Hệ thống pháp luật

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 820/NQ-UBTVQH13

Hà Nội, ngày 17 tháng 10 năm 2014

NGHỊ QUYẾT

THÀNH LẬP ĐOÀN GIÁM SÁT “VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI TẠI CÁC NÔNG TRƯỜNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH, GIAI ĐOẠN 2004 - 2014”

ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội số 05/2003/QH11;

Căn cứ Nghị quyết số 74/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2015;

Căn cứ Kế hoạch số 721/KH-UBTVQH13 ngày 22/8/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2015,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1.

1. Thành lập Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004 - 2014” (có danh sách kèm theo).

2. Đoàn giám sát được mời đại diện một số cơ quan hữu quan tham gia hoạt động của Đoàn; mời một số chuyên gia giúp Đoàn trong công tác giám sát.

Điều 2.

Nội dung, kế hoạch giám sát được ban hành kèm theo Nghị quyết này.

Điều 3.

Đoàn giám sát có trách nhiệm triển khai thực hiện kế hoạch giám sát; báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2015; giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị báo cáo kết quả giám sát để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.

Điều 4.

Căn cứ vào nội dung, kế hoạch giám sát, các Ủy ban của Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có thể tổ chức giám sát những vấn đề cần được quan tâm thuộc lĩnh vực hoạt động của Hội đồng, Ủy ban; Đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành giám sát tại địa phương theo yêu cầu cụ thể của Đoàn giám sát; các cơ quan đã tiến hành giám sát gửi kết quả bằng văn bản cho Đoàn giám sát để tổng hợp, báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Điều 5.

Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì giúp Đoàn giám sát triển khai thực hiện nội dung, kế hoạch giám sát.

Văn phòng Quốc hội tổ chức phục vụ các hoạt động của Đoàn giám sát.

Điều 6.

Đoàn giám sát, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Nghị quyết này./.

Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Thường trực HĐDT, các UB của QH; các Ban của UBTVQH;
- Ban Kinh tế TW;
- VPTƯĐ, VPCTN, VPQH, VPCP;
- Các Bộ, ngành: NN&PTNT, TN&MT, KH&ĐT, TC, QP, CA, TP, LĐ,TB&XH, KH&CN; UBDT; NHNNVN; Thanh tra CP;
- TANDTC; VKSNDTC; Kiểm toán NN;
- UBTƯ MTTQVN; Hội Nông dân VN;
- Thành viên Đoàn giám sát;
- Đoàn ĐBQH, TTHĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng cty Lâm nghiệp, Tổng cty Chè, Tổng cty Giấy, Tổng cty Cà phê, Binh đoàn 15 - Bộ QP;
- VP Đoàn ĐBQH&HĐND, VP UBND các tỉnh, TPTTTW;
- Các Vụ, đơn vị: DT, PVHĐGS, TH, TT, LT, KH-TC, HC, CTPN, CTMT&TN, CQT, TTTH (VPQH);
- Lưu: HC, DT, GS;
- Epas: 73696

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Sinh Hùng

DANH SÁCH

ĐOÀN GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI VỀ “VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI TẠI CÁC NÔNG TRƯỜNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH, GIAI ĐOẠN 2004 - 2014”
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 820/NQ-UBTVQH13, ngày 17/10/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội)

I. THÀNH VIÊN ĐOÀN GIÁM SÁT

1. Ông Ksor Phước, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng Đoàn;

2. Ông Danh Út, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng Đoàn Thường trực;

3. Ông Mã Điền Cư, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng Đoàn;

4. Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng Đoàn;

5. Bà Triệu Thị Nái, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng Đoàn;

6. Ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng Đoàn;

7. Ông Y Thông, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, thành viên;

8. Bà Cao Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc, thành viên;

9. Bà Trần Thị Dung, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật, thành viên;

10. Ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, thành viên;

11. Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế, thành viên;

12. Ông Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách, thành viên;

13. Ông Đặng Ngọc Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, thành viên;

14. Bà Hoàng Thị Hoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, thành viên;

15. Bà Nguyễn Thị Khá, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội, thành viên;

16. Ông Phùng Đức Tiến, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, thành viên;

17. Bà Trương Thị Huệ, Ủy viên Hội đồng Dân tộc, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên, thành viên;

18. Ông Hoàng Ngọc Dũng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La, thành viên;

19. Bà Phương Thị Thanh, Ủy viên Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Cạn, thành viên;

20. Ông La Ngọc Thoáng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng, thành viên;

21. Ông Nguyễn Tiến Sinh, Ủy viên Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình, thành viên;

22. Bà Đinh Thị Phương Lan, Ủy viên Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, thành viên;

23. Ông YKhút Niê, Ủy viên Hội đồng Dân tộc, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đăk Lăk, thành viên;

24. Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Đoàn đến giám sát, thành viên.

II. ĐẠI BIỂU MỜI THAM GIA CÁC HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN GIÁM SÁT

1. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

2. Ban Kinh tế Trung ương;

3. Kiểm toán Nhà nước;

4. Thanh tra Chính phủ;

5. Ủy ban Dân tộc;

6. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

7. Bộ Tài nguyên và Môi trường;

8. Bộ Tài chính;

9. Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

10. Bộ Tư pháp;

11. Bộ Quốc phòng;

12. Bộ Công an;

13. Bộ Công thương;

14. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

15. Ngân hàng nhà nước Việt Nam;

16. Văn phòng Chính phủ;

17. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

III. TỔ BIÊN TẬP

1. Đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc;

2. Đại diện Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội;

3. Lãnh đạo và chuyên viên Vụ Dân tộc, Vụ Phục vụ hoạt động giám sát, Vụ Tổng hợp (Văn phòng Quốc hội);

4. Cán bộ, chuyên viên một số bộ, ngành hữu quan;

5. Một số chuyên gia liên quan đến lĩnh vực giám sát.

KẾ HOẠCH GIÁM SÁT

“VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI TẠI CÁC NÔNG TRƯỜNG, LÂM TRƯỜNG QUỐC DOANH, GIAI ĐOẠN 2004 - 2014”
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 820/NQ-UBTVQH13, Ngày 17/10/2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

Sau mười năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, Nghị định số 170/2004/NĐ-CP, ngày 22/9/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông trường quốc doanh và Nghị định số 200/2004/NĐ-CP, ngày 03/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh, các bộ ngành, địa phương đã đạt được những kết quả quan trọng về quản lý và sử dụng đất đai. Tuy nhiên, còn một số mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 28 chưa đạt được, công tác quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường đang gặp nhiều khó khăn, bất cập; nhất là việc xác định ranh giới, cắm mốc, quản lý, sử dụng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao khoán, cho thuê đất, xử lý các vi phạm... Quá trình chuyển đổi hình thức quản lý của các nông, lâm trường quốc doanh còn lúng túng, chưa có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản lý, kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; hiệu quả sử dụng đất thấp, kết quả sản xuất, kinh doanh chưa tương xứng với nguồn lực tài nguyên được Nhà nước giao quản lý, sử dụng.

Thông qua giám sát để Quốc hội có thông tin chính xác tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014; phát hiện những tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường; đề xuất các giải pháp tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai; quản lý, sử dụng đất đai; thu hồi các diện tích sử dụng không hiệu quả để giao cho các địa phương, các hộ gia đình bị thiếu đất ở, đất sản xuất quản lý và sử dụng.

II. CĂN CỨ GIÁM SÁT

1. Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 16/6/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh;

2. Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp;

3. Luật Bảo vệ và phát triển rừng số 29/2004/QH11, ngày 14/12/2004 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI;

4. Luật đất đai số 45/2013/QH13, ngày 29/11/2013 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII;

5. Các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ (có liên quan).

III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG GIÁM SÁT

1. Phạm vi, thời điểm giám sát

1.1. Phạm vi giám sát:

Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh trên phạm vi cả nước.

1.2. Thời điểm giám sát:

Thời điểm tiến hành giám sát từ năm 2004 đến năm 2014.

2. Đối tượng giám sát

- Giám sát đối với Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan trung ương có liên quan. Trực tiếp giám sát các Bộ, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước;

- Giám sát một số Tập đoàn, Tổng công ty: Tập đoàn Cao su, Tổng công ty Lâm nghiệp, Tổng công ty Chè, Tổng công ty Giấy, Tổng công ty Cà phê và Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng;

- Giám sát đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

IV. NỘI DUNG GIÁM SÁT

1. Các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương về chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004 - 2014.

2. Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan; trách nhiệm quản lý nhà nước, việc phối hợp, tổ chức triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất tại các nông trường, lâm trường quốc doanh của các bộ, ngành trung ương, các địa phương.

3. Tình hình tổ chức thực hiện, kết quả, những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, đề xuất giải pháp khắc phục những hạn chế yếu kém, những bất cập, phát sinh trong quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh trong giai đoạn tiếp theo.

V. PHƯƠNG THỨC GIÁM SÁT VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Phương thức giám sát

1.1. Giám sát qua văn bản

- Đoàn giám sát có văn bản yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 5 Tập đoàn, Tổng công ty và Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng chuẩn bị báo cáo về việc quản lý, sử dụng đất đai từ 2004 đến 2014;

- Tổ chức giám sát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh;

- Đoàn giám sát nghiên cứu, cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, đơn vị có liên quan và các địa phương về kết quả thực hiện việc quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh.

1.2. Giám sát trực tiếp tại địa phương, cơ sở

a. Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội thành lập 6 đoàn, trực tiếp giám sát tại 18 tỉnh đại diện cho các vùng, miền, khu vực, cụ thể:

- Đoàn 1, giám sát các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang;

- Đoàn 2, giám sát các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Phú Thọ;

- Đoàn 3, giám sát các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh;

- Đoàn 4, giám sát các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Đắc Nông;

- Đoàn 5, giám sát các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Phước;

- Đoàn 6, giám sát các tỉnh Tây Ninh, Kiên Giang, Cà Mau.

b. Đoàn giám sát tổ chức giám sát tại Tập đoàn Cao su, Tổng công ty Lâm nghiệp, Tổng công ty Chè, Tổng công ty Giấy, Tổng công ty Cà phê và Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng.

1.3. Tổ chức hội thảo, giải trình

Quá trình giám sát, Đoàn giám sát giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức các cuộc hội thảo, phiên giải trình để làm rõ những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh:

- Hội thảo: Dự kiến tổ chức 03 cuộc hội thảo ở 3 miền (Bắc, Trung, Nam);

- Giải trình: Tổ chức phiên giải trình liên quan đến trách nhiệm quản lý, sử dụng đất nông trường, lâm trường.

1.4. Xây dựng báo cáo giám sát

Sau khi giám sát văn bản và kết thúc giám sát trực tiếp, cùng với kết quả các hội thảo, giải trình, Đoàn giám sát tổng hợp, xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát; tổ chức họp lấy ý kiến các Thành viên Đoàn giám sát, các chuyên gia. Tiếp thu, hoàn chỉnh Báo cáo giám sát, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2015, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2015).

2. Tiến độ thực hiện

2.1. Quý IV/2014:

- Xây dựng, ban hành các văn bản: Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Kế hoạch, đề cương, biểu mẫu báo cáo; công văn đề nghị các cơ quan Quốc hội, các bộ, ngành trung ương cử đại diện tham gia Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội; công văn yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có liên quan, Binh đoàn 16 - Bộ Quốc phòng và các địa phương chuẩn bị báo cáo;

- Họp Đoàn giám sát triển khai kế hoạch giám sát;

- Thành lập Tổ biên tập, giúp Đoàn giám sát tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả giám sát.

2.2. Quý I/2015:

- Đôn đốc Chính phủ, các bộ, ngành, 5 tập đoàn, tổng công ty, Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng và các địa phương chuẩn bị, gửi báo cáo theo yêu cầu của Đoàn giám sát;

- Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức phiên họp mở rộng để nghe Chính phủ và các bộ, ngành, đơn vị có liên quan báo cáo;

- Đoàn giám sát làm việc với các bộ, ngành liên quan trực tiếp đến công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, sử dụng đất đai của nông, lâm trường.

2.3. Quý II/2015:

- Tổ chức 6 đoàn đến giám sát trực tiếp tại 18 tỉnh;

- Tổ chức giám sát tại Tập đoàn Cao su, Tổng công ty Lâm nghiệp, Tổng công ty Chè, Tổng công ty Giấy, Tổng công ty Cà phê và Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng;

- Các đoàn giám sát tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát tại địa phương.

2.4. Quý III/2015:

- Tổng hợp toàn bộ tình hình, kết quả, số liệu từ báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, đơn vị có liên quan và các địa phương;

- Tổng hợp, xây dựng dự thảo báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

- Tổ chức Hội thảo, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà nghiên cứu về các vấn đề lớn rút ra từ kết quả giám sát;

- Tổ chức các phiên giải trình của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan: làm rõ các nội dung, trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, tổ chức thực hiện; thống nhất các đánh giá về kết quả giám sát;

- Hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát; xin ý kiến thành viên Đoàn giám sát;

- Hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát; báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 9/2015;

- Tiếp thu ý kiến sau phiên họp Ủy ban thường vụ Quốc hội, hoàn chỉnh báo cáo kết quả giám sát, trình Quốc hội tiến hành giám sát tối cao tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (tháng 10/2015).

VI. PHÂN CÔNG TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội

1.1. Thành lập Tổ biên tập, giúp Đoàn giám sát tổng hợp kết quả, xây dựng dự thảo báo cáo giám sát;

1.2. Tổ chức, chủ trì các phiên họp, làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; các cuộc hội thảo, phiên giải trình theo Kế hoạch giám sát;

1.3. Tiến hành giám sát trực tiếp tại các bộ, ngành trung ương và 18 tỉnh; 5 Tập đoàn, Tổng công ty và Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng;

1.4. Xin ý kiến, hoàn chỉnh, thông qua báo cáo kết quả giám sát, gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quốc hội;

1.5. Chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến nội dung giám sát trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII (nếu có).

2. Các cơ quan có liên quan

2.1. Hội đồng Dân tộc:

- Là cơ quan Thường trực, chủ trì, phối hợp với các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội triển khai, thực hiện kế hoạch giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

- Làm đầu mối tiếp nhận tài liệu, báo cáo, ý kiến tham gia của các cơ quan trung ương, địa phương, các doanh nghiệp;

- Trực tiếp chỉ đạo Tổ biên tập tổng hợp tình hình, kết quả, xây dựng dự thảo, tiếp thu và hoàn chỉnh báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

- Cử các thành viên của Hội đồng Dân tộc tham gia Đoàn giám sát. Đề xuất danh sách các cơ quan, tổ chức cử thành viên tham gia Đoàn giám sát.

2.2. Các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội:

- Cử Thường trực Ủy ban tham gia Đoàn giám sát; bố trí công việc, tạo điều kiện để các thành viên tham gia đầy đủ các hoạt động của Đoàn giám sát;

- Tham dự các buổi làm việc, các hội nghị, hội thảo, phiên giải trình của Đoàn giám sát;

- Trực tiếp tham gia ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát.

2.3. Văn phòng Quốc hội:

- Làm đầu mối liên hệ giữa Đoàn giám sát với Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương;

- Đảm bảo điều kiện phục vụ các hoạt động của Đoàn giám sát theo kế hoạch.

2.4. Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

- Tổ chức giám sát tại địa phương, có báo cáo gửi Đoàn giám sát để tổng hợp trình Ủy ban thường vụ Quốc hội (trừ các địa phương Đoàn giám sát có tổ chức Đoàn công tác đến làm việc);

- Cử đại diện tham gia, phối hợp với Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội khi tiến hành giám sát tại địa phương.

2.5. Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các Tập đoàn, Tổng công ty và Binh đoàn 15 - Bộ Quốc phòng:

Chỉ đạo, triển khai thực hiện kế hoạch giám sát; chuẩn bị báo cáo và cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin theo yêu cầu của Đoàn giám sát.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 820/NQ-UBTVQH13 năm 2014 thành lập Đoàn giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004 - 2014 do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành

  • Số hiệu: 820/NQ-UBTVQH13
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 17/10/2014
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 17/10/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản