Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35/2006/NQ-HĐND | Buôn Ma Thuột, ngày 11 tháng 10 năm 2006 |
VỀ QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH ĐẮK LẮK ĐẾN NĂM 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
KHÓA VII - KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Xét Tờ trình số 101/TTr-UBND ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị thông qua quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đăk Lăk đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra số 125/BC-HĐND ngày 06 tháng 10 năm 2006 của Ban Kinh tế và Ngân sách của Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của các Đại biểu tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN:
1. Quan điểm phát triển:
1.1. Kết hợp giữa phát triển kinh tế với xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; gắn với bảo đảm ổn định chính trị xã hội, xây dựng tỉnh Đăk Lăk trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của vùng Tây Nguyên.
1.2. Tích cực hợp tác phát triển với các tỉnh trong vùng, cả nước; chủ động phát triển kinh tế đối ngoại, hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
1.3. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội có trọng tâm, ưu tiên xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
1.4. Tăng trưởng và phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa - xã hội.
1.5. Phát huy yếu tố con người, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm mục tiêu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
1.6. Phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, giữ cân bằng sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững.
1.7. Phát triển kinh tế - xã hội gắn chặt với giữ vững quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
1.8. Đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính ở tất cả các cấp, các ngành nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
2. Các mục tiêu chủ yếu:
2.1. Mục tiêu tổng quát
Phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trước hết là về con người, về vốn, về tài nguyên đất, rừng, thủy năng và các khoáng sản để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; gắn chặt với bảo vệ môi trường sinh thái, giải quyết các vấn đề xã hội, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người lao động, cải thiện cơ bản đời sống nhân dân; góp phần giảm nghèo, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các cộng đồng dân cư, giữa các vùng và thực hiện công bằng xã hội. Đẩy nhanh việc xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng Đắk Lắk trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Nguyên; "một cực phát triển" trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Cămpuchia. Phát triển kinh tế - xã hội phải góp phần củng cố khối đoàn kết các dân tộc; tăng cường năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị các cấp, bảo đảm quốc phòng an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội.
2.2. Mục tiêu cụ thể
2.2.1. Về kinh tế
- Tổng GDP năm 2010 (theo giá so sánh 1994) gấp 1,7 lần so với năm 2005, năm 2020 gấp 3,03 lần so với năm 2010. GDP/người (giá hiện hành năm 2005) năm 2010 đạt khoảng 9 - 9,3 triệu đồng, năm 2020 khoảng 39 - 40 triệu đồng; thu hẹp khoảng cách thu nhập bình quân đầu người (GDP/người) so với cả nước đạt 51% năm 2010, lên 59% năm 2015 và đến năm 2020 đạt 68%; tương ứng với các mốc thời gian trên, so với vùng Tây Nguyên đạt: 77,4%, 91,7%, 93,7%.
- Về tăng trưởng kinh tế theo GDP (giá so sánh 1994):
+ Thời kỳ 2006 - 2010: Phấn đấu tăng GDP bình quân mỗi năm 11 - 12%, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 22 - 23%; nông - lâm nghiệp tăng 4,8 - 5%, dịch vụ tăng 20 - 21%.
+ Thời kỳ 2011 - 2015: GDP tăng bình quân năm 12 - 12, 5%, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 19,5 - 20%, nông, lâm nghiệp tăng 4,5 - 5%, dịch vụ tăng 16,3 - 17%.
+ Thời kỳ 2016 - 2020: GDP tăng bình quân năm 12,5 - 13%, trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 19 - 20%, nông, lâm nghiệp 4,4 - 4,5%, dịch vụ tăng 13 - 14%.
- Về cơ cấu kinh tế:
Cơ cấu kinh tế của tỉnh sẽ chuyển dịch dần từ nông, lâm nghiệp - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ (thời kỳ 2006 - 2010 với tỷ trọng của 3 khu vực trên trong GDP của tỉnh vào năm 2010, tính theo giá so sánh là 48 - 49%, 20,5 - 21%, 30,5 - 31 %; tính theo giá hiện hành- Giá trị xuất khẩu đến năm 2010 đạt 380 triệu USD, năm 2015 đạt 600 triệu USD và 2020 đạt 1.000 triệu USD.
- Tỷ lệ huy động GDP vào ngân sách khoảng 12 - 13% vào năm 2010, 14 - 15% vào năm 2015 và 16 - 18% vào năm 2020.
- Tổng nhu cầu đầu tư toàn xã hội (theo giá thực tế) thời kỳ 2006 - 2010 khoảng 23 nghìn tỷ đồng, thời kỳ 2011 - 2015 khoảng 62 - 63 nghìn tỷ đồng và 148 - 149 nghìn tỷ đồng thời kỳ 2016 - 2020. Tốc độ tăng vốn đầu tư bình quân năm đạt khoảng 19,6% thời kỳ 2006 - 2010, 22% thời kỳ 2011 - 2015 và 18,9 - 19% thời kỳ 2016 - 2020.
2.2.2. Về xã hội
- Xây dựng một xã hội có nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững ổn định đi đôi với đảm bảo dân chủ và tiến bộ xã hội. Phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa và phúc lợi xã hội, đảm bảo chăm lo đầy đủ và toàn diện cho mọi đối tượng trong xã hội.
- Phấn đấu giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên vào năm 2010 còn 1,5%, năm 2015 còn 1,3% và năm 2020 là 1,1%. Tỷ lệ dân số thành thị chiếm 30% năm 2010, 35% năm 2015 và 45,6% năm 2020. Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong lao động xã hội đạt 73 - 74% vào năm 2010 và giảm xuống còn 50 - 55% vào năm 2020.
- Giải quyết tốt các vấn đề xã hội cơ bản, giảm tỷ lệ hộ nghèo (theo tiêu chuẩn mới) xuống còn 15% vào nărn 2010, đến năm 2020 về cơ bản không còn hộ nghèo.
- Tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 36% năm 2010 và tăng lên 46% vào năm 2020 (trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo là đồng bào các dân tộc thiểu số phải đạt tối thiểu là 30% và 40% trong các năm tương ứng). Giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp ở khu vực thành thị xuống còn 3% vào năm 2010 và giảm tỷ lệ lao động thiếu việc làm ở khu vực nông thôn xuống còn 5%.
- Phấn đấu đến năm 2008 hoàn thành phổ cập trung học cơ sở trong độ tuổi. Năm 2020 có 75% phổ cập trung học phổ thông trong độ tuổi.
- Phấn đấu đến năm 2010 có 85% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và đạt 100% vào năm 2015, 100% trạm y tế xã có bác sĩ và 4,3 bác sĩ/vạn dân, đến năm 2020 có 8 - 10 bác sĩ/vạn dân. Giảm tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng xuống dưới 25% năm 2010 và xuống còn 15% vào năm 2020 (tỷ lệ tương ứng này đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đạt từ 35% và 20%).
2.2.3. Về môi trường
- Phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đưa tỷ lệ che phủ rừng lên 50% vào năm 2010 và 54% vào năm 2020, tăng diện tích cây xanh ở thành phố và các đô thị khác của tỉnh.
- Từng bước ứng dụng công nghệ sạch vào các ngành kinh tế của tỉnh. Đến năm 2015 các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm.
- Cơ bản hoàn thành việc cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước mưa và nước thải ở thành phố Buôn Ma Thuột, các thị xã mới nâng cấp, các khu cụm công nghiệp; Đến năm 2010 có 100% các đô thị, khu cụm công nghiệp được thu gom và xử lý rác thải, xử lý được 100% chất thải bệnh viện và 60% chất thải nguy hại. Xử lý cơ bản sự cố môi trường trên các dòng sông chảy qua tỉnh.
2.2.4. Về kết cấu hạ tầng chủ yếu:
- Đến năm 2020, cải tạo và nâng cấp 4 tuyến quốc lộ (quốc lộ 14, 14C, 26 và 27); quy hoạch, xây dựng thêm 02 tuyến mới: đường Trường Sơn Đông và đường Đăk Lăk Phú Yên. Cải tạo và nâng cấp các tuyến tỉnh lộ theo quy mô đường cấp III và IV miền núi, nhựa hóa, xi măng hóa 100%; xây dựng tuyến đường huyện theo quy mô cấp IV và V miền núi, nhựa hóa và xi măng hóa 80%. Nhựa hóa và xi măng hóa 100% đường nội thị và 60% đường xã.
- Phấn đấu đến năm 2010, có 95% số hộ có điện và đạt 100% vào năm 2015.
- Năm 2010, 100% số xã trong tỉnh có mạng điện thoại; 100% các điểm Bưu điện văn hóa xã và các trung tâm giáo dục cộng đồng được kết nối Internet. Năm 2010, mật độ điện thoại bình quân đạt 32 - 35 máy/100 dân; mật độ Internet đạt 8 - 12 thuê bao/100 dân. Năm 2020, mật độ điện thoại bình quân đạt 50 máy/100 dân.
- Năm 2010, đáp ứng 70% diện tích cây trồng có nhu cầu tưới và 90% vào năm 2020.
- Đến năm 2010, đảm bảo cho 100% dân số thành thị được dùng nước sạch với định mức bình quân 120 lít/người/ngày và trên 70% dân số nông thôn với bình quân 80 - 90 lít/người/ ngày. Đến năm 2020 có 100% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch.
II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CHỦ YẾU:
1. Định hướng phát triển các ngành - lĩnh vực và kết cấu hạ tầng chủ yếu:
1.1. Nông lâm nghiệp và kinh tế nông thôn
- Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn. Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, đa dạng hóa sản phẩm, sử dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và tăng sản lượng, chất lượng hàng hóa xuất khẩu.
- Phát triển hài hòa giữa các ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cây trồng vật nuôi; tăng giá trị thu nhập trên một ha đất nông nghiệp; nâng cao trình độ công nghệ, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và chế biến nông lâm sản.
- Về lâm nghiệp: Quy hoạch, quản lý và tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả 3 loại rừng. Căn cứ vào trữ lượng và suất tăng trưởng của rừng; nhu cầu chế biến, sử dụng và xuất khẩu đồ gỗ để xác định khối lượng khai thác; rừng tự nhiên hợp lý, đảm bảo tái sinh rừng; khai thác rừng gắn với việc trồng rừng.
1.2. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp
- Tập trung đầu tư phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế về tài nguyên và nguồn nguyên liệu tại chỗ như thủy điện, chế biến nông lâm sản, khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp sản xuất phân bón và chế biến thực phẩm.
- Hình thành và phát huy hiệu quả các Khu công nghiệp tập trung Hòa Phú, cụm công nghiệp Ea Đar - Ea Kar, Buôn Hồ, Buôn Ma Thuột; đồng thời quy hoạch các cụm công nghiệp Ea H’leo, Krông Bông và các huyện còn lại, mỗi cụm, điểm công nghiệp có quy mô khoảng 30 - 50 ha.
- Chú trọng phát triển công nghiệp nông thôn với quy mô vừa và nhỏ, lựa chọn công nghệ phù hợp và hiệu quả. Gắn công nghiệp với vùng nguyên liệu nông, lâm nghiệp. Khôi phục và phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp.
- Gắn phát triển công nghiệp với việc hình thành mạng lưới đô thị và phân bố các điểm dân cư tập trung; cũng như giải quyết các vấn đề xã hội, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và giữ vững quốc phòng an ninh.
1.3. Ngành thương mại, dịch vụ, du lịch
- Tiếp tục phát triển một số ngành dịch vụ có tiềm năng để phát huy ưu thế và khả năng cạnh tranh như du lịch, hàng không, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, bưu chính viễn thông.
- Nâng cao chất lượng hoạt động thương mại nội địa, nhất là hình thành các mạng lưới bán lẻ ở các đô thị theo hướng hiện đại, văn minh và hệ thống chợ nông thôn, nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của xã hội. Bảo đảm hàng hóa lưu thông thông suốt trong thị trường nội địa và giao lưu buôn bán với nước ngoài.
- Đẩy mạnh các hoạt động xuất nhập khẩu và quan hệ kinh tế đối ngoại, không ngừng nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu.
- Phát triển đa dạng các loại hình du lịch: du lịch sinh thái, cảnh quan; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch lễ hội v.v. Phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ, tôn tạo cảnh quan, môi trường; bảo vệ và phát triển đàn voi; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển du lịch gắn với việc đảm bảo an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội. Định hướng đến năm 2010 - 2020, trên địa bàn tỉnh phát triển 4 cụm du lịch du lịch trọng điểm.
2. Định hướng phát triển lĩnh vực văn hóa - xã hội:
2.1. Dân số, lao động, việc làm và xóa đói giảm nghèo
- Chuyển đổi cơ cấu sử dụng lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp, thu hút tham gia vào sản xuất công nghiệp, dịch vụ. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đào tạo tay nghề người lao động gắn với việc thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về giải quyết việc làm.
- Tạo thêm các nguồn đầu tư, vốn vay, tạo điều kiện thuận lợi về môi trường sản xuất, thông tin thị trường cho người lao động v.v. Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức kỹ thuật mới, kinh nghiệm sản xuất giúp người nghèo tự vươn lên.
- Thực hiện tốt chính sách dân tộc và các chính sách xã hội khác.
2.2. Giáo dục và đào tạo
- Hình thành hệ thống giáo dục toàn diện thống nhất từ giáo dục mầm non đến hệ trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, Đại học và Cao đẳng phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục - đào tạo.
- Phối hợp chặt chẽ với trường đại học Tây Nguyên, các Viện nghiên cứu của TW đóng trong địa bàn tỉnh trong việc đào tạo nguồn nhân lực: theo mục tiêu và đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Tập trung đầu tư nâng cấp Trường Đào tạo nghề thanh niên dân tộc thành Trường Cao đẳng nghề. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào hoạt động các trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện, ở các huyện Krông Buk, Krông Ana, Ea Kar, Ea H’leo và tiếp tục quy hoạch phát triển cho các huyện còn lại; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư đào tạo nghề.
2.3. Y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân: Tiếp tục phát triển sự nghiệp y tế cả về quy mô và chất lượng đến tận thôn buôn, nhằm đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế.
Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống y tế các cấp về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ y tế, năm 2010, đạt 19,1 giường bệnh/vạn dân và năm 2020 đạt ở mức 22 - 25 giường bệnh/vạn dân và có từ 8 - 10 bác sỹ/vạn dân; Dược sỹ đại học 1 - 2 người/vạn dân.
Thành lập Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên; từng bước thành lập một số bệnh viện chuyên khoa. Củng cố mạng lưới y học dân tộc từ huyện đến xã và vận động nhân dân trồng và sử dụng thuốc nam.
2.4. Phát triển văn hóa thông tin, thể dục thể thao: Coi trọng việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc đặc trưng Tây Nguyên. Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa. Xây dựng các hương ước, quy ước buôn làng văn hóa. Đến năm 2020, xây dựng đầy đủ các thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở. Phát triển mạnh mạng lưới thông tin tuyên truyền, báo chí đến các xã, buôn làng. Đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao đến tận cơ sở. Bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là bản sắc văn hóa đặc trưng Tây Nguyên. Xây dựng các cơ sở văn hóa, thể dục, thể thao, phát thanh truyền hình cấp vùng.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THEO KHÔNG GIAN LÃNH THỔ:
1. Định hướng phát triển theo không gian lãnh thổ:
Định hướng cơ bản về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo không gian lãnh thổ đến năm 2020 là phát triển có trọng tâm, trọng điểm tạo ra sự phát triển liên hoàn trên tất cả các ngành, lĩnh vực và từng địa phương. Chú trọng thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nghèo, vùng biên giới, vùng căn cứ cách mạng. Với quan điểm trên, xác định các hạt nhân phát triển, vùng động lực phát triển kinh tế trong thời gian tới là: Thành phố Buôn Ma Thuột, các thị xã, thị trấn; Các tuyến hành lang quốc lộ 14, 26, 27, quốc lộ mới (Đắk Lắk - Phú Yên); đường Trường Sơn Đông; các huyện phía Tây đường Hồ Chí Minh. Các địa bàn nhiều tiềm năng như các huyện Ea Kar, Krông Buk, Krông Păk, Krông Ana.
2. Định hướng phát triển đơn vị hành chính:
Đến năm 2020 ngoài thành phố Buôn Ma Thuột, sẽ phân kỳ nâng cấp một số đô thị mới trên cơ sở nâng cấp các thị trấn thành thị xã, đó là các thị xã Ea Kar, Buôn Hồ, Phước An, Buôn Trấp và sẽ hình thành thêm một số thị trấn và thị tứ với chức năng là những trung tâm của từng tiểu vùng. Cùng với việc hình thành 4 thị xã và điều chỉnh các đơn vị hành chính cấp huyện, đến năm 2020 toàn tỉnh Đắk Lắk có 19 đơn vị hành chính, bao gồm: 1 thành phố; 4 thị xã và 14 huyện. Đơn vị hành chính cấp xã đến năm 2010 là 195 đơn vị và đến năm 2020 là 218 đơn vị.
Trên cơ sở định hướng này, tùy tình hình phát triển ở địa phương, trong từng thời kỳ kế hoạch sẽ có điều chỉnh, bổ sung các đơn vị hành chính cho phù hợp.
IV. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU:
1. Về huy động vốn đầu tư:
- Có các giải pháp triệt để thực hành tiết kiệm, khai thác các nguồn thu nhằm tăng nhanh nguồn thu cho ngân sách và tăng vốn cho đầu tư phát triển. Khuyến khích các thành phần kinh tế đổi mới trang thiết bị và công nghệ tiên tiến; khuyến khích đầu tư vào các ngành lĩnh vực tỉnh có chủ trương thực hiện xã hội hóa. Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn: mở tài khoản cá nhân, mở sổ tiết kiệm, mua các kỳ phiếu, trái phiếu...
- Tranh thủ các nguồn vốn vay tín dụng, ưu tiên vốn vay cho phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, phát triển làng nghề cho các hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số v.v. Mở rộng các hoạt động cho vay để phát triển sản xuất. Nâng cao năng lực của ngành ngân hàng trong việc hướng dẫn đầu tư, thẩm định dự án vay vốn.
- Tranh thủ các nguồn vốn ODA, NGO một cách hợp lý; góp phần thay đổi cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
- Tạo điều kiện về hạ tầng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng nhằm hấp dẫn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào những địa bàn, ngành - lĩnh vực cho phép.
2. Về phát triển nguồn nhân lực: Quy hoạch, xây dựng mạng lưới các trường, các cơ sở giáo dục công lập và tư thục. Tiếp tục mở rộng, nâng cao năng lực đào tạo của các cơ sở đào tạo của tỉnh, đồng thời liên kết với các trung tâm đào tạo của cả nước để tăng cường đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động của tỉnh. Chọn cán bộ trẻ có trình độ và năng lực để đào tạo ở nước ngoài đối với một số ngành, lĩnh vực quan trọng, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới. Có chính sách khuyến khích phát triển nhân tài của tỉnh, đồng thời đãi ngộ các nhà quản lý giỏi, các chuyên gia khoa học kỹ thuật đầu đàn, công nhân có tay nghề cao đến tỉnh làm việc v.v.
3. Về mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm: Không ngừng tìm kiếm và mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước. Nâng cao trình độ dự báo các nhu cầu thị trường để định hướng đúng chủng loại, quy mô, chất lượng loại sản phẩm hàng hóa. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động tiếp thị nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm và thương hiệu.
4. Về thực hiện và vận dụng tốt các cơ chế, chính sách nhà nước nhất là các chương trình mục tiêu và mục tiêu quốc gia: Xây dựng các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện những ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Nhà nước phù hợp với điều kiện của tỉnh để thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực trọng điểm.
5. Về phát triển các thành phần kinh tế: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp và chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước theo hướng chất lượng, hiệu quả và thực sự thể hiện vai trò là thành phần chủ đạo trong nền kinh tế. Tổ chức thực hiện Luật hợp tác xã. Phát triển kinh tế trang trại ở những nơi có điều kiện về đất đai để trồng cây công nghiệp, chăn nuôi... Khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân. Tổ chức liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp chế biến lớn với hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân thành một quy trình xuyên suốt từ sản xuất nông sản, thu mua, chế biến bảo quản, tiêu thụ.
6. Về khoa học và công nghệ: Tăng cường áp dụng, chuyển giao công nghệ kỹ thuật mới vào trong sản xuất và đời sống; chú trọng đầu tư công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ nhằm tăng chất lượng, giá trị sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Xây dựng các cơ sở thông tin dữ liệu kinh tế - xã hội, làm cơ sở khoa học phục vụ cho công tác hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, quản lý điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
7. Về quản lý, điều hành: Tập trung cải cách hành chính theo hướng tinh giản tổ chức bộ máy; công khai, minh bạch, đơn giản hóa về thủ tục và hiện đại hóa trong xử lý công việc, đáp ứng yêu cầu của dịch vụ công. Tạo môi trường kinh tế - xã hội ổn định, lành mạnh bằng hệ thống pháp luật. Mở rộng các hoạt động bảo hiểm xã hội, nhằm ổn định đời sống của các tầng lớp dân cư, người lao động.
8. Đẩy mạnh phát triển kinh tế đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế:
Xây dựng các chương trình hợp tác, phối hợp giữa tỉnh với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên hải miền Trung. Chú trọng hợp tác liên tỉnh trên các lĩnh vực: chỉ đạo, điều hành thực hiện quy hoạch, kế hoạch; xây dựng, cung cấp thông tin phục vụ cho công tác dự báo; đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực; trong đầu tư và xúc tiến và kêu gọi đầu tư phát triển; trong ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư v.v. Tăng cường xúc tiến, kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành - lĩnh vực, địa bàn cho phép.
9. Về quốc phòng an ninh:
Bằng các biện pháp tổng hợp như: xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; duy trì có hiệu quả phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng của quần chúng nhân dân, sẵn sàng phòng chống có hiệu quả đối với âm mưu thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Kiên quyết giữ vững ổn định về an ninh chính trị để phát triển kinh tế - xã hội.
Điều 2. Ủy ban nhân dân tỉnh hoàn thành các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh triển khai quy hoạch này đến tất cả các các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, các tổ chức kinh tế - xã hội và toàn thể nhân dân. Cụ thể hóa thành kế hoạch 5 năm và hàng năm để triển khai thực hiện. Quá trình thực hiện quy hoạch, phải thường xuyên đánh giá, rà soát, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế và định hướng chung của Nhà nước. Các địa phương, các ngành căn cứ vào quy hoạch tổng thể này để lập quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương mình.
Điều 3. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho UBND tỉnh triển khai và tổ chức thực hiện theo đúng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã thông qua, sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và báo cáo HĐND tỉnh tại các kỳ họp.
Giao cho Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và Đại biểu HĐND tỉnh phối hợp giám sát việc triển khai, thực hiện Nghị quyết này.
Điều 4. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa VII, kỳ họp chuyên đề thông qua ngày 11 tháng 10 năm 2006./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |