Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 339/QĐ-UBND

Mỹ Tho, ngày 09 tháng 02 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 1676/QĐ-BTP ngày 03/9/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Kế hoạch triển khai Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Hội Luật gia, Hiệp hội các doanh nghiệp và Liên minh hợp tác xã tỉnh Tiền Giang tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Thanh Trung

 

CHƯƠNG TRÌNH

HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 339/QĐ-UBND ngày 09 tháng 02 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Thực hiện Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Nhằm thông tin pháp lý nhanh chóng, kịp thời cho doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và tổ chức, cá nhân kinh doanh (gọi chung là doanh nghiệp); phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ pháp chế cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp được tiếp cận, sử dụng thông tin đăng tải trên trang thông tin điện tử của tỉnh, được giải đáp pháp luật, cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý của Nhà nước (không thuộc danh mục văn bản bí mật nhà nước) mà doanh nghiệp quan tâm yêu cầu được cung cấp, đảm bảo sản xuất kinh doanh đúng pháp luật, ngăn ngừa sự rủi ro trong hoạt động của doanh nghiệp.

II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HỖ TRỢ PHÁP LÝ

Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (gọi chung là doanh nghiệp).

III. HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG HỖ TRỢ PHÁP LÝ

1. Xây dựng và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp:

Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm:

- Xây dựng, duy trì, cập nhật và đăng Công báo tỉnh, Website tỉnh các văn bản quy phạm pháp luật (nhất là các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp) do Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh ban hành; các văn bản hướng dẫn của các sở, ngành tỉnh; văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các huyện, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công (cấp huyện) ban hành. Trong trường hợp văn bản pháp luật có hiệu lực pháp luật mà chưa được đăng tải trên Công báo, trang thông tin điện tử của UBND tỉnh thì doanh nghiệp có quyền đề nghị Văn phòng UBND tỉnh cập nhật và đăng tải văn bản đó.

- Trên cơ sở rà soát, hệ thống hóa văn bản của Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm đăng Công báo, Website tỉnh các văn bản hết hiệu lực thi hành; văn bản có nội dung sửa đổi, bổ sung, danh mục các văn bản của Trung ương.

- Các sở, ngành tỉnh; UBND cấp huyện có trách nhiệm gửi các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp về Văn phòng UBND tỉnh để đăng Công báo, thông tin trên Website của tỉnh.

2. Biên soạn tài liệu, xây dựng chuyên mục phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật:

a) Sở Tư pháp có trách nhiệm:

- Chủ trì, phối hợp với Hiệp Hội các doanh nghiệp, Hội Luật gia và các sở, ngành có liên quan biên soạn các loại tài liệu giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và của tỉnh ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để tuyên truyền, phổ biến cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh, Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh, Liên minh hợp tác xã của tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các văn bản pháp luật mới ban hành liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Ấp Bắc xây dựng chuyên mục, chuyên trang pháp luật giới thiệu văn bản pháp luật của tỉnh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để tuyên truyền, giới thiệu cho các doanh nghiệp các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

b) Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm:

Xây dựng chuyên trang hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên trang thông tin điện tử của tỉnh, lấy ý kiến khảo sát nhu cầu về hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp.

3. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp:

- Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh, Hiệp hội các doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã, Hội Luật gia xây dựng kế hoạch và tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Doanh nghiệp chủ động phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Luật gia, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật, các sở, ngành có liên quan tổ chức thực hiện phổ biến giáo dục pháp luật trong doanh nghiệp về những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động, văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

4. Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp:

Hiệp hội các doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã là cơ quan đầu mối tiếp nhận các yêu cầu giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp:

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu, Hiệp hội các doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp.

Nếu các yêu cầu gửi trực tiếp đến các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành thì các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận yêu cầu và giải đáp pháp luật.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu và doanh nghiệp cung cấp đủ thông tin có liên quan đến yêu cầu giải đáp pháp luật, Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành của tỉnh phải giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp và gửi Hiệp hội các doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã để theo dõi.

Đối với các trường hợp phức tạp hoặc nội dung liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực thì thời hạn trả lời là 15 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu và doanh nghiệp cung cấp đủ thông tin có liên quan đến yêu cầu giải đáp pháp luật. Trường hợp không giải đáp pháp luật thì cơ quan được yêu cầu giải đáp phải nêu rõ lý do.

Cán bộ pháp chế sở, ngành có trách nhiệm giúp lãnh đạo sở, ngành tiếp nhận yêu cầu và giải đáp pháp luật hoặc phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc sở, ngành để giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp.

- Hình thức giải đáp pháp luật được thực hiện bằng văn bản, thông qua mạng điện tử, giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại và các hình thức giải đáp khác theo quy định của pháp luật.

- Doanh nghiệp có yêu cầu, đề nghị Hội Luật gia tỉnh tư vấn pháp luật thì Hội Luật gia giới thiệu luật sư, cử luật gia tư vấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Việc giải đáp pháp luật không áp dụng đối với yêu cầu của doanh nghiệp về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

5. Tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện pháp luật:

Doanh nghiệp có quyền kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh về việc hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến doanh nghiệp.

- Hiệp hội các doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã của tỉnh, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có trách nhiệm tiếp nhận các kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các quy định pháp luật của Trung ương, của địa phương:

+ Nếu các kiến nghị thuộc phạm vi của địa phương thì các sở, ngành có trách nhiệm trả lời, giải quyết các kiến nghị đó trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận kiến nghị. Nếu không thuộc thẩm quyền của sở, ngành và Hiệp hội các doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã tỉnh thì trong thời hạn 2 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận kiến nghị, có trách nhiệm chuyển đến cơ quan có trách nhiệm trả lời và thông báo cho doanh nghiệp biết.

+ Nếu các kiến nghị về thể chế, cơ chế, luật thuộc thẩm quyền của Trung ương thì ghi nhận, tổng hợp các kiến nghị theo định kỳ 6 tháng, năm gửi Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối tiếp nhận các kiến nghị của doanh nghiệp có trách nhiệm:

+ Tổng hợp các kiến nghị liên quan đến các quy định pháp luật để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp kịp thời có kiến nghị Trung ương sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các văn bản pháp luật mới.

+ Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tỉnh tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương để kiến nghị bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung những quy định không phù hợp, những thủ tục hành chính rườm rà…

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các sở, ngành tỉnh có liên quan phổ biến, tuyên truyền nội dung Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 25/8/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đến các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và các doanh nghiệp.

2. Xây dựng đội ngũ cán bộ để thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh

Các sở, ngành tỉnh, doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh củng cố, kiện toàn hoạt động cán bộ pháp chế theo Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, doanh nghiệp nhà nước để sử dụng lực lượng này trong thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

3. Định kỳ hàng năm, Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh và Liên minh hợp tác xã của tỉnh phối hợp với các sở, ngành tổ chức gặp gỡ đối thoại với doanh nghiệp để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp.

4. Kinh phí thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do ngân sách nhà nước hỗ trợ; kinh phí tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp,… theo quy định của pháp luật.

Hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ngành và Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh, Liên minh hợp tác xã tỉnh lập dự toán ngân sách trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

5. Các sở, ngành tỉnh, Hiệp hội các doanh nghiệp tỉnh và Liên minh hợp tác xã tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định. Định kỳ hàng năm các sở, ngành tỉnh, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) trước ngày 20/11 để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các sở, ngành tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 339/QĐ-UBND năm 2009 về chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành

  • Số hiệu: 339/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/02/2009
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tiền Giang
  • Người ký: Trần Thanh Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/02/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản