Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị quyết số 08/2002/NQ-QH11 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội do Quốc hội ban hành

Chương 3

HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI

Điều 23: Đoàn đại biểu Quốc hội căn cứ vào chưương trình hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, tình hình thực tế của địa phương và ý kiến của cử tri xây dựng chưương trình, kế hoạch hoạt động sáu tháng, cả năm của Đoàn; tạo điều kiện cho các đại biểu trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội.

Điều 24: Đoàn đại biểu Quốc hội thực hiện những nhiệm vụ sau đây:

1. Phối hợp với Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Thưường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ở địa phưương tổ chức để đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri;

2. Tổ chức việc tiếp công dân của đại biểu Quốc hội; tiếp nhận, chuyển đơn, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của công dân mà đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội đã chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết; mời đại diện Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ở địa phương tham dự các buổi tiếp công dân của đại biểu Quốc hội; trong trường hợp cần thiết thì mời đại diện cơ quan hữu quan ở địa phương cùng tham dự để tiếp thu, xử lý những vấn đề liên quan;

3. Phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc ở địa phương tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác theo yêu cầu của Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

4. Tổ chức để đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác, dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội;

5. Tổ chức để đại biểu Quốc hội giám sát việc thi hành pháp luật, đấu tranh chống tham nhũng; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của địa phương; khảo sát tình hình thực tế ở địa phương; góp ý với địa phương về việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; khi cần thiết, kết quả giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng;

6. Phân công đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham gia Đoàn công tác, Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội;

7. Tham gia ý kiến về việc giới thiệu đại biểu Quốc hội trong Đoàn ứng cử đại biểu Quốc hội khoá sau; phân công đại biểu Quốc hội trong Đoàn tham gia Đoàn giám sát về việc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá sau, bầu cử bổ sung đại biểu Quốc hội ở địa phương;

8. Mỗi năm hai lần vào giữa năm và cuối năm, báo cáo với Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tình hình hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội, đồng thời thông báo với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Điều 25: Đoàn đại biểu Quốc hội có thể mời đại diện cơ quan, tổ chức, đơn vị và chuyên gia về các lĩnh vực liên quan dự và tham gia ý kiến tại các cuộc họp Đoàn để thảo luận về dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác do Uỷ ban thường vụ Quốc hội gửi đến.

Điều 26:

1. Trưởng đoàn và Phó Trưởng đoàn do Đoàn đại biểu Quốc hội bầu và được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

2. Trưưởng đoàn đại biểu Quốc hội có những nhiệm vụ sau đây:

a) Điều hành việc thực hiện những nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 24 của Quy chế này;

b) Chủ trì việc tổ chức để đại biểu Quốc hội trong Đoàn thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội và tham gia thực hiện nhiệm vụ của Đoàn đại biểu Quốc hội;

c) Chủ trì việc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động của Đoàn;

d) Triệu tập và chủ tọa các cuộc họp của Đoàn đại biểu Quốc hội;

đ) Giữ mối liên hệ với Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan ở trung ương;

e) Giữ mối liên hệ với đại biểu Quốc hội trong Đoàn, Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan ở địa phương;

g) Chỉ đạo công tác Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội; chỉ đạo và tổ chức việc thực hiện kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội.

3. Phó Trưởng đoàn giúp Trưởng đoàn thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn. Khi Trưởng đoàn vắng mặt thì Phó Trưởng đoàn được Trưởng đoàn uỷ nhiệm thực hiện nhiệm vụ của Trưởng đoàn.

Điều 27: Đoàn đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân ở địa phưương cung cấp thông tin về những vấn đề mà Đoàn đại biểu Quốc hội quan tâm; xem xét và giải quyết những vấn đề có liên quan đến việc thi hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân hoặc những vấn đề khác liên quan đến đời sống, kinh tế - xã hội của nhân dân địa phưương.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giải quyết các yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội.

Trong trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều này không giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội thì Đoàn đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó xem xét, giải quyết; nếu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó không giải quyết hoặc giải quyết không thoả đáng thì Đoàn đại biểu Quốc hội báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Điều 28: Đoàn đại biểu Quốc hội quan hệ chặt chẽ với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và Ban thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Khi cần thiết, Đoàn đại biểu Quốc hội trao đổi, góp ý với Thường trực Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân về việc thi hành Hiến pháp, pháp luật và việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương.

Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu đề xuất với Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan nghiên cứu, xem xét và có biện pháp giải quyết các kiến nghị của Hội đồng nhân dân liên quan đến chủ trưương, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc các vấn đề của địa phưương.

Điều 29: Chậm nhất là hai mươi ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức cho đại biểu trong Đoàn tiếp xúc cử tri để thu thập ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.

Kết quả tiếp xúc cử tri phải được Đoàn đại biểu Quốc hội báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong thời hạn chậm nhất là năm ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội.

Điều 30: Chậm nhất là hai mươi ngày sau ngày bế mạc kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức cho đại biểu trong Đoàn báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội với cử tri, phổ biến các luật, nghị quyết và những quyết định khác mà Quốc hội đã thông qua; đồng thời động viên nhân dân thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Trưởng đoàn thay mặt Đoàn hoặc phân công đại biểu Quốc hội trong Đoàn báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đại biểu Quốc hội có thể báo cáo kết quả kỳ họp Quốc hội tại Hội đồng nhân dân địa phương nơi bầu ra mình.

Các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội quy định tại Điều 29 và đoạn 1 của Điều này được thông báo công khai trên các phương tiện thông tin ở địa phương.

Điều 31: Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức họp Đoàn để trao đổi về việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu và của Đoàn trong thời gian giữa hai kỳ họp Quốc hội; bàn chương trình hoạt động của Đoàn cho thời gian tiếp theo; nghiên cứu trao đổi, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn bản sẽ được xem xét tại kỳ họp Quốc hội; bàn những công việc liên quan đến chưương trình, nội dung kỳ họp Quốc hội.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được mời dự để báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của địa phưương sáu tháng hoặc cả năm; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được mời dự các cuộc họp này.

Nghị quyết số 08/2002/NQ-QH11 về việc ban hành Quy chế hoạt động của Đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội do Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 08/2002/NQ-QH11
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 16/12/2002
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Văn An
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 31/12/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH