Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 315-CT

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 1982

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

Từ khi triển khai thực hiện nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 8 (khoá IV) và thi hành Hiến pháp mới, tình hình nhận thức và thi hành Hiến pháp và pháp luật trong cán bộ và nhân dân có tiến bộ. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn những mặt chưa tốt."Pháp chế Xã hội chủ nghĩa chậm được tăng cường; pháp luật, kỷ luật bị buông lỏng. Việc đấu tranh chống những hành vi phạm pháp và tệ nạn xã hội thiếu kiên quyết và triệt để" (Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng).

Tình hình trên đây gây trở ngại lớn cho việc quản lý Nhà nước, quản lý xã hội, quản lý kinh tế, xâm phạm quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động.

Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức về vai trò và tác dụng của pháp luật Xã hội chủ nghĩa và ý thức tôn trọng pháp luật trong cán bộ và nhân dân chưa được nâng cao. Nhiều cán bộ, kể cả cán bộ lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước, chưa thấy rõ pháp luật Xã hội chủ nghĩa là thể chế hoá đường lối chính trị của Đảng, là một phương tiện để thực hiện sự lãnh đạo của Đảng, nên chưa coi trọng pháp luật, thậm chí còn vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng chính trị xấu đối với nhân dân.

Để khắc phục tình trạng trên, nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng chỉ rõ: "Các cấp uỷ Đảng, các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể phải thường xuyên giải thích pháp luật trong các tầng lớp nhân dân, đưa việc giáo dục về pháp luật vào các trường học, các cấp học, xây dựng ý thức sống có pháp luật và tôn trọng pháp luật".

Thi hành nghị quyết của Đảng, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị:

1. Thủ trưởng các ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp cần nhận rõ tuyên truyền, giáo dục pháp luật là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là biện pháp chủ yếu để xây dựng ý thức pháp chế Xã hội chủ nghĩa và tăng cường pháp chế Xã hội chủ nghĩa. Phải có kế hoạch chỉ đạo kiểm tra việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, đưa công tác này đi vào nề nếp thường xuyên.

2. Nội dung tuyên truyền, giáo dục pháp luật phải nhằm phục vụ nhiệm vụ trung tâm của giai đoạn cách mạng mới là xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa. Phải giáo dục thường xuyên Hiến pháp mới, các pháp luật hiện hành về quản lý kinh tế, về củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội chủ nghĩa trong lưu thông, phân phối.

Các ngành cần giáo dục cho cán bộ, nhân viên những pháp luật liên quan đến hoạt động của ngành, những quy định về 4 chế độ nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân, ngăn chặn những hiện tượng quan liêu, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân.

3. Hình thức tuyên truyền cần phòng phú, hấp dẫn, thích hợp với từng loại đối tượng. Cần sử dụng rộng rãi báo chí, phát thanh, truyền hình và các hình thức văn hoá, nghệ thuật khác để phổ biến pháp luật.

Báo chí, đài phát thanh, truyền hình chú ý thường xuyên có mục tuyên truyền giáo dục pháp luật bằng các hình thức nói chuyện, giải đáp pháp luật, biểu dương người tốt, việc tốt, phê phán những hiện tượng vi phạm pháp luật. Trong các bài đăng báo như tin tức, mẩu chuyện, bình luận, xã luận v.v... cần có ý thức phân tích khía cạnh pháp lý của vấn đề, qua đó mà giáo dục ý thức pháp luật cho người đọc.

Muốn làm tốt việc này phải có một đội ngũ phóng viên, biên tập viên được bồi dưỡng về pháp lý.

4. Cần xuất bản những sách phổ thông giới thiệu những văn bản pháp luật của Nhà nước nhất là về những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân, đến sản xuất và đời sống hàng ngày của nhân dân, phát hành với số lượng lớn để có thể phổ cập rộng rãi. Chú trọng không ngừng nâng cao chất lượng sách xuất bản, cải tiến cách phát hành để bảo đảm sách đến tay người đọc.

Hàng năm, Bộ Văn hoá dành một khối lượng giấy in thích đáng để in sách, báo pháp lý.

5. Các Bộ Quốc phòng, Đại học và trung học chuyên nghiệp, Giáo dục, Tổng cục Dạy nghề phối hợp cùng Bộ Tư pháp xúc tiến gấp việc xây dựng chương trình, biện soạn tài liệu, bồi dưỡng giáo viên về pháp lý để sớm đưa việc giáo dục pháp luật có hệ thống vào các trường học.

Các trường hành chính nghiên cứu để không ngừng cải tiến việc bồi dưỡng pháp luật cho đại biểu hội đồng nhân dân và cán bộ chính quyền các cấp. Nội dung học phải cụ thể, thiết thực.

6. Công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật muốn có tác dụng thì phải gắn chặt với việc thi hành luật. Các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, các cán bộ nhân viên Nhà nước phải gương mẫu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật. Phải kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa và xử lý đối với những việc vi phạm pháp luật, có như vậy mới gây được lòng tin đối với nhân dân và động viên nhân dân tuân theo pháp luật.

7. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật không chỉ là trách nhiệm của Bộ Tư pháp, mà cũng là trách nhiệm của các cơ quan, trước hết là các cơ quan thông tin, tuyên truyền, báo chí và các đoàn thể. Vì vậy Bộ Tư pháp phải phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như Ban tuyên huấn Trung ương, Ban khoa giáo Trung ương, Bộ Văn hoá, Uỷ ban phát thanh và truyền hình, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng công đoàn Việt Nam, để cùng nhau bàn nội dung, kế hoạch và biện pháp cụ thể nhằm đưa công tác này vào nề nếp thường xuyên, phổ cập và thích hợp với từng thời gian và từng đối tượng.

8. Thủ trưởng các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác này trong ngành mình và địa phương mình. Cần tăng cường cán bộ có hiểu biết pháp luật cho các bộ phận pháp chế của các Bộ, các ngành và Sở tư pháp của các tỉnh, thành phố để giúp Bộ, Uỷ ban các công tác xây dựng pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiểm tra việc thi hành pháp luật.

9. Bộ Tư pháp có trách nhiệm nắm tình hình công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, thi hành pháp luật ở các ngành và các địa phương, ở các cơ quan thông tin, tuyên truyền, báo chí, ở các trường học để kịp thời rút kinh nghiệm, hướng dẫn chung, và trong báo cáo hàng quý phải báo cáo vấn đề này với Hội đồng Bộ trưởng.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 315-CT năm 1982 về việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 315-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 07/12/1982
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 24
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản