Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG THÁP
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2011/QĐ-UBND

Đồng Tháp, ngày 25 tháng 5 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG THÁP

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 12 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, nhân dân;

Căn cứ Thông tư số 18/2010/TT-BTP ngày 05 tháng 11 năm 2010 của Bộ Trưởng Bộ Tư pháp quy định về Báo cáo viên pháp luật;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 398/TTR-STP ngày 20 tháng 5 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này, Quy chế Báo cáo viên pháp luật.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 79/2005/QĐ-UBND ngày 02 tháng 8 năm 2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành Quy chế Báo cáo viên pháp luật.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành Tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng CP (I, II);
- Cục KTVB-Bộ Tư pháp;
- TT/TU, HĐND Tỉnh;
- Các PCT/UBND Tỉnh;
- Đoàn ĐBQH Tỉnh;
- Các cơ quan, ban đảng Tỉnh;
- Mặt trận và các đoàn thể tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Lưu VT, NC/NC (Đức).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Minh Hoan

 

QUY CHẾ

BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12 /2011/QĐ-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Báo cáo viên pháp luật

Báo cáo viên pháp luật là những người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định công nhận để thực hiện nhiệm vụ phổ biến pháp luật.

Báo cáo viên pháp luật gồm:

1. Báo cáo viên pháp luật của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh (sau đây gọi là Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh);

2. Báo cáo viên pháp luật của các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và một số cán bộ, công chức cấp xã (sau đây gọi là Báo cáo viên pháp luật cấp huyện).

Điều 2. Tiêu chuẩn của Báo cáo viên pháp luật

1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

2. Có lập trường chính trị vững vàng, đạo đức tốt, không vi phạm pháp luật;

3. Được cơ quan, tổ chức nơi công tác giới thiệu;

4. Có trình độ Cử nhân Luật đối với Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; có trình độ Trung cấp Luật trở lên đối với Báo cáo viên pháp luật cấp huyện;

Trường hợp cá nhân không có bằng đại học Luật, nhưng có bằng đại học khác thì cần có thời gian công tác từ 03 năm trở lên đối với Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và am hiểu pháp luật về lĩnh vực cần phổ biến.

Điều 3. Yêu cầu hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của Báo cáo viên pháp luật

Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của Báo cáo viên pháp luật phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

1. Tuân thủ pháp luật;

2. Nội dung phổ biến pháp luật phải chính xác;

3. Dễ hiểu và có sức thuyết phục.

Điều 4. Phạm vi hoạt động của báo cáo viên pháp luật

Báo cáo viên pháp luật trực tiếp phổ biến pháp luật tại cơ quan, tổ chức nơi mình công tác và tham gia phổ biến pháp luật cho các đối tượng khác khi có yêu cầu.

Điều 5. Nhiệm vụ Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện đối với tổ chức và hoạt động của Báo cáo viên pháp luật

Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện có nhiệm vụ:

1. Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan tham mưu giúp lãnh đạo cấp mình và Uỷ ban nhân dân cùng cấp xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ Báo cáo viên pháp luật;

2. Chủ trì xây dựng kế hoạch công tác, dự trù kinh phí cho hoạt động bồi dưỡng, tập huấn, biên soạn tài liệu của đội ngũ Báo cáo viên pháp luật;

3. Quản lý hoạt động phổ biến pháp luật của Báo cáo viên pháp luật;

4. Hướng dẫn, định kỳ bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho Báo cáo viên pháp luật;

5. Cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết cho Báo cáo viên pháp luật;

6. Trao đổi, thống nhất ý kiến với các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực tiếp quản lý Báo cáo viên pháp luật nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Báo cáo viên pháp luật thực hiện nhiệm vụ phổ biến pháp luật;

7. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan tiến hành sơ kết, tổng kết và thực hiện công tác thi đua, khen thưởng đối với hoạt động phổ biến pháp luật của Báo cáo viên pháp luật;

8. Công bố công khai danh sách Báo cáo viên pháp luật trên trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp và Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Chương II

THẺ BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT

Điều 6. Thẻ Báo cáo viên pháp luật

1. Thẻ Báo cáo viên pháp luật xác định tư cách pháp lý của Báo cáo viên khi thực thi nhiệm vụ phổ biến pháp luật;

2. Mẫu Thẻ Báo cáo viên pháp luật do Bộ Tư pháp thống nhất phát hành.

Điều 7. Thẩm quyền công nhận và cấp Thẻ Báo cáo viên pháp luật

Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cùng cấp lựa chọn, lập danh sách cán bộ, công chức thuộc cơ quan, đơn vị mình có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Thông tư số 18/2010/TT-BTP báo cáo lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét, có văn bản gửi về Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp để trình Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận và cấp Thẻ Báo cáo viên pháp luật.

Điều 8. Hồ sơ công nhận và cấp Thẻ Báo cáo viên pháp luật

Hồ sơ đề nghị công nhận Báo cáo viên pháp luật, bao gồm:

1. Công văn đề nghị của các cơ quan, đơn vị, tổ chức quy định tại Điều 6 Quy chế này;

2. Danh sách trích ngang cá nhân được đề nghị công nhận Báo cáo viên pháp luật;

3. 02 ảnh màu chân dung (khổ 3 x 4);

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, cấp huyện ra quyết định công nhận và cấp Thẻ Báo cáo viên pháp luật.

Điều 9. Đổi và cấp lại Thẻ Báo cáo viên pháp luật

Trong trường hợp Thẻ Báo cáo viên pháp luật bị rách, hỏng do quá trình sử dụng hoặc bị mất thì người được cấp Thẻ được đổi hoặc cấp lại Thẻ.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu của người được cấp Thẻ, công văn đề nghị của cơ quan quản lý trực tiếp Báo cáo viên pháp luật, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp xem xét và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp đổi hoặc cấp lại Thẻ Báo cáo viên pháp luật.

Điều 10. Thu hồi Thẻ Báo cáo viên pháp luật

1. Thẻ Báo cáo viên pháp luật bị thu hồi trong các trường hợp sau:

a) Người được cấp Thẻ vi phạm pháp luật đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Bị tước quyền sử dụng Thẻ Báo cáo viên pháp luật không thời hạn hoặc có thời hạn từ hai lần trở lên theo quy định tại khoản 3 Điều 34 Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp;

c) Vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2, Điều 11 của Thông tư số 18/2010/TT-BTP.

2. Thẩm quyền thu hồi Thẻ Báo cáo viên pháp luật

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thu hồi Thẻ Báo cáo viên pháp luật theo đề nghị của Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp cấp huyện.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp và Phòng Tư pháp cấp huyện, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp ra quyết định thu hồi Thẻ Báo cáo viên pháp luật theo thẩm quyền được quy định tại Thông tư số 18/2010/TT-BTP.

Chương III

QUYỀN, NGHĨA VỤ CỦA BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT

Điều 11. Quyền của Báo cáo viên pháp luật

1. Được cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật cần thiết phục vụ cho hoạt động phổ biến pháp luật;

2. Được tham dự các khoá bồi dưỡng để nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ;

3. Được sử dụng Thẻ Báo cáo viên pháp luật để thực hiện các hoạt động phổ biến pháp luật;

4. Được hưởng thù lao từ hoạt động phổ biến pháp luật theo quy định hoặc theo thỏa thuận;

5. Các quyền lợi khác trong trường hợp pháp luật có quy định.

Điều 12. Nghĩa vụ của Báo cáo viên pháp luật

1. Phát ngôn đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; truyền đạt đúng nội dung văn bản quy phạm pháp luật; không tiết lộ bí mật nhà nước trong quá trình phổ biến pháp luật;

2. Không lợi dụng danh nghĩa Báo cáo viên để thực hiện các hoạt động không thuộc nhiệm vụ được giao, nhằm mục đích vụ lợi hoặc lợi dụng hoạt động phổ biến pháp luật để kích động, gây phương hại đến an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, truyền thống văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc;

3. Thực hiện có chất lượng các hoạt động phổ biến pháp luật; bảo đảm kế hoạch phổ biến pháp luật đã đề ra;

4. Học tập chuyên môn, trau dồi kỹ năng, tìm hiểu thực tiễn và thu thập thông tin để nâng cao nghiệp vụ phổ biến pháp luật;

5. Định kỳ 6 tháng, Báo cáo viên pháp luật có trách nhiệm báo cáo với cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp, cơ quan Tư pháp cùng cấp về tình hình hoạt động phổ biến pháp luật của mình;

6. Có nghĩa vụ trả lại Thẻ Báo cáo viên pháp luật trong các trường hợp bị thu hồi Thẻ.

Chương IV

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 13. Khen thưởng

Báo cáo viên có thành tích trong hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật, góp phần vào việc nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân thì được Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp với sự thoả thuận của cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan đề nghị Uỷ ban nhân dân cùng cấp hoặc cấp trên khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.

Điều 14. Kỷ luật

Báo cáo viên pháp luật vi phạm Quy chế này, không còn đủ tư cách Báo cáo viên thì tùy theo mức độ có thể bị tạm đình chỉ hoạt động báo cáo pháp luật; xóa tên trong danh sách Báo cáo viên và thu hồi Thẻ Báo cáo viên hoặc bị áp dụng các hình thức kỷ luật khác theo quy định của pháp luật./.