Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2020/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 22 tháng 01 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ CÁC KHU DU LỊCH, ĐIỂM DU LỊCH, BÃI TẮM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23 tháng 6 năm 2014 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam;

Căn cứ Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29 tháng 11 năm 2013 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam;

Căn cứ Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo số 82/2015/QH13 ngày 25 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam;

Căn cứ Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số: 2376/TTr-SVHTTDL ngày 21/10/2019.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 02 năm 2020.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Các cơ sở kinh doanh DVDL (Sở VHTTDL gửi văn bản)
- Các phòng: TH, KT, ĐTQHXD, NCKSTTHC;
- Lưu: VT, KGVXNV. Hương

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Hai

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ CÁC KHU DU LỊCH, ĐIỂM DU LỊCH, BÃI TẮM DU LỊCH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 04/2020/QĐ-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định công tác quản lý các khu du lịch, điểm du lịch và bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền.

b) Các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước kinh doanh du lịch và có liên quan đến hoạt động du lịch trong các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh.

c) Cộng đồng dân cư có tham gia hoạt động dịch vụ tại các khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch và khách du lịch khi đến các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ: Du lịch, Khách du lịch, Hoạt động du lịch, Tài nguyên du lịch, Sản phẩm du lịch, Khu du lịch, Điểm du lịch, Kinh doanh dịch vụ lữ hành, Hướng dẫn viên du lịch, Cơ sở lưu trú du lịch, Xúc tiến du lịch, Phát triển du lịch bền vững, Du lịch cộng đồng được hiểu theo quy định tại Điều 3 Luật Du lịch số 09/2017/QH14. Ngoài ra, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Bãi tắm du lịch: Là bãi cát tự nhiên hoặc tôn tạo gắn với biển, đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định trong quy chế này, được quản lý, đầu tư, khai thác để phục vụ khách du lịch và dân cư địa phương.

2. Dịch vụ du lịch: Là việc cung cấp các dịch vụ về lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, thông tin, hướng dẫn và những dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

3. Kinh doanh vận tải khách du lịch: Là việc cung cấp dịch vụ vận tải đường hàng không, đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt, đường bộ chuyên phục vụ khách du lịch theo chương trình du lịch, tại khu du lịch, điểm du lịch.

4. Dịch vụ thể thao: Là các dịch vụ chèo kayak, mô tô nước, dù kéo, dù lượn, lướt ván buồm, lướt ván diều, leo núi, lặn biển, lái xe mô tô, ô tô địa hình.... có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng dịch vụ.

5. Dịch vụ vui chơi giải trí: Là các dịch vụ câu cá, đốt lửa trại, hát với nhau, trò chơi có thưởng,...

6. Dịch vụ mua sắm: Là dịch vụ bán sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch.

7. Dịch vụ ăn uống: Là dịch vụ bán thức ăn, thức uống phục vụ nhu cầu ăn uống của khách du lịch.

8. Các dịch vụ khác: Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, thư giãn; dịch vụ chụp ảnh, quay phim; dịch vụ cho thuê: lều trại, trang phục, phao bơi,...

Điều 3. Nguyên tắc quản lý khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch

1. Các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh phải có nội quy và quy chế hoạt động theo quy định của pháp luật và quy định này để thực hiện.

2. Đảm bảo quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch một cách hợp lý theo quy hoạch đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Có giải pháp phát triển phù hợp điều kiện thực tế, đáp ứng yêu cầu thu hút khách du lịch.

3. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh phải đảm bảo thực hiện đúng quy định về kinh doanh dịch vụ du lịch, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật và quy định này.

4. Nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân địa phương và khách du lịch trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường du lịch, bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị của tài nguyên du lịch, nâng cao chất lượng du lịch, đa dạng sản phẩm du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khai thác có hiệu quả tiềm năng và thụ hưởng quyền lợi từ hoạt động du lịch.

5. Các sở, ban, ngành của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm phối hợp thực hiện quản lý nhà nước đối với hoạt động tại các khu du lịch theo quy định của pháp luật và quy định này.

Chương II

THÀNH LẬP BAN QUẢN LÝ KHU DU LỊCH, ĐIỂM DU LỊCH

Điều 4. Thành lập Ban quản lý khu du lịch, điểm du lịch

1. Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể Ban quản lý khu du lịch, điểm du lịch theo quy định của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập và quy định về phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy của Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Cơ cấu tổ chức của Ban quản lý khu du lịch, điểm du lịch được quy định căn cứ vào các quy định hiện hành và phù hợp với quy mô, đặc điểm, tình hình phát triển du lịch và tình hình thực tế của địa phương; đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả và ưu tiên tận dụng các nguồn lực sẵn có của địa phương, đơn vị.

3. Ban quản lý khu du lịch, điểm du lịch có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ quản lý các hoạt động du lịch tại khu du lịch, điểm du lịch; chịu sự chỉ đạo, quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố hoặc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý trực tiếp.

4. Nguồn tài chính phục vụ cho công tác quản lý khu du lịch, điểm du lịch bao gồm: Ngân sách nhà nước; khoản thu từ phí tham quan được thực hiện theo quy định của pháp luật về phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước; khoản thu từ hoạt động dịch vụ tại khu du lịch; khoản tài trợ và đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; các nguồn tài chính hợp pháp khác.

5. Đối với các đơn vị ngoài công lập được giao quản lý các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch có trách nhiệm xây dựng mô hình tổ chức quản lý hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế và đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật và nội dung tại Quy định này.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý khu du lịch, điểm du lịch

1. Bảo vệ, tôn tạo, phát triển tài nguyên du lịch.

2. Quản lý việc thực hiện quy hoạch và đầu tư theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phát hiện, đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý các dự án đầu tư không đúng với quy hoạch hoặc có tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường.

3. Quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong khu du lịch, điểm du lịch (trong đó có bãi tắm du lịch).

4. Cung cấp thông tin, hướng dẫn, giới thiệu cho khách du lịch về các điểm tham quan, về hệ thống các sản phẩm và dịch vụ du lịch đang được khai thác.

5. Phối hợp tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức về văn hóa cộng đồng địa phương, nghiệp vụ du lịch, bảo vệ môi trường... cho các đối tượng có liên quan.

6. Bảo đảm môi trường du lịch, an ninh trật tự, an toàn cho du khách trong khu du lịch, điểm du lịch; đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, xâm hại tài nguyên du lịch.

7. Bảo vệ lợi ích cộng đồng dân cư tại địa phương, bảo đảm sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch.

8. Tổ chức tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của khách du lịch.

9. Các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương III

ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN CỦA BÃI TẮM DU LỊCH

Điều 6. Điều kiện về kết cấu hạ tầng

1. Có bãi cát mịn, bề mặt được san phẳng, có độ dày cát và độ thoải đảm bảo an toàn cho du khách.

2. Có hệ thống giao thông kết nối đến bãi tắm du lịch đảm bảo thuận lợi và an toàn. Có điểm trông giữ xe cho khách du lịch hoặc điểm neo đậu phương tiện thủy chờ khách du lịch nằm ngoài khu vực bãi tắm du lịch và tuân thủ quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa.

3. Có hệ thống thông tin liên lạc đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác cảnh báo, cứu hộ cứu nạn.

4. Có hệ thống điện đáp ứng yêu cầu, hệ thống nước ngọt đảm bảo vệ sinh, đáp ứng nhu cầu tắm tráng và hoạt động kinh doanh dịch vụ hỗ trợ, hệ thống thu gom rác thải và hệ thống xử lý nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường.

5. Có hệ thống thu gom tách riêng nước mưa và nước thải sinh hoạt; có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn (hệ thống xử lý nước thải ngầm, xả thải ngoài khu vực bãi tắm, không được xả trực tiếp ra biển).

Điều 7. Điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật

1. Có ít nhất 01 xuồng cứu sinh (hoặc Ca nô) được đăng ký, đăng kiểm theo quy định, đảm bảo chất lượng và đáp ứng công tác cứu hộ cứu nạn khi có sự cố xảy ra, người điều khiển phương tiện phải có văn bằng, chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Trên mỗi xuồng có trang bị tối thiểu 06 áo phao cá nhân, 02 phao tròn (mỗi phao tròn kèm dây ném chiều dài 25-30m) và có bộ đồ lặn kèm theo bình dưỡng khí.

2. Có hệ thống phao tiêu, cờ chỉ giới, biển báo hiệu vùng hành lang an toàn, màu sắc tương phản với màu nước, dễ quan sát, đảm bảo yêu cầu cảnh báo.

3. Có tối thiểu 02 bảng nội quy đặt ở vị trí dễ quan sát, kích thước mỗi bảng tối thiểu 6m2 quy định nội quy bãi tắm bằng 2 thứ tiếng: Tiếng Việt, Tiếng Anh, chữ rõ ràng không tẩy xóa, đảm bảo mỹ quan. Khoảng cách tối thiểu của các bảng nội quy là 50m (Nếu bãi tắm có chiều dài dưới 50m thì đặt 01 bảng Nội quy ngay cổng ra vào và 01 bảng Nội quy ngay bãi tắm).

4. Có trạm quan sát cứu hộ cứu nạn, khoảng cách giữa các trạm quan sát tối đa là 200m, được xây dựng phù hợp với không gian biển và đảm bảo bao quát toàn bộ bãi tắm.

5. Mỗi bãi tắm có ít nhất 02 khu nhà tắm tráng nước ngọt (nam, nữ riêng biệt), mỗi khu có diện tích tối thiểu đạt 25m2. Khu vệ sinh công cộng tại bãi tắm du lịch đảm bảo các tiêu chí quy định tại Quyết định số 225/QĐ- TCDL ngày 08 tháng 5 năm 2012 của Tổng cục Du lịch.

6. Có tủ đựng đồ cho du khách và có khóa riêng cho từng ngăn tủ.

7. Bố trí các thùng thu gom rác thải sinh hoạt tại các khu vực bãi tắm, khoảng cách tối thiểu của các thùng rác là 50m (nếu bãi tắm có chiều dài nhỏ hơn 50m thì đặt 01 thùng rác).

8. Có hệ thống loa phát thanh và tối thiểu 03 loa cầm tay chất lượng tốt. Hệ thống loa này thường xuyên phát các nội dung liên quan cảnh báo an toàn và nội quy bãi tắm bằng 2 thứ tiếng Tiếng Việt và Tiếng Anh. Loa cầm tay chỉ sử dụng cho từng vụ việc cụ thể do cấp cứu viên hay quản lý bãi tắm sử dụng.

9. Có hòm thư góp ý, đặt ở vị trí dễ quan sát, chất liệu phù hợp với khí hậu địa phương. Có số điện thoại của Ban quản lý bãi tắm, Ban quản lý các khu du lịch địa phương và các số điện thoại đường dây nóng của ngành du lịch để tiếp nhận và xử lý kịp thời ý kiến của du khách. Các số điện thoại trên phải được công bố công khai ở những nơi dễ quan sát.

10. Đảm bảo an ninh trật tự; vệ sinh môi trường; phòng cháy, chữa cháy; cứu hộ, cứu nạn; phương tiện sơ cứu y tế và các phương tiện khác tuân thủ theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của khách du lịch.

11. Đối với các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch ven biển phải đảm bảo các điều kiện quy định tại các khoản 2, 3, 4, 9 của Điều này. Thường xuyên khảo sát, bổ sung áo phao cứu hộ, phao phân luồng bãi tắm đảm bảo an toàn cho du khách và có trang bị phương tiện loa cầm tay.

Điều 8. Điều kiện bảo vệ môi trường

1. Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc Đề án bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, xác nhận. Lập hồ sơ cấp phép xả thải vào nguồn nước theo quy định.

2. Thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc Đề án bảo vệ môi trường đã được xác nhận và tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

3. Thực hiện chế độ báo cáo môi trường theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

4. Trước và sau khi bãi tắm hoạt động đón khách phải làm vệ sinh bãi tắm sạch sẽ đồng thời có trách nhiệm thu gom rác thải trong phạm vi bãi tắm thường xuyên hàng ngày.

5. Thu gom và xử lý lượng nước thải phát sinh đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường theo quy định. Quản lý, thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý các loại chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường phát sinh đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh môi trường theo quy định.

6. Trong quá trình hoạt động của bãi tắm, đội quản lý an ninh trật tự và vệ sinh môi trường phải có trách nhiệm nhắc nhỡ du khách bảo vệ môi trường.

7. Thực hiện nghĩa vụ nộp phí vệ sinh môi trường theo quy định.

Điều 9. Yêu cầu đối với nhân lực làm việc tại bãi tắm du lịch

1. Có lực lượng lao động làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn, cứu đuối nước, bảo vệ, hướng dẫn viên, lái xuồng, tất cả phải được tập huấn chuyên môn nghiệp vụ phù hợp (có chứng chỉ), đặc biệt phải qua đào tạo sơ cấp cứu y tế.

2. Phải có nhân viên cứu hộ thường trực tại bãi tắm với số lượng được phân bổ đều theo chiều dài bãi tắm. Trong những thời điểm có mật độ người tắm đông thì tăng cường thêm nhân viên cứu hộ để đảm bảo an toàn cho du khách.

3. Có ký kết hợp đồng lao động.

4. Trang phục và đeo phù hiệu đúng quy định của đơn vị quản lý bãi tắm.

Chương IV

QUẢN LÝ KHU DU LỊCH, ĐIỂM DU LỊCH, BÃI TẮM DU LỊCH

Điều 10. Quản lý công tác quy hoạch, đầu tư, khai thác và bảo vệ tài nguyên du lịch

1. Các khu du lịch, điểm du lịch được xây dựng, phát triển và quản lý theo đúng quy định hiện hành của nhà nước về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch đô thị. Trong quá trình xây dựng và kinh doanh phải thực hiện nghiêm túc các giải pháp nhằm không gây ảnh hưởng tác hại về môi trường, di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan, đời sống văn hóa xã hội trong khu vực và cộng đồng dân cư địa phương. Quản lý và thực hiện đầy đủ các quy định theo pháp luật trong hành lang bảo vệ bờ biển do Ủy ban nhân dân tỉnh thiết lập và công bố.

2. Việc quản lý và sử dụng đất vào mục đích đầu tư xây dựng các công trình kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt và theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân khi sử dụng đất trong các khu du lịch, điểm du lịch làm dịch vụ du lịch phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng diện tích được giao; tuân thủ các quy định về môi trường, tài nguyên đất; không tranh chấp đất.

3. Nhà nước đầu tư một số công trình hạ tầng cơ bản. Đồng thời khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cũng như các hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ tại các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 11. Quản lý các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch bao gồm dịch vụ lữ hành, lưu trú du lịch, vận tải khách du lịch, ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch khi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch phải có giấy phép kinh doanh và kinh doanh đúng ngành, nghề đã đăng ký được cấp phép kinh doanh

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trong các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch phải thực hiện các nội dung sau đây:

a) Tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành và quy định này.

b) Chấp hành sự kiểm tra, giám sát về chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch trong khu du lịch, điểm du lịch.

c) Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về điều kiện, nghĩa vụ đối với từng loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch, thực hiện chế độ báo cáo thống kê đến cơ quan quản lý chuyên ngành và địa phương theo quy định; phải bán hàng đúng nơi quy định, thực hiện bán hàng đúng giá niêm yết, giá niêm yết công khai tại nơi khách hàng dễ dàng nhận biết, các cơ quan dễ kiểm tra, kiểm soát. Đồng thời phải thực hiện xuất hóa đơn cho khách hàng khi hoàn thành việc cung ứng dịch vụ. Thực hiện đón tiếp, phục vụ khách bằng thái độ thân thiện lịch sự, hòa nhã, không được tranh giành, đeo bám khách, gây mất trật tự an ninh trong khu du lịch.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải khách du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao phải thực hiện niêm yết quy định rõ những trường hợp không được phép tham gia, tổ chức quản lý, bảo vệ tài sản, tính mạng và mua bảo hiểm cho khách du lịch khi tham gia các hoạt động dịch vụ.

4. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lữ hành phải đảm bảo các điều kiện về hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành và hướng dẫn du lịch theo quy định; phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho khách khi tổ chức chương trình tham quan các tuyến du lịch trên địa bàn tỉnh; cung cấp thông tin cho khách về quy định bảo vệ tài nguyên du lịch, vệ sinh môi trường; không được để khách lợi dụng hoạt động du lịch để xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và thuần phong mỹ tục của các dân tộc; phản ánh kịp thời với chính quyền địa phương về các hành vi gây tổn hại đến an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, cảnh quan du lịch trên địa bàn.

Điều 12. Quản lý, khai thác bãi tắm du lịch

1. Quy định thời gian hoạt động của bãi tắm phù hợp với đặc điểm tự nhiên của từng khu vực “Thời gian hoạt động thông thường của bãi tắm từ 6 giờ 00 đến 18 giờ 00 hàng ngày”. Nếu hoạt động ngoài khung thời gian quy định thì phải trang bị đầy đủ các phương tiện đảm bảo an toàn cho du khách, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn phù hợp với ban đêm, hệ thống phao tiêu phát sáng và được chấp thuận của đơn vị quản lý bãi tắm, nhưng không trước 4 giờ 30 phút và không quá 21 giờ 00 phút.

2. Khảo sát và xây dựng biểu đồ hiện trạng bãi tắm chiều dài, chiều rộng, độ sâu mực nước, độ nước xoáy, độ sóng, thủy triều theo mùa.

3. Thành lập lực lượng cứu hộ, cứu nạn, cứu đuối, y tế, quản lý an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm trong phục vụ khai thác bãi tắm có chuyên môn nghiệp vụ theo chức năng nhiệm vụ của từng vị trí công việc.

4. Xây dựng phương án quản lý khai thác bãi tắm.

5. Ban hành Nội quy bãi tắm.

6. Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường.

7. Tổ chức, cá nhân đã được giao đất, cho thuê đất để hoạt động kinh doanh du lịch (có tiếp giáp với bãi biển) chỉ được phép tổ chức hoạt động kinh doanh trong ranh giới đất được giao, được cho thuê. Trường hợp có tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao biển phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền và thực hiện các quy định tại Quyết định số 51/2013/QĐ-UBND ngày 19/11/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định quản lý các vùng hoạt động thể thao giải trí trên biển tại địa bàn tỉnh Bình Thuận.

8. Lập hồ sơ cấp phép xả thải vào nguồn nước theo quy định.

9. Định kỳ 6 tháng các tổ chức, cá nhân quản lý khai thác bãi tắm thực hiện quan trắc môi trường nước để giám sát các thông số tác nhân sinh học có thể lây nhiễm bệnh dịch qua nước, không khí, cát biển.

10. Phân công lực lượng thu gom rác ven biển (trên biển, trên bờ) hàng ngày.

Điều 13. Bảo đảm an toàn cho khách du lịch

1. Ban quản lý khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch cùng với Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tổ chức bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu đặc biệt tại khu vực tắm biển, ghềnh, thác. Các bộ phận trên có trách nhiệm áp dụng các biện pháp cần thiết để phòng ngừa rủi ro, bảo đảm an toàn tính mạng của khách du lịch (cắm cờ báo khu vực nguy hiểm), trang bị đầy đủ các trang thiết bị phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an toàn cho khách du lịch khi tham quan và tham gia các dịch vụ. Trong trường hợp khẩn cấp phải kịp thời có biện pháp cứu hộ, cứu nạn để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đến tính mạng, tài sản đối với khách du lịch.

2. Các tổ chức, cá nhân có biện pháp đảm bảo an toàn khi kinh doanh các sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch theo quy định tại Điều 9 Nghị định 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

3. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ ăn uống phải tuân thủ đúng quy định về điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Điều 14. Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường trong khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch

1. Khách đến tham quan, du lịch tại khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quy định được niêm yết hoặc được phổ biến và có quyền khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền về những vi phạm đối với quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

2. Ban quản lý khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch phải chấp hành đầy đủ các quy định về công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trong khu du lịch và có trách nhiệm như sau:

a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của khách cũng như đối với các quy định trong nội quy, quy chế của khu du lịch, điểm du lịch, những hành vi lợi dụng hoạt động du lịch truyền bá văn hóa trái với thuần phong mỹ tục, lợi ích của người Việt Nam và các hoạt động thu thập thông tin thuộc bí mật Nhà nước gây phương hại đến an ninh quốc gia ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa và thuần phong mỹ tục của cộng đồng dân cư địa phương.

b) Tham gia phát hiện và đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội; không được mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy, các chất gây nghiện; không tổ chức, chứa chấp, môi giới mua bán dâm; không kinh doanh, phổ biến văn hóa phẩm thuộc loại cấm lưu hành; không tuyên truyền hoạt động mê tín dị đoan, truyền đạo trái phép làm ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch.

c) Không tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ, các chất dễ cháy, chất độc, chất phóng xạ; không chứa chấp tội phạm đang trốn tránh pháp luật và các hoạt động trái pháp luật khác.

d) Có kế hoạch, phương án và các phương tiện về phòng cháy, chữa cháy theo quy định.

e) Thực hiện các quy định về an toàn giao thông, các phương tiện vận tải khách du lịch trong các khu du lịch, điểm du lịch phải được đăng ký và quản lý theo quy định. Không được xây dựng các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông.

g) Các phương tiện của khách đến các khu du lịch đều phải để đúng nơi quy định. Ban quản lý khu, điểm du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong khu du lịch, điểm du lịch có trách nhiệm đảm bảo an toàn phương tiện, tài sản cho khách du lịch.

4. Ban quản lý khu, điểm du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ thực hiện đánh giá tác động môi trường, đăng ký cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường, trong đó giải trình các yếu tố có thể gây ảnh hưởng đến môi trường và các biện pháp giảm thiểu. Bảo đảm thực hiện đúng các tiêu chuẩn môi trường trong quá trình kinh doanh dịch vụ trong khu du lịch, điểm du lịch. Lập hồ sơ cấp phép xả thải vào nguồn nước theo quy định.

5. Ban quản lý khu, điểm du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ có trách nhiệm niêm yết nội quy bảo vệ môi trường tại khu du lịch, các cơ sở kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch. Tổ chức phương tiện, hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải đúng quy định; khắc phục tác động tiêu cực do hoạt động của mình và của du khách gây ra, đảm bảo vệ sinh môi trường trong phạm vi quản lý của mình. Đối với các khu du lịch, điểm du lịch có bãi tắm du lịch phải đảm bảo các điều kiện bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 8 trong Quy định này.

6. Nhân dân được tham gia và hưởng lợi từ hoạt động du lịch, có trách nhiệm bảo vệ tài nguyên du lịch, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ bản sắc văn hóa địa phương và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khác.

Điều 15. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tại các khu, điểm du lịch

1. Ban quản lý khu du lịch, điểm du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong khu, điểm du lịch phải có trách nhiệm bảo vệ các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình công cộng; giữ gìn phong tục, tập quán truyền thống tốt đẹp, nghệ thuật, lễ hội dân gian các dân tộc và phát huy nghề thủ công truyền thống; thực hiện nếp sống văn hóa góp phần xây dựng môi trường văn hóa du lịch văn minh.

2. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa và các hoạt động văn hóa tại các khu du lịch phải tuân thủ quy định về quản lý đối với di sản văn hóa và dịch vụ văn hóa. Việc tổ chức khai thác các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh phục vụ kinh doanh du lịch phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

3. Hoạt động trong các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh không được làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống, đạo đức và thuần phong mỹ tục của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

4. Tham gia các hoạt động bảo tồn, sử dụng và phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống của các dân tộc, xây dựng các đội văn nghệ dân tộc phục vụ khách tham quan du lịch.

Điều 16. Công tác thông tin, hỗ trợ du khách

1. Xây dựng hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, điểm cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tiếp cận các khu du lịch dễ dàng. Các biển báo phải tuân thủ theo tiêu chuẩn quy định của bộ, ngành chức năng liên quan.

2. Ban quản lý khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch có trách nhiệm:

- Đầu tư xây dựng hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, điểm cung cấp thông tin phục vụ khách du lịch trong các địa điểm đã được cơ quan thẩm quyền giao quản lý, khai thác.

- Hỗ trợ thông tin, giải quyết các yêu cầu, kiến nghị cần thiết và chính đáng của khách du lịch trong các trường hợp cần trợ giúp, tạo điều kiện thuận lợi để khách du lịch dễ dàng tiếp cận thông tin, được tư vấn, chọn lọc các cơ sở lưu trú du lịch, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch, giải trí.

3. Ban quản lý khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch có trách nhiệm ghi nhận phản ánh của khách du lịch về tình hình phục vụ khách, chất lượng dịch vụ, giá cả và thông tin kịp thời để các đơn vị liên quan có biện pháp xử lý, chấn chỉnh các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch chưa đúng quy định hoặc sai phạm.

Chương IV

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

Điều 17. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh lập quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết phát triển các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; phối hợp kiểm tra, giám sát nội dung và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý thực hiện quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết đối với các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

c) Phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

d) Thẩm định hồ sơ và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận khu du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch trên địa bàn.

e) Thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong việc chấp hành quy định đối với các hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú, hướng dẫn viên du lịch, ăn uống, thể thao, vui chơi, giải trí và dịch vụ liên quan khác phục vụ khách du lịch trong các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật hiện hành.

g) Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm đối với dự án đầu tư không đúng quy hoạch hoặc có tác động phá hoại tài nguyên du lịch và cảnh quan môi trường; các cơ sở kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, xâm hại tài nguyên du lịch.

h) Nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng và phát triển các khu du lịch trên địa bàn tỉnh.

i) Phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh phục vụ phát triển du lịch theo quy định của pháp luật.

k) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, tổ chức lại, giải thể Ban quản lý khu du lịch, điểm du lịch được phân công quản lý theo đúng quy định.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh theo quy định.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí nguồn kinh phí ngân sách nhà nước đầu tư hạ tầng du lịch cho các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan liên quan giám sát, theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở ban ngành, địa phương liên quan trong việc xác định ranh giới tại các điểm du lịch, khu du lịch trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện các thủ tục giao đất, cho thuê theo quy định.

b) Chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại các điểm du lịch, khu du lịch theo thẩm quyền để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định.

c) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong các điểm du lịch, khu du lịch; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành”

4. Sở Xây dựng

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng tại các khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch theo thẩm quyền. Hướng dẫn thủ tục về xây dựng tại các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

b) Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về xây dựng tại các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền pháp luật quy định.

5. Sở Y tế

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

b) Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ bên trong các khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh; xây dựng phương án cứu nạn, cứu hộ về y tế cho khách du lịch.

c) Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Giao thông vận tải

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đến các khu du lịch; quy hoạch, cấp phép các bến, bãi đỗ xe, phương tiện thủy nội địa tại các khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh.

b) Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông đối với các phương tiện vận chuyển khách du lịch đến các khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch; các phương tiện vận chuyển khách trong khu du lịch có liên quan đến hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy nội địa theo thẩm quyền; kiểm tra các bến, bãi và điểm dừng đỗ phương tiện, xử lý vi phạm đối với các phương tiện vận chuyển khách du lịch theo quy định của pháp luật.

c) Đầu tư xây dựng mới và nâng cấp hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn đặt trong các khu vực trung tâm đô thị và trên tuyến quốc lộ chạy qua địa phận tỉnh. Đặc biệt là các biển hướng dẫn, chỉ đường đến các khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh.

d) Hướng dẫn và kiểm tra các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh bãi tắm du lịch về các tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của các phương tiện xuồng cứu hộ, cứu nạn; chuyên môn, nghiệp vụ của người điều hành phương tiện và công tác đảm bảo trật tự an toàn trong hoạt động giao thông đường thủy nội địa có liên quan đến bãi tắm du lịch; Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố nơi có bãi tắm du lịch tổ chức phân luồng và xác định vị trí điểm neo đậu cho các tàu thuyền xa khu vực hành lang an toàn bãi tắm du lịch.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài động vật hoang dã quí hiếm, rừng nguyên sinh ở các khu, điểm du lịch.

b) Hướng dẫn các Ban quản lý rừng, ban quản lý khu bảo tồn phối hợp với tổ chức, cá nhân lập dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phù hợp với phương án quản lý rừng, bảo tồn sinh thái và các quy định của pháp luật có liên quan. Chỉ đạo Ban quản lý rừng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện cho thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và quản lý các công trình xây dựng trong rừng phục vụ du lịch.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, quản lý đối với các công trình thủy lợi, công trình đê điều trong các khu, điểm du lịch, bãi tắm trên địa bàn tỉnh. Đề xuất xây dựng kè chắn sóng ở các khu vực bờ biển thường xuyên bị sạt lỡ.

d) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/04/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và Quyết định số 1520/QĐ-UBND ngày 17/06/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bình Thuận năm 2019-2020, định hướng đến năm 2030 góp phần tạo ra các sản phẩm phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp phòng chống các tệ nạn xã hội và kiểm tra, xử lý các vi phạm về tệ nạn xã hội tại các khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh.

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch cho các khu, điểm du lịch.

9. Sở Công thương

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại trong các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại.

b) Chủ trì, phối hợp với địa phương tuyên truyền phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm, kiểm tra xác nhận kiến thức, thẩm định cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành công thương tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

10. Cục Quản lý thị trường tỉnh

Thường xuyên kiểm tra, xử lý các vi phạm về hoạt động kinh doanh bán hàng hóa không đảm bảo chất lượng tại các khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh.

11. Sở Tài chính

Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về giá trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.

12. Sở Nội vụ

Phối hợp, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể và việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của Ban quản lý khu, điểm du lịch theo quy định hiện hành.

13. Cục Thuế tỉnh

a) Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về thuế, quản lý chặt chẽ các nguồn thu ngân sách phát sinh liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.

b) Phối hợp với các sở ban ngành liên quan trong việc kiểm tra quản lý các tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ du lịch chấp hành nghĩa vụ thuế, hóa đơn chứng từ đúng quy định.

14. Công an tỉnh

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm quy định của nhà nước về đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng phương án, kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách tại các khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh.

b) Chỉ đạo Công an đơn vị, địa phương xây dựng kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn quản lý.

15. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

a) Phối hợp với các cơ quan liên quan tham gia quản lý các khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực hiện tốt công tác phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.

b) Bộ đội biên phòng tỉnh chủ trì thực hiện giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ và bảo đảm quốc phòng, an ninh trong khu vực có hoạt động du lịch.

c) Chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Điều 18. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

1. Giám sát, chỉ đạo đối với các dự án đầu tư phát triển tại các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn thực hiện theo đúng quy hoạch, đề án phát triển du lịch của tỉnh và của huyện, thị xã, thành phố đã được phê duyệt.

2. Phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cơ chế, chính sách về quy hoạch, đầu tư, quản lý, sử dụng và bảo vệ các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa tỉnh.

3. Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện việc thành lập, tổ chức lại, giải thể Ban quản lý khu du lịch, điểm du lịch được phân công quản lý theo đúng quy định.

4. Chỉ đạo các bộ phận chức năng trực thuộc, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với Ban quản lý khu du lịch, điểm du lịch thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên du lịch, bảo vệ, tôn tạo, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên du lịch; thực hiện tốt công tác quản lý các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, điểm du lịch cộng đồng trong các khu du lịch, điểm du lịch trên địa bàn theo quy định của pháp luật và quy định này.

5. Phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn theo quy định của pháp luật và quy định này.

6. Xây dựng nội quy, quy chế hoạt động của các khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch phù hợp với đặc điểm từng khu vực; Đối với các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch có nhiều cơ sở lưu trú du lịch thì nội quy hoạt động phải đảm bảo hài hòa các lợi ích của cộng đồng dân cư, khách du lịch và hoạt động kinh doanh của đơn vị.

7. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn trực thuộc lập hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch cấp tỉnh, điểm du lịch khi đủ điều kiện công nhận theo quy định của Luật Du lịch.

8. Thực hiện quản lý nhà nước về du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn theo quy định; thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên du lịch, giữ gìn vệ sinh, xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho du khách tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn.

9. Chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm hành chính trong các khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn theo thẩm quyền; trường hợp vượt quá thẩm quyền quy định thì báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng của tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật.

10. Rà soát, thẩm định, phê duyệt, công bố các khu vực bãi tắm biển đủ điều kiện hoạt động. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, rà soát, cập nhật các bãi tắm du lịch trên địa bàn, cung cấp cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp quản lý, không để xảy ra tình trạng bãi tắm du lịch tự phát không có sự quản lý. Tổ chức cắm bảng “Cấm tắm biển” tại các bãi biển không đủ điều kiện hoạt động, không có cứu hộ, cứu nạn hoặc những bãi tắm nguy hiểm.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện các quy định của Quy định này góp phần xây dựng và phát triển các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành hoặc buộc chấm dứt hoạt động kinh doanh.

3. Tổ chức, cá nhân nếu để xảy ra thiệt hại về người, tài sản thuộc trách nhiệm của mình phải bồi thường hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Tổ chức thực hiện

1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy định này; định kỳ hàng năm và đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình và kết quả thực hiện.

2. Các sở, ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện trách nhiệm được giao trong Quy định này.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này đối với các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch thuộc địa bàn; định kỳ hàng năm (trước ngày 15/12) báo cáo kết quả thực hiện Quy định này về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

4. Ban quản lý khu, điểm du lịch, bãi tắm du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn thực hiện công tác quản lý tại các khu, điểm du lịch theo nội quy, quy chế của khu du lịch, điểm du lịch và các nội dung tại Quy định này.

5. Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và khách du lịch trong các khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch có trách nhiệm thực hiện các nội dung quy định tại Quy định này.

6. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, tổ chức và cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung theo quy định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 04/2020/QĐ-UBND quy định về quản lý khu du lịch, điểm du lịch, bãi tắm du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

  • Số hiệu: 04/2020/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/01/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Hai
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/02/2020
  • Ngày hết hiệu lực: 14/06/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản