Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/1998/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 1 năm 1998

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỪ NĂM 1998 ĐẾN NĂM 2002 VÀ THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP CÔNG TÁC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2002.

Điều 2. Thành lập Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp làm Chủ tịch và gồm các thành viên sau đây:

1. Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin

2. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

3. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

4. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

5. Thứ trưởng Bộ Nội vụ

6. Phó Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ

7. Phó Chủ nhiệm ủy ban Dân tộc và Miền núi

9. Phó Chủ nhiệm ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam

10. Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam

11. Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam

12. Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.

Mời đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương; Ban Khoa giáo Trung ương; Báo Nhân dân; ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Văn phòng Quốc hội; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Trung ương Hội Luật gia tham gia Hội đồng.

Bộ Tư pháp là cơ quan thường trực của Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều 3. Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có các nhiệm vụ sau đây:

1. Đề ra kế hoạch phối hợp phổ biến, giáo dục hàng quý, hàng năm để các ngành, các cấp phối hợp thực hiện, trên cơ sở kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ban hành kèm theo Quyết định này;

2. Định kỳ nghe báo cáo và thường xuyên kiểm tra đôn đốc các cấp, các ngành thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật ở lĩnh vực được phân công;

3. Phối hợp xây dựng lực lượng báo cáo viên của các ngành, huy động kinh phí từ các nguồn ngoài kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật được cấp từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật;

4. Phối hợp tổ chức phổ biến các văn bản pháp luật quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

5. Định kỳ sơ kết, tổng kết và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong phạm vi cả nước và kiến nghị các biện pháp đẩy mạnh công tác đó.

Điều 4. Căn cứ vào thành phần, nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật quy định tại Quyết định này, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh để đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương theo Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 5. Căn cứ vào Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ban hành kèm theo Quyết định này và kế hoạch hàng qúy, hàng năm của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục ở Trung ương, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch hàng qúy, hàng năm của mình về phổ biến, giáo dục pháp luật.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Bộ Tư pháp có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quyết định này.

Điều 7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các thành viên Hội đồng Phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỪ NĂM 1998 ĐẾN NĂM 2002
(Kèm theo Quyết định số 03/ 1998/QĐ-TTg ngày 07tháng 01 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ)

A- MỤC TIÊU, YÊU CẦU CỦA KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT:

I. MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH LÀ:

1. Phổ cập kiến thức cơ bản về pháp luật cho các đối tượng áp dụng pháp luật; phổ biến các quy định của pháp luật về các lĩnh vực liên quan đến đời sống của các tầng lớp nhân dân; thực hiện chương trình giáo dục pháp luật có nề nếp trong các nhà trường.

2. Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, góp phần tăng cường trật tự, kỷ cương, ngăn ngừa có hiệu quả sự vi phạm pháp luật; nâng cao dân trí pháp lý, văn hoá pháp luật.

3. Xây dựng cơ chế phối hợp hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả, phát huy trách nhiệm của các ngành, các cấp, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội để đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vào nề nếp, có hiệu quả.

4. Xã hội hoá công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy tính chủ động, sáng tạo, cộng đồng trách nhiệm của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị dân cư, gia đình và của mọi công dân trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.

II. YÊU CẦU CỦA KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT:

1. Tập trung tuyên truyền những vấn đề mang tính cấp bách, thời sự trước mắt theo từng chuyên đề phù hợp với từng đối tượng để phục vụ yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, từng ngành, từng địa phương, trước hết là phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời nghiên cứu khảo sát thực tiễn để có biện pháp giải quyết những vấn đề mang tính chất cơ bản, lâu dài như kế hoạch tổng thể, dài hạn, định hướng xây dựng và tổ chức đội ngũ làm công tác phổ biến,giáo dục pháp luật, làm tư vấn pháp luật.

2. Thực hiện thường xuyên, liên tục, rộng khắp việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho mọi đối tượng, trước hết là cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, nhân dân ở thành thị, nông thôn, miền núi.

3. Các nội dung, hình thức, biện pháp phổ biến giáo dục pháp luật phải cụ thể, phù hợp với từng đối tượng và có tính khả thi, bảo đảm thực hiện có hiệu quả trong từng thời gian nhất định .

4. Gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc tổ chức thực thi pháp luật và phát huy hiệu quả của pháp luật trong cuộc sống. Gắn giáo dục pháp luật với giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, giáo dục văn hoá truyền thống, chú trọng đến việc chỉ đạo tổ chức thực hiện pháp luật ở các vùng, miền trọng điểm.

B. NỘI DUNG, BIỆN PHÁP, TIẾN ĐỘ VÀ PHÂN CÔNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

I. PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO CÁN BỘ, VIÊN CHỨC

1. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải giúp cán bộ, viên chức

a) Nắm vững lý luận cơ bản về Nhà nước - pháp luật nói chung và những kiến thức về pháp luật hành chính nói riêng; kiến thức cơ bản về pháp luật kinh tế;

b) Nắm có hệ thống và cập nhật các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý, chuyên môn nghiệp vụ theo chức danh công chức; nắm được các thông tin về tình hình thực hiện pháp luật.

c) Nâng cao năng lực vận dụng, thi hành pháp luật trên cương vị công tác và thực thi công vụ, xây dựng niềm tin pháp luật, ý thức nghiêm chỉnh tự giác thi hành pháp luật,tuân thủ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng pháp luật, có tinh thần kiên quyết bảo vệ kỷ cương phép nước, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nói chung và giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng.

2. Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phải phù hợp với từng đối tượng

a) Đối với cán bộ, viên chức hành chính và cán bộ chính quyền cơ sở cần phổ biến pháp luật hành chính, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước, chế độ công vụ, quy chế công chức, thủ tục giải quyết khiếu nại, tố cáo, quy chế tiếp công dân; quan hệ của cơ quan nhà nước với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.

b) Đối với cán bộ, viên chức thuộc các Bộ, ngành quản lý kinh tế còn phải được phổ biến pháp luật về quản lý kinh tế, pháp luật thương mại, dân sự, các điều ước quốc tế về hợp tác kinh tế của Việt Nam với các nước, nhất là các nước ASEAN, các tổ chức quốc tế và khu vực mà Việt Nam tham gia.

c) Đối với cán bộ, viên chức thuộc các cơ quan bảo vệ pháp luật còn phải được phổ biến pháp luật bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của công dân, về pháp luật tố tụng, trình tự thanh tra, kiểm tra; kết hợp chặt chẽ với việc tổ chức thực hiện pháp luật, áp dụng pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, về hoạt động thanh tra, điều tra, xét xử, thi hành án.

3. Biện pháp, phân công trách nhiệm và tiến độ thực hiện

a) Bồi dưỡng kiến thức pháp luật theo chuyên đề với thời gian ngắn:

- Đối tượng ưu tiên: cán bộ, viên chức thường xuyên tiếp xúc giải quyết công việc của dân; cán bộ viên chức quản lý kinh tế; cán bộ chính quyền cơ sở.

- Cơ quan thực hiện: Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Học viện Hành chính Quốc gia, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

- Tiến độ thực hiện:

- Năm 1998 - Ưu tiên thực hiện đối với cán bộ cơ sở.

- Từ năm 1999 trở đi - Thực hiện với các đối tượng khác.

b) Khai thác có hiệu quả hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã được cập nhật toàn văn và lưu giữ trên mạng tin học diện rộng của Chính phủ.

- Cơ quan thực hiện: Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, chỉ đạo các Văn phòng Bộ, Văn phòng ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tư pháp thực hiện.

- Tiến độ thực hiện:

- Năm 1998 - Thực hiện ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Từ năm 1999 trở đi - Từng bước mở rộng diện đến cấp huyện, cấp xã.

c) Xây dựng và khai thác tốt tủ sách pháp lý ở các cơ quan, đơn vị:

- Đối tượng ưu tiên: Các cơ quan quản lý kinh tế, chính quyền cấp cơ sở.

- Cơ quan thực hiện: từng cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp.

- Tiến độ thực hiện: Từ năm 1998 - Tất cả các cơ quan, đơn vị đồng loạt thực hiện và từng bước bổ sung.

d) Tiếp tục đưa nội dung pháp luật vào thi tuyển dụng, nâng bậc, chuyển ngạch, bổ nhiệm công chức:

- Đối tượng ưu tiên: Chuyên viên, chuyên viên chính.

- Cơ quan thực hiện: Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ chủ trì phối hợp với Học viện Hành chính Quốc gia, Bộ Tư pháp.

- Tiến độ thực hiện:

- Năm 1998 - Tổ chức kiểm tra nội dung pháp luật phổ thông, biên soạn tài liệu hướng dẫn về pháp luật chuyên ngành.

- Từ năm 1999 trở đi - Tổ chức thi với nội dung pháp luật theo chuyên ngành phù hợp với từng loại đối tượng.

đ) Biên soạn tài liệu tự học về pháp luật theo nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng đối tượng.

- Đối tượng ưu tiên: Cán bộ trung, cao cấp.

- Cơ quan thực hiện: Học viện Hành chính Quốc gia chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

- Tiến độ thực hiện:

. Năm 1998 - Biên soạn tài liệu.

. Từ năm 1999 trở đi - Phát hành rộng rãi.

e) Xây dựng chương trình chuẩn đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ, viên chức tại Học viện Hành chính quốc gia, các trường chính trị của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Đối tượng ưu tiên: Chuyên viên và chuyên viên chính.

- Cơ quan thực hiện: Học viện Hành chính Quốc gia chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ.

- Tiến độ thực hiện:

. Năm 1998 - Xây dựng chương trình.

. Từ năm 1999 trở đi - Biên soạn giáo trình, giảng dạy thí điểm và đưa vào giảng dạy.

II. GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO HỌC SINH - SINH VIÊN

1. Nội dung giáo dục pháp luật cần được xác định theo từng đối tượng học sinh - sinh viên

a) Đối với học sinh tiểu học (từ lớp 1 - 5), trước mắt tiến hành nghiên cứu, khảo sát xây dựng nội dung pháp luật phù hợp cho giáo dục tiểu học, gắn chặt với việc giáo dục đạo đức; phổ cập một số kiến thức pháp luật sơ đẳng nhất gắn với cuộc sống, học tập của các em, với những chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành vi thường ngày trong gia đình, ngoài đường phố, trong trường học ...

b) Đối với học sinh phổ thông cơ sở (từ lớp 6 - 9), trước mắt, tiếp tục phổ cập kiến thức pháp luật phổ thông đã có trong chương trình. Cần tiến hành nghiên cứu, khảo sát để sửa đổi, bổ sung về nội dung cho phù hợp với lứa tuổi và pháp luật hiện hành.

c) Đối với học sinh phổ thông trung học (từ lớp 10 - 12), trước mắt, tiếp tục phổ cập kiến thức pháp luật phổ thông cơ bản, thiết thực đã có trong chương trình hiện hành. Chuẩn bị cho việc nghiên cứu, khảo sát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, trong đó chú trọng trang bị kiến thức cơ bản, tối thiểu về Nhà nước và pháp luật, về các quyền và nghĩa vụ công dân, về các quan hệ pháp luật trong một số lĩnh vực thiết yếu với cuộc sống: dân sự, hình sự, lao động, kinh tế, hôn nhân và gia đình, đồng thời có gắn với những vấn đề thời sự về pháp luật như phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường ....

d )Đối với học sinh trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, tiếp tục nghiên cứu bổ sung chương trình cho phù hợp, trong đó tập trung trang bị những kiến thức pháp luật phổ cập có hệ thống hơn so với chương trình của học sinh trung học phổ thông, gắn với lĩnh vực chuyên ngành và ngành nghề mà học sinh được đào tạo để học sinh có thể ứng dụng vào cuộc sống.

e) Đối với sinh viên Đại học, cao đẳng, ngoài chương trình đại cương hiện hành, việc biên soạn bổ sung, hoàn chỉnh giáo trình được thực hiện tuỳ thuộc yêu cầu nội dung của từng trường hoặc khối trường. Nội dung đó bao gồm phần lý luận cơ bản về nhà nước, những nguyên lý chung về pháp luật và mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật. Phần pháp luật chuyên ngành đi sâu vào nội dung cơ bản về khái niệm, đối tượng, phương pháp điều chỉnh của một số ngành luật, tạo tiền đề cho việc nghiên cứu sâu và áp dụng trong thực tiễn chuyên ngành luật có liên quan đến lĩnh vực công tác, lao động của mình .

2. Biện pháp, phân công trách nhiệm và tiến độ thực hiện

a) Xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục pháp luật

- Năm 1998:

- Khảo sát, nghiên cứu, xây dựng chương trình tích hợp nội dung pháp luật trong môn đạo đức để phổ cập giáo dục pháp luật cho học sinh bậc tiểu học.

- Tiếp tục thực hiện chương trình pháp luật lồng ghép hiện có trong môn giáo dục công dân (lớp 8, 9, 12); nghiên cứu, xây dựng kế hoạch sửa đổi các chương trình hiện hành, bổ sung chương trình giáo dục pháp luật cho các lớp 6, 7, 10, 11 theo hướng lồng ghép nội dung pháp luật trong môn giáo dục công dân.

- Tiếp tục thực hiện chương trình môn học pháp luật hiện có cho học sinh trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

- Từ năm 1999 trở đi:

- Khảo sát, nghiên cứu tình hình thực hiện chương trình môn học "pháp luật đại cương" trong các trường đại học - cao đẳng không chuyên luật.

- Khảo sát, nghiên cứu xây dựng chương trình môn học pháp luật dành riêng cho sinh viên các trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học sư phạm để sinh viên khi ra trường có thể đảm nhận công tác giảng dạy môn pháp luật trong các trường Đại học.

- Nghiên cứu, xây dựng kế hoạch đưa môn học tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vào chương trình đào tạo các trường đại học luật, khoa luật của đại học Quốc gia, tạo nguồn bổ sung đội ngũ giáo viên dạy pháp luật trong các trường trung học chuyên nghiệp và daỵ nghề, đại học và cao đẳng, đồng thời trang bị kiến thức về phổ biến giáo dục pháp luật cho các luật gia tương lai.

- Thực hiện thí điểm và từng bước triển khai đại trà việc tổ chức thi hết môn giáo dục công dân ở bậc học phổ thông và môn pháp luật ở các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

- Thực hiện thí điểm, tiến tới thực hiện đầy đủ chương trình chuẩn về giáo dục pháp luật cho các bậc học.

- Nghiên cứu, xây dựng chương trình chuẩn môn Pháp luật đại cương dùng thống nhất cho các trường đại học - cao đẳng (không chuyên nghiệp).

- Nghiên cứu xây dựng các chương trình giáo dục pháp luật chuyên ngành trong các trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, đại học và c ao đẳng.

b) Xây dựng và kiện toàn đội ngũ giáo viên

- Năm 1998:

- Khảo sát, điều tra cơ bản thực trang đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục công dân và môn pháp luật trong các trường phổ thông, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, đại học và cao đẳng.

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo tại chức, luân huấn; tổ chức bồi dưỡng tập huấn theo chuyên đề pháp luật, có cấp chứng chỉ cho đội ngũ giáo viên hiện đang dạy pháp luật, dạy đạo đức ở bậc tiểu học.

- Xây dựng chế độ, chính sách khen thưởng phù hợp nhằm khuyến khích giáo viên gắn bó với nghề giáo dục pháp luật. Có quy chế ưu tiên cho giáo viên dạy pháp luật ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

- Từ năm 1999 trở đi:

- Từng bước chuẩn hoá đội ngũ giáo viên dạy pháp luật trong các trường phổ thông - trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, đại học và cao đẳng.

- Tổ chức thi giáo viên dạy giỏi môn pháp luật và môn giáo dục công dân, giáo dục đạo đức theo vùng miền và toàn quốc.

c) Cung cấp đầy đủ sách, tài liệu tham khảo cho giáo viên, học sinh

- Năm 1998:

- Nghiên cứu thành lập Hội đồng liên ngành Tư pháp-Giáo dục đào tạo biên soạn sách giáo dục pháp luật.

- Tổ chức chỉnh lý bộ sách giáo khoa môn giáo dục công dân, giáo dục pháp luật hiện hành.

- Xây dựng đề cương bộ sách giáo dục pháp luật chuẩn.

- Biên sọan thí điểm một số sách tham khảo.

- Từ năm 1999 trở đi:

- Biên soạn sách giáo dục pháp luật chuẩn.

- Tiếp tục hoàn thiện nội dung sách, tài liệu tham khảo để dạy và học pháp luật.

d) Hoạt động giáo dục pháp luật ngoại khoá

- Năm 1998:

- Thực hiện thí điểm chương trình xã hội hoá công tác giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động văn hoá, văn nghệ, sinh hoạt tập thể truyền thống trong các câu lạc bộ học sinh, sinh viên với pháp luật;

- Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật theo trường, lớp, khu dân cư;

- Báo cáo chuyên đề về pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong học sinh - sinh viên.

- Từ năm 1999 trở đi:

- Đưa hoạt động ngoại khoá giáo dục pháp luật vào nề nếp.

- Tổ chức phong trào tham gia giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ pháp luật thông qua sinh hoạt Đoàn, Đội.

3. Cơ quan thực hiện: Bộ giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp

III. PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO CÁC TẦNG LỚP NHÂN DÂN

1. Về nội dung phổ biến pháp luật

a )Đối với tất cả các đối tượng, cần phổ biến pháp luật về quyền tham gia quản lý nhà nước; giám sát hoạt động của cơ quan, công chức nhà nước; quyền bầu cử, ứng cử; quyền lao động, tự do kinh doanh; nghĩa vụ tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; nghĩa vụ tôn trọng và bảo vệ tài sản toàn dân, lợi ích cộng đồng; nghĩa vụ đóng thuế, lao động công ích và các quyền, nghĩa vụ cơ bản khác của công dân.

b) Đối với thanh niên, cần được phổ biến thêm kiến thức pháp luật về: hôn nhân gia đình; nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc, nghĩa vụ quân sự; phòng chống các tệ nạn xã hội; an toàn giao thông; tội phạm hình sự, biện pháp ngăn ngừa, phòng chống tội phạm; trách nhiệm hành chính, biện pháp phòng ngừa vi phạm hành chính.

c) Đối với phụ nữ, cần được phổ biến thêm kiến thức pháp luật về: hôn nhân gia đình; quyền bình đẳng nam, nữ trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; an toàn lao động, vệ sinh lao động; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

d) Đối với nông dân, cần được phổ biến thêm kiến thức pháp luật về: quyền sử dụng đất; thuế nông nghiệp; giao lưu dân sự trong cuộc sống cộng đồng; hôn nhân gia đình, đăng ký hộ tịch; chống tệ nạn cờ bạc, hủ tục lạc hậu.

e) Đối với nhân dân thành thị, cần được phổ biến thêm kiến thức pháp luật về: quy tắc sinh hoạt cộng đồng ở các đô thị; bảo vệ môi trường; quyền kinh doanh và quản lý hoạt động kinh doanh; an toàn giao thông; trật tự , an toàn xã hội ; quy tắc xây dựng công trình, quyền sử dụng, sở hữu nhà ở; quyền sử dụng đất ở; bảo vệ công trình công cộng, đê điều.

g) Đối với người lao động trong các doanh nghiệp, cần được phổ biến thêm kiến thức pháp luật về: hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể; an toàn, vệ sinh lao động; bảo hiểm xã hội; kỷ luật lao động, bảo hiểm lao động; trách nhiệm vật chất khi vi phạm kỷ luật lao động; tổ chức, hoạt động của Công đoàn; thủ tục giải quyết tranh chấp lao động.

h) Đối với đồng bào ở miền núi, cần được phổ biến thêm kiến thức pháp luật về: bảo vệ và phát triển rừng; phòng chống ma tuý; chống hủ tục lạc hậụ, phát huy tập quán tốt đẹp; giao lưu dân sự trong sinh hoạt cộng đồng kết hợp với tập quán tốt đẹp; pháp luật về hôn nhân, gia đình, đăng ký hộ tịch.

2. Về biện pháp, phân công trách nhiệm và tiến độ thực hiện

a) Tổ chức mạng lưới báo cáo viên về pháp luật, đưa nội dung pháp luật vào hoạt động của các đội tuyên truyền văn hoá, kết hợp việc tuyên truyền pháp luật với các hoạt động nhân đạo, từ thiện, xoá đói, giảm nghèo;

- Đối tượng ưu tiên: Nông thôn, miền núi.

- Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin chỉ đạo các cơ quan tư pháp, cơ quan văn hoá địa phương thực hiện.

- Tiến độ thực hiện:

. Năm 1998 - Kiện toàn đội ngũ tập huấn báo cáo viên, tuyên truyền viên, tổ chức thực hiện thí điểm.

. Từ năm 1999 trở đi - Thực hiện thường xuyên ở tất cả các địa phương.

b) Biên soạn tờ gấp với nội dung ngắn gọn, súc tích về pháp luật, phân phát trong nhân dân.

- Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp biên soạn nội dung, ủy ban nhân dân các cấp in ấn, phân phát.

- Tiến độ thực hiện:

. Năm 1998 - Biên soạn, phát hành tờ gấp với nội dung pháp luật về đất đai bảo vệ rừng, quy tắc sinh hoạt cộng động ở đô thị, quy tắc xây công trình, bảo vệ công trình công cộng, đê điều và các nội dung bức xúc khác.

. Từ năm 1999 trở đi - Biên soạn phát hành tờ gấp với các nội dung khác.

c) Phát triển hệ thống loa truyền thanh, bản tin, trạm tin ở các cụm dân cư để kết hợp thông tin nội dung pháp luật

- Cơ quan thực hiện: Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp chỉ đạo thực hiện.

- Tiến độ thực hiện:

. Năm 1998 - Thực hiện việc tăng thông tin về pháp luật ở các mạng truyền thanh, bản tin, trạm tin hiện có.

. Từ năm 1999 trở đi - Mở rộng mạng truyền thanh, dựng bản tin, trạm tin đều khắp ở các điểm dân cư để kết hợp tăng thông tin về pháp luật.

d) Tăng thời lượng truyền hình, phát thanh và trang viết trên các phương tiện thông tin đại chúng về giải thích các quy định pháp luật liên quan đến từng đối tượng.

- Cơ quan thực hiện: Bộ Văn hoá thông tin chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp chỉ đạo các báo, đài thực hiện.

- Tiến độ thực hiện:

. Năm 1998 - Tập trung giải thích các văn bản quy phạm pháp luật thiết thân nhất đối với từng đối tượng.

. Từ năm 1999 trở đi - Mở rộng dần diện các văn bản quy phạm pháp luật cần phổ biến.

e) Bồi dưỡng kiến thức pháp luật, thông tin pháp luật cho Ban tư pháp xã, phường, trưởng thôn, trưởng bản, già làng, hoà giải viên để họ tham gia có hiệu quả vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

- Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Văn hoá - Thông tin.

-Tiến độ thực hiện:

. Năm 1998 - Biên soạn tài liệu thông tin pháp luật phát hành đến Ban Tư pháp, trưởng thôn, trưởng bản, già làng, hoà giải viên, tập huấn theo địa bàn huyện, xã; thực hiện thí điểm ở một số địa phương về việc đưa pháp luật vào sinh hoạt truyền thống.

. Từ năm 1999 trở đi - Bảo đảm thông tin đầy đủ các văn bản quy phạm liên quan đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân từng vùng cho các đối tượng nói trên.

g) Đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo, và các đối tượng chính sách khác

- Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp chỉ đạo các Sở tư pháp thực hiện.

- Tiến độ thực hiện:

- Năm 1998 - Thành lập các Trung tâm trợ giúp pháp lý ở 50% số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Từ năm 1999 trở đi - Thành lập Trung tâm trợ giúp pháp lý ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại. Mở rộng mạng lưới cộng tác viên trợ giúp pháp lý đến cấp huyện, cấp xã.

h) Phát hành rộng rãi bản tin tư pháp của các cơ quan tư pháp

- Cơ quan thực hiện: Bộ Tư pháp và các cơ quan tư pháp địa phương.

- Tiến độ thực hiện:

. Năm 1998 - Củng cố các bản tin hiện có, ra bản tin tư pháp ở các tỉnh miền núi, đông bằng sông Cửu long phát hành đến cấp xã.

. Từ năm 1999 trở đi- Ra bản tin ở tất cả các tỉnh, thành phát hành đến từng thôn, bản, cụm dân cư.

IV. PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO CHỦ DOANH NGHIỆP, NGƯỜI QUẢN LÝ, CÁN BỘ CÔNG ĐOÀN Ở CÁC DOANH NGHIỆP

1. Về nội dung, ngoài việc phổ biến kiến thức pháp luật phổ thông, các chủ doanh nghiệp, người quản lý, cán bộ công đoàn trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải được phổ biến pháp luật chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực quản lý sản xuất kinh doanh.

a) Đối với các doanh nghiệp nhà nước chú trọng phổ biến pháp luật về: sở hữu nhà nước và quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp nhà nước; đầu tư nước ngoài; hợp đồng dân sự, hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể, kỹ năng áp dụng; lao động, biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật lao động; thuế, tài chính, ngân hàng, biện pháp phòng ngừa vi phạm; phòng ngừa tội phạm kinh tế, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, xử phạt hành chính, xử lý hình sự trong hoạt động kinh doanh; tổ chức, hoạt động của Công đoàn; thủ tục giải quyết tranh chấp lao động.

b) Đối với doanh nghiệp ngoài quốc doanh, chú trọng phổ biến pháp luật về: thủ tục thành lập, đăng ký doanh nghiệp; đầu tư nước ngoài tại Việt nam; hoạt động thương mại quốc tế và tập quán thương mại quốc tế; điều ước quốc tế về hợp tác kinh tế song phương, đa phương; thuế, tài chính, ngân hàng; tổ chức hoạt động của Công đoàn; lao động (hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể); thủ tục giải quyết tranh chấp lao động; tội phạm kinh tế, biện pháp phòng ngừa; xử phạt hành chính và xử lý hình sự trong hoạt động kinh doanh.

2. Biện pháp, tiến độ và phân công trách nhiệm thực hiện

a) Mở lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật ngắn ngày.

- Đối tượng ưu tiên: Doanh nghiệp nhà nước.

- Cơ quan thực hiện: Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan.

- Tiến độ thực hiện:

. Năm 1998 - Mở lớp cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có quan hệ kinh doanh với nước ngoài.

. Từ năm 1999 trở đi - Tiếp tục mở lớp cho cán bộ quản lý của các doanh nghiệp khác.

b) Thông tin kết quả thanh tra cần thiết, tình hình thi hành pháp luật của các doanh nghiệp.

- Đối tượng ưu tiên: Doanh nghiệp nhà nước.

- Cơ quan thực hiện: Thanh tra nhà nước.

- Tiến độ thực hiện:

. Năm 1998 - Thông tin về kết quả thanh tra các vụ việc điểm trên các lĩnh vực: thuế, ngân hàng, xuất nhập khẩu.

. Từ năm 1999 trở đi - Mở rộng phạm vi thông tin cần thiết.

V. PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRONG CÁC LỰC LƯỢNG VŨ TRANG NHÂN DÂN

Nội dung, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật trong lực lượng vũ trang do Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ Tư pháp chỉ đạo thực hiện.

C- TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhiệm kỳ của Chính phủ từ năm 1998 đến năm 2002 là Kế hoạch tổng thể và có thể được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với từng thời kỳ.

Trên cơ sở nội dung, biện pháp tiến độ phổ biến, giáo dục pháp luật được quy định tại Kế hoạch này, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp ban hành Kế hoạch cụ thể để đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 03/1998/QĐ-TTg về kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 03/1998/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/01/1998
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 6
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản