Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 01 năm 1961 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC SỬ DỤNG, ĐÀO TẠO VÀ ĐÃI NGỘ QUÂN NHÂN TÌNH NGUYỆN CHUYỂN NGÀNH

Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Thường vụ ngày 18-10-1960 đã thảo luận về việc sử dụng, đào tạo và đãi ngộ quân nhân tình nguyện (kể cả quân nhân tình nguyện đã chuyển sang công an vũ trang) chuyển ngành sau ngày 01-05-1960 đến công tác ở các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường.

Hội đồng Chính phủ nhận định rằng:

Do yêu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, từ hòa bình lập lại đến nay, hàng vạn quân nhân chuyển ngành, tuân theo sự điều động của Đảng và Chính phủ, đã phấn khởi tham gia sản xuất và công tác ở các cơ quan, xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường. Những quân nhân chuyển ngành là những người đã được rèn luyện trong chiến đấu, có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực, có trình độ tổ chức và lãnh đạo nhất định, nên trong thời gian vừa qua, đã phát huy nhiều đức tính tốt đẹp trong công tác mới, góp phần tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa ở miền Bắc.

Trong số quân nhân đã chuyển ngành có một số người đã sẵn có trình độ kỹ thuật, nghiệp vụ, tổ chức và lãnh đạo, nên ngay sau khi chuyển ngành, đã sớm làm quen với công tác mới. Song có nhiều người, khi nhận công tác mới, còn gặp khó khăn bỡ ngỡ vì chưa hiểu biết nghiệp vụ, hoặc vì văn hóa còn thấp, sức khỏe bị kém sút do trải qua nhiều năm chiến đấu gian khổ. Ngoài ra, còn có một số người khi chuyển ngành chưa được sử dụng đúng khả năng, nên đã lúng túng trong công việc mới.

Trong việc bố trí công tác cho quân nhân chuyển ngành, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc giáo dục, đào tạo về kỹ thuật và nghiệp vụ và chăm lo đời sống của anh em, làm cho anh em an tâm, phấn khởi và tiến bộ trong công tác. Nhưng cũng có những trường hợp do chưa nhận thức đầy đủ chính sách đối với quân nhân chuyển ngành, hoặc do thiếu kế hoạch chuẩn bị, cho nên việc sử dụng, bồi dưỡng, đào tạo chưa làm được tốt, ảnh hưởng đến tư tưởng và công tác của quân nhân chuyển ngành.

Từ trước tới nay, chính sách đãi ngộ đối với quân nhân chuyển ngành đã thể hiện được sự quan tâm về mọi mặt của Đảng và Chính phủ, làm cho anh em tin tưởng và phấn khởi công tác. Nhưng đứng trước yêu cầu mới cần có sự bổ sung thích đáng về chính sách đãi ngộ ấy.

Xuất phát từ những nhận định trên và để đảm bảo thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động,

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ QUYẾT NGHỊ:

1. Để thực hiện đầy đủ chính sách đãi ngộ của Đảng và Chính phủ đối với quân nhân chuyển ngành, điều quan trọng trước tiên là các ngành phải có trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng và bố trí công tác hợp lý cho quân nhân chuyển ngành.

Các ngành, các cấp cần có kế hoạch thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng về nghiệp vụ và kỹ thuật cho quân nhân chuyển ngành, dần dần đào tạo anh em trở thành những người cán bộ, công nhân, viên chức có đủ trình độ đảm đương công tác mới. Về mặt bổ túc văn hóa, các ngành cần chú trọng tạo mọi điều kiện cho người chuyển ngành có thể học tập đều đặn, để sau đó có thể theo học được các lớp đào tạo hoặc bổ túc về kỹ thuật, nghiệp vụ. Trong khi tuyển sinh cần có châm chước về trình độ văn hóa và tuổi cho quân nhân chuyển ngành. Trong việc nâng cao trình độ văn hóa, kỹ thuật, nghiệp vụ cho quân nhân chuyển ngành, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Quốc phòng, Bộ Công an với Bộ lao động, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và các Bộ liên quan khác.

Việc sử dụng hợp lý và bồi dưỡng đào tạo tốt sẽ làm cho quân nhân chuyển ngành phấn khởi, tiến bộ, đồng thời cũng đảm bảo cho mức sinh hoạt của anh em tương đương so với khi tại ngũ. Ngoài ra các ngành cần chú trọng tăng cường giáo dục tư tưởng, động viên anh em phát huy truyền thống anh dũng của quân đội và công an vũ trang trên mọi cương vị công tác mới.

