Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2021/QĐ-UBND | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 20 tháng 01 năm 2021 |
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ Luật Dân sự ngày 24 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ngày 17 tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 26 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Căn cứ Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Căn cứ Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị;
Căn cứ Thông tư số 01/2008/TT-BXD ngày 02 tháng 01 năm 2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Căn cứ Thông tư số 08/2012/TT-BXD ngày 21 tháng 11 năm 2012 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15 tháng 5 năm 2012 của Liên Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại các đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 24/2016/TT-BTNMT ngày 09 tháng 9 năm 2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Tờ trình số 13700/TTr-SXD-HTKT ngày 27 tháng 11 năm 2020 và ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Công văn số 5228/STP-VB ngày 09 tháng 11 năm 2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 20/2007/QĐ-UBND ngày 09 tháng 02 năm 2007 về ban hành Quy định về cung cấp, sử dụng nước và bảo vệ công trình cấp nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm:
1. Sửa đổi, bổ sung Điều 1 như sau:
“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định này quy định về các hoạt động trong lĩnh vực cung cấp, sử dụng nước và bảo vệ công trình cấp nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân và hộ gia đình có hoạt động liên quan đến cung cấp, sử dụng nước và bảo vệ công trình cấp nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
2. Sửa đổi, bổ sung Điều 2 như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng:
Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến cung cấp, sử dụng nước và bảo vệ công trình cấp nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.”
3. Sửa đổi, bổ sung Điều 3 như sau:
“Điều 3. Trách nhiệm của đơn vị cấp nước:
1. Bảo đảm cung cấp nguồn nước sạch liên tục theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng do Nhà nước quy định, bảo đảm áp lực nước cung cấp qua đồng hồ đo nước khách hàng đo được tại đồng hồ vào giờ cao điểm sử dụng nước với mức tối thiểu là 0,4 bar (4 mét), trừ trường hợp bị sự cố phải đóng van cô lập đường ống hoặc nhà máy ngưng bơm để sửa chữa, khắc phục sự cố.
Các trường hợp điều chỉnh công nghệ xử lý nước của nhà máy nước, đơn vị cấp nước phải thông báo cho Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Xây dựng trước khi đưa vào áp dụng.
Đơn vị cấp nước phải tổ chức lực lượng giám sát, thường xuyên theo dõi, ghi nhận thông tin tình hình chất lượng, áp lực nước trên toàn mạng cấp nước thuộc đơn vị quản lý để kịp thời phát hiện sự cố và tổ chức lực lượng xử lý, bảo đảm yêu cầu sử dụng nước của khách hàng.
a) Trường hợp phát hiện hoặc có thông báo của khách hàng về nước cung cấp không đảm bảo chất lượng sử dụng (nước đục hoặc bị nhiễm bẩn), đơn vị cấp nước có trách nhiệm tổ chức ngay việc kiểm tra, lập biên bản đánh giá xác nhận sự việc, tổ chức khắc phục kịp thời trong thời hạn 24 giờ kể từ lúc phát hiện hoặc nhận được thông báo của khách hàng về sự việc.
Trường hợp không thể khắc phục kịp thời trong thời hạn nêu trên, đơn vị cấp nước phải có biện pháp tạm cung cấp nước sạch cho khách hàng bảo đảm nhu cầu sử dụng tối thiểu. Sau khi khắc phục xong sự cố, đơn vị cấp nước phải lập biên bản có chữ ký của khách hàng sử dụng nước xác nhận việc khắc phục đã hoàn tất.
Khối lượng nước tính theo chỉ số đồng hồ từ lúc khách hàng phát hiện thông báo sự cố cho đơn vị cấp nước đến lúc đơn vị cấp nước lập biên bản khắc phục xong, đơn vị cấp nước không được tính vào hóa đơn tiêu thụ cho khách hàng. Đơn vị cấp nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu sự việc xảy ra gây ảnh hưởng đến sức khỏe của khách hàng sử dụng nước.
b) Trường hợp phát hiện hoặc có thông báo của khách hàng về áp lực đo được tại đồng hồ vào giờ cao điểm dùng nước nhỏ hơn 0,4 bar, đơn vị cấp nước phải tổ chức khảo sát, đánh giá, khắc phục trong vòng 24 giờ kể từ lúc phát hiện hoặc nhận được thông báo của khách hàng về sự việc. Trong trường hợp áp lực nước sụt giảm kéo dài, đơn vị cấp nước phải lập kế hoạch cấp nước bổ sung để bảo đảm nguồn nước tiêu dùng ổn định cho khách hàng.
2. Quản lý, khai thác, cải tạo và sửa chữa toàn bộ mạng lưới cấp nước do đơn vị quản lý.
3. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, với Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường - xã để bảo vệ sự an toàn tuyệt đối các công trình cấp nước kể cả các khu vực và hành lang an toàn các công trình cấp nước do đơn vị quản lý, có biện pháp phát hiện và sửa chữa kịp thời các sự cố trên hệ thống cấp nước.
4. Công khai các quy định thành phần hồ sơ, quy trình thực hiện chi tiết kể cả các khoản phí, lệ phí liên quan đến công tác lắp đặt đồng hồ đo nước, nâng hạ, di dời đồng hồ đo nước và quy trình thực hiện sửa chữa sự cố, quy trình vận hành của mạng lưới cấp nước tại trụ sở đơn vị cấp nước.
5. Xây dựng kế hoạch phát triển mạng lưới cấp nước phủ kín mạng lưới cấp nước trong khu vực thực hiện dịch vụ cấp nước.
6. Bảo quản đồng hồ đo nước và các chì niêm phong, đảm bảo điều kiện để đồng hồ đo nước hoạt động bình thường, theo dõi tình trạng hoạt động của đồng hồ đo nước, tình hình nước cung cấp và sử dụng nước (về chất lượng, áp lực, lượng nước tiêu thụ) nếu đồng hồ lắp đặt ở ngoài khu vực quản lý của khách hàng sử dụng nước.
7. Ghi nhận chỉ số nước sử dụng thông qua đồng hồ đo nước của khách hàng trong kỳ hóa đơn không quá 32 ngày giữa 2 lần đọc số liên tiếp.
8. Tiếp nhận tất cả các yêu cầu của khách hàng sử dụng nước (có biên nhận hoặc ghi nhận thời điểm tiếp nhận cụ thể) và ghi rõ thời gian phản hồi cụ thể cho khách hàng sử dụng nước kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu.
9. Đơn vị cấp nước bán buôn và đơn vị cấp nước bán lẻ có trách nhiệm căn cứ giá nước được Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành để xác định giá bán buôn nước sạch hợp lý, đảm bảo lợi ích cho các bên có liên quan và phù hợp với giá nước của Thành phố.
4. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 như sau:
“Điều 4. Trách nhiệm của khách hàng:
1. Sử dụng nước tiết kiệm, đúng mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng cung cấp và sử dụng nước và Quy định này.
2. Bảo quản đồng hồ đo nước và các chì niêm phong, đảm bảo điều kiện để đồng hồ đo nước hoạt động bình thường nếu đồng hồ đo nước lắp đặt trong khu vực quản lý của khách hàng, kịp thời thông báo cho đơn vị cấp nước khi phát hiện các trường hợp bất thường xảy ra để yêu cầu xử lý, giải quyết.
3. Bảo vệ các công trình cấp nước, hành lang và khu vực an toàn công trình cấp nước, không gây trở ngại cho việc quản lý và khai thác đường ống nước; chấp hành chủ trương, chính sách di dời, giải phóng mặt bằng để xây dựng, phát triển công trình cấp nước.
4. Thanh toán kịp thời và đầy đủ các chi phí cung cấp nước theo hóa đơn tiền nước của đơn vị cấp nước, thanh toán đầy đủ các chi phí dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng như: nâng cao, hạ thấp, dời, đổi cỡ đồng hồ nước.
5. Khách hàng chịu trách nhiệm về hệ thống cấp nước bên trong công trình, phía sau thủy lượng kế nếu nằm trong khu vực quản lý của khách hàng. Trong trường hợp để xảy ra sự cố gây thất thoát nước, khách hàng vẫn phải thanh toán tiền cho lượng nước thất thoát này.
6. Tạo điều kiện để đơn vị cấp nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm theo quy định này.”
5. Sửa đổi, bổ sung Điều 6 như sau:
“Điều 6. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. “Đơn vị cấp nước”: là tổ chức, cá nhân thực hiện một phần hoặc tất cả các hoạt động khai thác, sản xuất, truyền dẫn, bán buôn nước sạch và bán lẻ nước sạch.
2. “Khách hàng” và “Khách hàng sử dụng nước”: là tổ chức, cá nhân và hộ gia đình mua nước của đơn vị cấp nước.
3. “Nước sạch”: là nước đã qua xử lý có chất lượng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu sử dụng.
4. “Đường ống nước”: là đường ống dẫn nước đang sử dụng.
5. “Mạng lưới cấp nước”: là hệ thống đường ống truyền dẫn nước sạch từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ, bao gồm mạng cấp I, mạng cấp II, mạng cấp III và các công trình phụ trợ có liên quan.
6. “Mạng cấp I”: là hệ thống đường ống chính có chức năng vận chuyển nước tới các khu vực của vùng phục vụ cấp nước và tới các khách hàng sử dụng nước lớn.
7. “Mạng cấp II”: là hệ thống đường ống nối có chức năng điều hòa lưu lượng cho các tuyến ống chính và bảo đảm sự làm việc an toàn của hệ thống cấp nước.
8. “Mạng cấp III”: là hệ thống các đường ống phân phối lấy nước từ các đường ống chính và ống nối dẫn nước tới các khách hàng sử dụng nước.
9. “Công trình phụ trợ”: là các công trình hỗ trợ cho việc quản lý, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa đối với hệ thống cấp nước như sân, đường, nhà, xưởng, tường rào, trạm biến áp, các loại hố van, hộp đồng hồ, trụ nước chữa cháy...
10. “Trộm cắp nước”: là hành vi lấy nước trái phép không qua đồng hồ đo nước, tác động nhằm làm sai lệch chỉ số đo đếm của đồng hồ và các thiết bị khác có liên quan đến đo, đếm nước, cố ý hoặc thông đồng ghi sai chỉ số đông hô và các hành vi lấy nước gian lận khác.
11. “Ống nhánh (ống ngánh)”: là đường ống nước nối từ ống cái vào đồng hồ đo nước.
12. “Đường ống nước thô”: là đường ống dẫn nước chưa qua quá trình xử lý.
13. “Đường ống truyền tải nước sạch”: là đường ống dẫn nước đã qua quá trình xử lý, tính từ nhà máy nước đến đầu mạng lưới đường ống phân phối nước.
14. “Hệ thống cấp nước”: là các công trình thu nước, trạm bơm, nhà máy và mạng lưới cấp nước.
15. “Vùng phục vụ cấp nước”: là khu vực có ranh giới xác định mà đơn vị cấp nước có nghĩa vụ cung cấp nước sạch cho các đối tượng sử dụng nước trong khu vực đó.
16. “Đồng hồ đo nước”: là phương tiện để đo lượng nước tiêu thụ tính bằng mét khối (m3), được kiểm định, còn hiệu lực, lắp đặt tại một nhà ở, nhà máy, xí nghiệp theo hợp đồng của đơn vị cấp nước với khách hàng.
17. “Trạm bơm nước thô”: là nơi vận hành trực tiếp, lấy nước từ nguồn nước mặt, nước ngầm, để cung cấp cho quá trình xử lý thành nước sạch.
18. “Nhà máy xử lý nước”: là nơi tiếp nhận nguồn nước thô để xử lý thành nước sạch cung cấp vào mạng lưới.
19. “Khu vực xử lý nước”: là khu vực xử lý nước thô thành nước sạch.
20. “Giếng nước ngầm”: là giếng khoan khai thác nước dưới đất.
21. “Thủy đài”, “Hồ chứa nước”: là nơi chứa nước sạch để phân phối cho mạng lưới cấp nước.
2. “Trạm xử lý nước ngầm”: là nơi vận hành lấy nước từ các giếng nước ngầm để xử lý thành nước sạch theo tiêu chuẩn quy định nhằm cung cấp cho mạng lưới cấp nước.
23. “Trạm tăng áp”: là nơi vận hành nhằm tăng áp lực nước sạch cung cấp cho những khu vực có áp lực nước yếu hoặc thiếu.
24. “Tháp cắt áp”: là nơi khống chế áp lực nước tối đa đầu mạng lưới để bảo vệ an toàn mạng lưới cấp nước, phòng chống trường hợp áp lực nước trên mạng lưới tăng đột ngột.
25. “Bar”: là đơn vị tính của đồng hồ đo áp lực, tương đương với cột nước cao 10 mét (tính từ vị trí đặt đồng hồ đo áp lực).
26. “Hầm van”: là nơi chứa các van xả gió, van xả bùn, van trên đường ống, van lấy nước và các thiết bị, phụ tùng quản lý mạng.
27. “Phương pháp giả định”: là phương pháp tính trung bình cộng lượng nước khách hàng đã sử dụng trong ba kỳ hóa đơn liền trước đó.
28. “Kỳ hóa đơn”: là sự ghi nhận giữa lần đọc số này với lần đọc số trước đó để thanh toán tiền nước, khoảng cách giữa 2 lần đọc số không quá 32 ngày.
29. “Điểm đấu nối”: là điểm ngay sát chỉ giới sử dụng đất hoặc chân tường rào công trình của khách hàng sử dụng nước.
30. “Hợp đồng dịch vụ cấp nước”: là văn bản pháp lý được ký kết giữa đơn vị cấp nước với khách hàng sử dụng nước.”
31. “Nhu cầu sử dụng tối thiểu”: là nhu cầu sử dụng nước tối thiểu của từng cá nhân trong khu vực xảy ra sự cố gián đoạn cấp nước được Ủy ban nhân dân Thành phố thông qua trong kế hoạch cấp nước an toàn của Thành phố.
32. “Đơn vị cấp nước bán buôn”: là đơn vị cấp nước thực hiện việc bán nước sạch cho một đơn vị cấp nước khác để phân phối, bán trực tiếp đến khách hàng sử dụng nước.
33. “Đơn vị cấp nước bán lẻ”: là đơn vị cấp nước thực hiện việc bán nước sạch trực tiếp đến khách hàng sử dụng nước.
“Điều 9. Chi phí lắp đặt đồng hồ đo nước:
1. Đơn vị cấp nước phải thiết lập các điểm đấu nối vào mạng lưới cấp nước cho mỗi khách hàng sử dụng nước; các điểm đấu nối phải đặt ngay sát chỉ giới sử dụng đất hoặc chân tường rào công trình của khách hàng sử dụng nước trong điều kiện cho phép.
2. Điểm lắp đặt đồng hồ đo nước được thỏa thuận bằng biên bản giữa đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước có thể xác định trước, trùng hoặc sau điểm đấu nối của khách hàng sử dụng nước vào mạng lưới cấp nước, bảo đảm thuận tiện cho việc lắp đặt, quản lý, kiểm tra ghi thu của đơn vị cấp nước và bảo vệ đồng hồ nước.
3. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm đầu tư đồng bộ đến điểm đấu nối với các khách hàng sử dụng nước bao gồm cả đồng hồ đo nước. Trường hợp đồng hồ đo nước được lắp đặt sau điểm đấu nối đã được xác định thì chi phí vật tư, lắp đặt từ điểm đấu nối đến điểm lắp đặt đồng hồ đo nước do khách hàng sử dụng nước chi trả sau khi đã có thoả thuận với đơn vị cấp nước.”
“Điều 12. Cung cấp nước phòng cháy chữa cháy
Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 182/2006/QĐ-UB ngày 25 tháng 12 năm 2006 về ban hành quy định về quản lý và bảo vệ trụ nước chữa cháy trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BXD-BCA ngày 10 tháng 4 năm 2009 của Liên Bộ Công an, Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện việc cấp nước phòng cháy chữa cháy tại đô thị và khu công nghiệp.”
“Điều 13. Tạm ngừng, ngừng dịch vụ cấp nước
1. Tạm ngừng dịch vụ cấp nước: Đơn vị cấp nước tạm ngừng dịch vụ cấp nước trong trường hợp:
a) Khách hàng sử dụng nước yêu cầu đơn vị cấp nước tạm ngừng cung cấp dịch vụ cấp nước trong một thời gian nhất định nhưng không chấm dứt Hợp đồng dịch vụ cấp nước.
b) Trường hợp tạm ngừng cung cấp nước trong phạm vi tối thiểu 1 phường, xã vì lý do sửa chữa, cải tạo hệ thống cấp nước theo kế hoạch hằng năm với thời gian ngưng nước tối đa không quá 08 giờ (từ 22h hôm trước đến 06h hôm sau): đơn vị cấp nước phải gửi thông tin kế hoạch tạm ngừng cung cấp nước đến Ủy ban nhân dân phường liên quan, Ủy ban nhân dân quận liên quan, Sở Xây dựng trước 10 ngày làm việc, thông báo cho khách hàng trước 72 giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trong kỳ hóa đơn trước đó để có kế hoạch dự trữ nước phù hợp.
c) Trường hợp tạm ngừng cung cấp nước trên diện rộng (từ 2 quận-huyện trở lên) vì lý do sửa chữa, cải tạo hệ thống cấp nước theo kế hoạch hăng năm: đơn vị cấp nước phải gửi thông tin kế hoạch tạm ngừng cung cấp nước đến Ủy ban nhân dân phường liên quan, Ủy ban nhân dân quận liên quan, Sở Xây dựng, Ủy ban nhân dân Thành phố trước 15 ngày làm việc, thông báo cho khách hàng trước 72 giờ trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc trong kỳ hóa đơn trước đó để có kế hoạch dự trữ nước phù hợp.
d) Xử lý sự cố trên mạng lưới cấp nước: đơn vị cấp nước phải xây dựng phương án dự phòng sẵn sàng cung cấp nước tạm thời cho khách hàng sử dụng nước trong suốt thời gian xử lý sự cố.
e) Trong mọi trường hợp tạm ngưng cung cấp nước, đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm đảm bảo việc cung cấp nước liên tục cho khách hàng thiết yếu như bệnh viện, trường học, các cơ quan ngoại giao, cơ quan nhà nước trong phạm vi ảnh hưởng, báo cáo Sở Xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết.
f) Thực hiện theo Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
2. Ngừng dịch vụ cấp nước từ phía đơn vị cấp nước:
a) Đối với khách hàng sử dụng nước là hộ gia đình sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt:
- Đơn vị cấp nước có thể ngừng dịch vụ cấp nước từ điểm đấu nối nếu khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nước, vi phạm các quy định của Hợp đồng dịch vụ cấp nước sau 5 tuần kể từ khi có thông báo đến khách hàng sử dụng nước về việc ngừng dịch vụ cấp nước;
- Nếu khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán do có lý do khách quan đã được thông báo trước cho đơn vị cấp nước về những lý do trên thì việc ngừng dịch vụ cấp nước sẽ được thực hiện sau 10 tuần kể từ khi có thông báo về việc ngừng dịch vụ cấp nước.
b) Đối với các khách hàng sử dụng nước khác:
Đơn vị cấp nước có thể ngừng dịch vụ cấp nước từ điểm đấu nối nếu khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nước, vi phạm các quy định của Hợp đồng dịch vụ cấp nước sau 15 ngày làm việc kể từ khi có thông báo đến khách hàng sử dụng nước và chính quyền địa phương về việc ngừng dịch vụ cấp nước.
3. Ngừng dịch vụ cấp nước từ phía khách hàng sử dụng nước:
Khách hàng sử dụng nước khi không còn nhu cầu sử dụng nước thông báo cho đơn vị cấp nước ngừng dịch vụ cấp nước và lập thủ tục chấm dứt Hợp đồng dịch vụ cấp nước. Đơn vị cấp nước chịu trách nhiệm thực hiện các thủ tục bít hủy danh bộ theo quy định.”
9. Bổ sung, điều chỉnh Khoản 3 Điều 14 như sau:
“3. Khách hàng phải thường xuyên theo dõi chỉ số đang có trên đồng hồ đo nước, kịp thời thông báo đến đơn vị cấp nước yêu cầu kiểm tra, xử lý, khi phát hiện lượng nước sử dụng trong kỳ tăng giảm không bình thường. Đơn vị cấp nước kiểm tra tình trạng đồng hồ, chì niêm phong trong quá trình ghi số đồng hồ đo nước.”
10. Sửa đổi, bổ sung Điều 15 như sau:
“Điều 15. Thay đồng hồ đo nước:
1. Đơn vị cấp nước công khai các thông tin chi tiết để đánh giá các trường hợp liên quan đến việc xác định lỗi hoặc không phải lỗi của khách hàng sử dụng nước, báo cáo Sở Xây dựng định kỳ hằng năm để cập nhật.
2. Trường hợp đồng hồ đo nước bị mất hoặc hư hỏng do lỗi của khách hàng, đơn vị cấp nước thay đồng hồ đo nước khác, toàn bộ chi phí thay thế đồng hồ đo nước do khách hàng thanh toán theo đơn giá được đơn vị cấp nước công bố đầu mỗi quý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Trường hợp đồng hồ đo nước bị hư hỏng mà không phải do lỗi của khách hàng hoặc chì niêm phong bị đứt, khách hàng phải thông báo cho đơn vị cấp nước biết để tiến hành kiểm tra, bấm chì hoặc thay đồng hồ đo nước khác. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm thay đổi cỡ đồng hồ đo nước cho phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, lượng nước tiêu thụ thực tế của khách hàng nhằm đảm bảo tính chính xác của đồng hồ đo nước.
4. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm thay đồng hồ đo nước miễn phí khi đồng hồ đo nước đó không đọc được chỉ số, ngưng hoạt động, kính mờ, có dấu hiệu chạy không chính xác không do lỗi khách hàng hoặc đến kỳ hạn phải thay kiểm định, tùy thuộc vào từng cỡ loại đồng hồ đo nước được thỏa thuận lắp đặt trong hợp đồng dịch vụ cấp nước và theo quy định của Nhà nước.
5. Trường hợp đồng hồ đo nước được tạm ngưng theo yêu cầu khách hàng quá 12 tháng khi khách hàng có yêu cầu sử dụng nước trở lại: đơn vị cấp nước thay đồng hồ đo nước khác, toàn bộ chi phí thay thế đồng hồ đo nước do khách hàng thanh toán theo đơn giá được đơn vị cấp nước công bố đầu mỗi quý trên các phương tiện thông tin đại chúng.
6. Khách hàng sử dụng nước phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để đơn vị cấp nước thực hiện thay đồng hồ đo nước trong các trường hợp được quy định nêu trên.”
11. Sửa đổi, bổ sung Điều 29 như sau:
“Điều 29. Thanh toán tiền sử dụng nước
1. Khách hàng sử dụng nước phải thanh toán đủ và đúng thời hạn số tiền nước ghi trong hóa đơn cho đơn vị cấp nước. Phương thức, hình thức và địa điểm thanh toán do hai bên thỏa thuận trong Hợp đồng dịch vụ cấp nước.
2. Khách hàng sử dụng nước chậm trả tiền nước quá 1 tháng so với thời hạn thanh toán được quy định trong Hợp đồng dịch vụ cấp nước thì phải trả cả tiền lãi của khoản tiền chậm trả cho đơn vị cấp nước.
3. Đơn vị cấp nước thu thừa tiền nước phải hoàn trả cho khách hàng sử dụng nước khoản tiền thu thừa bao gồm cả tiền lãi của khoản tiền thu thừa nếu thời điểm hoàn trả sau một tháng so với thời điểm đã thu thừa tiền nước.
4. Lãi suất của số tiền chậm trả hoặc thu thừa do các bên thỏa thuận trong Hợp đồng dịch vụ nhưng không vượt quá lãi suất cho vay cao nhất của ngân hàng mà đơn vị cấp nước có tài khoản ghi trong Hợp đồng dịch vụ cấp nước tại thời điểm thanh toán.
5. Khách hàng sử dụng nước có quyền yêu cầu đơn vị cấp nước xem xét lại số tiền nước phải thanh toán. Khi nhận được yêu cầu của khách hàng sử dụng nước, đơn vị cấp nước có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 15 ngày làm việc. Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của đơn vị cấp nước, khách hàng sử dụng nước có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hòa giải. Trong trường hợp không đề nghị hòa giải hoặc hòa giải không thành, khách hàng sử dụng nước có quyền khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Trong thời gian chờ giải quyết, khách hàng sử dụng nước vẫn phải thanh toán tiền nước và đơn vị cấp nước không được ngừng dịch vụ cấp nước.”
“Điều 30. Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt
1. Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước mặt trên sông, suối, kênh, rạch để cấp cho sinh hoạt bao gồm phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước đối với sông, suối, kênh, rạch mà công trình đó khai thác và vùng thượng lưu, hạ lưu tính từ vị trí khai thác nước của công trình được quy định như sau:
a) Trường hợp công trình khai thác nước với quy mô trên 100m3/ngày đêm đến dưới 50.000m3/ngày đêm, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn:
- 1.000 m về phía thượng lưu và 100 m về phía hạ lưu đối với khu vực miền núi;
- 800 m về phía thượng lưu và 200 m về phía hạ lưu đối với khu vực đồng bằng, trung du.
b) Trường hợp công trình khai thác nước với quy mô từ 50.000m3/ngày đêm trở lên, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn:
- 1.500m về phía thượng lưu và 100m về phía hạ lưu đối với khu vực miền núi;
- 1.000m về phía thượng lưu và 200m về phía hạ lưu đối với khu vực đồng bằng, trung du.
2. Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của các công trình khai thác nước mặt từ hồ chứa để cấp cho sinh hoạt được tính từ vị trí khai thác nước của công trình và quy định như sau:
a) Không nhỏ hơn 1.500m đối với trường hợp công trình khai thác nước từ hồ chứa trên sông, suối và không vượt quá chỉ giới hành lang bảo vệ nguồn nước của hồ chứa;
b) Toàn bộ khu vực lòng hồ đối với trường hợp công trình khai thác nước từ hồ chứa khác với quy định tại Điểm a Khoản này.”
“Điều 31. Phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước dưới đất
1. Đối với công trình khai thác nước dưới đất để cấp cho sinh hoạt có quy mô trên 10m3/ngày đêm đến dưới 3.000m3/ngày đêm, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn 20 m tính từ miệng giếng.
2. Đối với công trình khai thác nước dưới đất để cấp cho sinh hoạt có quy mô từ 3.000m3/ngày đêm trở lên, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt không nhỏ hơn 30m tính từ miệng giếng.”
“Điều 42. Trách nhiệm của Sở Xây dựng
1. Phối hợp với Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các cơ quan thông tin đại chúng để phổ biến, tuyên truyền việc thực hiện quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố về bảo vệ công trình cấp nước.
2. Thực hiện chức năng tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý nhà nước về cung cấp, sử dụng nước và bảo vệ công trình cấp nước trên địa bàn Thành phố.
3. Chủ trì việc hướng dẫn các cấp, các ngành, các đơn vị cấp nước thực hiện quy định này. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố về công tác đảm bảo nguồn nước cung cấp cho nhân dân Thành phố và bảo vệ công trình cấp nước.”
Điều 2. Bổ sung một số điều Quyết định số 20/2007/QĐ-UBND ngày 09 tháng 02 năm 2007 về ban hành Quy định về cung cấp, sử dụng nước và bảo vệ công trình cấp nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bao gồm:
“Điều 51. Chuyển giao, khai thác công trình cấp nước:
a) Đối với các công trình cấp nước đã hoàn thành thì chủ đầu tư được khai thác hoặc chuyển giao cho bên tiếp nhận quản lý, vận hành theo các mục tiêu ban đầu của dự án.
Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về chất lượng công trình và phải bảo hành đối với công trình chuyển giao theo quy định của pháp luật. Đối với công trình đã qua sử dụng, trước khi chuyển giao phải tiến hành đánh giá chất lượng, giá trị và hoàn thành các công tác bảo trì cần thiết.
b) Đối với các công trình cấp nước không chuyển giao hoặc chưa chuyển giao thì chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý và đảm bảo chất lượng vận hành.
c) Bên nhận chuyển giao có trách nhiệm quản lý khai thác công trình theo đúng công năng, có trách nhiệm bảo trì công trình theo các quy định của pháp luật về xây dựng.
Đối với các công trình mà bên nhận chuyển giao đã được xác định trong nội dung dự án thì bên nhận chuyển giao có quyền và nghĩa vụ tham gia quản lý chất lượng và nghiệm thu công trình trong suốt quá trình xây dựng cho đến khi hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.
d) Thủ tục chuyển giao công trình được thực hiện theo quy định của pháp luật, có kèm theo hồ sơ hoàn công và bản quyết toán đầu tư xây dựng công trình.”
“Điều 52. Đơn vị cấp nước và vùng phục vụ cấp nước trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
1. Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định vùng phục vụ cấp nước trên địa bàn Thành phố. Vùng phục vụ cấp nước được điều chỉnh khi có quyết định điều chỉnh của Ủy ban nhân dân Thành phố.
2. Ủy ban nhân dân Thành phố phân cấp cho Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức lựa chọn đơn vị cấp nước.”
“Điều 53. Thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước
Sở Xây dựng là cơ quan được Ủy ban nhân dân Thành phố ủy quyền ký kết thỏa thuận thực hiện dịch vụ cấp nước với đơn vị cấp nước.”
“Điều 54. Hợp đồng dịch vụ cấp nước
Hợp đồng dịch vụ cấp nước được thực hiện theo các quy định tại Điều 44, Điều 45, Điều 46, Điều 47, Điều 48, Điều 49, Điều 50 Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch.”
Điều 3. Hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2021.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Xây dựng, Thủ trưởng các Sở - ban - ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, Tổng Giám đốc/Giám đốc các đơn vị cấp nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 2402/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt công trình đã cấp phép khai thác, sử dụng nước phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 2Quyết định 16/2018/QĐ-UBND quy định về sản xuất, cung cấp, sử dụng nước sạch và bảo vệ công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
- 3Quyết định 3757/QĐ-UBND năm 2019 quy định về Trách nhiệm trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình
- 1Quyết định 182/2006/QĐ-UBND về quản lý và bảo vệ trụ nước chữa cháy trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 2Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch
- 3Thông tư 01/2008/TT-BXD hướng dẫn thực hiện Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch do Bộ Xây dựng ban hành
- 4Thông tư liên tịch 04/2009/TTLT/BXD-BCA hướng dẫn cấp nước phòng cháy, chữa cháy tại đô thị và khu công nghiệp do Bộ Xây dựng - Bộ Công an ban hành
- 5Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010
- 6Nghị định 124/2011/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 117/2007/NĐ-CP về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch
- 7Thông tư liên tịch 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT hướng dẫn nguyên tắc, phương pháp xác định và thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước sạch tại đô thị, khu công nghiệp và khu vực nông thôn do Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 8Luật tài nguyên nước 2012
- 9Thông tư 08/2012/TT-BXD hướng dẫn thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 10Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị
- 11Luật Doanh nghiệp 2014
- 12Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 13Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 14Bộ luật dân sự 2015
- 15Thông tư 24/2016/TT-BTNMT quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 16Quyết định 2402/QĐ-UBND năm 2017 về phê duyệt phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt công trình đã cấp phép khai thác, sử dụng nước phục vụ mục đích cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
- 17Quyết định 16/2018/QĐ-UBND quy định về sản xuất, cung cấp, sử dụng nước sạch và bảo vệ công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
- 18Quyết định 3757/QĐ-UBND năm 2019 quy định về Trách nhiệm trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình
Quyết định 01/2021/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về cung cấp, sử dụng nước và bảo vệ công trình cấp nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh kèm theo Quyết định 20/2007/QĐ-UBND
- Số hiệu: 01/2021/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/01/2021
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Hòa Bình
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 17 đến số 18
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra