Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 174/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ngày 25 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Luật Quản lý ngoại thương ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Trồng trọt ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030 gồm các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU

1. Quan điểm

- Chủ động tận dụng các cơ hội, khai thác lợi thế từ hội nhập kinh tế quốc tế và tiếp tục phát huy thế mạnh, tiềm năng nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm nông lâm thủy sản (NLTS) của Việt Nam.

- Triển khai đồng bộ các cam kết quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó, trọng tâm giải quyết các vấn đề liên quan đến rào cản kỹ thuật, đảm bảo hài hòa hóa hệ thống hàng rào kỹ thuật (tiêu chuẩn, quy chuẩn, truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch động thực vật, an toàn thực phẩm...) của Việt Nam với các quy định của quốc tế và thị trường nhập khẩu.

- Tập trung phát triển sản xuất, chế biến các sản phẩm NLTS chủ lực, có tính cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo giá trị gia tăng cho các sản phẩm NLTS xuất khẩu và đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường quốc tế.

- Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu NLTS gắn với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững; áp dụng khoa học, công nghệ, số hóa trong sản xuất, chế biến, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm NLTS.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

Thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm NLTS, tham gia toàn diện và bền vững vào chuỗi cung ứng NLTS, thực phẩm toàn cầu. Nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm NLTS xuất khẩu của Việt Nam nhằm đáp ứng được các quy định của các thị trường nhập khẩu. Tiếp tục định vị và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm NLTS của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

b) Mục tiêu cụ thể

- Mục tiêu đến năm 2025

Giá trị xuất khẩu các sản phẩm NLTS của Việt Nam đạt khoảng 50 - 51 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 22 tỷ USD, lâm sản đạt từ 13,5 - 14 tỷ USD, thủy sản đạt 12,5 tỷ USD, sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 - 1,5 tỷ USD, các mặt hàng NLTS khác đạt khoảng 1 - 1,5 tỷ USD;

Khoảng 20% sản phẩm NLTS của Việt Nam xuất khẩu được gắn thương hiệu quốc gia, 50% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc;

Khoảng 50% giá trị xuất khẩu các sản phẩm NLTS là qua chế biến và chế biến sâu.

- Mục tiêu đến năm 2030

Giá trị xuất khẩu NLTS của Việt Nam đạt khoảng 60 - 62 tỷ USD vào năm 2030. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 25 tỷ USD, lâm sản đạt khoảng 16 - 17 tỷ USD, thủy sản đạt 15 tỷ USD, sản phẩm chăn nuôi đạt từ 3 - 4 tỷ USD, mặt hàng NLTS khác đạt khoảng 2 tỷ USD;

Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu NLTS đạt khoảng 6% - 8%/năm;

Khoảng 40% sản phẩm NLTS của Việt Nam xuất khẩu được gắn thương hiệu quốc gia, 70% sản phẩm truy xuất được nguồn gốc;

Khoảng 60% giá trị xuất khẩu các sản phẩm NLTS là qua chế biến và chế biến sâu.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

- Các sản phẩm NLTS và thực phẩm của Việt Nam đáp ứng đầy đủ các quy định của các thị trường nhập khẩu.

- Cần đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm NLTS có thế mạnh, lợi thế cạnh tranh, nhu cầu và thế mạnh của từng quốc gia cho phù hợp.

2. Giải pháp chung

a) Rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách xuất khẩu nông lâm thủy sản

- Rà soát, bổ sung hoàn thiện chính sách, pháp luật tạo thuận lợi, đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến xuất khẩu NLTS (các quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, đăng ký danh sách doanh nghiệp, danh mục sản phẩm được phép xuất khẩu, thủ tục hải quan...), đề xuất kiện toàn và thành lập mới một số hiệp hội ngành hàng, nâng cao năng lực hoạt động, hiệu quả của Hiệp hội ngành hàng NLTS;

- Tiếp tục thực hiện, rà soát, đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách đang có hiệu lực, ưu tiên hỗ trợ phát triển các chuỗi giá trị hàng NLTS xuất khẩu, các chính sách khuyến khích đầu tư vào chế biến, bảo quản NLTS gắn với thị trường tiêu thụ.

b) Tiếp tục thực hiện và hoàn thiện chính sách thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm NLTS, đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến NLTS đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường.

- Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu NLTS trong việc xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp tại các thị trường xuất khẩu;

- Hoàn thiện chính sách hỗ trợ doành nghiệp xuất khẩu NLTS trong việc xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp tại các thị trường xuất khẩu;

- Hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng, triển khai các hoạt động nhằm phát triển thương hiệu sản phẩm; quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và quốc tế...

III. NGUỒN VỐN THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

Nguồn kinh phí thực hiện Đề án bao gồm: ngân sách nhà nước (trung ương, địa phương); các nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

- Kinh phí thực hiện Đề án được đảm bảo từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành; từ nguồn vốn của doanh nghiệp, từ nguồn vốn tài trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

- Căn cứ vào các nhiệm vụ được giao trong Đề án, các bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm và lập dự toán nhu cầu kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước.

- Các địa phương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện các hoạt động phát triển, thúc đẩy xuất khẩu tại địa phương theo quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của các bộ, ngành

a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Điều phối chung, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai thực hiện Đề án, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững dựa trên tiềm năng và lợi thế so sánh, ứng dụng công nghệ cao, tập trung phát triển các sản phẩm có chất lượng, lợi thế; phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; tăng cường liên kết 6 nhà: nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà băng - nhà khoa học - nhà phân phối với nòng cốt là liên kết nhà nông - nhà doanh nghiệp; tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bảo quản, chế biến và phân phối nông sản, tham gia hiệu quả vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.

- Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP), truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong chế biến nhằm tăng cường quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm NLTS xuất khẩu từ khâu nuôi trồng đến thu hoạch, vận chuyển, chế biến, xuất khẩu.

- Rà soát pháp luật, luật lệ, chính sách, quy định trong các FTA thuộc phạm vi quản lý của bộ để lên kế hoạch chỉnh sửa, bổ sung phù hợp với các cam kết đã ký; xây dựng kế hoạch hành động, củng cố chuyên môn để có đủ năng lực, triển khai các hoạt động để đáp ứng công tác thực hiện biện pháp kỹ thuật theo các FTA; rà soát quy trình quản lý nhà nước có liên quan để cắt giảm thủ tục, minh bạch hóa thông tin, thủ tục hành chính lĩnh vực quản lý chuyên ngành của bộ.

- Tăng cường công tác nghiên cứu chính sách, đánh giá tác động của các FTA tới từng ngành hàng do bộ quản lý để xác định lợi thế và đề ra ưu tiên về thị trường, định hướng ngành hàng theo từng FTA. Đàm phán kỹ thuật, mở cửa thị trường các sản phẩm NLTS, qua đó thúc đẩy xuất khẩu ra thị trường thế giới.

- Chủ trì, phối hợp xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật từ nguyên liệu đầu vào và chất lượng sản phẩm đầu ra, đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật theo quy định của Việt Nam và của thị trường nhập khẩu; giảm thiểu rủi ro nguy cơ mất an toàn thực phẩm và dịch bệnh, bảo vệ sản xuất trong nước và hỗ trợ trong việc duy trì, mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm NLTS.

- Phối hợp cung cấp, xử lý thông tin và biện pháp khắc phục khi có cảnh báo từ thị trường nhập khẩu.

- Phối hợp với Bộ Công Thương để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm NLTS xuất khẩu thông qua Chương trình thương hiệu quốc gia.

- Khuyến khích, hỗ trợ phát triển mối liên kết giữa các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp với các tập đoàn thương mại quốc tế lớn về NLTS.

- Tiếp tục làm việc với các bộ, ngành liên quan, trình Chính phủ xem xét và cho phép bổ sung thêm tham tán nông nghiệp tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tại các thị trường xuất khẩu NLTS lớn như: Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga v.v...

b) Bộ Công Thương

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng kế hoạch đàm phán mở cửa thị trường, tháo gỡ các rào cản thương mại, giải quyết tranh chấp quốc tế. Cung cấp thông tin thị trường nước ngoài để định hướng sản xuất sản phẩm NLTS trong nước đáp ứng theo quy định, tiêu chuẩn quốc tế.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan thực hiện các hoạt động nghiên cứu, dự báo thị trường, đánh giá khả năng cạnh tranh của các sản phẩm NLTS chủ lực của Việt Nam trên thị trường thế giới.

- Xây dựng các chính sách hỗ trợ giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm NLTS.

c) Bộ Khoa học và Công nghệ

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ công nghệ về bảo quản, chế biến sâu, đóng gói đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh NLTS; xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm NLTS.

- Phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài đối với hàng hóa NLTS xuất khẩu.

- Chủ trì thực hiện các giải pháp đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm NLTS chủ lực của Việt Nam. Nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ; hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu trong nước và trên thị trường quốc tế.

d) Bộ Ngoại giao

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương vận động, đàm phán với các nước trong công tác mở cửa thị trường, giải quyết tranh chấp thương mại, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, rào cản đối với thương mại NLTS trên thị trường quốc tế. Ưu tiên cao việc đưa nội dung quảng bá nông sản Việt là một trong những hoạt động ngoại giao kinh tế trong các sự kiện chính trị đối ngoại.

đ) Bộ Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan rà soát, bổ sung các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm NLTS mang thương hiệu của Việt Nam.

- Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu bổ sung chính sách ưu đãi đối với vận chuyển NLTS trong nước và xuất khẩu đặc biệt cơ chế hỗ trợ cước phí vận chuyển NLTS tham gia hội chợ triển lãm phục vụ quảng bá.

- Bố trí kinh phí thường xuyên thực hiện các nhiệm vụ của Đề án, thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan.

e) Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan cân đối, bố trí kinh phí thực hiện các chương trình, dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và hướng dẫn việc lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện bảo đảm hiệu quả đầu tư.

g) Các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp

- Các hiệp hội ngành hàng phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng và doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

- Các doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đẩy mạnh hoạt động liên doanh, liên kết để tăng cường sức cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; nhanh chóng khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và thiếu sự liên kết giữa các tác nhân; ứng dụng tiêu chuẩn chất lượng, đẩy mạnh hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm NLTS.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cụ thể hóa các nội dung của Đề án sát với điều kiện thực tế của địa phương; đề xuất các dự án cụ thể để triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn gắn với các vùng nguyên liệu tập trung, phù hợp với định hướng phát triển chung của cả nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, CN, QHĐP, KGVX, TCCV, PL;
- Lưu: VT, NN(3).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trịnh Đình Dũng

 

PHỤ LỤC

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2021 - 2030
(Kèm theo Quyết định số 174/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ)

TT

Nhiệm vụ

quan phối hợp

Thời gian thực hiện

 

I

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

1

Tuyên truyền, phổ biến cam kết quốc tế, quy định của thị trường quốc tế

1.1

Xây dựng các chương trình tuyên truyền, phổ biến, nâng cao năng lực thực thi các cam kết quốc tế trong từng ngành hàng NLTS

Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp NLTS

Hàng năm

 

1.2

Tăng cường cung cấp thông tin, dự báo về thương mại, thị trường NLTS, các quy định thị trường. Ban hành các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, đào tạo nhằm đáp ứng các quy định của thị trường xuất khẩu

Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, các địa phương, Hiệp hội, doanh nghiệp NLTS

Hàng năm

 

2

Nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm

2.1

Triển khai các dự án, chương trình áp dụng sản xuất thực hành nông nghiệp tốt (Viet GAP, Global GAP), hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu

Các địa phương, hiệp hội,  hợp tác xã, doanh nghiệp

Hàng năm

 

2.2

Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế cho từng mặt hàng NLTS đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu

Bộ Khoa học và Công nghệ, địa phương, hiệp hội

Hàng năm

 

2.3

Triển khai các chương trình, hợp tác kỹ thuật, đảm bảo an toàn thực phẩm theo yêu cầu của thị trường quốc tế

Các bộ, ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp

Hàng năm

 

2.4

Chương trình, dự án triển khai cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm NTLS theo yêu cầu của từng thị trường nhập khẩu

Các bộ, ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp

Hàng năm

 

2.5

Xây dựng, đầu tư 3 trung tâm chiếu xạ ở các vùng Bắc, Trung, Nam

Các bộ, ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp

2021 -2025

 

2.6

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cho sản phẩm chăn nuôi

Các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp

2021-2025

 

2.7

Xây dựng chuỗi an toàn dịch bệnh sản phẩm chăn nuôi trong cả nước

Các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp

2025 - 2030

 

3

ng dụng khoa học, công nghệ cao trong toàn chuỗi giá trị NLTS

3.1

Xây dựng các chương trình, dự án áp dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0, chuyển đổi số hóa trong phát triển toàn chuỗi giá trị của từng sản phẩm NLTS

Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành liên quan, địa phương, doanh nghiệp

Hàng năm

 

3.2

Các dự án nghiên cứu giống, khoa học lai tạo giống mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm NLTS

Bộ Khoa học và Công nghệ, các địa phương, doanh nghiệp

Hàng năm

 

4

Phát triển công nghiệp phụ trợ, chế biến nâng cao GTGT của sản phẩm NLTS

4.1

Đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ trong nông nghiệp: công nghệ sau thu hoạch, công nghệ bảo quản, dự trữ... hàng NLTS

Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp

Hàng năm

4.2

Xây dựng các chương trình, dự án phát triển chế biến sâu, chế biến tinh đối với từng sản phẩm NLTS đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu

Các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp

Hàng năm

4.3

Xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến gỗ áp dụng công nghệ cao, số hóa, tự động hóa

Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp

Hàng năm

5

Xây dựng và phát triển thương hiệu

5.1

Xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm trồng trọt (cà phê, tiêu, điều, trái cây), sản phẩm thủy sản (cá tra, tôm)

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội, doanh nghiệp

2021-2025

5.2

Hoàn thiện xây dựng thương hiệu quốc gia cho các sản phẩm trồng trọt có lợi thế còn lại, sản phẩm hải sản khác, cá nước ngọt

Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội, doanh nghiệp

2026 - 2030

6

Xúc tiến thương mại và phát triển thị trường NLTS

6.1

Xây dựng chương trình đàm phán, mở cửa thị trường, tháo gỡ các khó khăn, rào cản kỹ thuật cho các sản phẩm NLTS tại từng thị trường

Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan, các hiệp hội

Hàng năm

6.2

Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại NLTS tại thị trường quốc tế

Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp NLTS

Hàng năm

6.3

Xây dựng các đề án, chương trình thúc đẩy xuất khẩu cho từng sản phẩm, ngành hàng cụ thể sang các thị trường

Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp NLTS

Hàng năm

II

BỘ CÔNG THƯƠNG

1

Xây dựng kế hoạch, tháo gỡ các rào cản, giải quyết các tranh chấp quốc tế trong thương mại NLTS

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp NLTS

Hàng năm

2

Xây dựng chương trình, dự án liên quan đến giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường, kết nối hiệu quả với mạng lưới phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp NLTS tại thị trường quốc tế

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp NLTS

Hàng năm

3

Triển khai mạnh mẽ chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quảng bá Thương hiệu quốc gia đối với sản phẩm NLTS tại thị trường quốc tế

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các bộ, ngành liên quan, hiệp hội, doanh nghiệp NLTS

Hàng năm

III

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

1

Xây dựng chính sách khuyến khích áp dụng công nghệ cao (4.0, chuyển đổi số) trong thu hoạch, đóng gói, bảo quản, chế biến sâu đối với hàng NLTS xuất khẩu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, các địa phương, doanh nghiệp NLTS

Hàng năm

2

Xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý chất lượng hàng NLTS xuất khẩu phù hợp với tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các hiệp hội

Hàng năm

3

Xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bảo hộ thương hiệu, sở hữu trí tuệ sản phẩm NLTS tại thị trường quốc tế

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp

Hàng năm

4

Chương trình nghiên cứu, giải pháp ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc các sản phẩm NLTS được bảo hộ sở hữu trí tuệ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, doanh nghiệp NLTS

Hàng năm

IV

BỘ TÀI CHÍNH

1

Xây dựng chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa) tham gia vào phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ trong nông nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp NLTS

Hàng năm

2

Kế hoạch ưu tiên bố trí kinh phí đối với chương trình phát triển thị trường, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong thương mại NLTS, chương trình xúc tiến thương mại NLTS của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, các bộ, ngành liên quan, các địa phương, doanh nghiệp NLTS

Hàng năm

V

UBND CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ

1

Xây dựng các chính sách hỗ trợ để triển khai các nội dung của Đề án

Hiệp hội, hợp tác xã, doanh nghiệp NLTS

Hàng năm

2

Xây dựng cơ chế, đẩy mạnh thực hiện các chính sách hiện hành về (liên kết, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, công nghệ cao, giảm tổn thất sau thu hoạch...)

Hiệp hội, hợp tác xã, doanh nghiệp NLTS

Hàng năm

VI

CÁC HIỆP HỘI NGÀNH HÀNG NLTS

1

Xây dựng đề án và phương án chuyển đổi thành lập mới một số hiệp hội ngành hàng NLTS

Doanh nghiệp NLTS

Hàng năm

2

Xây dựng chương trình hành động của hiệp hội ngành hàng trong kết nối thông tin, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tìm kiếm bạn hàng, tham gia các hội chợ, triển lãm ở thị trường quốc tế

Doanh nghiệp NLTS

Hàng năm

3

Xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình phát triển thương hiệu quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp hội viên phát triển thương hiệu cho sản phẩm NLTS

Doanh nghiệp NLTS

Hàng năm

4

Xây dựng chương trình, kế hoạch nâng cao năng lực của Hiệp hội, doanh nghiệp hội viên trong thực thi các cam kết quốc tế, tham gia giải quyết các tranh chấp thương mại NLTS tại thị trường quốc tế

Doanh nghiệp NLTS

Hàng năm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 174/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 174/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/02/2021
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Trịnh Đình Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/02/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản