Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1100/QĐ-UBND | Lạng Sơn, ngày 30 tháng 6 năm 2022 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm ngày 17/3/2003;
Căn cứ Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm;
Căn cứ Thông tư số 05/2006/TT-BLĐTBXH ngày 22/6/2006 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm;
Căn cứ Quyết định số 411/QĐ-UBND ngày 10/3/2020 của UBND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Đội Kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh Lạng Sơn;
Theo đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Công văn số 1035/SLĐTBXH-PCTNXH-BĐG ngày 21/6/2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh năm 2022.
Điều 2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch này theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành có thành viên Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống tệ nạn mại dâm tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG MẠI DÂM TẠI CÁC CƠ SỞ KINH DOANH DỊCH VỤ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NĂM 2022
(Kèm theo Quyết định số: 1100/QĐ-UBND ngày 30/6/2022 của UBND tỉnh)
1. Phát huy vai trò của Đội Kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm (gọi tắt là Đội Kiểm tra liên ngành 178) các cấp, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước và phối hợp liên ngành trong công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định pháp luật tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm.
2. Phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm; kịp thời phát hiện hành vi vi phạm và kiến nghị người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Căn cứ kết quả kiểm tra, nắm bắt tình hình thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh giải pháp phòng, chống mại dâm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.
4. Hoạt động kiểm tra phải đảm bảo đồng bộ, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố. Hình thức kiểm tra linh hoạt, nội dung kiểm tra bám sát vào các quy định của pháp luật và chỉ đạo của UBND tỉnh.
II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, THỜI GIAN VÀ PHƯƠNG PHÁP KIỂM TRA
1. Đối tượng kiểm tra
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2004 quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh phòng, chống mại dâm, gồm: khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng, nhà trọ, căn hộ kinh doanh du lịch, căn hộ cho thuê, vũ trường, quán bar, karaoke, massage, xoa bóp, cà phê đèn mờ... hiện đang hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó tăng cường kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, dịch vụ vũ trường, quán bar, karaoke, dịch vụ xoa bóp, massage, dịch vụ ăn, uống, phòng trà, sinh nhật, ca nhạc... có biểu hiện hoạt động mại dâm trá hình, tổ chức kích dục trên địa bàn.
2. Nội dung kiểm tra
Đội Kiểm tra liên ngành 178 kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ theo các nội dung quy định tại Điều 11 Nghị định số 178/2004/NĐ-CP, cụ thể như sau:
a) Việc chấp hành các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh, điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm.
b) Đăng ký kinh doanh; Giấy phép kinh doanh; Giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật, các điều kiện đảm bảo về an ninh, trật tự, phòng cháy, chữa cháy.
c) Việc đăng ký sử dụng lao động; ký kết Hợp đồng lao động và khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, các bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn của người lao động theo quy định của pháp luật.
d) Việc cam kết bằng văn bản về phòng, chống tệ nạn mại dâm của chủ cơ sở với chính quyền sở tại; cam kết của người lao động với chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ không tham gia tệ nạn mại dâm.
đ) Đăng ký tạm trú; Giấy đăng ký thực hiện an ninh trật tự với cơ quan chức năng.
e) Kiểm tra cơ sở vật chất phục vụ hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật.
3. Thời gian kiểm tra
Chia làm 03 đợt như sau:
a) Đợt 1 (tháng 8/2022): kiểm tra tại huyện Bắc Sơn (10 cơ sở); huyện Bình Gia (05 cơ sở); huyện Văn Quan (05 cơ sở) và huyện Cao Lộc (10 cơ sở).
b) Đợt 2 (tháng 9/2022): kiểm tra tại huyện Tràng Định (05 cơ sở); huyện Văn Lãng (05 cơ sở) và thành phố Lạng Sơn (20 cơ sở).
c) Đợt 3 (tháng 10/2022): kiểm tra tại huyện Lộc Bình (10 cơ sở); huyện Đình Lập (05 cơ sở); huyện Hữu Lũng (10 cơ sở); huyện Chi Lăng (05 cơ sở).
4. Phương pháp kiểm tra
Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh lập danh sách và thông báo đến các đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ dự kiến kiểm tra. Trước khi lập danh sách và thông báo lịch kiểm tra phối hợp với Đội Kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn nơi cơ sở kinh doanh dịch vụ hoạt động để tiến hành kiểm tra đảm bảo đúng quy định.
III. THÀNH PHẦN, TRÁCH NHIỆM ĐOÀN KIỂM TRA
1. Thành phần
Thành viên Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh tại Quyết định số 598/QĐ-UBND ngày 04/4/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Khi kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ có quy mô lớn, tính chất phức tạp có thể huy động thêm lực lượng cán bộ của các sở, ngành thành viên Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh hoặc trong trường hợp thành viên Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh vắng mặt có thể cử cán bộ khác đại diện cho sở, ngành thay thế (cán bộ tăng cường hoặc cử thay thế có trách nhiệm, quyền hạn như thành viên chính thức và được hưởng các chế độ theo quy định).
2. Trách nhiệm
- Đoàn kiểm tra có trách nhiệm họp trước khi triển khai các hoạt động kiểm tra theo nội dung, đối tượng, thời gian, phương pháp được nêu trong Kế hoạch này.
- Xây dựng đề cương, biên bản, lịch kiểm tra để thông báo đến các đơn vị, cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện được kiểm tra và tổ chức kiểm tra theo Kế hoạch.
- Các thành viên Đoàn kiểm tra có trách nhiệm chấp hành sự phân công của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn; tham dự đầy đủ các buổi kiểm tra và kiểm tra theo từng lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của sở, ngành mình đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ được kiểm tra và tham mưu xử lý sau kiểm tra theo đúng Kế hoạch.
- Báo cáo kết quả kiểm tra với Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định.
Từ nguồn kinh phí hoạt động của Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh năm 2022 đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Quyết định số 2399/QĐ- UBND ngày 10/12/2021 của UBND tỉnh về việc giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về phòng, chống tệ nạn mại dâm triển khai thực hiện Kế hoạch; là đầu mối giúp UBND tỉnh chỉ đạo hoạt động của Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh.
- Tăng cường chỉ đạo Đội Kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện tổ chức kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ tại địa bàn quản lý; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho Đội Kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện và hướng dẫn, tập huấn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm.
- Tham mưu, trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh.
- Lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch và quản lý, sử dụng, thanh, quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành.
- Tổng hợp, báo cáo kết quả kiểm tra theo kế hoạch và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo 138 tỉnh.
2. Sở Y tế
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, thanh tra phát hiện các cơ sở vi phạm trong lĩnh vực y tế, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các cơ sở vi phạm.
- Chỉ đạo Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh ban hành quyết định xử phạt các hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực y tế quản lý theo quy định của pháp luật.
3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, lưu trú trên địa bàn tỉnh, hướng dẫn các đơn vị thực hiện các quy định trong kinh doanh hoạt động văn hóa và tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, dịch vụ lưu trú du lịch dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Tham mưu quyết định xử phạt các hành vi vi phạm thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch theo quy định.
4. Sở Công Thương
Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ bị lợi dụng hoạt động mại dâm thuộc ngành quản lý. Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra với Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh, phát hiện xử lý kịp thời các cơ sở kinh doanh hàng hóa thuộc lĩnh vực công thương quản lý sai quy định.
5. Sở Tài chính
Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán nguồn kinh phí theo quy định hiện hành.
6. Công an tỉnh
Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh và Công an cấp huyện, cấp xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, làm tốt công tác quản lý địa bàn, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu; kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện đăng ký cư trú theo quy định, đồng thời đề nghị các cơ sở kinh doanh dịch vụ ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an ninh trật tự; theo dõi biến động danh sách nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh các ngành nghề có điều kiện về an ninh trật tự. Đề ra các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn hoạt động mại dâm trá hình, không để phát sinh các tụ điểm phức tạp về tệ nạn mại dâm trên địa bàn.
7. UBND các huyện, thành phố
- Chỉ đạo Đội Kiểm tra liên ngành 178 cấp huyện, thành phố kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật tại các các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự, cơ sở kinh doanh dịch vụ khác dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm. Tham mưu, trình UBND huyện, thành phố ban hành quyết định xử phạt các hành vi vi phạm về hoạt động mại dâm trên địa bàn, kịp thời phát hiện những vi phạm, tồn tại, không để xảy ra hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn quản lý.
- Chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin nâng cao vai trò trong việc thẩm tra, cấp phép hoạt động kinh doanh karaoke, chỉ cấp phép cho các cơ sở đủ điều kiện theo quy định; tăng cường công tác hậu kiểm sau cấp phép để phát hiện, xử lý kịp thời những cơ sở hoạt động ngoài phạm vi được cấp phép hoặc không được cấp phép.
- Phối hợp với Đội Kiểm tra liên ngành 178 tỉnh kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện về an ninh trật tự khi cần thiết; xử lý các cơ sở có hành vi vi phạm theo thẩm quyền.
- Chủ động cân đối, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách theo phân cấp để thực hiện tốt kế hoạch đề ra./.
- 1Kế hoạch 162/KH-UBND về phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2022
- 2Nghị quyết 05/NQ-HĐND năm 2022 về công tác phòng, chống mại dâm giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 3Kế hoạch 1397/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 4Báo cáo 159/BC-UBND năm 2014 về tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 5Kế hoạch 31/KH-UBND về tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm và phòng, chống tệ nạn xã hội tại cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023
- 6Kế hoạch 30/KH-UBND về phòng, chống mại dâm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023
- 7Kế hoạch 4729/KH-UBND năm 2023 kiểm tra chấp hành pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2024-2025
- 1Thông tư 05/2006/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động của đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành
- 2Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003
- 3Nghị định 178/2004/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm
- 4Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 5Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 6Kế hoạch 162/KH-UBND về phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2022
- 7Nghị quyết 05/NQ-HĐND năm 2022 về công tác phòng, chống mại dâm giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 8Kế hoạch 1397/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Hải Dương
- 9Báo cáo 159/BC-UBND năm 2014 về tổng kết 10 năm thi hành Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
- 10Kế hoạch 31/KH-UBND về tổ chức kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm và phòng, chống tệ nạn xã hội tại cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023
- 11Kế hoạch 30/KH-UBND về phòng, chống mại dâm trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023
- 12Kế hoạch 4729/KH-UBND năm 2023 kiểm tra chấp hành pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2024-2025
Quyết định 1100/QĐ-UBND về Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn năm 2022
- Số hiệu: 1100/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 30/06/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn
- Người ký: Dương Xuân Huyên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/06/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra