Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ XÂY DỰNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2004/CT-BXD | Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2004 |
CHỈ THỊ
VỀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ SẢN XUẤT KINH DOANH, ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NĂM 2004
Năm 2003, nhờ định hướng đúng đắn và sự chỉ đạo điều hành sát sao, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ công nhân viên các đơn vị thuộc Bộ, giá trị sản xuất công nghiệp và vật liệu xây dựng, xây lắp, tư vấn, xuất khẩu đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2002. Các đơn vị đã phát huy được nội lực để đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, chuyển dịch mạnh cơ cấu theo hướng đa dạng hoá sản phẩm, đa dạng hoá ngành nghề, chuyển vai trò từ nhận thầu xây lắp sang tổng thầu EPC, làm chủ đầu tư nhiều dự án; đầu tư vào lĩnh vực nhà ở, hạ tầng đô thị, nông thôn tiếp tục phát triển; một số đơn vị đã đầu tư chiều sâu, đổi mới trang thiết bị để nâng cao năng suất thi công; công tác tiếp thị được các đơn vị đẩy mạnh. Công tác xây dựng và điều hành kế hoạch của Bộ đã có nhiều đổi mới nhằm giảm bớt thủ tục hành chính, tăng tính chủ động và đề cao trách nhiệm của Hội đồng quản trị các tổng công ty, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ.
Tuy nhiên, công tác lập và điều hành kế hoạch ở một số đơn vị còn bất cập và thiếu sót như: khi phê duyệt kế hoạch đầu tư chưa xem xét kỹ lưỡng những thuận lợi, khó khăn, đặt chỉ tiêu kế hoạch quá cao nhưng tính khả thi thấp; công tác đầu tư để chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh doanh ở một số đơn vị mới thể hiện ở việc đa dạng hoá sản phẩm nhưng chưa xác định rõ ngành nghề kinh doanh chủ đạo của đơn vị; công tác chuẩn bị đầu tư đối với từng dự án còn nhiều bất cập, việc điều tra, khảo sát, dự báo thị trường chưa được chuẩn bị kỹ, chưa tính toán kỹ khả năng cân đối vốn cho dự án; một số đơn vị bố trí cán bộ làm công tác đầu tư thiếu kinh nghiệm nghiệp vụ, chưa nắm vững quy trình, thủ tục quản lý đầu tư xây dựng, vì vậy ở một số dự án còn thiếu sót về thủ tục đầu tư.
Để khắc phục những tồn tại trên, nhằm quán triệt và thực hiện nghiêm túc Luật Ngân sách nhà nước; Nghị quyết số 01/2004/NQ-CP ngày 12/01/2004 của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu cần tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 2004; Quyết định số 242/2003/QĐ-TTg ngày 17/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2004; Quyết định số 254/2003/QĐ-TTg ngày 27/11/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế xã hội năm 2004; Quyết định số 271/2003/QĐ-TTg ngày 31/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát và đánh giá hiệu qủa hoạt động của doanh nghiệp; Chỉ thị số 29/2003/CT-TTg ngày 23/12/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước; tiến tới triển khai thực hiện Luật Xây dựng, đồng thời tăng cường hơn nữa trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đơn vị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ thị Chủ tịch Hội đồng quản trị các tổng công ty, tổng giám đốc, giám đốc các công ty và thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau:
1. Về xây dựng kế hoạch và điều hành sản xuất kinh doanh:
a) Hội đồng quản trị các tổng công ty, tổng giám đốc, giám đốc các công ty và thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm rà soát kế hoạch năm 2004 và phê duyệt chính thức, gửi về Bộ Xây dựng chậm nhất ngày 28/02/2004. Rà soát, cập nhật và xem xét điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển 5 năm 2001-2005 và gửi về Bộ Xây dựng chậm nhất ngày 30/4/2004. Trong quá trình rà soát, điều chỉnh kế hoạch phải xem xét đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư đã hoàn thành và tính hiệu quả, tính khả thi, tiến độ thực hiện của các dự án đang triển khai xét đến sự biến động của các yếu tố đầu vào. Tránh tình trạng đầu năm đặt chỉ tiêu kế hoạch quá cao, thiếu tính khả thi, cuối năm điều chỉnh kế hoạch để coi là hoàn thành. Kế hoạch năm 2004 của các đơn vị phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao để bảo đảm mức tăng trưởng chung của Ngành Xây dựng về xây lắp 20%, vật liệu xây dựng 14%, tư vấn 15%, xuất khẩu tối thiểu là 20% so với năm 2003, góp phần vào tăng trưởng GDP năm 2004 của cả nước theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết trung ương lần thứ 9 – Khoá IV là trên 8% so với năm 2003.
Kế hoạch được duyệt đầu năm là cơ sở cho đơn vị thực hiện, đồng thời là căn cứ để Bộ theo dõi, kiểm tra và đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển của đơn vị.
b) Đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: phải đánh giá lại thị trường nội địa, tăng cường công tác thông tin thị trường, đẩy mạnh công tác tiếp thị tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là xuất khẩu, áp dụng các biện pháp kích cầu để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, chú trọng thị trường nông thôn.
c) Đối với các doanh nghiệp xây lắp cần mở rộng đấu thầu các công trình dân dụng, giao thông, thuỷ lợi, cấp thoát nước,... Mở rộng quan hệ, tìm kiếm đối tác để liên danh, liên kết đấu thầu các công trình lớn. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các gói thầu EPC. Tổ chức điều hành sản xuất và chỉ đạo tốt thi công các công trình đã thắng thầu, quản lý tốt chất lượng kỹ thuật, an toàn lao động và đảm bảo tiến độ thi công các công trình (nhất là các dự án trọng điểm quốc gia và các dự án xi măng). Kiên quyết chấm dứt tình trạng bỏ giá thầu dưới giá thành dẫn đến tình trạng thua lỗ khi thực hiện hợp đồng.
d) Các đơn vị tư vấn cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng bổ sung, cập nhật kiến thức và kỹ năng quản lý cho lực lượng cán bộ. Sớm xây dựng đội ngũ tư vấn xây dựng Việt Nam đủ điều kiện năng lực hoạt động theo quy định, đảm nhận được những việc hiện nay đang phải thuê chuyên gia nước ngoài.
đ) Các doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư kinh doanh phát triển nhà ở, hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng giao thông và khu công nghiệp cần nghiên cứu kỹ đầu ra và đặc điểm dự án, cũng như cơ chế, chính sách của địa phương. Triển khai dự án dứt điểm từng phần theo hình thức cuốn chiếu, đưa vào khai thác thu hồi vốn, tránh đầu tư dàn trải. Nghiên cứu mô hình quản lý việc đầu tư xây dựng của các chủ đầu tư thứ phát, việc chuyển nhượng, làm các thủ tục về cấp giấy chứng nhận sở hữu,... có giải pháp hạn chế đầu cơ, đề xuất với Bộ cơ chế quản lý thị trường bất động sản. Khuyến khích việc đầu tư vào lĩnh vực cấp nước, đặc biệt là các dự án có tính chất liên vùng, liên tỉnh và các dự án phục vụ cho các thị trấn, thị tứ, cụm dân cư nông thôn bằng nguồn vốn doanh nghiệp tự huy động.
e) Phải đẩy mạnh các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh theo định hướng kế hoạch đã đề ra; tăng cường sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng cường công tác tiếp thị, xây dựng và quảng bá thương hiệu hàng hoá; rà soát và phân loại các khoản nợ phải thu, các khoản nợ phải trả, kiên quyết xử lý các khoản nợ không có khả năng thu hồi nhằm lành mạnh hoá tài chính doanh nghiệp; sắp xếp lại tổ chức, cơ cấu lao động, đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; phấn đấu để đạt mục tiêu tăng trưởng cao, phải chú trọng nâng cao hiệu quả kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, hướng tới sự phát triển ổn định và bền vững;
2. Về điều hành kế hoạch đầu tư phát triển năm 2004
a) Tất cả các đơn vị, trước hết là các tổng công ty phải rà soát lại toàn bộ các dự án đã và đang đầu tư, dự kiến đầu tư trong kế hoạch 5 năm 2001-2005 và định hướng đến năm 2010; xác định rõ để tập trung đầu tư vào ngành nghề mũi nhọn của đơn vị nhằm chuyển dịch cơ cấu sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững.
b) Hội đồng quản trị Tổng công ty phân công một đồng chí trong Hội đồng quản trị, các đơn vị không có Hội đồng quản trị phải phân công một đồng chí trong ban lãnh đạo đơn vị chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác tổng hợp, theo dõi tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư, tổ chức giám sát, đánh giá đầu tư thường xuyên theo quy định và có báo cáo về Bộ để tổng hợp báo cáo Chính phủ hàng tháng, hàng quý. Nội dung báo cáo tháng, quý, 6 tháng, năm của đơn vị về đầu tư phải thể hiện được giá trị khối lượng thực hiện đầu tư, khối lượng vốn được giải ngân tương ứng với từng thời kỳ báo cáo.
c) Đẩy mạnh công tác chỉ đạo, đôn đốc việc tự kiểm tra, kiểm tra đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất đai theo Quyết định 273/QĐ-TTg ngày 12/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Thông qua kiểm tra, thanh tra và giám sát, đánh giá đầu tư tăng cường và kiên quyết chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất đai.
d) Đối với nguồn vốn ngân sách Nhà nước: căn cứ kế hoạch vốn đầu tư năm 2004 đã được Bộ giao, chủ đầu tư phải khẩn trương tổ chức triển khai theo đúng các quy định hiện hành, phải xác định và báo cáo Bộ tiến độ cụ thể để triển khai dứt điểm từng hạng mục công trình sớm đưa vào sử dụng. Đối với vốn khảo sát thiết kế quy hoạch, Ban quản lý dự án, các Vụ chức năng, các sở Quy hoạch Kiến trúc, sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có dự án trên địa bàn phải phối hợp đôn đốc, hỗ trợ đơn vị được giao thực hiện dự án đảm bảo tiến độ thực hiện và tiến độ giải ngân các dự án.
đ) Đối với nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước, vốn tín dụng do nhà nước bảo lãnh: theo sự chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2004 sẽ thu hẹp diện cho vay và điều chỉnh lãi suất cho vay, chủ yếu nguồn vốn này sẽ tập trung cho một số dự án xi măng và chương trình nội địa hoá sản phẩm cơ khí. Vì vậy, các đơn vị có dự án thuộc đối tượng được vay cần đẩy mạnh việc triển khai chuẩn bị đầu tư và khẩn trương giải quyết các thủ tục trong quá trình thực hiện các dự án, nhất là khâu giải phóng mặt bằng, đấu thầu,... Các dự án thuộc diện hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, chủ đầu tư phải chủ động làm các thủ tục ngay từ đầu năm.
e) Đối với các nguồn vốn khác: các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch sát với tình hình thực tiễn, phù hợp với quy hoạch và được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương. Hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc doanh nghiệp và thủ trưởng đơn vị phải cân nhắc kỹ lưỡng các phương án, xác định rõ nguồn vốn và khả năng tiêu thụ của sản phẩm mới quyết định đầu tư và phải chịu trách nhiệm về hiệu quả của dự án, đặc biệt là trường hợp đầu tư ra ngoài doanh nghiệp (như đầu tư chứng khoán, bóng đá,...), đầu tư ra nước ngoài, theo nguyên tắc “người quyết định đầu tư hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân về hiệu quả đầu tư của dự án”. Trường hợp dự án đã có chủ trương đầu tư, trong quá trình chuẩn bị đầu tư, tính toán lại mà thấy không hiệu quả thì không đầu tư; kiên quyết đình chỉ các dự án đầu tư không hiệu quả; đối với các dự án đang triển khai phải rà soát lại từng hạng mục, cắt giảm các hạng mục không cần thiết, tăng cường nội địa hoá nhằm giảm suất đầu tư.
g) Các đơn vị cần lựa chọn những cán bộ có tinh thần trách nhiệm, đạo đức và kinh nghiệm nghề nghiệp để bố trí làm công tác quản lý đầu tư xây dựng; rà soát lại các quy chế, quy định nội bộ; tăng cường phân cấp, gắn liền với trách nhiệm cá nhân của cán bộ chủ chốt; giảm thiểu thủ tục hành chính trong nội bộ Tổng công ty, đơn vị chủ động mở các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác quản lý dự án đầu tư.
h) Công tác giám sát, đánh giá đầu tư, quyết toán vốn đầu tư phải được coi là một công việc quan trọng trong quản lý đầu tư.
i) Công tác chuẩn bị đầu tư cần được coi trọng hơn nữa. Các dự án đưa vào kế hoạch năm 2005 phải triển khai thủ tục để có quyết định đầu tư trước thời điểm 31/10/2004 theo đúng các quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Các dự án phải có đủ các thủ tục theo quy định mới được khởi công, đặc biệt là phải cân đối đủ vốn để triển khai dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ. Đối với dự án khu đô thị mới, tuỳ theo tính chất, quy mô, phải xây dựng xong toàn bộ hoặc từng phần các công trình hạ tầng kỹ thuật thì mới tổ chức khởi công xây dựng.
3. Tổ chức thực hiện:
Chủ tịch Hội đồng quản trị các tổng công ty, tổng giám đốc, giám đốc các công ty, thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tổ chức triển khai thực hiện chỉ thị này và định kỳ báo cáo Bộ hàng tháng (trước ngày 15) để kịp thời xử lý, tháo gỡ nhằm hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm.
Giao Vụ Kế hoạch - Thống kê chủ trì phối hợp cùng các cục, vụ chức năng hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức kiểm tra việc triển khai thực hiện chỉ thị này./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG |
|
- 1Chỉ thị 01/2007/CT-BXD về một số giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng trong hội nhập kinh tế quốc tế do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 2Công văn số 1201/TC/NSNN ngày 09/02/2004 của Bộ Tài chính về việc phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách năm 2004
- 3Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 4Quyết định 139/2003/QĐ-TTg ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2004 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Chỉ thị 29/2003/CT-TTg về chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 271/2003/QĐ-TTg ban hành Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Chỉ thị 01/2007/CT-BXD về một số giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng trong hội nhập kinh tế quốc tế do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 2Công văn số 1201/TC/NSNN ngày 09/02/2004 của Bộ Tài chính về việc phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách năm 2004
- 3Quyết định 273/2002/QĐ-TTg về việc kiểm tra việc đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất đai do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Luật Ngân sách Nhà nước 2002
- 5Quyết định 139/2003/QĐ-TTg ban hành định mức phân bổ dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2004 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Chỉ thị 29/2003/CT-TTg về chấn chỉnh quản lý đầu tư và xây dựng bằng nguồn vốn nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 271/2003/QĐ-TTg ban hành Quy chế giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Chỉ thị 01/2004/CT-BXD về nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển năm 2004 do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- Số hiệu: 01/2004/CT-BXD
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 06/02/2004
- Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
- Người ký: Nguyễn Hồng Quân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 8
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra