Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1111/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 05 tháng 3 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN NĂM 2012 - 2015

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010 - 2014;

Căn cứ Quyết định số 355/QĐ-BTP ngày 22 tháng 3 năm 2011 của Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2011 Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010 - 2014;

Căn cứ Quyết định số 584/QĐ-BTP ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2011;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12 tháng 10 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

Căn cứ Chỉ thị số 18/2008/CT-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Ủy ban nhân dân Thành phố về triển khai thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 386/TTr-STP ngày 19 tháng 01 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2012 - 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các Sở - ban, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Trí

 

CHƯƠNG TRÌNH

HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN NĂM 2012 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2012 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố)

I. CƠ SỞ XÂY DỰNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Sự cần thiết xây dựng chương trình:

Trong thời gian qua, nhiều đạo luật quan trọng có liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đã được ban hành như: Luật Doanh nghiệp (1999 và 2005); Luật Doanh nghiệp Nhà nước (1995 và 2003), Luật Đầu tư (2005), Luật Hợp tác xã (2003), Bộ luật Dân sự (2005), Luật Thương mại (2005), Luật Cạnh tranh (2004), Luật Sở hữu trí tuệ (2005), Luật Phá sản (2003) và nhiều văn bản pháp luật khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các Luật, Nghị định cùng với các quy định cụ thể của thành phố đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, chặt chẽ để các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh theo quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo thống kê, tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2011, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 188.750 doanh nghiệp thành lập mới, trong đó gồm 24.087 Doanh nghiệp tư nhân, 108.091 Công ty TNHH hai thành viên, 33.321 Công ty TNHH Một thành viên, 23.242 Công ty cổ phần và 9 Công ty hợp danh. Số lượng doanh nghiệp và số vốn đăng ký kinh doanh đã liên tục tăng qua các năm, tổng số vốn đăng ký kinh doanh là 1.460.504.740 triệu đồng. Do đó, nhu cầu về tiếp cận, tra cứu hệ thống pháp luật để bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng phù hợp với quy định pháp luật, phòng ngừa các rủi ro trong kinh doanh là một nhu cầu khách quan cần được đáp ứng kịp thời.

Qua khảo sát tại một số doanh nghiệp của thành phố cho thấy công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được các cơ quan Trung ương và Sở ban, ngành thành phố triển khai thực hiện, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận hoặc hiểu không đầy đủ pháp luật về kinh doanh. Tình trạng này có nguyên nhân do doanh nghiệp chưa chú trọng đầu tư nguồn lực để tiếp cận thông tin pháp luật, chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của việc nghiên cứu, áp dụng pháp luật vào hoạt động kinh doanh để hạn chế các rủi ro pháp lý trong kinh doanh, dẫn đến dễ bị thiệt hại khi gặp phải vướng mắc, tranh chấp trong hoạt động kinh doanh. Nhất là đối với lĩnh vực pháp luật thương mại quốc tế thì hầu như các doanh nghiệp ít quan tâm (trừ các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu), điều này dẫn đến nhiều rủi ro cho doanh nghiệp khi tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, việc xây dựng một “Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2012 -2015” là thực sự cần thiết, nhằm giải quyết các nhu cầu cơ bản về hỗ trợ pháp lý hiện nay trong cộng đồng doanh nghiệp, bao gồm: nhu cầu tiếp cận các văn bản pháp luật; nhu cầu được bồi dưỡng kiến thức pháp luật; nhu cầu được giải đáp pháp luật; nhu cầu kiến nghị và được tiếp nhận kiến nghị. Theo đó, triển khai đồng bộ các hoạt động trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với mục tiêu hàng đầu là nâng cao nền tảng pháp lý cho doanh nghiệp, sự chủ động áp dụng pháp luật trong hoạt động quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; huy động sự chung sức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các hiệp hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp là rất quan trọng.

2. Cơ sở pháp lý xây dựng Chương trình:

- Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

- Quyết định số 585/QĐ-TTg ngày 05 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn năm 2010 - 2014;

- Quyết định số 1676/QĐ-BTP ngày 03 tháng 9 năm 2008 của Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

- Quyết định số 31/2009/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2009 - 2012;

- Quyết định số 355/QĐ-BTP ngày 22 tháng 3 năm 2011 của Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch triển khai các hoạt động năm 2011 Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 - 2014;

- Quyết định số 584/QĐ-BTP ngày 25 tháng 4 năm 2011 của Bộ Tư pháp về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp năm 2011;

- Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12 tháng 10 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

- Chỉ thị số 18/2008/CT-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HỖ TRỢ PHÁP LÝ

Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện đối với mọi doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp), không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động; bảo đảm đúng nguyên tắc, hình thức, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương và nhu cầu của từng đối tượng được hỗ trợ pháp lý.