2. Chế độ trả lương đối với quân nhân chuyển ngành phải dựa trên những nguyên tắc sau đây:

- Đảm bảo nguyên tắc phân phối theo lao động, đồng thời quán triệt chính sách xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng.

- Trên cơ sở đó, đảm bảo quan hệ tốt giữa quân nhân chuyển ngành với cán bộ, công nhân, viên chức, hoặc giữa những người chuyển ngành với nhau.

3. Quân nhân tình nguyện chuyển ngành được hưởng các quyền lợi sau đây:

a) Khi chuyển ngành, quân nhân tình nguyện được hưởng một khoản phụ cấp chuyển ngành như đã quy định trong Nghị định số 250-TTg ngày 12-06-1957.

b) Kể từ ngày chuyển ngành đến làm việc ở các cơ quan, xí nghiệp người chuyển ngành được hưởng mọi quyền lợi như những cán bộ, công nhân, viên chức khác của Nhà nước.

c) Để cho đơn vị sử dụng có thời gian bồi dưỡng cho người chuyển ngành làm quen với công tác mới, trong thời gian tối đa là 9 tháng kể từ ngày chuyển  ngành, người chuyển ngành sẽ tiếp tục hưởng lương chính (nếu là sĩ quan), hoặc sinh hoạt phí kể cả phụ cấp thâm niên (nếu là hạ sĩ quan và chiến sĩ) như khi ở quân đội hoặc công an vũ trang.

Thời gian ở quân đội và công an vũ trang được tính thâm niên để hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và phúc lợi.

Trường hợp chuyển cùng ngành nghề mà ngành nghề đó có tính thâm niên nghề nghiệp thì thời gian thâm niên nghề nghiệp ở trong quân đội và công an vũ trang được tính vào thâm niên nghề nghiệp sau khi chuyển ngành.

d) Hết thời hạn 9 tháng, người chuyển ngành làm việc nào hưởng lương theo việc ấy, và được sắp xếp vào các thang lương và bảng lương theo tiêu chuẩn thống nhất như đối với cán bộ, công nhân, viên chức khác. Đối với những người chuyển ngành được bố trí làm những việc mà thu nhập mới ngang hoặc cao hơn lương chính hoặc sinh hoạt phí (kể cả phụ cấp thâm niên) khi ở quân đội hoặc công an vũ trang, thì không phải chờ đến hết 9 tháng mà cần sắp xếp cấp bậc sớm hơn để cho người chuyển ngành được hưởng lương mới ngay. Số người còn lại nói chung phải bảo đảm đạt được mức lương xấp xỉ 85% trở lên so với lương chính hoặc sinh hoạt phí (kể cả phụ cấp thâm niên) khi ở quân đội hoặc công an vũ trang.

Sau khi sắp xếp, nếu thu nhập mới gồm lương cấp bậc và các khoản phụ cấp thường xuyên (trừ trợ cấp con và phụ cấp khu vực) thấp hơn 95% lương chính hoặc sinh hoạt phí (kể cả phụ cấp thâm niên) khi ở quân đội hoặc công an vũ trang, thì được hưởng một khoản tiền phụ cấp chênh lệch cho bằng 95% lương chính hoặc sinh hoạt phí (kể cả phụ cấp thâm niên) khi ở quân đội hoặc công an vũ trang.

Thời gian được hưởng khoản phụ cấp chênh lệch nói trên bắt đầu từ tháng thứ 10 cho đến hết 2 năm kể từ ngày chuyển ngành.

Đối với những người chuyển ngành được hưởng khoản phụ cấp chênh lệch nói ở trên, trong thời gian từ tháng thứ 10 đến hết 2 năm kể từ ngày chuyển ngành, nếu có một kỳ tăng lương và cải tiến chế độ tiền lương, hoặc do được đề bạt giữ chức vụ cao hơn hay do tiến bộ về nghề nghiệp, được sắp xếp lại lương mà thu nhập mới cao hơn 95% lương chính hoặc sinh hoạt phí (kể cả phụ cấp thâm niên) khi ở quân đội hoặc ở công an vũ trang, thì không phải chờ đến hết 2 năm, mà được hưởng lương mới kể từ ngày được sắp xếp lại.

c) Trong 9 tháng đầu kể từ ngày chuyển ngành, người chuyển ngành được cử đi học sẽ được hưởng lương cũ hoặc sinh hoạt phí (kể cả phụ cấp thâm niên) như những người chuyển ngành đang làm công tác. Từ tháng thứ 10 trở đi người chuyển ngành đã được xếp lương cao hơn hoặc ngang lương cũ hoặc sinh hoạt phí (kể cả phụ cấp thâm niên) mà được cử đi học, thì được hưởng trợ cấp theo chế độ chung. Đối với người đã được xếp lương mới thấp hơn lương cũ hoặc sinh hoạt phí (kể cả phụ cấp thân niên) và những người chưa được xếp lương mà được cử đi học thì được giữ mức sinh hoạt phí bằng 95% của mức lương cũ hoặc mức sinh hoạt phí (kể cả phụ cấp thâm niên) trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chuyển ngành. Sau 2 năm người chuyển ngành còn tiếp tục học ở các trường bổ túc thì vẫn hưởng mức sinh hoạt phí bằng 95% hoặc học ở các trường đào tạo thì hưởng 90% của mức lương cũ hoặc sinh hoạt phí (kể cả phụ cấp thâm niên) suốt trong thời gian học tập.

Trong trường hợp học nghề theo lối kèm cặp ở các xí nghiệp, công trường, nông trường, v.v... thì trong 9 tháng đầu sẽ được hưởng lương cũ hoặc sinh hoạt phí (kể cả phụ cấp thâm niên) như những người chuyển ngành khác đang công tác. Từ tháng thứ 10 trở đi sẽ được hưởng 95% lương chính hoặc sinh hoạt phí (kể cả phụ cấp thâm niên) khi ở quân đội hoặc công an vũ trang cho đến khi thành nghề và chính thức sắp xếp cấp bậc lương.

Sau khi mãn khóa, tốt nghiệp hoặc học thành nghề, thì được xếp lương và hưởng lương mới, nếu thu nhập mới thấp hơn sinh hoạt phí trong thời gian đi học, thì được tiếp tục hưởng 95% lương chính hoặc sinh hoạt phí (kể cả phụ cấp thâm niên) khi ở quân đội hoặc công an vũ trang cho đến hết thời gian 2 năm kể từ ngày chuyển ngành.

4. Khoản phụ cấp chênh lệch giữa lương mới và 95% lương chính (nếu là sĩ quan) hoặc giữa thu nhập mới và 95% sinh hoạt phí (kể cả phụ cấp thâm niên, nếu là hạ sĩ quan và chiến sĩ) mà người chuyển ngành được hưởng từ tháng thứ 10 đến hết 2 năm (kể từ ngày chuyển ngành) sẽ không thanh toán vào quỹ lương của xí nghiệp, cơ quan hoặc quỹ bảo hiểm xã hội, mà sẽ thanh toán vào tài khoản "Các chi phí khác" của ngân sách Nhà nước và không tính vào giá thành.

5. Chế độ trả lương trên đây thi hành kể từ ngày 01-01-1961 cho quân nhân tình nguyện (kể cả quân nhân tình nguyện đã chuyển sang công an vũ trang) chuyển ngành từ ngày 01-05-1960 trở về sau. Còn những quân nhân tình nguyện và công an vũ trang chuyển ngành trước 01-05-1960 thì hưởng theo chế độ đã quy định trong nghị định 250-TTg ngày 12-06-1957 của Thủ tướng Chính phủ.

Hội đồng Chính phủ lưu ý đặc biệt các ngành, các cấp chính quyền hết sức coi trọng việc thi hành tốt toàn bộ chính sách đối với quân nhân tình nguyện chuyển ngành, tạo mọi điều kiện cho anh em tiến bộ về nghiệp vụ và kỹ thuật, phát huy tác dụng tích cực trong mọi công tác.

Hội đồng Chính phủ kêu gọi tất cả quân nhân tình nguyện chuyển ngành đến công tác ở các xí nghiệp, cơ quan, công trường, nông trường, lâm trường, nỗ lực học tập, trau dồi nghề nghiệp, hăng hái sản xuất và công tác để không ngừng phát huy những đức tính tốt đẹp của người quân nhân cách mạng trên cương vị công tác mới của mình.

Bộ Lao động, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn các ngành, các cấp thi hành nghị quyết này.

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 01-CP về việc sử dụng, đào tạo và đãi ngộ quân nhân tình nguyện chuyển ngành do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 01-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 09/01/1961
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: 24/01/1961
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản