Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04-LĐ-TT

Hà Nội, ngày 16 tháng 04 năm 1963

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ TIỀN LƯƠNG CỦA QUÂN NHÂN TÌNH NGUYỆN CHUYỂN NGÀNH SAU 01-5-1960

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi:

-Các cơ quan, đoàn thể trung ương
-Các Ủy ban hành chính và các cơ quan Lao động địa phương

Thi Thi hành Nghị quyết số 01-CP ngày 09-01-1961 của Hội đồng Chính phủ và Thông tư số 03-TT-LB ngày 25-01-1961 của Liên Bộ Lao động - Nội vụ về chế độ đối với quân nhân tình nguyện chuyển ngành, các cơ quan, xí nghiệp đã có nhiều cố gắng trong việc sử dụng, bồi dưỡng, đào tạo anh em. Đối với việc xếp lương, một số cơ quan, xí nghiệp đã làm đúng quy định, nhưng hiện nay cũng còn nhiều nơi xếp lương quá chậm, hoặc đã hết hạn hai năm mà chưa bỏ khoản phụ cấp chênh lệch để cộng với cấp bậc lương xếp bằng 95% lương chính hay sinh hoạt phí khi còn ở quân đội.

Tình hình nêu trên đã được Thường vụ Hội đồng Chính phủ xét và giải quyết trong phiên họp ngày 20 và 21-2-1963. Căn cứ quyết nghị của Thường vụ Hội đồng Chính phủ, Bộ Lao động hướng dẫn giải quyết vấn đề lương cho quân nhân tình nguyện chuyển ngành như sau:

1. Đối với những trường hợp sau khi hết hai năm, cơ quan, xí nghiệp đã bỏ khoản phụ cấp chênh lệch thì không hưởng trở lại khoản chênh lệch ấy nữa mà chỉ hưởng lương cấp bậc (và phụ cấp khu vực nếu có) đã được xếp.

2. Đối với những trường hợp đã xếp lương và đã hưởng khoản phụ cấp chênh lệch hết hai năm, nhưng hiện nay cơ quan, xí nghiệp chưa bỏ khoản phụ cấp chênh lệch ấy thì tiếp tục hưởng cho đến hết năm 1963.

3. Đối với những trường hợp đến nay đã quá chín tháng mà chưa xếp lương thì cơ quan, xí nghiệp cần sắp xếp cấp bậc lương; nếu lương mới thấp hơn 95% lương chính hoặc sinh hoạt phí của quân đội thì được hưởng lương cấp bậch đã xếp cộng thêm một khoản phụ cấp chênh lệch cho bằng 95% lương chính hoặc sinh hoạt phí của quân đội đến hết hai năm (kể từ ngày chuyển ngành). Nếu hết hai năm trước tháng 12-1963 thì cũng được hưởng đến hết năm 1963, nếu quá tháng 12-1963 mới hết hai năm thì hưởng phụ cấp chênh lệch cho đủ hai năm.

Từ nay về sau, các cơ quan, xí nghiệp cần giải quyết việc xếp lương của quân nhân tình nguyện chuyển ngành đúng theo quy định trong Nghị quyết số 01-CP của Hội đồng Chính phủ, Thông tư số 03-TT-LĐ của liên Bộ Lao động-Nội vụ và thông tư hướng dẫn bổ sung này. Trong việc xếp lương phải căn cứ theo những tiêu chuẩn mà Nhà nước đã quy định cho từng loại công nhân, viên chức, nhưng đồng thời phải chú ý đến đặc điểm của quân nhân tình nguyện chuyển ngành để sắp xếp cấp bậc được thỏa đáng. Ví dụ: đối với trường hợp quân nhân tình nguyện chuyển ngành, nếu xét trình độ, khả năng và kế quả công việc đáng ở giữa bậc cán sự hai và cán sự ba thì xếp bậc cán sự ba v.v…

Để đảm bảo việc thi hành đúng đắn chế độ đối với quân nhân tình nguyện chuyển ngành, các cơ quan, xí nghiệp cần cố gắng nghiên cứu sử dụng anh em cho hợp lý, tạo mọi điều kiện để bồi dưỡng, đào tạo anh em nhanh chóng thích ứng với yêu cầu nghiệp vụ của công tác mới.

Đối với vấn đề xếp lương cần làm cho anh em thấy rõ hai mặt, mặt cố gắng của Nhà nước và mặt quan hệ giữa anh em với công nhân, viên chức khác trong cơ quan, xí nghiệp, không nên so sánh với thời kỳ còn ở trong quân đội có chế độ đãi ngộ khác hơn.

Đó là nội dung công tác tư tưởng mà Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã nêu lên trong nghị quyết nhắc trên để các ngành, các cấp chú ý trong việc chấp hành chính sách đối với quân nhân tình nguyện chuyển ngành.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đăng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 04-LĐ-TT năm 1963 Hướng dẫn giải quyết vấn đề tiền lương của quân nhân tình nguyện chuyển ngành sau 01-5-1960 do Bộ Lao Động ban hành

  • Số hiệu: 04-LĐ-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/04/1963
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động
  • Người ký: Nguyễn Đăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 16
  • Ngày hiệu lực: 01/05/1963
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản