Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1364/QĐ-UBND

Bình Phước, ngày 28 tháng 7 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG SƠ CHẾ, BẢO QUẢN SAU THU HOẠCH GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 01-NQ/ĐH ngày 22/10/2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30/9/2021 của Tỉnh ủy về việc ban hành Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021-2026 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025;

Căn cứ Quyết định số 612-QĐ/TU ngày 16/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc kiện toàn Ban Chủ nhiệm thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp;

Thực hiện Kết luận số 367-KL/TU ngày 25/6/2022 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển hệ thốngchế, bảo quản sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 91/TTr-SNN ngày 18/7/2022 về việc phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” (kèm theo nội dung Đề án).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Đề án; lập kế hoạch triển khai thực hiện hàng năm; chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi chung việc tổ chức thực hiện chương trình; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xử lý những vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này, kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- CT, các PCT. UBND tỉnh;
- Ngân hàng Chính sách - XH tỉnh;
- Các Công ty TNHH MTV: Cao su Lộc Ninh, Cao su Phú Riềng, Cao su Bình Phước, Cao su Bình Long;
- Công ty CP Cao su Đồng Phú;
- LĐVP, P. KT;
- Lưu: VT (NN-2819/7).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Anh Minh

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG SƠ CHẾ, BẢO QUẢN SAU THU HOẠCH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1364/QĐ-UBND ngày 28/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước)

 

MỤC LỤC

PHẦN I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết xây dựng Đề án

II. Cơ sở pháp lý xây dựng Đề án

III. Đối tượng, phạm vi và thời gian thực hiện Đề án

1. Đối tượng của Đề án

2. Phạm vi của Đề án

PHẦN II

THỰC TRẠNG HỆ THỐNG SƠ CHẾ, BẢO QUẢN SAU THU HOẠCH NÔNG SẢN CỦA TỈNH

I. Nhóm các sản phẩm từ thực vật

1. Về tình hình sản xuất

2. Về sơ chế, bảo quản sau thu hoạch

II. Nhóm sản phẩm có nguồn gốc từ động vật và nuôi trồng thủy sản

1. Tình hình sản xuất

2. Về công tác sơ chế, bảo quản sau thu hoạch

III. Đánh giá chung

1. Đánh giá chung

2. Một số thuận lợi

3. Một số tồn tại, hạn chế

4. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

PHẦN III

QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU ĐỀ ÁN

I. Quan điểm

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu đến năm 2025

2. Định hướng đến năm 2030

III. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

1. Công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch

2. Tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm

3. Khoa học công nghệ và chuyển đổi số

4. Chính sách thu hút đầu tư

5. Nguồn lực

6. Thị trường

PHẦN IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2. Sở Công Thương

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

4. Sở Khoa học và Công nghệ

5. Sở Thông tin và Truyền thông

6. Sở Tài chính

7. Sở Giao thông vận tải

8. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

9. Trung tâm Xúc tiến - Đầu tư - Thương mại và Du lịch

10. Hội Nông dân tỉnh

11. Liên minh Hợp tác xã tỉnh

12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

13. Các Sở, ban, ngành liên quan và tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội

14. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Phước

PHỤ LỤC 1. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

1. Giải thích từ ngữ

2. Các từ viết tắt trong Đề án

PHỤ LỤC 2. DANH MỤC CÁC VĂN BẢN LIÊN QUAN

PHỤ LỤC 3. TÌNH HÌNH SƠ CHẾ, BẢO QUẢN SAU THU HOẠCH

PHỤ LỤC 4. ƯỚC GIÁ TRỊ TỔN THẤT SAU THU HOẠCH

PHỤ LỤC 5. DIỆN TÍCH, SỐ ĐÀN, NĂNG SUẤT NÔNG SẢN

PHỤ LỤC 6. BẢNG KHÁI TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

PHỤ LỤC 7. BIỂU ĐỒ THỜI GIAN THU HOẠCH NÔNG SẢN

PHỤ LỤC 8. SƠ ĐỒ HOẠT ĐỘNG TRONG CHUỖI NÔNG SẢN

 

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Việc bảo quản sau thu hoạch tốt sẽ giữ được hương vị, hình dáng và giá trị dinh dưỡng cao, tăng giá trị sản phẩm, sẽ điều tiết nguồn nguyên liệu cho chế biến. Muốn làm được điều này cần phải áp dụng tốt các tiến bộ khoa học, công nghệ trong thu hoạch, sơ chế cũng như trong bảo quản.

Đối với Bình Phước, trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, lĩnh vực sơ chế, bảo quản sau thu hoạch từng bước có sự chuyển biến tích cực, nhất là trong nhóm sản phẩm chủ lực của tỉnh như: Hạt Điều, gỗ, chăn nuôi đã hình thành và phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản gắn kết với vùng nguyên liệu, có công nghệ và thiết bị tiên tiến, hiện đại. Tuy nhiên, khoảng 80% các nhóm sản phẩm khác, được nông dân bán thô, bán tươi ngay tại vườn, thậm chí đối với cây Sầu riêng được các thương lái mua, cắt đồng loạt chỉ đạt độ chín khoảng 70-80% không qua sơ chế, bảo quản, dẫn đến giá trị gia tăng của sản phẩm không cao, không có thương hiệu, nhãn hiệu.

Tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp của tỉnh còn ở mức cao, bình quân khoảng 20%, giá trị thiệt hại khoảng 2.683 tỷ đồng/năm, trong đó, đối với cây có hạt khoảng 10%, đối với cây có củ là 10-20% và rau quả 10-30%1. Các hạn chế này thể hiện rõ khi năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường; các tỉnh phía Nam áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 thì việc lưu thông, tiêu thụ nông sản của tỉnh bị ảnh hưởng lớn, các thương lái miền Tây, phía Bắc không trực tiếp vào Bình Phước thu mua nông sản như: Nhãn tại huyện Hớn Quản, Lộc Ninh, thị xã Bình Long; gia súc, gia cầm và đàn dê, dẫn đến nông sản của tỉnh có lúc bị ùn ứ cục bộ, có lúc giá nông sản xuống rất thấp, thậm chí giảm 50% so với cùng kỳ năm 2020 (dê, gà, nhãn, chanh...).

Xuất phát từ các vấn đề trên, việc xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” (sau đây viết tắt là Đề án) là cần thiết.

II. Cơ sở pháp lý xây dựng Đề án

Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2020 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030.

Quyết định số 417/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030.

Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030.

Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030.

Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 04/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

Nghị quyết số 01/NQ-ĐH ngày 22/10/2020 của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Chương trình hành động số 17-CTr/TU ngày 30/9/2021 của Tỉnh ủy về việc ban hành Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm kỳ 2021 - 2026 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 05/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bình Phước.

Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 31/3/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về chính sách khuyến kích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

III. Đối tượng, phạm vi và thời gian thực hiện Đề án

1. Đối tượng của Đề án

- Các doanh nghiệp, cơ sở ngành nghề nông thôn, các tổ chức đại diện nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hội quán).

- Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Phạm vi của Đề án

- Các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật.

- Các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật và nuôi trồng thủy sản.

- Các thiết bị, máy móc phục vụ thu hoạch, sơ chế; nhà kho, kho bảo quản, sân phơi và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

3. Thời gian thực hiện

Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

Phần II

THỰC TRẠNG HỆ THỐNG SƠ CHẾ, BẢO QUẢN SAU THU HOẠCH NÔNG SẢN CỦA TỈNH

I. Nhóm các sản phẩm từ thực vật

1. Về tình hình sản xuất

a) Cây lúa, ngô

Tổng diện tích gieo trồng lúa 10.298 ha, sản lượng khoảng 37.740 tấn; ngô 2.957 ha, sản lượng 11.604 tấn, được trồng tập trung tại các huyện: Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Bù Đăng và Hớn Quản.

b) Cây rau, củ

Tổng diện tích 3.536 ha, sản lượng 25.886 tấn, tập trung chủ yếu tại các huyện: Bù Đăng, Bù Đốp, Lộc Ninh và thành phố Đồng Xoài.

c) Cây công nghiệp

Bình Phước là thủ phủ của một số cây công nghiệp chủ lực (Cao su, Điều) có diện tích lớn nhất cả nước, cụ thể:

- Cây Cao su: Khoảng 247.271 ha, chiếm 54% diện tích đất canh tác, sản lượng mủ khô khoảng 393.907 tấn.

- Cây Điều: Diện tích canh tác 141.595 ha, chiếm 30,9%, sản lượng 205.277 tấn/năm, trong đó, có khoảng gần 50.000 ha thuộc vùng chuyên canh năng suất cao tại các vùng thuộc xã Minh Hưng, Đức Liễu, Bom Bo... của huyện Bù Đăng; các xã Phú Trung, Long Hưng, huyện Phú Riềng và xã Bình Thắng, huyện Bù Gia Mập.

- Cây Hồ tiêu: Diện tích 15.720 ha, sản lượng 28.723 tấn, trong đó, có 2.470 ha sản xuất theo tiêu chuẩn Rainforest Alliance, 30 ha đạt chứng nhận hữu cơ của Mỹ/EU liên kết với Công ty TNHH Chế biến gia vị Nedspice. Các vùng trồng Hồ tiêu chủ yếu tập trung ở các huyện: Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản, Bù Gia Mập, Bù Đăng.

- Cây Cà phê: Diện tích 14.630 ha, sản lượng 31.458 tấn.

d) Cây ăn trái

Diện tích 12.062 ha với nhiều loại cây ăn trái chủ lực nổi tiếng, đã xây dựng được thương hiệu như: Nhãn xuồng Thanh Lương, sầu Riêng Ba Đảo, Bưởi Hồng Nịp... Các loại trái cây chủ yếu gồm: Sầu riêng, Xoài, Chuối, Bưởi và Nhãn, chiếm khoảng 90% tổng diện tích cây ăn trái; cụ thể: Cây Sầu riêng: diện tích 2.845 ha, sản lượng 15.461 tấn; cây Bưởi da xanh: diện tích 1.450 ha, sản lượng 8.675 tấn; cây Mít: diện tích 1.604 ha, sản lượng 10.493 tấn; cây Cam, Quýt: diện tích 1.597 ha, sản lượng 11.566 tấn; cây Nhãn: diện tích 989 ha, sản lượng 6.720 tấn.

đ) Gỗ và lâm sản ngoài gỗ

- Đối với gỗ: Diện tích các loại gỗ (Cao su, Điều, Keo lai) trên địa bàn tỉnh khoảng 300.000 ha, sản lượng gỗ khai thác khoảng 4-5 triệu m3/năm; ngoài ra, còn một số lượng gỗ cây trồng lâm nghiệp phân tán, cây lâu năm khác.

- Đối với sản phẩm ngoài gỗ: 27.000 ha rừng Lồ ô, Tre, Nứa hoặc hỗn giao, có thể khai thác măng tre, nứa khoảng 8.500 tấn; khoảng 300 ha Lá Nhíp trồng trong vườn nhà dân, sản lượng khoảng 350 tấn; cây Dược liệu khoảng 128 ha.

2. Về sơ chế, bảo quản sau thu hoạch

a) Cây lúa, ngô

- Sản lượng lúa khoảng 37.740 tấn; ngô 11.604 tấn, sản phẩm sau khi thu hoạch (90%) đều được nông dân mang về phơi tự nhiên tại sân nhà và đóng gói, bảo quản với bao bì đơn giản, quy mô nhỏ, lẻ, chưa có sự đầu tư nhiều về công nghệ; hoạt động tự phát nên tiềm ẩn những mối nguy về an toàn thực phẩm.

- Hiện có 472 cơ sở xay xát, sơ chế lúa gạo công suất khoảng 30.000 tấn/năm, chủ yếu là máy có công suất nhỏ, công nghệ đơn giản, phục vụ nhu cầu của người dân địa phương.

- Do đó, cần sự hỗ trợ của Nhà nước để từng bước cải tiến máy móc, thiết bị, công nghệ, hỗ trợ xây dựng sân phơi, nhà kho phục vụ công tác sơ chế, bảo quản sau thu hoạch phù hợp với nhu cầu, năng lực của nông dân, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh.

b) Cây rau, củ

- Sản lượng 25.886 tấn, sản phẩm sau thu hoạch (90%) được nông dân tiêu dùng, bán tươi tại các chợ truyền thống của tỉnh.

- Hiện mới chỉ có 023 cơ sở sơ chế, bảo quản rau với công suất 100 tấn/năm và một số ít tại các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ cung cấp cho hệ thống siêu thị có sơ chế, đóng gói thủ công; còn lại bán tươi, tự phát.

- Do đó, cần xây dựng, hỗ trợ cho các cơ sở sơ chế, đóng gói, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu bao bì, nhãn mác nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng giá trị cho cây rau, củ quả.

c) Cây công nghiệp

- Cao su: Sản lượng 393.907 tấn, sản phẩm sau thu hoạch (100%) được nông dân bán cho các tiểu thương hoặc trực tiếp cho 27 cơ sở, Công ty Cao su đóng trên trên địa bàn tỉnh thu mua, sơ chế, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, tỉnh hiện có Công ty cổ phần Cao su Đồng Phú tham gia chế biến sâu và sản xuất ra nệm, gối... cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.

- Điều: Sản lượng 205.277 tấn, sản phẩm hạt điều sau thu hoạch với 20% được nông dân tự phơi khô tại nhà và 80% bán trực tiếp cho các tiểu thương hoặc cho 6604 cơ sở, doanh nghiệp phục vụ sơ chế, chế biến cho ra các sản phẩm hạt Điều như: Điều nhân trắng, Điều rang muối... phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu với công nghệ về sơ chế, chế biến ngành điều của tỉnh được coi là điểm sáng của ngành chế biến nước ta (công nghệ, quy trình tiên tiến so với thế giới).

- Hồ Tiêu: Sản lượng 28.723 tấn, sản phẩm sau thu hoạch với 90% được nông dân tự phơi khô tại nhà hoặc bán trực tiếp cho các tiểu thương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thu mua phơi khô, bảo quản, đóng gói vào các bao bì kín và bán thô. Hiện tỉnh chỉ có 02 hợp tác xã tham gia sơ chế, chế biến sâu sản phẩm Hồ Tiêu; còn lại chủ yếu bán cho các doanh nghiệp.

- Cà Phê: Sản lượng 31.458 tấn, sản phẩm sau khi thu hoạch nông dân chủ yếu (98%) bán thô hoặc xay, phơi khô tại sân nhà, đóng gói đơn giản, bán cho các đại lý của địa phương, một phần rất nhỏ được chế biến sâu (gần 400.000 tấn/năm).

- Hiện có 26 cơ sở (9 cơ sở; 17 hộ cá thể) nhỏ, lẻ trong tỉnh tham gia sơ chế, bảo quản sau thu hoạch và chế biến sản phẩm.

d) Cây ăn trái

- Sản phẩm, sản lượng một số cây trồng chính, chủ lực của tỉnh gồm: sầu riêng 15.461 tấn; Bưởi da xanh 8.675 tấn; Mít 10.493 tấn; Cam, Quýt 11.566 tấn; Nhãn 6.720 tấn; sau khi thu hoạch (khoảng 99%) được nông dân bán thô trực tiếp cho các thương lái, chợ truyền thống tại địa phương.

- Hiện có 03 đơn vị (01 doanh nghiệp, 01 HTX và 1 hộ cá thể) tham gia sơ chế, bảo quản sau thu hoạch nhưng ở dạng bóc vỏ, cấp đông lạnh và đóng gói, công suất đạt khoảng 100 tấn/năm.

đ) Gỗ và lâm sản ngoài gỗ

- Đối với gỗ:

Sản lượng gỗ khai thác khoảng 4-5 triệu m3/năm; ngoài ra, còn một số lượng gỗ cây trồng lâm nghiệp phân tán, cây lâu năm khác. Sản phẩm từ gỗ sau khai thác, thu hoạch được bán thô cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Hiện có khoảng 298 cơ sở chế biến gỗ, trong đó, có 119 doanh nghiệp sản xuất chủ yếu là ván thanh, ván lạng, gỗ xẻ, ván ép, phôi gỗ, viên nén gỗ, palet, gỗ nội ngoại thất... tập trung nhiều ở các huyện: Chơn Thành, Đồng Phú, Đồng Xoài. Trong đó, doanh nghiệp chế biến gỗ 5 ván MDF, ván dăm lớn, phát triển như: Nhà máy gỗ MDF VRG Dongwha công suất 460.000 m3/năm; nhà máy Kim Tín MDF công suất 160.000 m3/năm, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đến các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc... Các cơ sở chế biến là hộ gia đình với sản phẩm kinh doanh chủ yếu gồm: đồ nội, ngoại thất, gia công mỹ nghệ, gỗ xây dựng... phục vụ nhu cầu thị trường nội tỉnh.

