Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

********

Số: 137-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 06 năm 1974 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ CÔNG TÁC TIỀN LƯƠNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI, PHÚC LỢI TẬP THỂ CỦA CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC TRONG HAI NĂM 1974-1975

Hội đồng Chính phủ trong phiên họp ngày 24 tháng 4 năm 1974 của Thường vụ Hội đồng Chính phủ, sau khi nghe ông Bộ trưởng Bộ Lao động thay mặt Tiểu ban nghiên cứu cải tiến tiền lương báo cáo về nhiệm vụ công tác tiền lương trong hai năm 1974 và 1975, đã thảo luận và quyết định những vấn đề dưới đây.

I

Chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, phúc lợi tập thể của cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước được Chính phủ ban hành, sửa đổi từ năm 1960. Nhưng do hoàn cảnh chiến tranh chưa có điều kiện bổ sung, cải tiến. Đến nay có những điểm không hợp lý như: tính chất bình quân, bao cấp, thiếu tác dụng khuyến khích sản xuất trong tình hình mới. Trong kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa 2 năm 1974 – 1975 do khả năng kinh tế, tài chính của ta chưa cho phép cải tiến tiền lương một cách toàn diện và cơ bản mà chỉ có thể cải tiến một bước chế độ tiền lương đối với những bộ phận lao động nặng nhọc nhất và lao động kỹ thuật phức tạp nhất – như Nghị quyết hội nghị lần thứ 22 của trung ương Đảng đã đề ra trong nhiệm vụ, phương hướng khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc hai năm 1974 – 1975.

Phải giải quyết một cách tập trung và có trọng điểm nhằm từng bước thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động trong điều kiện cụ thể hiện nay và đạt các yêu cầu sau đây:

1. Khuyến khích tăng năng suất lao động, phục vụ yêu cầu điều chỉnh lao động cho các cơ sở sản xuất, các vùng kinh tế mới, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động, sản xuất và tiết kiệm, hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước.

2. Góp phần chấn chỉnh công tác quản lý kinh tế đi dần vào nề nếp và chuẩn bị điều kiện cho việc cải cách các chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, phúc lợi tập thể trong kế hoạch 5 năm lần thứ hai (1976 - 1980).

II

Nội dung sửa đổi và bổ sung chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, phúc lợi tập thể trong 2 năm (1974 - 1975) gồm các vấn đề sau đây:

A. TIỀN LƯƠNG

1. Để điều chỉnh một bước quan hệ tiền lương đối với những bộ phận lao động nặng nhọc nhất, kỹ thuật phức tạp nhất, cần đặt khoản phụ cấp lương cho công nhân, viên chức thuộc các bộ phận, ngành, nghề sau đây:

a) Khai thác mỏ: Đặt khoản phụ cấp lương 10% cho công nhân, viên chức khai thác mỏ (hầm lò và lộ thiên).

b) Lâm nghiệp: Đặt khoản phụ cấp nghề rừng 10% cho công nhân, viên chức ở các cơ sở khai thác và trồng rừng miền núi; cấp tiền theo 2 mức 0đ30 – 0đ50 một người theo ngày làm việc, để tổ chức bữa ăn trưa tại chỗ cho công nhân khai thác và vận xuất lâm sản; trợ cấp một lần ban đầu 50đ một người để sắm sửa những đồ dùng cần thiết cho công nhân nghề rừng mới tuyển; đặt khoản phụ cấp tạm thời cho công nhân và cán bộ quản lý các đội sản xuất được điều động đến các vùng khai thác mới.

c) Vật liệu xây dựng: Áp dụng thống nhất thang lương 7 bậc (có bội số 2,5) cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng; đặt khoản phụ cấp lương 10% cho công nhân vật liệu xây dựng; khoản phụ cấp này cũng áp dụng cho cả cán bộ, nhân viên quản lý ở những công trường khai thác vật liệu xây dựng.

d) Dệt: Đặt khoản phụ cấp lương 8% cho công nhân dệt (bao gồm dệt vải, sợi, nhuộm, in hoa, dệt tơ và công nhân phục vụ trực tiếp trong dây chuyền sản xuất ngành dệt).

đ) Thủy sản: Điều chỉnh mức lương của công nhân, viên chức các tầu, thuyền đánh cá theo nhóm tầu, phân biệt giữa ngày làm việc trên bờ với ngày tầu ra biển sản xuất bằng một khoản phụ cấp ngày đi biển đánh cá, nhưng không được cao hơn mức lương công nhân tầu vận tải đi biển.

e) Bốc xếp: Đặt khoản phụ cấp lương từ 5% đến 10% cho công nhân bốc xếp, tùy theo loại hàng và tính chất công việc.

g) Nông nghiệp: Lương của công nhân chăn nuôi tiểu gia súc được áp dụng thống nhất theo mức lương của công nhân chăn nuôi đại gia súc; đặt khoản phụ cấp lương 8% cho công nhân chăn nuôi và công nhân trồng trọt ở một số bộ phận nặng nhọc nhất; đặt khoản phụ cấp lương 10% cho công nhân lái máy khai hoang, 5% cho công nhân lái máy kéo khác.

2. Đặt khoản phụ cấp từ 5% đến 10% trên mức lương “nóng, độc hại” cho công nhân làm việc ở những nơi nóng, độc hại thuộc các ngành luyện kim, hóa chất, cơ khí, điện và một số bộ phận lao động đặc biệt “nóng, độc hại” thuộc các ngành khác.

3. Đặt khoản phụ cấp từ 10% đến 30% lương cấp bậc cho thợ đặc biệt giỏi đã xếp tột bậc của thang lương và một số bảng lương công nhân của Nhà nước, sau một thời gian 3 năm trở lên và vẫn còn phát huy tác dụng tốt đối với sản xuất. Áp dụng chế độ phụ cấp “thâm niên đặc biệt” hiện hành cho công nhân một số nghề mà điều kiện lao động đặc biệt có nhiều khó khăn.

4. Đặt khoản trợ cấp ban đầu 50đ một người cho công nhân viên chức được điều động đến công tác ở những vùng kinh tế mới để sắm sửa các đồ dùng cần thiết.

5. Đối với cán bộ, nhân viên Nhà nước:

Trong năm 1974, được thực hiện chế độ nâng bậc theo chỉ thị số 96-TTg ngày 30-4-1974 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 1975 sẽ tiếp tục thực hiện chế độ nâng bậc từ đầu năm. Đồng thời Bộ Lao động phải phối hợp với các ngành có liên quan nghiên cứu để trình Chính phủ quyết định:

a) Bổ sung bảng lương chức vụ của cán bộ nghiên cứu khoa học, giáo viên đại học, cán bộ kỹ thuật, trên cơ sở phân loại chức vụ, quy định tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại cán bộ;

b) Ban hành một số chế độ khuyến khích thích hợp đối với cán bộ, viên chức công tác ở miền núi, cán bộ, viên chức được điều động về cơ sở, đi xây dựng vùng kinh tế mới...;

c) Ban hành chế độ phụ cấp ngoại ngữ cho công nhân, viên chức biết ngoại ngữ và phải ứng dụng ngoại ngữ vào công tác ở một ngành cần thiết.

6. Đi đôi với các chủ trương nói trên, các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở, trong phạm vi trách nhiệm của mình, phải có kế hoạch tổ chức thực hiện đúng đắn các chế độ chính sách hiện hành về tiền lương, tiền thưởng, như đã quy định tại điểm 6 phần III của Nghị quyết số 46-CP ngày 18-3-1974 của hội nghị liên tịch Hội đồng Chính phủ và Tổng công đoàn Việt-nam. Trước mắt phải có kế hoạch cụ thể để “chấn chỉnh và mở rộng chế độ trả lương theo sản phẩm, trên cơ sở định mức lao động trung bình tiên tiến; thực hiện chế độ nâng cấp nâng bậc thường xuyên cho cán bộ, viên chức theo tiêu chuẩn, chế độ hiện hành và theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước”; “thực hiện chế độ trách nhiệm vật chất của cán bộ, công nhân, viên chức đối với tài sản Nhà nước bị hư hỏng và mất mát; xử lý đối với trường hợp vi phạm kỷ luật lao động, đối với người làm ra hàng xấu, sai phạm về kỹ thuật”... Đồng thời phải nghiên cứu trình Chính phủ ban hành bổ sung sớm “các chế độ tiền thưởng nhằm khuyến khích lao động, sản xuất và thực hành tiết kiệm như: thưởng đối với lao động có ngày công, giờ công cao; thưởng về tăng chất lượng sản phẩm; thưởng tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu; thưởng sáng kiến phát minh; thưởng các đơn vị đăng ký nhận kế hoạch cao và thực hiện tốt kế hoạch đó, v.v…”

B. BẢO HIỂM XÃ HỘI, PHÚC LỢI TẬP THỂ

1. Nghiên cứu bổ sung chế độ trợ cấp nghỉ việc vì mất sức lao động, chế độ trợ cấp khi ốm đau, chế độ thai sản đối với công nhân viên chức Nhà nước theo hướng phân biệt rõ ngày làm việc được hưởng lương cao hơn ngày nghỉ việc chỉ tạm thời hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội; đãi ngộ thích đáng hơn những cán bộ, công nhân, viên chức làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, và những người có quá trình lao động cống hiến; hạn chế những mặt tiêu cực trong lao động, sản xuất.

2. Cần củng cố và phát triển các nhà ăn tập thể, các nhà trẻ, các lớp mẫu giáo và các sự nghiệp phúc lợi khác của công nhân, viên chức theo quy định ở điểm 5, phần III của nghị quyết số 46-CP ngày 18-3-1974 của hội nghị liên tịch Hội đồng Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Tổng công đoàn Việt-nam.

III

Các chủ trương về tiền lương, bảo hiểm xã hội, phúc lợi tập thể đề ra trên đây nhằm phục vụ nhiệm vụ, phương hướng khôi phục và phát triển kinh tế miền Bắc trong hai năm 1974-1975; việc tổ chức thực hiện phải khẩn trương theo đúng thời hạn và trách nhiệm của các ngành như sau:

1. Những nội dung về công tác tiền lương đã ghi từ điểm 1 đến điểm 4 ở mục A phần II được thi hành từ 1-7-1974.

Bộ Lao động trong phạm vi trách nhiệm của mình cùng bàn bạc với Tổng công đoàn Việt-nam và các ngành liên quan đề ra các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Những nội dung về công tác bảo hiểm xã hội, phúc lợi tập thể đã ghi ở mục B phần II sẽ do Bộ Nội vụ, Tổng công đoàn Việt-nam phối hợp với Bộ Tài chính và các ngành liên quan nghiên cứu và trình đề án cụ thể lên Hội đồng Chính phủ xem xét quyết định.

3. Các ngành thương nghiệp, giá cả trong phạm vi trách nhiệm của mình phải có biện pháp tích cực phấn đấu từng bước ổn định giá cả, nhằm ổn định tiền lương thực tế của công nhân, viên chức.

4. Thủ trưởng các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn, gắn chặt với phong trào thi đua lao động sản xuất và tiết kiệm để tổ chức thực hiện tốt nghị quyết này. Phải tận dụng điều kiện thuận lợi, khả năng hiện có ở ngành mình, địa phương mình mà chăm sóc đời sống, quan tâm cải thiện điều kiện lao động, giữ gìn sức khỏe cho công nhân viên chức, tạo thêm điều kiện để không ngừng nâng cao năng suất lao động và hiệu suất công tác.

5. Bộ Lao động và Tiểu bang nghiên cứu cải tiến tiền lương hướng dẫn các ngành, các địa phương tổng kết và chuẩn bị phương án cải cách các chế độ tiền lương, bảo hiểm xã hội, phúc lợi tập thể, trình sớm lên Chính phủ xét để chuẩn bị cho việc thực hiện trong kế hoạch 5 năm (1976 - 1980).

 

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
K.T. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 

 
Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 137-CP về công tác tiền lương, bảo hiểm xã hội, phúc lợi tập thể của công nhân, viên chức Nhà nước trong hai năm 1974 - 1975 do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 137-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 06/06/1974
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 21/06/1974
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản