Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 48/NQ-CP

Hà Nội, ngày 23 tháng 09 năm 2009

NGHỊ QUYẾT

VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH GIẢM TỔN THẤT SAU THU HOẠCH ĐỐI VỚI NÔNG SẢN, THỦY SẢN

Những năm qua, thực hiện đường lối Đổi mới, nông nghiệp nước ra đã phát triển với tốc độ khá, cơ cấu sản xuất chuyển dịch theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia; nhiều mặt hàng xuất khẩu chiếm vị thế cao trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, các nguồn lực chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả, tổn thất sau thu hoạch còn lớn.

Tổn thất về sản lượng trong và sau thu hoạch đối với lúa 11 – 13%, ngô 13 – 15%, tập trung ở các khâu thu hoạch, phơi sấy bảo quản và xay xát, chế biến. Ngoài sự tổn thất về sản lượng còn bị sụt giảm đáng kể về chất lượng nông sản, như: nhiễm aflatoxin đối với ngô, achrotoxin A đối với cà phê làm giá hạt thương phẩm bị giảm từ 10 – 20%, rau quả và thủy sản đánh bắt bị tổn thất trên 20% cả về sản lượng và chất lượng.

Nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém nêu trên là do sản xuất nông nghiệp phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ, việc tổ chức ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch còn nhiều khó khăn. Nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về tầm quan trọng của giảm tổn thất sau thu hoạch chưa cao; cơ chế, chính sách còn mang tính tình thế, thiếu đồng bộ; kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, chưa tạo điều kiện để đẩy mạnh việc ứng dụng máy móc, thiết bị ở các khâu trong và sau thu hoạch; năng lực nghiên cứu, chế tạo, cung ứng máy móc, thiết bị trong nước về thu hoạch, bảo quản còn nhiều hạn chế, bất cập; việc lựa chọn nhập khẩu công nghệ, máy móc của các nước phát triển, phù hợp với điều kiện của nước ta chưa được quan tâm đúng mức.

Để sớm khắc phục tồn tại, yếu kém nêu trên, Chính phủ ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản như sau:

I. MỤC TIÊU GIẢM TỔN THẤT SAU THU HOẠCH

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả của sản xuất, ổn định đời sống, thu nhập của nông dân và chủ động ứng phó với những diễn biến của thị trường đối với các nông sản chủ yếu, trước mắt là lương thực (lúa, ngô), cà phê, rau quả và thủy sản.

1. Đối với lúa gạo: giảm mức tổn thất từ 11 – 13% hiện nay xuống 5 – 6% vào năm 2020.

2. Đối với ngô: giảm mức tổn thất từ 13 – 15% hiện nay xuống còn 8 – 9% vào năm 2020. Hạn chế tối đa mức độ nhiễm độc tố aflatoxin, cải thiện giá bán thương phẩm khoảng 10%.

3. Đối với cà phê: hạn chế tối đa mức độ nhiễm độc tố achrotoxin A, cải thiện giá bán cà phê nhân khoảng 10%.

4. Đối với thủy sản, rau quả: giảm mức độ tổn thất (cả về số lượng và chất lượng) từ 20% hiện nay xuống dưới 10% vào năm 2020.

II. CÁC GIẢI PHÁP GIẢM TỔN THẤT SAU THU HOẠCH

1. Đối với lương thực, chủ yếu là lúa, ngô: tập trung vào các khâu có mức tổn thất lớn, tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa, kết hợp với việc ứng dụng các kỹ thuật bảo quản tiên tiến.

a) Nghiên cứu và chuyển giao vào sản xuất các giống lúa có năng suất, chất lượng và ít bị rơi rụng trong quá trình thu hoạch. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ 100% tiền giống lúa, ngô khi áp dụng thử nghiệm lần đầu các giống tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng cao và tỷ lệ rơi rụng thấp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xác định chủng loại và quy mô áp dụng;

b) Áp dụng cơ giới hóa các khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc, bảo vệ thực vật, hạn chế đến mức thấp nhất lượng thóc giống trên một đơn vị diện tích gieo trồng và thiệt hại do sâu bệnh;

c) Thực hiện thu hoạch lúa bằng máy đạt 50% vào năm 2020, trong đó khu vực đồng bằng sông Cửu Long đạt 80%, chủ yếu sử dụng máy gặt đập liên hợp có tính năng kỹ thuật cao, mức độ gắt sót dưới 1,5%;

d) Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các loại máy sấy, phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất, đảm bảo từ năm 2015 trở đi năng lực sấy lúa cả nước đạt trên 10 triệu tấn/năm. Chú trọng việc đầu tư các hệ thống sấy tiên tiến, gắn với các cơ sở xay xát, dự trữ lương thực lớn;

đ) Chủ động làm khô đối với ngô, nhất là vào mùa mưa, hạn chế tối đa tổn thất về chất lượng do nhiễm aflatoxin;

e) Chuyển giao các mẫu hình kho bảo quản lúa, ngô quy mô hộ gia đình theo hướng tiện ích, an toàn. Xây dựng mới và nâng cấp hệ thống kho chứa thóc gạo với tổng tích lượng 4 triệu tấn có công nghệ tiên tiến (trong đó xây dựng mới 2,8 triệu tấn), kết hợp các dịch vụ sấy, làm sạch để có thể thu mua thóc ướt cho dân vào mùa mưa lũ. Cơ giới hóa các kho đạt 80%, với 20% được tự động hóa, nâng cao năng suất lao động và kiểm soát các thông số kỹ thuật trong quá trình bảo quản;

g) Cải thiện chất lượng chế biến gạo thành phẩm, phổ biến áp dụng các quy trình và thiết bị xay xát, đánh bóng, tuyển chọn gạo hiệu suất cao. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ hạt trắng bạc không lớn hơn 4%, hạt hư hỏng không quá 0,2%. Tăng tỷ lệ gạo 5% tấm xuất khẩu đạt mức 60% vào năm 2015 và đạt 70% vào năm 2020.

2. Đối với thủy sản

a) Xây dựng các ao nuôi trồng thủy sản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hạn chế các rủi ro do tác động của môi trường (thời tiết, dịch bệnh); trang bị các thiết bị tiên tiến do các cơ sở sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản thương mại;

b) Trang bị tủ cấp đông trên tàu để cung cấp nước đá và bảo quản sản phẩm thông qua việc ngưng tụ nước biển; ứng dụng hầm bảo quản sản phẩm bằng xốp thổi thay cho xốp ghép, thay thế các túi nilon và muối đá trực tiếp bằng các khay trong các tàu khai thác. Cải tiến công nghệ bảo quản đông cho những nhóm thương phẩm có giá trị cao, công nghệ bảo quản sản phẩm tươi sống bằng phương pháp sục oxy và cho ngủ đông. Xây dựng hệ thống kho ngoại quan (kể cả ở nước ngoài), phục vụ cho xuất khẩu.

3. Đối với cà phê, rau quả và một số nông sản khác (cà phê, chè, hồ tiêu, hạt điều).

a) Vận động và khuyến khích người dân không thu hái cà phê quả xanh; ứng dụng máy thu hái cà phê đối với cà phê chè (arabica). Ứng dụng công nghệ tiên tiến, xử lý cận thu hoạch đối với rau quả bằng các chất điều hòa sinh trưởng, kéo dài thời gian thu hoạch; cải tiến phương tiện, dụng cụ thu hái đảm bảo chất lượng nguyên liệu trước thu hoạch;

b) Hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đầu tư sân phơi đúng kỹ thuật và các máy sấy tiên tiến, hạn chế tối đa sự nhiễm achrotoxin A đối với cà phê, hạt điều và hồ tiêu;

c) Khuyến khích các cơ sở áp dụng phương pháp chế biến ướt nhằm gia tăng giá trị sản phẩm và giảm tổn thất về chất lượng, đồng thời có chính sách hỗ trợ các cơ sở này trong việc xử lý ô nhiễm môi trường; cải thiện các điều kiện chế biến theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hạt điều, hồ tiêu, chè, rau quả;

d) Xây dựng hệ thống kho đạt tiêu chuẩn kỹ thuật để tạm trữ cà phê, kho ngoại quan đối với rau quả; thực hiện bảo quản rau quả tươi tại chỗ theo hướng bọc màng bán thấm (coating); ứng dụng công nghệ chiếu xạ, tiệt trùng bằng nước nóng đối với một số loại rau quả tươi xuất khẩu. Đầu tư phát triển hệ thống sơ chế rau quả (Packing House) tại các chợ đầu mối.

4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được vay vốn từ các tổ chức tín dụng với mức vốn vay 100% giá trị hàng hóa, hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng 2 năm đầu, từ năm thứ 3 hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay để mua sắm máy móc, thiết bị sản xuất trong nước có tỷ lệ nội địa hóa trên 60%.

a) Các loại máy làm đất, gieo cấy, trồng, chăm sóc, thu hoạch lúa, ngô, cà phê, chè, mía; máy sấy, vật liệu cơ bản để làm sân phơi (lúa, ngô, cà phê, hạt điều, hồ tiêu) có diện tích đến 1.000m2;

b) Máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ các cơ sở sản xuất giống thủy sản; vật tư, thiết bị xây dựng cải tạo các hồ nuôi thủy sản, thuốc sát trùng đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, các dụng cụ phục vụ thu hoạch và vận chuyển thủy sản nuôi trồng; tủ cấp đông, thiết bị cung cấp nước đá bằng ngưng tụ nước biển, hầm bảo quản sản phẩm bằng xốp thổi phục vụ khai thác thủy sản dài ngày trên biển.

5. Áp dụng lãi suất tín dụng đầu tư nhà nước theo Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua sắm máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch, gồm: thiết bị xay xát gạo có tỷ lệ thu hồi gạo nguyên cao (đến 70%); máy móc, thiết bị chế biến ướt cà phê, các thiết bị xử lý nâng cao phẩm cấp cà phê (steam, đánh bóng ướt …) và các công trình xử lý nước thải kèm theo; máy tách vỏ cứng và xát vỏ lụa nhân điều; dây chuyền chế biến hồ tiêu chất lượng cao; thiết bị bọc màng bán thấm (coating), chiếu xạ, tiệt trùng bằng nước nóng đối với rau quả tươi, hệ thống sơ chế rau quả (Packing House) tại các chợ đầu mối.

6. Thực hiện miễn các loại thuế, lệ phí đối với các dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch, như: dịch vụ tưới, tiêu nước; cày, bừa đất; bảo vệ thực vật; thu hoạch; sấy bảo quản nông sản.

7. Đối với các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư các dự án xây dựng kho dự trữ 4 triệu tấn lúa, ngô, kho lạnh bảo quản thủy sản (bao gồm cả kho lạnh trên các tàu đánh bắt thủy sản), rau quả và kho tạm trữ cà phê, ngoài việc được vay vốn tín dụng đầu tư nhà nước theo Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 và Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 19 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP, được miễn tiền thuê sử dụng đất trong vòng 05 năm, kể từ khi dự án bắt đầu đi vào hoạt động; được Nhà nước hỗ trợ 20% kinh phí giải phóng mặt bằng, 30% kinh phí để hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 03 năm đầu đi vào hoạt động và giảm 50% trong 02 năm tiếp theo.

8. Các Dự án chế tạo trong nước các loại máy canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp, các kho bảo quản phục vụ xuất khẩu thuộc danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ 2009 đến 2015 được vay vốn tín dụng đầu tư theo Nghị định 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ.

9. Các dự án đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy móc nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch được hưởng chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư thuộc Nghị định số 108/2006/NĐ-CP.

10. Đối với các máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp trong nước chưa chế tạo được hoặc chưa đáp ứng đủ nhu cầu được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%.

11. Tổ chức, cá nhân thực hiện những dự án ứng dụng khoa học công nghệ về giảm tổn thất sau thu hoạch được hỗ trợ 50% chi phí chuyển giao công nghệ từ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia;

12. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí cho tổ chức, cá nhân mua bằng sáng chế các loại máy móc, thiết bị có khả năng ứng dụng rộng rãi trong nước nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt; đăng ký cấp bằng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích đối với những sản phẩm sáng tạo của nông dân.

13. Tăng kinh phí khuyến nông hàng năm cho lĩnh vực giảm tổn thất sau thu hoạch.

III. TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:

Chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương quy hoạch hệ thống kho tàng bảo quản nông sản, thủy sản; xây dựng và công bố danh mục các loại máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch được hưởng các chính sách ưu đãi theo tinh thần Nghị quyết này; đồng thời xem xét, bổ sung đối tượng được hưởng ưu đãi đối với các nông sản khác.

Tổ chức và nhân rộng các mô hình dịch vụ, liên kết sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Rà soát, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về các loại máy móc nông nghiệp, kho tàng, công nghệ bảo quản và chất lượng nông sản hàng hóa; ban hành các quy chế về chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy. Định kỳ hàng năm tổ chức trình diễn, bình tuyển về máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo quản nông sản, nhằm giới thiệu cho nông dân và các tổ chức dịch vụ các loại máy móc và công nghệ phù hợp.

2. Bộ Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong quý IV năm 2009 các cơ chế, chính sách ưu đãi về tài chính đối với các hạng mục giảm tổn thất sau thu hoạch do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố.

Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong Quý IV năm 2009 chính sách ưu đãi về tín dụng theo tinh thần Nghị quyết đã nêu.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương rà soát các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp và bảo quản sau thu hoạch, trên cơ sở đó đề xuất cơ chế để thu hút mạnh mẽ hơn nguồn lực đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

4. Bộ Công Thương:

Rà soát các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm, chỉ đạo các doanh nghiệp cơ khí thuộc các thành phần kinh tế đầu tư chế tạo máy móc, thiết bị, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch.

5. Bộ Khoa học và Công nghệ:

Nghiên cứu, đề xuất chính sách nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, gắn nghiên cứu với thực tiễn nhằm đưa nhanh các đề tài, các dự án vào sản xuất; xây dựng cơ chế hỗ trợ nông dân cải tiến máy móc nông nghiệp và đăng ký cấp bằng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích đối với những sản phẩm sáng tạo của nông dân.

6. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:

Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai xây dựng kế hoạch đào tạo nghề ngắn hạn đối với lao động nông thôn; xây dựng các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích lao động trẻ học các nghề về cơ khí, bảo quản có tác dụng trực tiếp đến giảm tổn thất sau thu hoạch.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin truyền thông phổ biến tuyên truyền nội dung nghị quyết này, tạo sự thống nhất và đồng bộ trong chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết.

8. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng quy hoạch, kế hoạch cụ thể nhằm giảm tối đa tổn thất sau thu hoạch trên địa bàn; có các chính sách hỗ trợ (tiền thuê sử dụng đất, giải phóng mặt bằng …) tạo điều kiện để nông dân, tổ hợp tác, HTX, các cơ sở dịch vụ và các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và bảo quản nông sản hàng hóa.

Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có kế hoạch tổ chức thực hiện ngay chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm tham mưu giúp Chính phủ theo dõi, tổng hợp tình hình, định kỳ 6 tháng báo cáo Chính phủ việc thực hiện Nghị quyết này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (3).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 48/NQ-CP về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản do Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 48/NQ-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 23/09/2009
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 463 đến số 464
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản
File đang được cập nhật