- Đối với sản phẩm ngoài gỗ:

Có 01 hợp tác xã (HTX măng tre Thành Tâm: diện tích 30 ha, sản lượng 450 tấn/năm măng tươi) tại huyện Chơn Thành tham gia sơ chế, chế biến măng nhưng quy mô nhỏ lẻ; còn lại, sản phẩm sau thu hoạch được bán tại các chợ truyền thông, bán tươi. Do vậy, cần có cơ sở sơ chế, bảo quản đúng cách, đảm bảo an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Như vậy, đối với nhóm sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật, ngoài ngành Cao su, hạt Điều có hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường thì hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch các ngành hàng còn lại vẫn chủ yếu là đơn giản, nhỏ lẻ, hàm lượng công nghệ thấp, chưa có sự đầu tư nhiều, chưa phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghệ trung bình, tự phát nên ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sản phẩm, giá trị đem lại chưa cao. Đây là vấn đề lớn mà tỉnh cần quan tâm, đẩy mạnh chuyển giao, áp dụng các công nghệ sơ chế, bảo quản tiên tiến, công nghệ mới, thân thiện với môi trường, phù hợp với nhu cầu, năng lực địa phương.

II. Nhóm sản phẩm có nguồn gốc từ động vật và nuôi trồng thủy sản

1. Tình hình sản xuất

- Lợn: 1.263.913 con, trong đó, chăn nuôi trang trại 1.107.913 con, chiếm 87,66% và nông hộ nhỏ lẻ 156.000 con, chiếm 12,34%.

- Gia cầm: 7.345.000 con, trong đó, chăn nuôi trang trại 5.421.134 con (gà 5.358.893 con, vịt 62.241 con), chiếm 73,7%; chăn nuôi gia cầm nhỏ, lẻ 1.932.866 con (gà 1.350.898 con; vịt, ngan 581.968 con), chiếm 26,3%.

- Trâu, bò: 54.223 con, trong đó, trâu 14.404 con và bò khoảng 39.819 con. Số lượng xuất chuồng đạt 20.403 con (khoảng 3.873 tấn).

- Dê: 157.904 con, tập trung chủ yếu tại các huyện: Bù Đốp, Lộc Ninh, Hớn Quản, Bù Gia Mập, Bù Đăng với quy mô nông hộ nhỏ, lẻ, chăn thả, bán chăn thả, tận dụng phụ phế phẩm nông nghiệp sẵn có ở gia đình và tại địa phương. Số lượng xuất chuồng đạt 140.000 con (khoảng 4.000 tấn).

- Nuôi trồng thủy sản: Diện tích khoảng 1.596 ha, chủ yếu là nuôi trồng trong các ao của nông hộ, sản lượng khoảng 4.759 tấn (sản lượng nuôi trồng 4.509 tấn và sản lượng khai thác 250 tấn).

2. Về công tác sơ chế, bảo quản sau thu hoạch

- Chăn nuôi: Hiện có 286 cơ sở giết mổ gia súc tập trung, trong đó, 23 cơ sở giết mổ gia súc với hệ thống giết mổ treo với số gia súc giết mổ được kiểm soát khoảng 340 con heo, 15 con trâu bò/ngày, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh. Quy mô và công nghệ đơn giản, bán công nghiệp; 03 cơ sở giết mổ gia cầm tập trung tại các huyện: Bù Đăng, Đồng Phú, Hớn Quản có công suất giết mổ khoảng 2.500 con gia cầm/ngày, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; 01 nhà máy giết mổ, chế biến thịt gà tại huyện Chơn Thành (Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam) có công suất chế biến giai đoạn 1 khoảng 36.000 tấn sản phẩm/năm, tương đương giết mổ khoảng 15 triệu con gà/năm, giai đoạn 2 đến năm 2025 chế biến 170.400 tấn sản phẩm/năm, tương đương giết mổ khoảng 71 triệu con gà/năm. Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam vào năm 2021 đã xây dựng nhà máy giết mổ, chế biến thịt gia súc, gia cầm tại KCN Minh Hưng Silkico với công suất giai đoạn 1 giết mổ 37,4 triệu con gà/năm và giai đoạn 2 giết mổ 374.400 con heo/năm và chế biến sâu 2.000 tấn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm/năm, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

- Nuôi trồng thủy sản: Chủ yếu được người dân thu hoạch và bán tươi sống cho thương lái, chợ truyền thống, chưa qua sơ chế, bảo quản.

III. Đánh giá chung

1. Đánh giá chung

- Sản phẩm nông sản của tỉnh đa dạng về sản phẩm, chủng loại sau thu hoạch với 27 sản phẩm chủ lực và đặc sản; thời gian thu hoạch có tính thời vụ, trong đó, 10 sản phẩm thu hoạch quanh năm, còn lại theo thời vụ. Việc cung ứng sản lượng lớn, trên 5 triệu tấn/năm. Các thành phần kinh tế tham gia sơ chế, bảo quản phong phú, trong đó, doanh nghiệp, hợp tác xã chiếm 34% (380 doanh nghiệp, hợp tác xã); còn lại 723 là các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình (66%).

- Trình độ, năng lực công nghệ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở ngành nghề nông thôn đạt trình độ tiên tiến, trung bình khoảng 35%, tập trung chủ yếu trong ngành Điều, Chăn nuôi và Gỗ.

- Các ngành hàng, sản phẩm như: Điều, Cao su, Hồ tiêu, Chế biến gỗ... cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường và người dân. Các ngành hàng khác (nhóm cây ngắn ngày, trái cây, giết mổ gia súc, gia cầm...): công tác sơ chế, bảo quản sau thu hoạch hiện chưa đáp ứng được kỳ vọng, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của tỉnh như: Số doanh nghiệp lớn tham gia chưa nhiều, trong các sản phẩm đặc sản của địa phương, trình độ và năng lực công nghệ của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở đạt trình độ dưới trung bình 65%; tỷ lệ sản phẩm qua sơ chế, bảo quản chỉ đạt 10-12%; tỷ lệ sản phẩm tham gia chuỗi liên kết thấp (11%); tổn thất sau thu hoạch ở mức 15 - 20%; tổ chức liên kết theo chuỗi còn lỏng lẻo,... nên cần thiết phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

2. Một số thuận lợi

- Điều kiện tự nhiên về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu đa dạng, thuận lợi cho việc trồng trọt, chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Gần trung tâm tiêu thụ, chế biến lớn trong cả nước (tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh), là cửa ngõ các tỉnh Tây Nguyên; các loại nông sản của tỉnh đa dạng, phong phú, được người tiêu dùng trong và ngoài nước đánh giá cao và tin dùng về chất lượng, hương vị đặc trưng.

- Sản xuất nông nghiệp đang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cùng với sự tăng trưởng trong sản xuất, công nghiệp chế biến cũng phát triển, chủ yếu trong ngành Cao su, Gỗ, hạt Điều và trong chăn nuôi.

- Một số ngành (Điều, Gỗ) có công nghệ và thiết bị tương đối tiên tiến mang tầm của khu vực.

3. Một số tồn tại, hạn chế

- Với diện tích 3.561 ha rau, củ quả các loại, sản lượng khoảng 25.886 tấn7 nhưng chưa có cơ sở sơ chế, chế biến quy mô lớn, hiện đại, đáp ứng ngày càng cao của người tiêu dùng. Sản lượng thịt, cá hàng năm 354.280 tấn/năm nhưng chủ yếu là các cơ sở, doanh nghiệp quy mô nhỏ, hộ gia đình, chưa đáp ứng được kỳ vọng, chưa phát huy hết tiềm năng như: Số lượng cơ sở chế biến, hiện đại còn thấp. Qua khảo sát năm 2021, tỷ lệ nông sản sơ chế, bảo quản, chế biến chỉ đạt khoảng 12%; công tác bảo quản chưa tốt, tổn thất sau thu hoạch cao, khoảng 20%; tổ chức liên kết còn lỏng lẻo; an toàn thực phẩm vẫn còn là vấn đề lớn,... nên lĩnh vực sơ chế, bảo quản sau thu hoạch chưa góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp, chưa đáp ứng được yêu cầu của người sản xuất và thị trường, cụ thể:

- Đối với trồng trọt: Diện tích trồng cây công nghiệp lâu năm, cây hàng năm, cây lương thực lớn nhưng người nông dân sản xuất theo phương thức truyền thống, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, thiếu ổn định. Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật còn chậm phát triển, thiếu gắn kết giữa các khâu sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ sản phẩm dẫn đến năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế thấp; giá trị gia tăng đem lại chưa tương xứng với tiềm năng; công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, bao bì, nhãn mác, tiêu chuẩn, quy chuẩn chưa được quan tâm.

- Công nghệ sơ chế, bảo quản sau thu hoạch mặc dù đã có bước phát triển nhưng chỉ tập trung ở một số sản phẩm cây công nghiệp dài ngày (Cao su, Gỗ, Điều,) và các doanh nghiệp FDI. Đối với cây hàng năm gần như rất ít doanh nghiệp, hợp tác xã, nông hộ đầu tư, tham gia. Công nghệ bảo quản sản phẩm rau, củ, quả cũng hạn chế, thiêu sức cạnh tranh. Một số cây ăn quả và các loại rau, củ vẫn chủ yếu cung ứng vào thị trường ở dạng tươi, sống. Đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “được mùa - mất giá” “sáng rau, chiều rác” đối với nhiều loại nông sản trong thời gian qua.

- Nguồn lực đầu tư công cho sơ chế, bảo quản sau thu hoạch của tỉnh còn thấp, chưa được quan tâm chú trọng.

- Đối với chăn nuôi: Việc chưa hoàn thiện Quy hoạch vùng chăn nuôi Heo và Gà an toàn dịch bệnh; phát triển chuỗi liên kết 3T/3F (Thực phẩm/Food - Trang trại/Farm - Thức ăn chăn nuôi/ Feed), truy xuất nguồn gốc theo tiêu chuẩn quốc tế đang mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu. Chăn nuôi theo mô hình công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, chuồng kín đạt dưới 50%. Ngoài ra, phát triển chăn nuôi hiện chủ yếu dựa vào đầu tư, phát triển của doanh nghiệp FDI, chưa có sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với chăn nuôi nông hộ.

4. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

a) Nguyên nhân chủ quan

- Nông dân vẫn còn tư duy sản xuất ra sản phẩm với số lượng nhiều, bán tươi, thô, chưa quan tâm đến chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, thị trường và chưa quan tâm đến liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

- Công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn chưa được quan tâm; việc triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, số hóa còn chậm.

- Triển khai thực hiện các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực này chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, mặc dù tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư đã được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua8.

b) Nguyên nhân khách quan

- Sản xuất nông nghiệp mang tính mùa vụ, phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, tài nguyên và chịu tác động bởi biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, biến động của thị trường.

- Vùng nguyên liệu với quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, phân tán, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, hạn chế việc áp dụng cơ giới hóa nên làm tăng chi phí sản xuất, chất lượng không đồng nhất... dẫn đến giá thành sản phẩm cao, giảm hiệu quả của đầu tư, năng lực cạnh tranh của sản phẩm và thu hút các doanh nghiệp lớn, uy tín đầu tư nhà máy sơ chế, bảo quản nông sản.

- Nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước đòi hỏi nông sản phải đáp ứng về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng, thân thiện với môi trường và sản phẩm phải có bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Phần III

QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU ĐỀ ÁN

I. Quan điểm

Phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản phải đồng bộ trong chuỗi giá trị từ khâu sản xuất - thu hoạch - sơ chế - bảo quản - chế biến - tiêu thụ phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gắn với vùng nguyên liệu và phát triển các khu, cụm công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao giá trị gia tăng, giảm tổn thất sau thu hoạch.

II. Mục tiêu

1. Mục tiêu đến năm 2025

- Trên 50% doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tham gia sơ chế, bảo quản sau thu hoạch đạt trình độ, năng lực công nghệ sản xuất trung bình tiên tiến trở lên.

- Có khoảng 20% sản phẩm nông sản tham gia chuỗi liên kết, gắn sản xuất với sơ chế, bảo quản, chế biến và thị trường và đảm bảo khoảng 20% sản lượng nông sản đủ điều kiện, có nhu cầu được sơ chế, bảo quản sau thu hoạch.

- Giảm tổn thất sau thu hoạch bình quân còn 19,2%.

2. Định hướng đến năm 2030

- Trên 60% doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở tham gia sơ chế, bảo quản sau thu hoạch đạt trình độ, năng lực công nghệ sản xuất trung bình tiên tiến trở lên.

- Có khoảng 35% sản phẩm nông sản tham gia chuỗi liên kết, gắn sản xuất với sơ chế, bảo quản, chế biến và thị trường và đảm bảo khoảng 30% sản lượng nông sản đủ điều kiện, có nhu cầu được sơ chế, bảo quản sau thu hoạch.

- Giảm tổn thất sau thu hoạch bình quân còn 18,6%.

III. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

1. Công tác tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch

- Hàng năm, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn, hội thảo về phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, từ 5-7 phóng sự, 6-8 lớp tập huấn chuyên sâu cho các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương.

- Xây dựng, hỗ trợ từ 4-5 mô hình điểm trình diễn trong sơ chế, bảo quản sau thu hoạch nhằm từng bước thay đổi nhận thức, tư duy về phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch.

2. Tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm

a) Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức đại diện nông dân; vận động nông dân thành lập mới và tham gia có trách nhiệm các tổ chức trên; tiếp tục vận động nông dân tham gia chuỗi giá trị trong từng sản phẩm từ sản xuất - thu hoạch - sơ chế - bảo quản - chế biến đến tiêu dùng.

b) Tạo vùng nguyên liệu: Thực hiện đồng bộ giữa phát triển các cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản gắn với vùng nguyên liệu tập trung, trong đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh địa phương mang chỉ dẫn địa lý, chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, cụ thể:

- Đối với cây Lúa, Ngô: Tập trung vùng trồng tại các huyện: Bù Đăng, Bù Đốp, Lộc Ninh, Hớn Quản và Bù Gia Mập.

- Đối với cây rau, củ: Tập trung ở các vùng: Hớn Quản, Phú Riềng, Đồng Xoài, Đồng Phú, Bù Đăng và thị xã Bình Long.

- Đối với cây công nghiệp:

Điều: Tập trung phát triển vùng nguyên liệu điều tại 4 huyện trọng điểm: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Phú Riềng, Đồng Phú.

Cây Cao su: Tập trung phát triển tại 6 huyện: Bù Gia Mập, Bù Đăng, Phú Riềng, Đồng Phú, Lộc Ninh, Hớn Quản.

Cây Hồ tiêu: Tập trung các vùng: Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Đồng Phú và thị xã Bình Long.

- Đối với cây ăn trái: Tập trung các loại trái tại các vùng như sau: Sầu Riêng tại các huyện, thị xã: Bù Đăng, Phú Riềng, Lộc Ninh, Phước Long, Bù Gia Mập, Chơn Thành, Bù Đốp, Hớn Quản, thị xã Phước Long; Bưởi da xanh tại các huyện: Lộc Ninh, Bù Đốp, Đồng Phú, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đăng, Chơn Thành, Hớn Quản và thị xã Phước Long; Nhãn tại các huyện, thị xã, thành phố: Bình Long, Lộc Ninh, Đồng Xoài, Hớn Quản; Chôm chôm tại các huyện: Bù Đăng, Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản; Bơ tại các huyện, thị xã: Phú Riềng, Lộc Ninh, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bình Long; Mít tại các huyện, thị xã, thành phố: Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bình Long, Hớn Quản, Chơn Thành, Đồng Xoài.

- Đối với gỗ và sản phẩm ngoài gỗ: Tập trung các vùng: Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Đăng và Bù Gia Mập.

- Đối với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản:

Chăn nuôi: Tiếp tục triển khai thực hiện tốt các Vùng an toàn dịch bệnh trên gia súc, gia cầm theo quy hoạch, định hướng của tỉnh.

Nuôi trồng thủy sản: Phát huy diện tích mặt hồ, ao nuôi, nuôi lồng, bè tại: Phước Long, Bù Đốp, Phú Riềng, Hớn Quản.

c) Nâng cao chất lượng sản phẩm

- Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các văn bản pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý, kiểm dịch xuất nhập khẩu mặt hàng nông sản có nguồn gốc từ động, thực vật tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản.

- Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như: VietGAP, GlobalGAP, GMP, ISO, HACCP, BRC, FSC... trong tất cả các khâu, nhất là các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh.

3. Khoa học công nghệ và chuyển đổi số

a) Khoa học công nghệ

- Ứng dụng các phương pháp bảo quản như: Bảo quản lạnh kết hợp điện từ trường; bảo quản trong môi trường khí điều chỉnh CA (Control atmosphere) và bao gói khí điều biến MAP (Modified Atmosphere Packaging); tạo màng phủ (theo hướng ứng dụng các loại màng sinh học, nano, kháng khuẩn và màng tự hủy); Công nghệ biến tính, sấy sinh thái để bảo quản gỗ; công nghệ sinh học sản xuất chế phẩm bảo quản, chống mối, mọt thế hệ mới; công nghệ sản xuất các màng phủ thân thiện với môi trường; việc cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, thu hoạch, sơ chế và bảo quản nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.

- Triển khai nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sơ chế, bảo quản sau thu hoạch kết hợp triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu cho các nông sản chủ lực, đặc sản của tỉnh, địa phương; tích hợp công nghệ thông tin và tự động hóa, số hóa vào các khâu nhằm tạo ra các quy trình sản xuất, mô hình nhà máy thông minh liên kết với vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.

b) Chuyển đổi số

- Tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch Chuyển đổi số trong ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Kế hoạch của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Hỗ trợ triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm chủ lực, đặc sản của địa phương có thế mạnh, có tính cạnh tranh cao.

- Số hóa và cập nhật, cung cấp các thông tin nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước về mặt hàng nông sản cả về số lượng, chất lượng, chủng loại, mẫu mã bao bì và thương hiệu.

4. Chính sách thu hút đầu tư

- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách có liên quan về thu hút đầu tư trong sơ chế, bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch như: Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 05/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bình Phước; Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 31/3/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định về chính sách khuyến kích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh.

- Hàng năm, tiếp tục mời gọi, thu hút từ 3-5 doanh nghiệp, nhà đầu tư vào kho lạnh, sân phơi, điểm thu mua, cơ giới hóa, sơ chế, bảo quản nông sản vào các khu, cụm công nghiệp, khu công nghiệp nông thôn, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

5. Nguồn lực

a) Hàng năm, đào tạo nghề trên 3.000 lượt lao động nông thôn gắn với chuyển giao công nghệ về sơ chế, bảo quản sau thu hoạch; nâng cao năng lực, quản lý điều hành cho 1.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở trong lĩnh vực sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Khuyến khích các nhà đầu tư tiếp nhận lao động địa phương đã qua đào tạo tại các cơ sở dạy nghề của tỉnh; tổ chức 4-5 đợt tham quan học tập kinh nghiệm trong từng sản phẩm trong và ngoài tỉnh.

b) Về nguồn vốn

- Tăng cường xã hội hóa, thu hút vốn, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, bảo quản sau thu hoạch cho nông sản; Tranh thủ sự hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức phi Chính phủ, quốc tế... nhằm thu hút các nguồn lực, đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án có liên quan để đầu tư hạ tầng cho các vùng, cơ sở sản xuất.

- Về vốn Ngân sách nhà nước: Bố trí hợp lý nguồn vốn Ngân sách tỉnh và địa phương cho công tác quản lý nhà nước như: Tuyên truyền, đào tạo tập huấn, hội nghị, hội thảo, xây dựng trình diễn mô hình; tổng kết đánh giá hàng năm; chi cho hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc, khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề và xây dựng mô hình.

c) Khái toán kinh phí: 42.141 triệu đồng, trong đó:

- Giai đoạn 2021 - 2025: 21.208 triệu đồng, cụ thể: Ngân sách tỉnh 6.218 triệu đồng, Ngân sách cấp huyện (tính cho tổng 11 đơn vị) 4.140 triệu đồng và huy động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp 10.850 triệu đồng.

- Giai đoạn 2026 - 2030: 20.933 triệu đồng, cụ thể: Ngân sách tỉnh 5.358 triệu đồng, Ngân sách cấp huyện (tính cho tổng 11 đơn vị) 4.075 triệu đồng và huy động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp 11.500 triệu đồng.

6. Thị trường

- Tổ chức tốt các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ trong và nước ngoài. Phát triển hạ tầng thương mại (củng cố và phát triển các chợ nông thôn; hình thành chợ đầu mối tiêu thụ nông sản của tỉnh, trung tâm cung ứng nông sản siêu thị, hệ thống bán buôn, bán lẻ...), hệ thống logistics kết nối giữa người sản xuất với nhà phân phối, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động quảng bá, giới thiệu và phân phối sản phẩm.

- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh xây dựng hệ thống quảng bá đối với các sản phẩm đạt yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng, bao bì, nhãn mác phục vụ tiêu dùng trong nước, xuất khẩu. Phát triển xã hội hóa dịch vụ tư vấn sản xuất, thị trường, công nghệ có liên quan đến sơ chế, bảo quản sau thu hoạch nông sản.

- Tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo, thông tin thị trường trong nước và thế giới về thị phần, thị hiếu, giá cả, các tiêu chuẩn sản phẩm... để xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển sản phẩm nông sản chủ lực, đặc sản địa phương.

Phần IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng quy hoạch các cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản; hướng dẫn, theo dõi, tổ chức thực hiện Đề án.

- Tổng hợp, xây dựng kế hoạch triển khai nội dung của Đề án; định kỳ thực hiện kiểm tra, giám sát việc triển khai và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Tham mưu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch theo chuỗi giá trị góp phần nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững phục vụ công tác tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.

2. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị có liên quan hỗ trợ hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch nông sản.

- Triển khai thực hiện các phương án phát triển Cụm công nghiệp, ưu tiên các Cụm công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp; phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.

- Thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực sơ chế, bảo quản sau thu hoạch nông sản phát triển bền vững.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ và các quy định khác của tỉnh có liên quan.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh lồng ghép các chỉ tiêu về phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 05 năm và hàng năm của tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan cân đối, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, vốn đầu tư công và các nguồn vốn đầu tư hợp pháp khác để đảm bảo thực hiện Đề án.

4. Sở Khoa học và Công nghệ

- Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch nông sản; hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cơ sở sản xuất xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho nông sản, thực phẩm của tỉnh.

- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tham gia Quỹ đổi mới công nghệ Quốc gia để đổi mới công nghệ sơ chế, bảo quản sau thu hoạch; hỗ trợ chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm nhằm hoàn thiện công nghệ, thiết bị tiên tiến để ứng dụng vào sản xuất quy mô công nghiệp; hướng dẫn đăng ký mẫu mã, bao bì, đóng gói, thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

5. Sở Thông tin và Truyền thông

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nội dung chuyển đổi số ngành nông nghiệp, hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 18/5/2021 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 312/KH-UBND ngày 13/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông, hệ thống thông tin cơ sở phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch.

6. Sở Tài chính

Hàng năm, cân đối, phân bổ ngân sách thực hiện Đề án đối với những nội dung hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách theo quy định hiện hành; hướng dẫn, tổ chức thực hiện các chính sách về tài chính có liên quan đến hỗ trợ phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch theo quy định.

7. Sở Giao thông vận tải

Nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh hình thành một số trung tâm logistics phức hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đầu tư, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường giao thông nội tỉnh, tạo thuận lợi cho lưu thông, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

8. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phối hợp với doanh nghiệp, hợp tác xã, các cơ sở sơ chế, bảo quản sau thu hoạch tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao theo ngành nghề, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thị trường lao động tại địa phương.

9. Trung tâm Xúc tiến - Đầu tư - Thương mại và Du lịch

- Tổ chức, hỗ trợ các doanh nghiệp khảo sát thị trường, tham dự các hội chợ, triển lãm, diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại trong nước, ngoài nước thuộc lĩnh vực sơ chế, bảo quản sau thu hoạch nhằm giúp các doanh nghiệp liên kết kinh doanh tìm kiếm thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

- Tổ chức tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, cơ hội và cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung trong lĩnh vực sơ chế, bảo quản sau thu hoạch.

10. Hội Nông dân tỉnh

Tuyên truyền, vận động và hỗ trợ nông dân, tổ chức đại diện nông dân phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch gắn sản xuất với thị trường và đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn có truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, bao bì nhãn mác gắn sản xuất với sơ chế, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

11. Liên minh Hợp tác xã tỉnh

Phối hợp với các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện hỗ trợ các hợp tác xã thành viên xây dựng chuỗi liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ đầu tư phát triển hệ thống bảo quản, kho lạnh, sân phơi nông sản cho các hợp tác xã theo đúng quy định, thẩm quyền.

12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Trên cơ sở đề án này, xây dựng Dự án/Kế hoạch phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch và tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

13. Các Sở, ban, ngành liên quan và tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung Đề án.

14. Đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Bình Phước

- Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn quan tâm, tạo điều kiện cấp tín dụng, áp dụng các sản phẩm tín dụng, cho vay ưu đãi đối với các phương án vay vốn xây dựng cơ sở sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, chế biến nông sản theo quy định.

- Chỉ đạo các Ngân hàng thương mại, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, tăng cường kết nối Ngân hàng - doanh nghiệp/hợp tác xã để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp/hợp tác xã, người dân tiếp cận vốn kịp thời đầu tư phát triển đối với nông nghiệp, nông thôn nói chung và vốn phát triển các dự án sơ chế, bảo quản sau thu hoạch nông sản nói riêng./.

 

PHỤ LỤC 1. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

1. Giải thích từ ngữ

- Nông sản: là sản phẩm của các ngành nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi), lâm nghiệp, thủy sản.

- chế nông sản: là việc phân loại, vệ sinh, xử lý kỹ thuật (Làm khô: phơi nắng, sấy khô) ban đầu cho nông sản để tạo ra thực phẩm tươi sống có thể ăn ngay hoặc tạo ra nguyên liệu hoặc bán thành phẩm cho khâu chế biến sâu.

- Bảo quản nông sản sau thu hoạch: là giữ vững chất lượng (hình dáng, kết cấu, hương vị và giá trị dinh dưỡng), giảm tổn thất giữa thời điểm thu hoạch và tiêu dùng; là giai đoạn rất cần thiết nhằm hạn chế những tổn thất trong quá trình đưa từ nơi sản xuất, canh tác về (nhà) nơi bảo quản và mang đi chế biến thành những sản phẩm khác. Công nghệ bảo quản nông sản tốt sẽ mang lại nguồn nguyên liệu đảm bảo cho quá trình chế biến nông sản. Về cơ bản sẽ có 03 phương pháp bảo quản nông sản chính sau:

Bảo quản thông thoáng tự nhiên: Thời gian bảo quản của phương pháp này khoảng 3-4 tháng, áp dụng được cho các loại nông sản có ít nước như lúa, đậu, và các loại củ. Phương pháp này bảo quản sản phẩm bằng cách để sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với điều kiện không khí thông thường, chỉ kiểm soát độ thoáng của môi trường kho và độ kín để tránh những tác động như nước mưa hay con trùng, động vật gây hại.

Bảo quản kín: là phương pháp bảo quản dựa trên việc hạn chế tối đa quá trình hô hấp, chuyển hóa của nông sản, như: đóng gói trong bao bì, thùng đựng, trong nhà kho, màng sinh học, hút chân không (hút khí Ethylene; bằng túi kháng khuẩn), điều chỉnh khí quyển (CA, MAP).

Bảo quản lạnh: là phương pháp sử dụng nhiệt độ thấp để giữ các sản phẩm ở điều kiện chất lượng tốt trong thời gian dài. Một số thiết bị được dùng phổ biến nhất gồm kho lạnh, kho cấp đông, xe lạnh...Đây là phương pháp có nhiều ưu điểm và thích hợp để bảo quản nhiều loại nông sản khác nhau.

- Chế biến nông sản: là quá trình xử lý, biến đổi nông sản đã qua sơ chế hoặc thực phẩm tươi sống theo phương pháp công nghiệp hoặc thủ công thành nguyên liệu sản phẩm hoặc sản phẩm thực phẩm.

- Tổn thất sau thu hoạch: bao gồm: tổn thất số lượng; tổn thất chất lượng; tổn thất kinh tế; tổn thất xã hội.

- An toàn thực phẩm: là việc bảo đảm để thực phẩm không gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người.

2. Các từ viết tắt trong Đề án

- VietGAP: (Vietnamese Good Agricultural Practices) gồm tiêu chuẩn/quy phạm quy định về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho các sản phẩm nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản) ở Việt Nam; bao gồm những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế đảm bảo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

- GlobalGAP là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh: Global Good Agricultural Practice, GlobalGAP vừa là nhãn hiệu vừa là một bộ Tiêu chuẩn toàn cầu về Thực hành nông nghiệp tốt.

Trong đó: “GAP (Good Agricultural Practices) - Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt là tập hợp các tiêu chí do tổ chức, quốc gia, nhóm quốc gia ban hành hướng dẫn người sản xuất áp dụng nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ môi trường và sức khỏe, an sinh xã hội cho người lao động”.

Với mục tiêu tiên quyết tạo nên một nền nông nghiệp an toàn và bền vững toàn cầu, các tiêu chuẩn GlobalGAP đã được xây dựng nhằm chuẩn hóa quy trình sản xuất nông nghiệp trong 3 lĩnh vực: trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản.

- GMP: (Good Manufacturing Practices) là hướng dẫn thực hành sản xuất tốt, áp dụng đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dược phẩm nhằm kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành chất lượng sản phẩm từ khâu thiết kế, xây lắp nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ chế biến; điều kiện phục vụ, chuẩn bị chế biến đến quá trình chế biến; bao gói, bảo quản và con người điều khiển các hoạt động trong suốt quá trình gia công, chế biến. Nó đề cập đến mọi khía cạnh của quá trình sản xuất và kiểm soát chất lượng.

- ISO: Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (International Organization for Standardization; viết là ISO hay iso) là cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế bao gồm các đại diện từ các tổ chức tiêu chuẩn các quốc gia.

- 3T/3F: sử dụng các chữ cái đầu tiên Thực phẩm/ Food - Trang trại/ Farm - Thức ăn chăn nuôi/ Feed) từ sản xuất, chế biến, phân phối các sản phẩm gà đạt điều kiện xuất khẩu.

- HACCP: là viết tắt của cụm từ Hazard Analysis and Critical Control Point System. Nghĩa là “Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn”.

- BRC: là tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm do Hiệp hội bán lẻ Anh quốc (British Retail Consortium-BRC) thiết lập vào năm 1998, thích hợp cho việc kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm, gồm 7 phần: Cam kết từ cấp cao để phát triển liên tục; Hệ thống kiểm soát rủi ro HACCP; Hệ thống quản lý chất lượng: ISO 9001; Tiêu chuẩn nhà xưởng: Cách bố trí, bảo trì các tòa nhà và cơ sở, có kiểm soát dịch hại và quản lý nguồn chất thải một cách có hệ thống; Kiểm soát sản phẩm: Có những yêu cầu về kiểm tra sản phẩm; Quy trình kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm chặt chẽ; Nhân viên trực tiếp làm việc trong nhà máy như quần áo bảo hộ, vệ sinh cá nhân, giấy khám sức khỏe, huấn luyện, đào tạo.

- Rainforest Alliance: là Bộ quy tắc thực hành phát triển bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển vững trên toàn cầu.

- OCOP: là Mỗi xã một sản phẩm” (tiếng Anh là One commune, one product- viết tắt là OCOP) là mô hình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm của của Nhật Bản”, phong trào này được triển khai đầu tiên ở Nhật bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước và đã mang lại nhiều lợi ích người dân.

- CA (Control Atmosphere): bảo quản trong môi trường khí điều chỉnh.

- MAP (Modified Atmosphere Packaging): bao gói khí điều biến

- Chứng nhận bảo vệ rừng FSC: (Forest Stewardship Council) là chứng nhận được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường (rừng) với lợi ích xã hội của các bên liên quan (nhà sản xuất, xã hội và người dân địa phương).

 

PHỤ LỤC 2. DANH MỤC CÁC VĂN BẢN LIÊN QUAN

I. Trung ương

1. Luật số 04/2017/QH14 ngày 12/6/2017 của Quốc hội về việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về cơ chế chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

3. Quyết định số 2471/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2025, định hướng đến năm 2030.

4. Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

5. Quyết định số 1137/QĐ-TTg ngày 03/8/201 7 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2020.

6. Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030.

7. Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

8. Quyết định số 1003/QĐ-BNN-CB ngày 13/5/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch”.

9. Quyết định số 245/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 16/01/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản theo hướng nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

10. Quyết định số 3939/QĐ-BNN-CBTTNS ngày 05/10/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đến năm 2030.

II. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước

1. Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 15/4/2020 của Tỉnh ủy về phát triển Ngành điều Bình Phước giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

2. Nghị Quyết số 04-NQ/TU Ngày 18/5/2021 của Tỉnh ủy về việc chuyển đổi số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

3. Nghị quyết số 07/2019/NQ-HĐND ngày 05/7/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bình Phước.

4. Nghị quyết số 20/2021/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

5. Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 31/3/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành quy định về chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

6. Quyết định số 2377/QĐ-UBND ngày 14/9/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Chương trình phát triển thủy sản giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh.

7. Kế hoạch số 195/KH-UBND ngày 08/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

8. Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 12/5/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Quyết định 417/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau, quả giai đoạn 2021-2030.

9. Kế hoạch số 317/KH-UBND này 20/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp nông thôn tỉnh Bình Phước đến năm 2025”.


PHỤ LỤC 3. TÌNH HÌNH SƠ CHẾ, BẢO QUẢN SAU THU HOẠCH

TT

Ngành hàng

Hiện trạng đến năm 2021

Tổng công suất chế, bảo quản đến năm 2021 (tấn/năm)

Giai đoạn 2021 - 2025

Tổng công suất chế, bảo quản giai đoạn 2021 -2025 (tấn/năm)

Địa điểm dự kiến phát triển cơ sở sơ chế, bảo quản giai đoạn 2021 - 2025

Tổng cơ  s

DN/ HTX

Cơ sở

Tổng s

DN/ HTX

Cơ sở

 

Tổng

1.103

380

723

6.564.330

1.116

491

625

8.385.758

 

 

Tỷ lệ %

 

34

66

 

 

44

56

 

 

I

Sản phẩm từ thực vật

1.075

374

701

6.050.330

1.094

475

619

7.113.758

 

 

Tỷ lệ %

 

35

65

 

 

43

57

 

 

1

Điều

660

209

451

1.026.386

657

277

380

923.779

Đồng Xoài, Bù Gia Mập, Chơn Thành, Bù Đốp, Đồng Phú, Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đăng, Phú Riềng

2

Cà phê

7

1

6

141.086

7

2

5

148.139

Huyện Bù Gia Mập, Đồng Xoài, Đồng Phú, Hớn Quản

3

Hồ Tiêu

19

8

11

60.000

19

9

10

54.000

Bù Gia Mập, Bù Đốp, Đồng Phú

4

Ca cao

5

0

5

1.468

10

1

9

1.540

Bù Gia Mập

5

Lúa, Gạo

47

5

44

20.000

46

4

42

30.000

Bù Gia Mập, Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đăng

6

Rau, củ, quả

8

8

0

260

17

12

5

5.000

Đồng Xoài, Chơn Thành, Phước Long, Phú Riềng, Đồng Phú, Bù Đốp

7

Trái cây

3

2

1

680

16

10

6

100.000

Bù Gia Mập, Đồng Phú, Phú Riềng, Bù Đăng, Phước Long, Bình Long, Lộc Ninh

8

Gỗ (m3)

298

119

179

4.500.000

280

130

150

5.500.000

11/11 huyện, thị xã, thành phố

9

Lâm sản ngoài gỗ

1

1

0

450

11

5

6

1.300

Bù Gia Mập, Chơn Thành, Bù Đốp, Bù Đăng

10

Mủ cao su

27

23

4

300.000

31

25

6

350.000

Bù Gia Mập, Chơn Thành, Bù Đốp, Đồng Phú, Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đăng, Phú Riềng

II

Sản phẩm có nguồn gốc từ động vật - nuôi trồng thủy sản

28

6

22

514.000

22

16

6

1.272.000

 

1

Thủy sản

0

 

0

0

5

2

3

500

Bù Gia Mập, Bù Đốp, Phước Long

2

Chăn nuôi

28

6

22

514.000

17

14

3

1.271.500

Đồng Phú, Bù Gia Mập, Hớn Quản, Phú Riềng, Bình Long, Bù Đăng, Lộc Ninh

 

PHỤ LỤC 4. ƯỚC GIÁ TRỊ TỔN THẤT SAU THU HOẠCH

STT

NÔNG SẢN

Diện tích (ha)

Sản lượng (tấn)

% tổn thất STH

SL tổn thất STH

Thành tiền (đ)

Ghi chú

A

Sản phẩm có nguồn gốc thực vật

 

 

 

 

2.388.855.750.000

 

I

Cây hàng năm

 

 

 

0

103.425.500.000

 

1

Lúa ruộng

10.298

37.740

10

3.774

18.870.000.000

 

2

Bắp

2.957

11.604

10

1.160

5.802.000.000

 

3

Khoai mì

5.467

131.621

10

13.162

65.810.500.000

 

4

Khoai lang

356

258.860

10

2.589

12.943.000.000

 

II

Rau, củ, quả

3561

25.886

20

5.177

25.886.000.000

 

III

Cây công nghiệp

 

 

 

 

515.479.300.000

 

1

Điều:

141.595

205.277

7

14.369

287.387.800.000

 

2

Tiêu

15.720

28.723

7

2.011

80.424.400.000

 

3

Cà phê

14.630

27.999

7

1.960

9.799.650.000

 

4

Cao su (mủ khô)

247.271

393.907

5

19.695

137.867.450.000

 

IV

Cây ăn trái

12.358

 

 

 

143.678.950.000

 

1

Sầu riêng

2.845

15.461

10

1.546

61.844.000.000

 

2

Bưởi

1.450

8.675

10

868

26.025.000.000

 

3

Nhãn

989

6.720

15

1.008

5.040.000.000

 

4

Mít

1.604

10.493

10

1.049

5.246.500.000

 

5

Xoài

448

2.730

15

410

2.866.500.000

 

6

541

4205

15

631

4.415.250.000

 

7

Măng cụt

1.056

7.361

20

1.472

10.305.400.000

 

8

Cam

580

3166

15

475

3.324.300.000

 

9

Quýt

967

8.709

15

1.306

9.144.450.000

 

10

Chôm chôm

592

3291

15

494

3.455.550.000

 

11

Chuối

1.017

8.580

20

1.716

12.012.000.000

 

V

Gỗ, lâm sản ngoài gỗ

 

 

 

 

1.600.386.000.000

 

1

Gỗ

 

 

 

 

1.592.136.000.000

 

 

Cao su (m3)

220.000

44.000.000

3

1.320.000,00

924.000.000.000

 

 

Điều (m3)

176.000

30.976.000

3

929.280,00

650.496.000.000

 

 

Keo (m3)

7.000

840.000

3

25.200,00

17.640.000.000

 

2

Lâm sản ngoài gỗ (tấn)

 

 

 

 

8.250.000.000

 

 

Măng

27.000

8500

3

255,00

7.650.000.000

 

 

Lá Nhíp

10.000

300

5

15,00

600.000.000

 

B

Sản phẩm có nguồn gốc động vật

 

 

 

 

294.393.775.000

 

I

Chăn nuôi

 

 

 

 

272.978.275.000

 

1

Trâu (con)

13.052

2.610

3

78,31

7.831.200.000

 

2

Bò (con)

39.969

5.995

3

179,86

17.986.050.000

 

3

Lợn (con)

1.263.913

88.474

5

4.423,70

221.184.775.000

 

4

Gia cầm (con)

7.345.000

11.018

5

550,88

16.526.250.000

 

5

Dê (con)

157.904

6.300

5

315,00

9.450.000.000

 

II

Thủy sản

 

 

 

0,00

21.415.500.000

 

1

Nuôi trồng thủy sản (tấn)

1.596

4.401

15

660,15

19.804.500.000

 

2

Khai thác thủy sản (tấn)

 

358

15

53,70

1.611.000.000

 

TỔNG CỘNG

 

 

 

 

2.683.249.525.000

 

 

PHỤ LỤC 5. DIỆN TÍCH, SỐ ĐÀN, NĂNG SUẤT NÔNG SẢN

STT

Sản phẩm

Hiện trạng 2021

Dự kiến 2025

Dự kiến 2030

Diện tích (ha)

Sản lượng (tn)

Năng suất bình quân (Tấn/ha)

Diện tích (ha)

Sản lượng (Tấn)

Diện tích (ha)

Sản lượng (Tấn/ha)

 

Tổng

 

5.257.218

 

 

5.814.246

 

5.901.457

A

Sản phẩm từ thực vật

 

5.044.870

 

 

5.601.898

 

5.689.109

I

Nhóm cây công nghiệp

 

4.770.499

 

 

5.333.074

 

5.397.888

1

Điều

141.595

205.277

1

150.000

270.000

140.000

350.000

2

Hồ Tiêu

15.720

28.723

2

13.000

24.941

11.000

21.506

3

Cà phê

14.630

27.999

2

14.000

28.133

8.000

16.382

4

Gỗ (RT, CS, điều...)

300.000

4.500.000

150

330.000

5.000.000

330.000

5.000.000

5

Lâm sản ngoài gỗ

(măng, rau Rừng, Dược liệu)

27.000

8.500

10

27.000

10.000

27.000

10.000

II

Nhóm rau củ quả

32.738

274.371

 

 

268.824

 

291.221

6

Sầu riêng

2.845

15.461

5

3.300

18.830

5.300

30.819

7

Bưởi

1.450

8.675

6

1.700

10.679

3.000

19.205

8

Nhãn

989

6.720

7

1.200

8.561

1.650

11.996

9

Mít

1.604

10.493

7

1.600

10.990

1.600

11.200

10

Xoài

448

2.730

6

600

3.839

800

5.216

11

Cam

541

4.205

8

550

4.489

650

5.406

12

Quýt

1.056

7.361

7

1.350

9.881

1.500

11.188

13

Chôm chôm

580

3.166

5

800

4.585

1.100

6.425

14

Chuối

967

8.709

9

1.300

12.293

2.400

23.128

15

Lúa ruộng

10.298

37.740

4

8.270

29.524

6.680

26.929

16

Bắp

2.957

11.604

4

2.630

10.837

2.300

9.658

17

Khoai mì

5.467

131.621

24

4.700

118.813

4.100

103.645

18

Rau các loại

3.536

25.886

7

3.300

25.502

3.120

26.408

B

Sản phẩm từ động vật

 

212.348

 

 

212.348

 

212.348

I

Chăn nuôi

 

212.348

 

 

407.666

 

627.420

19

Trâu(con)

14.404

910

 

16.000

1.040

20.000

1.100

20

Bò (con)

39.819

2.200

 

60.000

4.510

80.000

4.950

21

Lợn (con)

1.945.038

146.823

 

2.743.268

251.322

3.227.894

408.018

22

Gia cầm (con)

9.565.869

55.524

 

18.614.422

141.822

27.243.704

202.020

23

Dê (con)

157.904

6300

 

185.000

7.770

211.337

9.510

24

Trứng (triệu quả)

 

558

 

 

1.150

 

1.728

25

Mật ong (tấn)

 

25

 

 

40

 

80

26

Tổ yến (tấn)

 

8

 

 

12

 

14

II

Thủy sản

1.596

4.759

 

1.650

4.900

1.750

5.650

27

Thủy sản

1.596

4.759

0

1.650

4.900

1.750

5.650

 

PHỤ LỤC 6. BẢNG KHÁI TOÁN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

STT

Hạng mục

Thời gian thực hiện

Diễn giải

Kinh phí chia theo giai đoạn (ĐVT: Triệu đồng)

Ghi chú

Tổng kinh phí 2021 - 2030

2021 -2025

2026 - 2030

Tổng

NS tỉnh

NS huyện

Vốn khác

Tổng

NS tỉnh

NS huyện

Vốn khác

I

Kinh phí nâng cấp đầu tư mới các cơ sở chế biến, bảo quản

 

 

31.700

16.200

3.410

1.940

10.850

15.500

2.400

1.600

11.500

 

1

Thu hút, hỗ trợ xây dựng cơ sở, nhà máy sản xuất, thu mua và sơ chế các loại rau, củ quả sạch phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu

2022-2030

1 cơ sở x 2.000 triệu đồng

2.000

2.000

600

400

1.000

0

0

0

0

Tại các khu vực: Đồng Xoài, Bình Long, Hớn Quản, Lộc Ninh

2

Thu hút, hỗ trợ xây dựng nhà máy, cơ sở xay xát, bảo quản, tiêu thụ lúa gạo với công suất 10.000 tấn/năm

2022- 2030

2 cơ sở x 700 triệu đồng

1.400

700

210

140

350

700

210

140

350

Tại các khu vực: Lộc Ninh, Hớn Quản, Bù Đăng

3

Thu hút, hỗ trợ xây dựng 03 nhà máy, cơ sở sơ chế, bảo quản các loại quả (trái cây) với công suất khoảng 5000 tấn/năm

2022- 2030

3 cơ sở x 1.500 triệu đồng

4.500

3.000

900

600

1.500

1.500

450

300

750

Tại khu vực: Phước Long, Bù Đăng, Lộc Ninh

4

Thu hút, hỗ trợ xây sân phơi, kho chứa; hỗ trợ cải tiến, nâng cấp công suất máy xay xát, công cụ phục vụ công tác sơ chế, bảo quản lúa gạo tại các vùng trọng điểm nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch

2022-2030

5 cơ sở x 500 triệu đồng

2.500

1.000

300

200

500

1.500

450

300

750

Tại các khu vực: Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp, Hớn Quản, Lộc Ninh

5

Thu hút, hỗ trợ xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến sản phẩm hạt tiêu

2022- 2030

2 cơ sở x 700 triệu đồng

1.000

500

500

0

0

500

300

200

0

Tại các khu vực: Bù Đốp, Lộc Ninh, Bình Long, Hớn Quản

6

Thu hút, hỗ trợ, xây dựng nhà máy, sơ chế, bảo quản lạnh trái cây

2022-2030

2 cơ sở x 1500

3.000

1.500

450

300

750

1.500

450

300

750

Tại các khu vực: Phú Riềng, Bình Long, Hớn Quản, Lộc Ninh

7

Thu hút, hỗ trợ nâng cấp hệ thống giết mổ treo tại các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh

2022-2030

11 cơ sở x 300 triệu đồng

3.300

1.500

450

300

750

1.800

540

360

900

Tại 11 huyện, thị xã, thành phố

8

Thu hút, hỗ trợ, Xây dựng mới cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại các huyện, thị xã, thành phố

2022-2030

7 cơ sở x 2000 triệu đồng

14.000

6.000

0

0

6.000

8.000

0

0

8.000

Tại các khu vực: Lộc Ninh, Bù Đốp, Bình Long, Bù Gia Mập, Bù Đăng, Phước Long, Đồng Phú

II

Quản lý nhà nước

 

 

10.441

5.008

2.808

2.200

0

5.433

2.958

2.475

0

 

1

Đánh giá các chỉ tiêu năng lực cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản trên địa bàn tỉnh; việc ứng dụng khoa học, công nghệ, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý

2022-2030

Dự kiến mỗi năm 100 phiếu khảo sát, 4 khảo sát viên, khảo sát 11 địa phương

1.080

480

480

0

0

600

600

0

0

 

2

Hội nghị giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất sơ chế, bảo quản và xuất khẩu nông sản

2022-2030

9 cuộc x 30 triệu đồng/ cuộc x 9 năm

270

120

120

0

0

150

150

0

0

 

3

Hội nghị tập huấn, phổ biến tuyên truyền chính sách hỗ trợ phát triển cơ sở sơ chế, bảo quản nông sản

2022-2030

9 lớp x 10 triệu đồng/lớp x 9 năm

90

40

40

0

0

50

50

0

0

 

4

Tập huấn kiến thức sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, bảo quản nông sản, tổ chức tại 11 huyện, thị xã, thành phố

2022-2030

11 lớp x 10 triệu đồng/ lớp x 9 năm

990

540

540

0

0

450

450

0

0

 

5

Hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản, định hướng thị trường tiêu thụ nông sản (bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc...)

2022- 2030

Tỉnh: 02 lớp/ năm (1 lớp x 15 triệu đồng/ lớp x 9 năm)

Huyện: 11 lớp/ năm (1 lớp x 15 triệu đồng/ lớp x 9 năm)

1.755

780

120

660

0

975

150

825

0

 

6

Tổ chức hội nghị kết nối các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất với các cơ sở chế biến, kinh doanh

2022-2030

Tỉnh: 01 cuộc x 30 triệu đồng/năm x 9 năm

Huyện: 11 cuộc x 30 triệu đồng/ năm x 9 năm

3.460

1660

120

1.540

0

1800

150

1.650

0

 

7

Xây dựng phóng sự chuyên đề phát trên sóng BPTV; in ấn tờ rơi, áp phích, sổ tay quy trình sơ chế, bảo quản nông sản an toàn.

2022-

 030

04 phóng sự/năm x 30 triệu đồng/ phóng sự x 9 năm; 10.000 tờ rơi; 500 áp phích. 5.000 sổ tay

1.296

588

588

0

0

708

708

0

0

 

8

Tham gia các Hội chợ, Hội thảo, Diễn đàn phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản nông sản, xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành trong cả nước

2022-2030

15 cuộc(02- 03 cuộc/năm x 100 triệu đồng /cuộc)

1.500

800

800

0

0

700

700

0

0

 

 

Tổng (I II)

 

 

42.141

21.208

6.218

4.140

10.850

20.933

5.358

4.075

11.500

 

 

PHỤ LỤC 7. BIỂU ĐỒ THỜI GIAN THU HOẠCH NÔNG SẢN

 

PHỤ LỤC 8. SƠ ĐỒ HOẠT ĐỘNG TRONG CHUỖI NÔNG SẢN

 



1 Nguồn: Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

2 HTX Nguyên Khang-Garden tại xã Bình Sơn, huyện Phú Riềng và HTX rau Minh Hưng, huyện Chơn Thành với công suất khoảng 1,5-2 tấn/h, công nghệ lạc hậu, đơn giản, quy mô nhỏ, lẻ, hộ gia đình.

3 Ngoài số lượng rau tại 02 HTX trên được sơ chế bán cho các siêu thị, các cửa hàng rau sạch thì đa số rau sau khi thu hoạch được thương lái thu gom tại vườn, sau đó bán trực tiếp ra các chợ truyền thống mà không qua sơ chế, bảo quản, không có bao bì, nhãn mác, thương hiệu, không đảm bảo chất lượng và chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường.

4 Có 209 doanh nghiệp, HTX và 451 cơ sở, hộ cá thể.

5 Kim ngạch xuất khẩu gỗ của tỉnh năm 2020 đạt 128,3 triệu USD, xuất khẩu bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 124,2 triệu USD/ năm. Hàng năm, ngành gỗ đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh khoảng 5% và chiếm bình quân 1,4% tỷ trọng của cả nước.

6 Nguồn: Thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT năm 2021.

7 Số liệu thống kê năm 2021 của ngành Nông nghiệp và PTNT.

8 Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 31/3/2022 của HĐND tỉnh quy định về chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1364/QĐ-UBND năm 2022 phê duyệt Đề án "Phát triển hệ thống sơ chế, bảo quản sau thu hoạch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030" do tỉnh Bình Phước ban hành

  • Số hiệu: 1364/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 28/07/2022
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Phước
  • Người ký: Huỳnh Anh Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/07/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản