Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 25-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 1960

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ LƯƠNG THUỘC KHU VỰC HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong kỳ họp ngày 26, 27 tháng 04 năm 1960 về cải tiến chế độ lương và tăng lương năm 1960 đối với công nhân, viên chức, cán bộ;
Căn cứ nghị định của Hội đồng Chính phủ số 23-CP ngày 30 tháng 06 năm 1960 về phân loại tổ chức, phân loại chức vụ của cán bộ và viên chức thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay ấn định chế độ lương chức vụ của cán bộ, viên chức công tác ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp theo các nguyên tắc sau đây:

1. Mức lương của cán bộ lãnh đạo nói chung cao hơn mức lương của cán bộ, nhân viên bị lãnh đạo;

2. Mức lương của chức vụ có yêu cầu cao về kỹ thuật, nghiệp vụ, cao hơn mức lương của chức vụ mà kỹ thuật, nghiệp vụ đơn giản hơn;

3. Mức lương của lao động trong điều kiện khó khăn, hại sức khỏe, cao hơn mức lương của lao động trong điều kiện bình thường.

Điều 2. – Lương chức vụ của cán bộ, viên chức ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp gồm ba hệ thống ghi trên ba bảng lương ban hành kèm theo nghị định này(1):

Bảng A: Bảng lương chưc vụ của cán bộ lãnh đạo trong bộ máy hành chính từ cấp trung ương đến cấp huyện, cán bộ phụ trách các cơ quan chuyên môn và các cơ quan sự nghiệp;

Bảng B: Bảng lương chức vụ của cán bộ, viên chức nghiệp vụ, kỹ thuật, khoa học;

Bảng C: Bảng lương chức vụ của nhân viên làm công tác hành chính, quản trị, phục vụ.

Điều 3. – Căn cứ vào các bảng lương chức vụ chính nói trên, các ngành có thể quy định một số bảng lương chức vụ cho phù hợp với đặc điểm tổ chức và cán bộ của ngành mình, sau khi được sự thỏa thuận của Bộ Nội vụ.

Điều 4. – Cán bộ, viên chức trong biên chế các cơ quan hành chính, sự nghiệp đang giữ các chức vụ đã được cơ quan có thẩm quyền công nhận, thì được sắp xếp vào các bảng lương chức vụ nói ở điều 2.

Điều 5. – Cán bộ, viên chức hiện đang làm chức vụ gì thì xếp lương theo chức vụ ấy; khi chức vụ thay đổi thì bậc lương cũng thay đổi theo.

Những người đang ở thời kỳ tập sự được hưởng 85% mức lương bậc khởi điểm của chức vụ đó, nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu 27đ30.

Điều 6. – Khi xếp lương cho cán bộ, viên chức thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp, chủ yếu phải căn cứ vào chức vụ, nhưng đồng thời phải xét khả năng thực tế và trình độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người; khi xếp lương cho cán bộ, nhân viên trong các ngành nghiệp vụ: giáo viên, bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, y tá, dược tá, nữ hộ sinh, hộ lý... và người làm công tác phiên dịch, chủ yếu phải căn cứ vào chức vụ và thâm niên nghề nghiệp, nhưng đồng thời phải căn cứ vào khả năng thực tế và trình độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người, không nhất thiết chỉ dựa vào thâm niên để xếp lương.

Điều 7. – Các cán bộ, viên chức và nhân viên nghiệp vụ công tác trong những điều kiện khó khăn, hại sức khỏe được hưởng thêm một khoản phụ cấp.

Bộ Nội vụ, Bộ lao động và các Bộ hữu quan nghiên cứu và trình Chính phủ quyết định các chế độ phụ cấp ấy.

Điều 8. – Nghị định này thi hành từ ngày 01 tháng 05 năm 1960. Các văn bản quy định về chế độ lương và các khoản phụ cấp xung quanh lương từ trước đều bãi bỏ.

Điều 9. – Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành nghị định này.

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ





Phạm Văn Đồng

___________________

(1) Các bảng lương chức vụ của cán bộ, viên chức các cơ quan hành chính, các ngành văn hóa, y tế, giáo dục, v.v... ban hành kèm theo nghị định này không đăng trong Công báo.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 25-CP năm 1960 quy định chế độ lương thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp do Hội Đồng Chính Phủ ban hành.

  • Số hiệu: 25-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 05/07/1960
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: 24/08/1960
  • Số công báo: Số 36
  • Ngày hiệu lực: 01/05/1960
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản