp vụ, đoàn ra, đoàn vào và các khoản mua sắm, sửa chữa thường xuyên.

- Chưa bao gồm chi đóng niên liễm, nhiệm vụ đặc thù; mua sắm lớn tài sản cố định, nâng cấp cơ sở vật chất theo các dự án đầu tư thiết bị lớn được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Đối với chi đảm bảo hoạt động của Quốc hội, chi đảm bảo hoạt động của các cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ tính dự toán ngân sách theo nhiệm vụ chi.

3. Bộ Tư pháp, Thanh tra Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước được tính thêm 10% so với định mức áp dụng chung cho các Bộ, cơ quan Trung ương (không phải ngành dọc).

4. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao, cơ quan thi hành án được tính thêm 10% so định mức áp dụng chung cho các cơ quan ngành dọc.

5. Bộ Nội vụ và cơ quan có thẩm quyền giao biên chế có trách nhiệm thống nhất với Bộ Tài chính về chỉ tiêu biên chế của các Bộ, cơ quan Trung ương làm cơ sở xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm kế hoạch vào ngày 20 tháng 7 năm trước.

6. Định mức phân bổ ngân sách nêu trên không áp dụng cho Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị thực hiện khoán chi hành chính (Tổng cục Thuế, Kho bạc Nhà nước…); các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được ngân sách nhà nước thực hiện hỗ trợ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Phân bổ dự toán chi sự nghiệp y tế:

Thực hiện theo chủ trương đổi mới quản lý tài chính đối với sự nghiệp theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu trong lĩnh vực y tế, mức kinh phí ngân sách cấp chi thường xuyên cho các cơ sở khám chữa bệnh được giao ổn định và hàng năm được tăng theo tỷ lệ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

3. Phân bổ dự toán chi sự nghiệp đào tạo (bao gồm cả đào tạo nghề):

Thực hiện theo chủ trương đổi mới quản lý tài chính đối với sự nghiệp theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, mức kinh phí ngân sách cấp chi thường xuyên cho các cơ sở đào tạo được giao ổn định và hàng năm được tăng tỷ lệ theo các nhóm ngành đào tạo do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

II. ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI NGÂN SÁCH CHO CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

1. Định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục:

Phân bổ theo dân số trong độ tuổi đến trường từ 1 đến 18 tuổi.

Đơn vị tính: đồng/người dân/năm

Vùng

Định mức phân bổ

Đô thị

355.450

Đồng bằng

390.995

Núi thấp - vùng sâu

426.540

Núi cao - hải đảo

604.265

1. Trên cơ sở định mức trên, nếu mức chi ngoài lương và có tính chất lương nhỏ hơn 15% so với tổng chi sự nghiệp giáo dục sẽ được bổ sung đủ 15%; đảm bảo tỷ lệ chi lương, các khoản có tính chất lương và các khoản (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn,...) trích theo lương tối đa 85%, chi ngoài lương tối thiểu 15%.

2. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có xã thuộc Chương trình 135 được phân bổ thêm bình quân 49.400 đồng/người dân xã 135 trong độ tuổi đến trường từ 1 đến 18 tuổi/năm.

3. Định mức phân bổ nêu trên bao gồm: các cấp giáo dục, các loại hình giáo dục.

2. Định mức phân bổ chi sự nghiệp đào tạo (bao gồm cả đào tạo nghề):

Đơn vị tính: đồng/người dân/năm

Vùng

Định mức phân bổ

Đô thị

14.250

Đồng bằng

15.675

Núi thấp - vùng sâu

18.525

Núi cao - hải đảo

22.800

1. Định mức phân bổ chi sự nghiệp đào tạo, dạy nghề bao gồm các loại hình đào tạo, dạy nghề (chính quy, tại chức, đào tạo lại, các loại hình đào tạo dạy nghề khác), các cấp đào tạo, dạy nghề, trung tâm chính trị tỉnh, huyện,... ở địa phương.

2. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các trường đại học, nhưng hoạt động mang tính chất khu vực được phân bổ thêm một phần kinh phí để thực hiện công tác đào tạo, dạy nghề cho số học sinh ngoài tỉnh theo học. Mức hỗ trợ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định trong phương án phân bổ ngân sách trung ương.

3. Định mức phân bổ chi sự nghiệp y tế:

Đơn vị tính: đồng/người dân/năm

Vùng

Định mức phân bổ

Đô thị

32.180

Đồng bằng

35.400

Núi thấp - vùng sâu

44.780

Núi cao - hải đảo

58.050

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bệnh viện do địa phương quản lý, nhưng hoạt động mang tính chất khu vực được phân bổ thêm một phần kinh phí để thực hiện công tác khám, chữa bệnh. Mức hỗ trợ cụ thể do Chính phủ trình Quốc hội quyết định trong phương án phân bổ ngân sách trung ương.

4. Định mức phân bổ chi quản lý hành chính nhà nước, đảng, đoàn thể:

Đơn vị tính: đồng/người dân/năm

Vùng

Định mức phân bổ

Đô thị

56.000

Đồng bằng

51.100

Núi thấp - vùng sâu

62.500

Núi cao - hải đảo

77.000

1. Ngoài định mức phân bổ chi ngân sách theo dân số, phân bổ thêm cho địa phương theo số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã với mức cụ thể như sau:

- Đối với đơn vị hành chính cấp huyện:

+ Huyện núi cao - hải đảo: 550 triệu đồng/huyện/năm.

+ Huyện núi thấp - vùng sâu: 500 triệu đồng/huyện/năm.

+ Huyện còn lại: 450 triệu đồng/huyện/năm.

- Đối với đơn vị hành chính cấp xã:

+ Xã núi cao - hải đảo: 250 triệu đồng/xã/năm.

+ Xã núi thấp - vùng sâu: 200 triệu đồng/xã/năm.

+ Xã còn lại: 150 triệu đồng/xã/năm.

2. Định mức phân bổ trên bao gồm: chi của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đảng, đoàn thể, hỗ trợ kinh phí cho các hội, v.v...

5. Định mức phân bổ chi sự nghiệp văn hoá thông tin:

Đơn vị tính: đồng/người dân/năm

Vùng

Định mức phân bổ

Đô thị

6.680

Đồng bằng

7.350

Núi thấp - vùng sâu

9.350

Núi cao - hải đảo

11.020

Ngoài ra đối với các địa phương có đoàn nghệ thuật truyền thống được phân bổ thêm một phần kinh phí. Mức hỗ trợ cụ thể do Chính phủ trình Quốc hội quyết định trong phương án phân bổ ngân sách trung ương.

6. Định mức phân bổ chi sự nghiệp phát thanh truyền hình:

Đơn vị: đồng/người dân/năm

Vùng

Định mức 2004

Đô thị

3.950

Đồng bằng

4.350

Núi thấp - vùng sâu

5.140

Núi cao - hải đảo

6.400

- Đối với các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc, được phân bổ thêm một phần kinh phí để hỗ trợ thực hiện tăng thời lượng phát sóng phát thanh truyền hình bằng tiếng dân tộc. Mức hỗ trợ cụ thể do Chính phủ trình Quốc hội quyết định trong phương án phân bổ ngân sách Trung ương.

- Đồng thời, đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương có nguồn thu lớn thực hiện theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu.

7. Định mức phân bổ chi sự nghiệp thể dục thể thao:

Đơn vị: đồng/người dân/năm

Vùng

Định mức phân bổ

Đô thị

5.000

Đồng bằng

3.500

Núi thấp - vùng sâu

3.640

Núi cao - hải đảo

4.200

Ngoài ra, đối với các địa phương có nhiều vận động viên đạt thành tích cấp quốc gia, được phân bổ thêm một phần kinh phí để hỗ trợ các vận động viên. Mức hỗ trợ cụ thể do Chính phủ trình Quốc hội quyết định trong phương án phân bổ ngân sách trung ương.

8. Định mức phân bổ chi sự nghiệp đảm bảo xã hội:

Đơn vị: đồng/người dân/năm

Vùng

Định mức phân bổ

Đô thị

7.700

Đồng bằng

7.900

Núi thấp - vùng sâu

8.600

Núi cao - hải đảo

9.400

Ngoài định mức chi phân bổ theo dân số, chi sự nghiệp đảm bảo xã hội của các địa phương còn được phân bổ thêm một phần kinh phí để có nguồn thực hiện một số chính sách xã hội, cụ thể:

- Kinh phí để hỗ trợ thành lập quỹ khám chữa bênh cho người nghèo theo Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ;

- Kinh phí để thực hiện chế độ theo quy định đối với các đối tượng bị nhiễm chất độc màu da cam;

- Kinh phí để thực hiện chế độ đối với cán bộ xã nghỉ việc hưởng trợ cấp hàng tháng theo Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 99/1998/TT-LTTCCP-BTC-BLĐTB&XH ngày 19 tháng 5 năm 1998 của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ - Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

- Kinh phí để thăm hỏi, động viên các đối tượng chính sách (gia đình thương binh, bệnh binh, liệt sỹ, người có công,...) vào ngày lễ, ngày Tết theo mức phân bổ thêm bình quân 100.000 đồng/đối tượng/năm; mức chi cụ thể do địa phương quyết định.

9. Định mức phân bổ chi an ninh - quốc phòng:

Đơn vị: đồng/người/năm

Vùng

Dự kiến định mức năm 2004

Đô thị

14.000

Đồng bằng

10.000

Núi thấp - vùng sâu

11.000

Núi cao - hải đảo

12.500

Đồng thời, các địa phương có điều kiện đặc thù (có huyện đảo, có biên giới,...) được phân bổ thêm một phần kinh phí để thực hiện nhiệm vụ an ninh - quốc phòng đặc thù. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an để thống nhất mức hỗ trợ báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định trong phương án phân bổ ngân sách trung ương.

10. Định mức phân bổ chi sự nghiệp kinh tế:

Chi sự nghiệp kinh tế tính theo tỷ lệ 12% so với tổng chi thường xuyên được tính theo định mức phân bổ dự toán chi ngân sách của từng địa phương (không bao gồm chi sự nghiệp kinh tế). Riêng đối với các đô thị loại II, loại III theo quy định tại Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2001 của Chính phủ bổ sung thêm: 10.000 triệu đồng/đô thị loại II/năm, 5.000 triệu đồng/đô thị loại III/năm.

11. Một số lĩnh vực chi còn lại

a) Chi trợ giá chính sách:

Căn cứ vào chế độ của nhà nước (mức trợ giá, đối tượng trợ giá,...) xác định mức trợ giá cụ thể đối với từng địa phương.

b) Chi sự nghiệp khoa học công nghệ:

Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ căn cứ nhiệm vụ dự toán được giao các năm qua và có tính đến nhiệm vụ cả giai đoạn 2001 - 2005 để phân bổ dự toán năm 2004. Dự toán chi sự nghiệp khoa học công nghệ năm 2004 từng địa phương bố trí ở mức tăng theo tỷ lệ phần trăm (%) so dự toán năm 2003 theo mức tăng chi chung chi sự nghiệp khoa học công nghệ của ngân sách địa phương.

c) Chi thường xuyên khác ngân sách của ngân sách địa phương:

Phân bổ theo tỷ trọng (bằng 0,5%) tổng các khoản chi thường xuyên đã tính được theo định mức phân bổ dự toán chi ngân sách và chi trợ giá, chi sự nghiệp khoa học công nghệ đã xác định theo nguyên tắc trên.

12. Đối với các tỉnh Tây Nguyên, 6 tỉnh đặc biệt khó khăn miền núi phía Bắc, đồng thời với dự toán ngân sách được tính theo định mức chi ngân sách quy định tại Quyết định này, còn được bổ sung thêm kinh phí để thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo Quyết định số 168/2001/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm 2001 và Quyết định số 186/2001/QĐ-TTg ngày 07 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ.

13. Đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được tính tăng thêm 20%; thành phố Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng được tính tăng thêm 10%; các tỉnh khác có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương được tính tăng thêm 6% so với các định mức chi ngân sách quy định ở trên đối với các lĩnh vực: giáo dục, đào tạo, y tế, quản lý hành chính nhà nước, đảng, đoàn thể, văn hóa thông tin, thể dục thể thao, đảm bảo xã hội, an ninh - quốc phòng.

14. Về định mức, tiêu chí phân bổ dự toán chi ngân sách đối với lĩnh vực đầu tư phát triển:

Bố trí vốn đầu tư phát triển cả nước ở mức 27 - 28% tổng dự toán chi ngân sách nhà nước. Trong đó: đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí vốn đầu tư phát triển năm 2004 đảm bảo mức tăng tối thiểu là 7% so với dự toán năm 2003, riêng đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh bố trí tăng vốn đầu tư phát triển phù hợp với tăng nguồn ngân sách địa phương khi thực hiện tỷ lệ điều tiết theo chủ trương của Đảng và Nhà nước đối với 2 thành phố này.

Trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước, phấn đấu bố trí vốn đầu tư phát triển của cả nước đạt mức 30% tổng chi ngân sách nhà nước.

III. PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH DÂN SỐ THEO VÙNG

Dân số của các vùng để phân bổ dự toán chi ngân sách theo định mức quy định nêu trên được xác định như sau:

- Dân số vùng đô thị: gồm dân số các phường và thị trấn (đối với dân số các thị trấn thuộc vùng núi thấp - vùng sâu và vùng núi cao - hải đảo được tính vào dân số thuộc các vùng tương ứng, không tính là dân số vùng đô thị).

- Dân số vùng núi thấp - vùng sâu: gồm dân số các xã vùng núi thấp (xã vùng núi thấp xác định theo Quyết định công nhận của Uỷ ban Dân tộc) và dân số các xã vùng sâu (xã vùng sâu là các xã đồng bằng có cán bộ, công chức công tác tại địa bàn được hưởng phụ cấp khu vực theo quy định của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi tại Thông tư liên tịch số 03/2001/TTLT-BLĐTBXH-BTC-UBDTMN ngày 18 tháng 01 năm 2001).

- Dân số vùng núi cao - hải đảo: gồm dân số các xã núi cao, xã hải đảo (xã núi cao và hải đảo xác định theo quyết định công nhận của Uỷ ban Dân tộc).

- Dân số vùng đồng bằng: gồm dân số các xã thuộc khu vực còn lại.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 139/2003/QĐ-TTg ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2004 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 139/2003/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/07/2003
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: 26/07/2003
  • Số công báo: Số 106
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản