Hệ thống pháp luật

BỘ TƯ PHÁP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 339/1998/TT-BTP

Hà Nội, ngày 19 tháng 3 năm 1998

THÔNG TƯ

CỦA BỘ TƯ PHÁP SỐ 339/1998/TT-BTP NGÀY 19 THÁNG 3 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 03/1998/QĐ-TTG NGÀY 7/1/1998 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Thi hành Điều 6 của Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg ngày 7/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề cụ thể như sau:

A. VỀ KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỪ NĂM 1998 ĐẾN NĂM 2002.

I. VỀ TÍNH CHẤT CỦA KẾ HOẠCH.

1. Theo quy định tại mục C của Kế hoạch thì Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện trong nhiệm kỳ của Chính phủ đến năm 2002, là căn cứ để các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

2. Kế hoạch của Chính phủ mang tính định hướng, có thể được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với từng thời kỳ. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề cần sửa đổi, bổ sung thì các bộ ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị Bộ Tư pháp trình Chính phủ xem xét, quyết định.

Đối với Kế hoạch của Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thì việc sửa đổi, bổ sung Kế hoạch do Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo đề nghị của tổ chức Pháp chế, Sở Tư pháp.

3. Kế hoạch cũng là căn cứ để Chính phủ kiểm tra việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đến năm 2002. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc kiểm tra trên cơ sở Kế hoạch do mình ban hành phù hợp với Kế hoạch của Chính phủ.

II. XÂY DỰNG KẾ HOẠCH CỤ THỂ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT.

1. Theo quy định tại Điểm 9 của Chỉ thị 02/1998/CT-TTg, Điều 5 của Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg thì các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cần xây dựng Kế hoạch hàng quí, hàng năm của mình về phổ biến, giáo dục pháp luật, cụ thể là:

a. Đối với Bộ, ngành được giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện các biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật theo Kế hoạch kèm theo Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg thì Kế hoạch triển khai do Bộ, ngành đó soạn thảo cần có sự tham khảo ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan, với sự tham gia ý kiến của cơ quan được Thủ tướng chính phủ giao nhiệm vụ phối hợp.

b. Đối với các Bộ, ngành mà Kế hoạch của Chính phủ không giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật thì Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ, ngành đó cần đề ra các biện pháp đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, viên chức trong ngành và những đối tượng trực tiếp thi hành văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực do mình quản lý. Khi xây dựng Kế hoạch cần phát huy vai trò của tổ chức Pháp chế theo hướng dẫn tại Điểm 1 Mục III của Thông tư số 1793/1997/TT-BTP ngày 30/12/1997 của Bộ Tư pháp Hướng dẫn nghiệp vụ của tổ chức pháp chế ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

c. Đối với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Kế hoạch cụ thể về phổ biến, giáo dục pháp luật được xây dựng trên cơ sở Kế hoạch của Chính phủ, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương, đặc điểm dân cư sinh sống trên địa bàn do mình quản lý.

d. Đối với Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã, Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật được xây dựng trên cơ sở Kế hoạch và sự chỉ đạo, hướng dẫn của Uỷ ban nhân dân cấp trên.

đ. Cơ quan tham mưu xây dựng Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật là tổ chức Pháp chế thuộc các Bộ, ngành; các cơ quan Tư pháp địa phương.

e. Để tạo điều kiện giúp Bộ Tư pháp thực hiện tốt nhiệm vụ đầu mối phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thường xuyên tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch cụ thể về phổ biến, giáo dục pháp luật của các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khi ban hành cần được kịp thời gửi về Bộ Tư pháp.

2. Về đối tượng cần phổ biến, giáo dục pháp luật. Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật do các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân ban hành là Kế hoạch chi tiết, cụ thể. Vì vậy, nội dung của Kế hoạch cần xác định đối tượng phổ biến, giáo dục cụ thể đề ra nội dung, biện pháp giáo dục phù hợp, có hiệu quả. Việc lựa chọn đối tượng phổ biến, giáo dục pháp luật cần tập trung vào các đối tượng mà Kế hoạch của Chính phủ đã xác định.

3. Về nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật phải đảm bảo yêu cầu:

a. Phổ biến một cách hệ thống, thường xuyên các văn bản pháp luật cơ bản, quan trọng, các văn bản liên quan trực tiếp đến công tác, cuộc sống hàng ngày của cán bộ, nhân dân trên lĩnh vực, địa bàn do mình quản lý;

b. Phổ biến sâu rộng, có chọn lọc các văn bản pháp luật mới được Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương ban hành trong từng thời kỳ;

c. Chú trọng các nội dung hoạt động nhằm xây dựng, nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ, nhân dân.

4. Về biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật, cần chú ý biện pháp tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và cả biện pháp trực tiếp phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là các biện pháp sau đây:

a. Củng cố quan hệ giữa tổ chức Pháp chế, cơ quan Tư pháp và các tổ chức hữu quan để phổ biến, giáo dục pháp luật cho từng đối tượng; kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, văn hoá...

b. Coi trọng việc tổ chức mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên ổn định gồm các cán bộ có kiến thức pháp lý, có khả năng, kỹ năng phổ biến pháp luật, kết hợp với đội ngũ cán bộ tuyên truyền tư tưởng, văn hoá của Đảng để phục vụ cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo từng đối tượng.

Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân chỉ đạo tổ chức Pháp chế, cơ quan Tư pháp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan lựa chọn người, lập danh sách báo cáo viên về pháp luật, có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ tuyên truyền và kiến thức pháp luật, cung cấp tài liệu, tạo điều kiện nâng cao năng lực tuyên truyền của đội ngũ báo cáo viên.

Bộ Tư pháp sẽ có Kế hoạch tập huấn nghiệp vụ cho các báo cáo viên chủ chốt của các Bộ, ngành, địa phương.

c. Tiếp tục phát huy hiệu quả của những hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua báo, đài, tuyên truyền miệng, ấn hành các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật (tập văn bản, đề cương tuyên truyền, sách bỏ túi, hỏi đáp pháp luật, tờ gấp), thông tin cổ động. Thực hiện những hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng như thi nghiệp vụ pháp luật cho cán bộ, viên chức, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các loại hình sinh hoạt truyền thống; bằng băng hình, băng tiếng; thông qua các đội tuyên truyền văn hoá, văn nghệ, các hình thức sinh hoạt văn hoá cộng đồng.

d. Kết hợp phát động phong trào quần chúng rộng rãi đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với việc chỉ đạo điểm thực hiện ở từng địa bàn, từng đối tượng, từng hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật.

5. Về kinh phí phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo quy định tại Điểm 9 của Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg thì cùng với việc xây dựng Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật cần lập dự toán kinh phí để triển khai kế hoạch đó. Vì vậy trong quá trình xây dựng kế hoạch, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cần chỉ đạo tổ chức Pháp chế, cơ quan Tư pháp địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính để thực hiện nhiệm vụ này. Chú ý kinh phí tổ chức và kinh phí thực hiện các biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cụ thể, đảm bảo yêu cầu hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức, lãng phí.

6. Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định.

Đối với kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của Uỷ ban nhân dân các cấp thì do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quyết định.

7. Về kiểm tra việc thực hiện kế hoạch. Để thi hành Điều 3 của Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg và Điều 8 của Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cần chỉ đạo tổ chức Pháp chế, cơ quan Tư pháp địa phương thường xuyên tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học ở ngành, địa phương với các đối tượng tiêu biểu, đặc thù để nắm nhu cầu hiểu biết pháp luật của cán bộ, nhân dân; đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở ngành, địa phương. Trên cơ sở đó, kiến nghị, đề xuất các biện pháp, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả hơn; kịp thời bổ sung, điều chỉnh kế hoạch cho sát với nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương, phù hợp với yêu cầu nâng cao ý thức pháp luật cho các đối tượng.

Trên cơ sở kế hoạch đã được ban hành, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân chỉ đạo tổ chức Pháp chế, cơ quan Tư pháp địa phương phối hợp với các đơn vị hữu quan thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện kế hoạch đó; kịp thời động viên, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

B. VỀ HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT (GỌI TẮT LÀ HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP)

I. VỀ VIỆC THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP

1. Hội đồng phối hợp có chức năng phối hợp sự chỉ đạo của các cơ quan, tổ chức về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; duy trì hoạt động phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp; hỗ trợ các cơ quan, tổ chức đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

2. Theo quy định tại Điều 2, Điều 4 của Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg thì tổ chức Hội đồng phối hợp được thành lập ở cấp Trung ương và cấp tỉnh.

a. ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ do đặc thù về tổ chức, bộ máy và phân công nhiệm vụ có nhiều đầu mối phụ trách công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thì việc thành lập Hội đồng phối hợp do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quyết định.

b. Về Hội đồng phối hợp cấp huyện, cấp xã, Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg không quy định. Tuy nhiên, ở các tỉnh, thành có Hội đồng phối hợp cấp huyện, cấp xã đã và đang hoạt động có hiệu quả thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo việc duy trì, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức đã có; ở các địa phương có nhu cầu thì thành lập thêm các Hội đồng cấp huyện, cấp xã.

c. ở các địa phương đã thành lập Hội đồng phối hợp cấp tỉnh thì tiếp tục kiện toàn về tổ chức để nâng cao hiệu quả hoạt động theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

3. Về thành phần Hội đồng phối hợp.

Căn cứ vào thành phần của Hội đồng phối hợp của Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành phần Hội đồng phối hợp, một mặt bảo đảm đầy đủ tính đại diện của các cơ quan, tổ chức có liên quan, mặt khác bảo đảm tổ chức gọn nhẹ để thường xuyên phát huy hiệu quả hoạt động của Hội đồng. Phương án tối ưu là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng và có thêm đại diện của cơ quan Tài chính, Văn phòng Uỷ ban nhân dân là thành viên.

4. Về nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp.

Quyết định số 03/1998/QĐ-TTg đã quy định 5 nhiệm vụ của Hội đồng phối hợp. Căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tế của địa phương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cần cụ thể hoá, có thể giao thêm các nhiệm vụ cần thiết cho Hội đồng phối hợp cấp tỉnh.

II. VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG.

1. Về tổ chức của Hội đồng phối hợp.

Tuỳ theo yêu cầu nhiệm vụ cụ thể và tình hình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Bộ, ngành, địa phương, Hội đồng phối hợp có thể phân công các thành viên Hội đồng hoạt động chuyên sâu theo các Ban hoặc Tiểu ban phụ trách về các đối tượng, lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật hoặc phụ trách về từng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ngoài cơ quan tư pháp là cơ quan thường trực Hội đồng, Hội đồng phối hợp có thể lập thêm Tổ thư ký giúp việc gồm cán bộ của các Ban, ngành có đại diện là thành viên Hội đồng và các cơ quan, tổ chức khác do lãnh đạo cơ quan Tư pháp làm tổ trưởng để cùng Cơ thường trực làm tốt vai trò tham mưu, duy trì thường xuyên và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng.

2. Về nguyên tắc làm việc và phương thức hoạt động của Hội đồng phối hợp.

a. Về nguyên tắc làm việc, xuất phát từ chức năng của mình, Hội đồng phối hợp làm việc tập thể. Các thành viên Hội đồng vừa tham gia công tác của Hội đồng vừa là đại diện của cơ quan, tổ chức đã cử mình tham gia Hội đồng có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức, triển khai công tác Phổ biến, giáo dục pháp luật ở ngành, cơ quan, tổ chức mình theo Kế hoạch của Chính phủ và kế hoạch phối hợp của Hội đồng.

Hội đồng phối hợp làm việc theo nguyên tắc vừa phát huy tính chủ động của mỗi thành viên, vừa bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các thành viên, giữa các Cơ quan giúp việc Hội đồng và cơ quan, tổ chức có đại diện là thành viên Hội đồng.

b. Về phương thức hoạt động, Hội đồng phối hợp hoạt động theo Chương trình, Kế hoạch, Đề án dài hạn, ngắn hạn hoặc về một nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cụ thể do Hội đồng thông qua.

Hoạt động của Hội đồng phối hợp cần được triển khai theo phương thức vừa bao quát toàn diện các hoạt động phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vừa phân công phụ trách từng mảng công việc theo đối tượng, lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật.

3. Về hình thức hoạt động của Hội đồng phối hợp.

Để đảm bảo tính linh hoạt, chủ động trong hoạt động của Hội đồng phối hợp, ngoài hình thức thảo luận tập thể và quyết định theo đa số tại phiên họp toàn thể các thành viên Hội đồng, cần phát huy các hình thức hoạt động khác như thảo luận và quyết định tại cuộc họp các Ban hoặc Tiểu ban, giữa Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng, giữa Cơ quan thường trực và Tổ thư ký hoặc gửi văn bản xin ý kiến các thành viên.

4. Về con dấu, trụ sở, kinh phí hoạt động của Hội đồng phối hợp.

a. Hội đồng phối hợp thuộc UBND cấp nào thì sử dụng con dấu của Uỷ ban nhân dân cấp đó.

b. Trụ sở của Hội đồng phối hợp thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan giúp việc của Hội đồng nên đặt trụ tại Sở Tư pháp để bảo đảm sự thuận lợi trong hoạt động.

c. Kinh phí hoạt động của Hội đồng phối hợp được dự toán khi lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật.

Để tăng cường trao đổi kinh nghiệm, nắm thông tin phục vụ chỉ đạo phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong cả nước, kịp thời tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Tổ chức Pháp chế, Sở Tư pháp thông tin thường xuyên, kịp thời về hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ, ngành, địa phương mình cho Hội đồng phối hợp của Chính phủ do Bộ Tư pháp làm thường trực.

Nguyễn Đình Lộc

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 339/1998/TT-BTP hướng dẫn Quyết định 03/1998/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật từ năm 1998 đến năm 2002 và thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật do Bộ Tư Pháp ban hành

  • Số hiệu: 339/1998/TT-BTP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 19/03/1998
  • Nơi ban hành: Bộ Tư pháp
  • Người ký: Nguyễn Đình Lộc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản