Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1088/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 30 tháng 05 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BỆNH VIỆN VỆ TINH TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2014 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm tải Bệnh viện giai đoạn 2013-2020;

Căn cứ Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11 tháng 03 năm 2013 của Bộ Y tế phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 652/TTr-SYT ngày 28/4/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án xây dựng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành Bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Trung ương Huế trong lĩnh vực Chấn thương chỉnh hình giai đoạn 2014 - 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu chung:

Nâng cao năng lực khám chữa bệnh về lĩnh vực Chấn thương chỉnh hình cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và hỗ trợ nhân lực; giảm quá tải cho Bệnh viện Trung ương Huế.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Bảo đảm 100% bác sĩ, nhân viên y tế lĩnh vực chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thừa Thiên Huế được đào tạo chuyên môn phù hợp.

- Bảo đảm 100% các kỹ thuật mà Bệnh viện Trung ương Huế chuyển giao cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh được thực hiện tốt và duy trì bền vững.

- Thực hiện được việc đào tạo và tư vấn, chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin trong lĩnh vực Ngoại Chấn thương chỉnh hình giữa Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Giảm tối thiểu 50% tỷ lệ chuyển tuyến từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh lên Bệnh viện trung ương Huế lĩnh vực chấn thương chỉnh hình.

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, thiết bị y tế và công nghệ thông tin đáp ứng được việc thực hiện các kỹ thuật chuyển giao và đào tạo, tư vấn trực tuyến.

II. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP

1. Nhóm giải pháp về kiện toàn tổ chức bộ máy:

- Kiện toàn tổ chức bộ máy của Khoa Ngoại tổng hợp và lĩnh vực Chấn thương chỉnh hình.

- Phân công, phân cấp, chia mảng và bố trí công việc cụ thể cho từng bác sỹ, điều dưỡng, kỹ thuật viên.

2. Nhóm giải pháp về nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị:

- Danh mục thiết bị y tế và phần mềm quản lý bệnh viện cần thiết để thực hiện công tác chuyển giao kỹ thuật:

+ Phần mềm quản lý bệnh viện;

+ Bộ dụng cụ đóng đinh nội tủy;

+ Bộ dụng cụ KHX nẹp DHS, DCS;

+ Máy hút áp lực âm;

+ Kính hiển vi phẫu thuật.

- Bên cạnh việc mua sắm thiết bị y tế mới, có kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng, kiểm tra định kỳ hệ thống máy móc, trang thiết bị, phòng mổ hiện tại, có kế hoạch sửa chữa, thay mới các thiết bị hư hỏng, xuống cấp, đảo đảm các thiết bị máy móc hoạt động ổn định.

3. Nhóm giải pháp về đào tạo - chuyển giao công nghệ:

a) Đào tạo tại Bệnh viện Trung ương Huế

- Có kế hoạch gửi cán bộ đào tạo tại Trung tâm Chấn thương chỉnh hình - Bệnh viện Trung ương Huế; các bác sỹ, kỹ thuật viên và điều dưỡng đào tạo theo các gói kỹ thuật hoặc theo sự thỏa thuận với Bệnh viện Trung ương Huế.

- Nghiên cứu chế độ đãi ngộ, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ tham gia đào tạo tại Bệnh viện Trung ương Huế.

- Từ năm 2014 - 2015, các bác sĩ thuộc lĩnh vực chấn thương chỉnh hình tại khoa Ngoại đều được chuyển giao các gói kỹ thuật tại Bệnh viện Trung ương Huế.

b) Chuyển giao tại chỗ

- Chuẩn bị các cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Trung ương Huế.

- Các Chuyên gia từ Bệnh viện Trung ương Huế đến tại bệnh viện Đa khoa tỉnh để trực tiếp chuyển giao kỹ thuật.

- Tự thực hiện và đảm bảo duy trì bền vững các kỹ thuật đã được tiếp nhận chuyển giao.

- Chuyển lên tuyến trên các loại hình bệnh tật vượt quá khả năng.

- Tiếp nhận việc chuyển tuyến người bệnh ở giai đoạn hồi phục từ Bệnh viện Trung ương Huế.

4. Nhóm giải pháp về ứng dụng công nghệ thông tin:

- Tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện và khám chữa bệnh. Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng phần mềm quản lý bệnh viện và vận hành dự án Telemedicine.

- Duy trì hệ thống máy vi tính hiện đại cho toàn bộ các khoa/phòng và nối mạng với nhau, sử dụng hệ thống internet cáp quang tốc độ cao.

- Triển khai xây dựng dự án Telemedicine của bệnh viện.

- Phối hợp với bệnh viện hạt nhân về đào tạo, hội chẩn, tư vấn chuyên môn với bệnh viện Trung ương Huế thông qua Telemedicine.

- Triển khai hệ thống Telemedicine để thực hiện công tác đào tạo, hội chẩn, tư vấn chuyên môn từ xa với Bệnh viện Trung ương Huế bao gồm:

+ Thiết bị hội nghị truyền hình trực tuyến: tivi LCD 40 inch (công nghệ LED), cáp kết nối HDMI, bộ chia tín hiệu kèm khuếch đại, màn chiếu 120 inch điều khiển bằng mô tơ điện, máy chiếu, VCS-Bộ thiết bị đầu cuối

+ Thiết bị âm thanh cho hội nghị truyền hình: phần mềm điều khiển hội thảo, âm ly truyền thanh, loa treo tường, cáp nối, bộ điều khiển trung tâm kỹ thuật số, hộp chủ tịch kèm micro, tủ thiết bị chuyên dụng, phụ kiện cáp tín hiệu, chi phí nhân công lắp đặt hướng dẫn, chuyển giao công nghệ.

5. Các giải pháp khác:

- Đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế thuộc chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khi tham gia đầy đủ các hội thảo chuyên ngành Chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện Trung ương Huế.

- Triển khai lồng ghép với đề án 1816 để tăng cường hiệu quả của Đề án.

- Tổ chức các buổi hội thảo, giao ban giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Trung ương Huế về lĩnh vực Chấn thương chỉnh hình 06 tháng/01 lần, tổ chức đánh giá sơ kết hoạt động hàng năm đảm bảo cho việc đào tạo, chuyển giao kỹ thuật có hiệu quả.

- Tăng cường các hoạt động truyền thông quảng bá nhằm tăng số lượng bệnh nhân lĩnh vực Chấn thương chỉnh hình cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, góp phần giảm tải cho Bệnh viện Trung ương Huế.

III. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Giai đoạn 2014 - 2015:

- Về cơ cấu tổ chức: Hoàn thiện tổ chức Khoa Ngoại tổng hợp và lĩnh vực Chấn thương chỉnh hình, tổ chức phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng đến từng Bác sỹ, Điều dưỡng, Kỹ thuật viên; thực hiện các thủ tục phê duyệt Đề án

- Về cơ sở vật chất: hoàn thiện cơ sở vật chất đảm bảo việc chuyển giao từ xa và tại chỗ; mua sắm trang thiết bị.

- Về đào tạo: Đội ngũ Bác sỹ được đào tạo tại Bệnh viện Trung ương Huế.

2. Giai đoạn 2016 - 2020:

- Về Đào tạo: Tổ chức đào tạo từ xa qua hệ thống Telemedicine và chuyển giao kỹ thuật tại chỗ, các chuyên gia - giáo sư của Bệnh viện Trung ương Huế sẽ đến làm việc và hướng dẫn cho các Bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

- Về trang thiết bị: mua sắm các bộ dụng cụ phẫu thuật còn thiếu.

- Đảm bảo duy trì bền vững các kỹ thuật đã được tiếp nhận chuyển giao.

- Đánh giá việc thực hiện đề án và đề xuất nhu cầu tiếp theo.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

- Dự kiến tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2014 - 2015: 3.115 triệu đồng, bao gồm ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác, trong đó:

+ Nguồn kinh phí từ Trung ương: Sử dụng cho công tác đào tạo theo gói kỹ thuật, chi phí cho học viên và các chi phí khác phục vụ công tác đào tạo và chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện vệ tinh.

+ Nguồn vốn đối ứng của tỉnh: Đầu tư mua sắm các thiết bị cần thiết cho việc chuyển giao các gói kỹ thuật trên và trang bị hệ thống phần mềm để thực hiện Đề án và hỗ trợ cho cán bộ trong công tác đào tạo.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế:

- Cơ quan thường trực triển khai Đề án, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể từng năm và cả giai đoạn để triển khai thực hiện Đề án.

- Tranh thủ và tích cực huy động các nguồn lực của Trung ương và các tổ chức quốc tế để triển khai thực hiện Đề án.

- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Đề án, định kỳ, sơ kết, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Đề án, tổng hợp kết quả, báo cáo UBND tỉnh.

2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm để triển khai thực hiện Đề án này. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các đơn vị sử dụng kinh phí hoạt động của Đề án đúng quy định hiện hành.

3. Bảo hiểm xã hội tỉnh: Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và Bệnh viện vệ tinh tăng cường hướng dẫn, tổ chức thanh quyết toán kịp thời các dịch vụ kỹ thuật mới được chuyển giao một cách nhanh chóng, thuận tiện.

4. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Y tế trong việc triển khai thực hiện Đề án.

5. Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Là đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện các nội dung của Đề án xây dựng bệnh viện vệ tinh có trách nhiệm:

- Căn cứ vào nội dung của Đề án, phối hợp với Bệnh viện Trung ương Huế xây dựng kế hoạch triển khai hàng năm và cả giai đoạn theo chỉ đạo của Sở Y tế.

- Đảm bảo về nhân lực và các diều kiện cần thiết trong công tác đào tạo, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Trung ương Huế, triển khai có hiệu quả các kỹ thuật được chuyển giao để phục vụ người bệnh.

- Tham gia quản lý quá trình đầu tư xây dựng các hạng mục của Đề án; cùng với Sở Y tế và các sở, ban ngành liên quan tích cực huy động các nguồn tài trợ cho bệnh viện; có kế hoạch quản lý, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất trang thiết bị của bệnh viện đã được đầu tư theo đúng mục tiêu của Đề án được duyệt.

Điều 2. Giám đốc Sở Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan và Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức triển khai thực hiện theo các nội dung được phê duyệt tại Điều 1 của Quyết định này theo đúng quy định pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Y tế (để b/c)
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế;
- Các đơn vị có tên tại mục V;
- CVP, các PCVP, các CV (gửi qua mạng);
- Lưu: VT, YT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Hòa