Trong đó, chú trọng đối với doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thương mại - dịch vụ (Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Thương mại; Du lịch; Dịch vụ vận tải, cảng và kho bãi; Bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; Kinh doanh tài sản, bất động sản; Dịch vụ tư vấn, khoa học, công nghệ; Y tế; Giáo dục - đào tạo), các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn (cơ khí, điện tử - viễn thông - tin học, hóa dược và tinh chế lương thực - thực phẩm).

III. MỤC TIÊU CHƯƠNG TRÌNH

1. Mục tiêu tổng quát:

Mục tiêu chung của chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua các hoạt động, Chương trình hướng đến giải quyết cơ bản các vấn đề vướng mắc về mặt pháp lý của doanh nghiệp; thông tin pháp lý, phổ biến, cung cấp kiến thức pháp luật kinh doanh từ cơ bản đến nâng cao cho doanh nghiệp; hỗ trợ kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế doanh nghiệp; tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ cho hoạt động áp dụng pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Hỗ trợ cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận, nghiên cứu và áp dụng các cơ chế, chính sách của Nhà nước, các văn bản pháp luật, thông tin pháp luật liên quan đến doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

- Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật nhằm cung cấp các thông tin pháp lý trong nước, quốc tế cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

- Tạo điều kiện để doanh nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực của các cán bộ, chuyên viên, cộng tác viên, cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Huy động, khuyến khích mọi nguồn lực của thành phố để hình thành và phát triển mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp (chú trọng vai trò của các tổ chức đại diện doanh nghiệp, các Trung tâm, Hội, Viện nghiên cứu).

- Thúc đẩy sự phát triển của tổ chức pháp chế trong doanh nghiệp.

- Phổ biến, nâng cao ý thức pháp luật của doanh nghiệp trong việc chủ động tìm hiểu và áp dụng pháp luật, nguyên tắc tuân thủ và chấp hành pháp luật nhằm nâng cao kỹ năng pháp lý, kỹ năng về kiến thức pháp luật quốc tế, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

IV. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Nâng cao và hỗ trợ công tác khai thác cơ sở dữ liệu, tăng cường công tác giới thiệu, phổ biến và bồi dưỡng pháp luật Việt Nam để phục vụ cho hoạt động doanh nghiệp:

a) Tiếp tục củng cố, hoàn thiện Trang thông tin điện tử về văn bản quy phạm pháp luật của thành phố; thường xuyên cập nhật những quy định pháp luật mới do các cơ quan có thẩm quyền của thành phố ban hành; rà soát hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi, quản lý tốt hệ thống cơ sở dữ liệu.

- Cơ quan chủ trì thực hiện: Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố (Trung tâm Tin học thành phố, Trung tâm Công báo thành phố).

- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp; các Sở - ban, ngành liên quan.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

b) Tiếp tục duy trì, củng cố và nâng cấp Trang thông tin điện tử của cơ quan Sở - ban, ngành, Ủy ban nhân dân quận - huyện; chú trọng các chuyên trang, chuyên mục pháp luật về doanh nghiệp bao gồm: các văn bản pháp luật chuyên ngành, các thủ tục hành chính theo lĩnh vực quản lý của các Sở - ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện; tiếp tục hoàn thiện nội dung lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp.

- Cơ quan thực hiện: Các Sở - ban, ngành; Ủy ban nhân dân các quận - huyện.

- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

c) Biên soạn, phát hành và phổ biến các tài liệu giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan trung ương, thành phố ban hành có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp (trừ các văn bản thuộc danh mục bí mật nhà nước); tài liệu bồi dưỡng pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp về kỹ năng, nghiệp vụ cho chuyên viên làm công tác pháp chế theo các chuyên đề phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, như: hỗ trợ doanh nghiệp thực thi pháp luật về hợp đồng, sở hữu, thực hiện quyền sở hữu đối với vốn góp trong doanh nghiệp, đất đai, thực thi pháp luật về thuế, hải quan (tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính, hải quan điện tử), ký kết và thực hiện hợp đồng, tài chính, tín dụng, ngân hàng, kế toán, kiểm toán, lao động và hợp đồng lao động, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội, công đoàn, pháp luật xử lý vi phạm trong kinh doanh, giải quyết tranh chấp bằng hình thức hòa giải và tố tụng trọng tài, phá sản và một số lĩnh vực khác.

- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp (Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố).

- Cơ quan phối hợp: Các Sở - ban, ngành; các tổ chức đại diện doanh nghiệp; các Trung tâm, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố và các tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Xây dựng kế hoạch và triển khai hàng năm.

2. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn về pháp lý cho doanh nghiệp:

a) Đề án nâng cao kiến thức về pháp luật thương mại quốc tế, giới thiệu những quy định Điều ước quốc tế về thương mại mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, phổ biến về hàng rào thương mại và các quy định khác nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong công tác hội nhập kinh tế quốc tế và gia nhập WTO.

Trong đó tập trung nâng cao trình độ, nghiệp vụ, kỹ năng trong vấn đề đàm phán, ký kết hợp đồng thương mại quốc tế, tranh chấp các hợp đồng thương mại quốc tế theo phương thức trọng tài.

Các nội dung cụ thể bao gồm:

(i) Tập huấn kỹ năng pháp lý trong thương mại quốc tế cho luật sư, luật gia và các cán bộ pháp chế của các doanh nghiệp.

(ii) Chọn lọc tài liệu về các hiệp định tự do thương mại, các Điều ước quốc tế về thương mại mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia; biên dịch và giới thiệu trên trang web của Trung tâm WTO.

(iii) Biên soạn, biên dịch các tài liệu chuyên sâu về quy định thương mại quốc tế, về điều kiện gia nhập thị trường, về hàng rào kỹ thuật, các thủ tục xuất khẩu vào thị trường chính và các thị trường tiềm năng; để phổ biến cho các doanh nghiệp bằng nhiều phương thức khác nhau.

- Cơ quan chủ trì: Trung tâm hỗ trợ hội nhập WTO (Viện Nghiên cứu và phát triển thành phố).

- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, các Sở - ban ngành có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Quý I năm 2012 và triển khai hàng năm.

b) Tổ chức triển khai công tác trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố theo quy định tại Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-BKHĐT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính hướng dẫn trợ giúp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

- Cơ quan chủ trì: Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Cơ quan phối hợp: các Sở - ban, ngành liên quan; Trung tâm dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa; các tổ chức đại diện của doanh nghiệp tại địa phương; các tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo.

- Thời gian thực hiện: Triển khai hàng năm.

c) Kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật về kinh doanh cho các đối tượng cụ thể có liên quan đến doanh nghiệp.

Đối tượng tập huấn:

(i) Bồi dưỡng cho người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

(ii) Bồi dưỡng cho người quản lý nhân sự trong doanh nghiệp;

(iii) Bồi dưỡng cho người quản lý tài chính, kế toán trong doanh nghiệp;

(iv) Bồi dưỡng cho cán bộ pháp chế trong doanh nghiệp.

(v) Bồi dưỡng cho các chức danh quản lý như Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên và Ban kiểm soát trong Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp (Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố).

- Cơ quan phối hợp: các Sở - ban, ngành liên quan; Ban Đổi mới Quản lý Doanh nghiệp.

- Thời gian thực hiện: Xây dựng kế hoạch và triển khai hàng năm.

3. Tăng cường công tác tư vấn, xây dựng mạng lưới tư vấn và giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp:

a) Đề án hỗ trợ, nâng cấp và phát triển Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố với mục tiêu tư vấn pháp luật miễn phí phục vụ riêng cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, giải quyết cơ bản các vấn đề vướng mắc về mặt pháp lý của doanh nghiệp.

- Cơ quan chủ trì: Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố.

- Thời gian thực hiện: Quý II năm 2012.

b) Xây dựng Kế hoạch nâng cấp Hệ thống đối thoại doanh nghiệp - Chính quyền thành phố theo Chỉ thị số 18/2008/CT-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2008. Trên cả hai hình thức:

Đối thoại qua mạng (www.doithoaidn.hochiminhcity.gov.vn): Điều hành tốt hoạt động Hệ thống Đối thoại Doanh nghiệp và Chính quyền thành phố, đảm bảo Hệ thống hoạt động liên tục, trả lời đúng hạn các câu hỏi của doanh nghiệp theo quy định.

Đối thoại trực tiếp: Tăng cường hoạt động đối thoại trực tiếp, mỗi năm tổ chức ít nhất 10 cuộc đối thoại trực tiếp với nhiều chủ đề khác nhau để phổ biến các chính sách mới của Nhà nước và giải thích, giải quyết kịp thời các vướng mắc khó khăn của doanh nghiệp, tăng cường hoạt động phối hợp với các quận tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp tại địa phương.

- Cơ quan chủ trì: Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

c) Triển khai thực hiện việc giải đáp pháp luật thông qua các hình thức: giải đáp bằng văn bản; giải đáp thông qua mạng điện tử; giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại (xây dựng “đường dây nóng”) và các hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Các cơ quan, đơn vị xây dựng Kế hoạch quy định cụ thể về cách thức, thời gian và quy trình thực hiện cho mỗi hình thức giải đáp pháp luật, quy định bộ phận đầu mối tiếp nhận, bộ phận thực hiện giải đáp một cách cụ thể rõ ràng, và trách nhiệm của cán bộ tại từng khâu thực hiện để đảm bảo công tác giải đáp pháp luật được thực hiện có hiệu quả.

- Cơ quan thực hiện: Các Sở - ban, ngành; Ủy ban nhân dân các quận -huyện.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

4. Đề án nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Trọng tài Thương mại trong việc giải quyết các tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và các văn bản liên quan nhằm bồi dưỡng kiến thức pháp luật trọng tài thương mại đến các doanh nghiệp:

- Cơ quan thực hiện: Trung tâm Trọng tài Thương mại thành phố Hồ Chí Minh.

- Cơ quan phối hợp: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh; các Sở - ban, ngành có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Quý I năm 2012.

5. Đề án nâng cao hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành được ưu tiên chú trọng và các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố:

Các ngành thương mại - dịch vụ chủ yếu: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Thương mại; Du lịch; Dịch vụ vận tải, cảng và kho bãi; Bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; Kinh doanh tài sản, bất động sản; Dịch vụ tư vấn, khoa học, công nghệ; Y tế; Giáo dục - đào tạo.

Các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng khoa học - công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn: Cơ khí, điện tử - viễn thông - tin học, hóa dược và tinh chế lương thực - thực phẩm.

- Cơ quan chủ trì: Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố.

- Cơ quan phối hợp: các Sở - ban, ngành có liên quan.

- Thời gian thực hiện: Triển khai hàng năm.

6. Nâng cao công tác tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật:

Tổ chức tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp thông qua hình thức văn bản, ý kiến của các doanh nghiệp tại các Hội thảo, Tọa đàm, kiến nghị thông qua trang thông tin điện tử,.v.v...; xử lý những kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện các quy định pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực hoặc địa phương do Ủy ban nhân dân thành phố quản lý.

- Cơ quan thực hiện: các Sở - ban, ngành, đơn vị có liên quan.

- Cơ quan đầu mối tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố kết quả tiếp nhận kiến nghị: Sở Tư pháp.

- Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

V. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Nâng cao trách nhiệm triển khai, thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố:

a) Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thực hiện theo nguyên tắc chủ động và có sự phối hợp chặt chẽ, cộng đồng trách nhiệm giữa Ủy ban nhân dân quận - huyện, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố và các ban ngành, đoàn thể theo quy định của pháp luật.

b) Nâng cao sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ pháp lý nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, chặt chẽ và hiệu quả đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

c) Tiếp tục triển khai và thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm được quy định tại Chỉ thị số 18/2008/CT-UBND ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

2. Tăng cường thực hiện quy định về tổ chức pháp chế trên địa bàn thành phố:

a) Tiếp tục thực hiện quản lý các doanh nghiệp Nhà nước, thực hiện đúng quy định về tổ chức pháp chế được quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế. Khuyến khích các doanh nghiệp không thuộc đối tượng quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP áp dụng mô hình tổ chức pháp chế (Phòng Pháp chế, cán bộ pháp chế) tại doanh nghiệp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận các thông tin pháp lý của doanh nghiệp, giảm thiểu tối đa các rủi ro trong hoạt động kinh doanh.

b) Nâng cao năng lực cho tổ chức pháp chế các Sở - ban, ngành, đơn vị có liên quan và cán bộ, công chức làm công tác pháp chế tại các doanh nghiệp.

- Tăng cường năng lực cho tổ chức pháp chế các Sở - ban, ngành, doanh nghiệp nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008.

- Đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, phương pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: kết hợp các phương thức truyền thống với các phương thức hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với từng nội dung, từng đối tượng, từng địa phương. Tăng cường tiếp xúc doanh nghiệp để nắm bắt được các vướng mắc, khó khăn và nhu cầu cần hỗ trợ của doanh nghiệp.

- Phát huy vai trò của trọng tài thương mại trong tố tụng thương mại; khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng phương thức trọng tài khi có tranh chấp thương mại.

- Khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường nguồn lực để tiếp cập với thông tin pháp lý, sử dụng tư vấn pháp luật để áp dụng, thi hành pháp luật và phòng, chống rủi ro về mặt pháp lý trong kinh doanh bằng các hình thức như: ký kết hợp đồng tư vấn với các Văn phòng Luật sư, Công ty Luật, sử dụng dịch vụ hỗ trợ pháp lý, thuê Luật sư tư vấn, bố trí bộ phận pháp chế doanh nghiệp, tham gia Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp.

3. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao công tác kiểm soát thủ tục hành chính:

a) Tăng cường thông tin, phổ biến để doanh nghiệp có thể tiếp cận với các văn bản quy phạm pháp luật một cách kịp thời, nhanh chóng theo đúng quy định của pháp luật; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật và thói quen sử dụng tư vấn pháp luật của doanh nghiệp.

b) Tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình cải cách hành chính trên địa bàn thành phố; thực hiện tốt các quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính và Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VPCP-BNV ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của bộ phận kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Bộ, Cơ quan ngang Bộ và Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Nâng cao công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật:

Tiếp tục triển khai và thực hiện tốt quy định về “Lấy ý kiến về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật” có liên quan đến hoạt động doanh nghiệp được quy định tại Quyết định số 67/2011/QĐ-UBND ngày 24 tháng 10 năm 2011 của Ủy ban nhân dân thành phố Quy định về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân các cấp tại thành phố Hồ Chí Minh.

5. Kinh phí thực hiện Chương trình:

a) Nguồn kinh phí thực hiện: Kinh phí thực hiện Chương trình bao gồm kinh phí ngân sách nhà nước và kinh phí đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, doanh nghiệp tham gia Chương trình.

b) Phân bổ kinh phí thực hiện: Kinh phí thực hiện Chương trình được dự toán trong ngân sách hàng năm của Ủy ban nhân dân thành phố. Hàng năm, trên cơ sở nội dung Chương trình đã được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, kinh phí thực hiện Chương trình được bố trí hàng năm trong dự toán được giao của cơ quan chủ trì xây dựng thực hiện các đề án, kế hoạch.

c) Khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tài trợ kinh phí thực hiện Chương trình.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp:

a) Là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm chung về tổ chức thực hiện Chương trình; chỉ đạo, theo dõi và giám sát việc triển khai Chương trình; định kỳ hàng năm tổng hợp tiến độ, kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.

b) Tổ chức việc thu thập văn bản, hệ thống, rà soát hiệu lực văn bản. Tổng hợp và báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về kết quả rà soát, trình Ủy ban nhân dân thành phố dự thảo Quyết định xử lý kết quả rà soát.

c) Là cơ quan đầu mối tiếp nhận các kiến nghị của doanh nghiệp từ các Sở - ngành, tổ chức, Hiệp hội trên địa bàn thành phố; tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới đối với các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền; hoặc kiến nghị các cơ quan Trung ương đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền ban hành của cơ quan Trung ương.

2. Trách nhiệm phối hợp của các Sở - ngành, Ủy ban nhân dân quận -huyện và các đơn vị có liên quan:

a) Các Sở - ban, ngành, đơn vị liên quan được phân công xây dựng đề án, kế hoạch và kinh phí thực hiện các đề án, kế hoạch nêu tại Mục IV Chương trình trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức rà soát, cập nhật các văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của mình; định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Tư pháp theo dõi, tổng hợp, báo cáo theo quy định.

b) Sở Tài chính thẩm định dự toán kinh phí và hướng dẫn các cơ quan chủ trì đề án, kế hoạch quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí theo quy định. Hướng dẫn các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, Ủy ban nhân dân các quận - huyện xây dựng dự toán, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo Thông tư liên tịch số 157/2010/TTLT-BTC-BTP ngày 12 tháng 10 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước, bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp.

c) Sở Nội vụ, Ban Đổi mới Quản lý doanh nghiệp thành phố phối hợp với Sở Tư pháp, các Sở - ban, ngành thành phố; Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước của thành phố thực hiện Quyết định số 2496/QĐ-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2007 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về phê duyệt Đề án xây dựng và kiện toàn tổ chức pháp chế tại cơ quan chuyên môn và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011.

d) Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các phương tiện thông tin truyền thông giới thiệu và tuyên truyền về hoạt động của Chương trình để nhân rộng kết quả của chương trình

đ) Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài thành phồ Hồ Chí Minh đẩy mạnh việc trao đổi thông tin với các Sở quản lý chuyên ngành nhằm phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp có liên quan đến kiều bào.

e) Ủy ban nhân dân các quận - huyện tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương; phối hợp với các Sở - ban, ngành, đơn vị có liên quan được giao nhiệm vụ thực hiện các Đề án, Kế hoạch, chủ động lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, giám sát quản lý việc thực hiện chương trình và thực hiện chế độ báo cáo hàng năm gửi Sở Tư pháp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 1111/QĐ-UBND năm 2012 về Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2012 - 2015 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 1111/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/03/2012
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Minh Trí
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản