Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 332/NQ-HĐND

Sơn La, ngày 08 tháng 7 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN THỦY SẢN TỈNH SƠN LA GIAI ĐOẠN 2010 - 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
KHÓA XII KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 384/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La thời kỳ 2006 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 13 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020;

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 18 tháng 6 năm 2007 của Tỉnh uỷ Sơn La về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2010 và năm 2015.

Xét Tờ trình số 84/TTr-UBND ngày 22 tháng 6 năm 2010 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Sơn La về việc thông qua quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Báo cáo thẩm tra số 574/BC-KTNS ngày 02 tháng 7 năm 2010 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; tổng hợp các ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, ĐỊNH HƯỚNG VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN THUỶ SẢN

1. Quan điểm, định hướng

- Phát huy lợi thế về tiềm năng mặt nước, điều kiện tự nhiên sinh thái, nguồn giống thuỷ sản đặc hữu của địa phương để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển thuỷ sản nhằm tạo ra sản phẩm hàng hoá đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào phát triển thuỷ sản (phát triển nuôi trồng, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm) theo quy hoạch, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận nhân dân.

- Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản kết hợp với bảo vệ tài nguyên, môi trường; hài hoà lợi ích của các ngành, các địa phương đồng thời phải tăng cường kiểm soát việc khai thác nguồn lợi và môi trường nhằm đảm bảo cân bằng sinh thái tự nhiên.

- Nhà nước tập trung đầu tư cho sự nghiệp khoa học phát triển giống, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người nuôi và khai thác thuỷ sản, định hướng thị trường tiêu thụ, đầu tư hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi - khai thác - dịch vụ tập trung và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trong các thuỷ vực của tỉnh.

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu chung

- Đến năm 2015, ngành thuỷ sản có bước phát triển rõ rệt, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân và góp phần giải quyết các vấn đề kinh tế- xã hội nông thôn.

- Đến năm 2020, ngành thuỷ sản là một trong những ngành quan trọng trong kinh tế nông nghiệp của tỉnh, đáp ứng nhu cầu sản phẩm thuỷ sản tiêu dùng nội tỉnh và phục vụ chế biến, xuất khẩu.

b) Mục tiêu cho các thời kỳ

- Mục tiêu đến năm 2015: Tổng sản lượng thuỷ sản đạt khoảng 8.200 tấn, trong đó nuôi trồng thuỷ sản khoảng 6.600 tấn, khai thác thuỷ sản khoảng 1.600 tấn; giá trị sản lượng đạt trên 360 tỷ đồng; giải quyết được việc làm cho trên 1,8 vạn lao động.

- Định hướng đến năm 2020: Tổng sản lượng thuỷ sản đạt khoảng 10.400 tấn, trong đó nuôi trồng thuỷ sản khoảng 8.400 tấn, khai thác thuỷ sản khoảng 2.000 tấn; giá trị sản lượng đạt trên 500 tỷ đồng; giải quyết được việc làm cho trên 2 vạn lao động.

II. NỘI DUNG QUY HOẠCH

1. Sản xuất giống thuỷ sản

- Xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng Trung tâm Giống thủy sản cấp I xã Tông Cọ huyện Thuận Châu, xây dựng các cơ sở vệ tinh của Trung tâm giống thủy sản cấp I tại các huyện Quỳnh Nhai và Phù Yên phục vụ lòng hồ thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La. Sản xuất các giống loài thủy sản có chất lượng cao phục vụ nhu cầu phát triển của nhân dân trong tỉnh; sản xuất các loài cá bản địa, ba ba và các giống thủy sản có giá trị kinh tế và khoa học cao để bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản của tỉnh.

- Quy mô sản xuất giống:

+ Đến năm 2015 sản xuất được 55,7 triệu con cá giống và ba ba giống để cung cấp cho nuôi ao 38,95 triệu con; nuôi cá ruộng 2,4 triệu con; nuôi hồ chứa nhỏ 2,25 triệu con, nuôi cá lồng 0,8 triệu con; giống đặc hữu thủy đặc sản 0,8 triệu con; giống bổ sung cho lòng hồ Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Sơn La 10,5 triệu con.

+ Đến năm 2020 sản xuất chủ động 60,95 triệu cá giống và ba ba giống để cung cấp cho nuôi ao 40,27 triệu con; nuôi ruộng 6,03 triệu con; nuôi lồng 1,15 triệu con; giống bản địa và thủy đặc sản 1,2 triệu con; thả hồ Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Sơn La 9,5 triệu con; nuôi hồ chứa nhỏ 2,8 triệu con.

2. Nuôi thủy sản thương phẩm

- Nuôi cá ao: Với những cá truyền thống như cá trắm cỏ, trôi các loại, chép, mè, mè vinh nhằm đảm bảo an ninh thực phẩm cung cấp cho tiêu dùng tại chỗ. Các giống loài mới, quý hiếm như: Cá rô phi đơn tính, cá quả, cá trê, lươn, ếch, cá bỗng, cá sỉnh, cá chiên, cá lăng, baba gai tạo ra sản phẩm hàng hoá cung cấp cho các khu đô thị. Đến năm 2015: Diện tích nuôi ao khoảng 2.600 ha, năng suất bình quân đạt 2,3 tấn/ha. Sản lượng thủy sản nuôi ao đạt khoảng 5.900 tấn. Đến năm 2020: Diện tích nuôi ao 2.600 ha, năng suất bình quân 2,7 tấn/ha, sản lượng nuôi ao trên 7.000 tấn.

- Nuôi cá hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhỏ: Đảm bảo hài hòa các lợi ích giữa tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản. Các đối tượng chính là: cá mè trắng, cá mè hoa, trắm cỏ, cá bỗng, cá trôi các loại, cá rô phi, cá chép. Đến năm 2015: Diện tích nuôi 450 ha, năng suất 0,3 tấn/ha, sản lượng nuôi hồ chứa đạt khoảng 140 tấn. Đến năm 2020: Diện tích nuôi là 540 ha, năng suất 0,4 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 210 tấn.

- Nuôi cá ruộng: Những địa bàn có ruộng lúa 2 vụ tập trung cần đầu tư xây dựng thành vùng nuôi cá ruộng tập trung như: Phù Yên, Yên Châu, Thuận Châu, Sông Mã. Đến năm 2015: Diện tích nuôi ruộng là 800 ha, năng suất đạt 0,267 tấn/ha, sản lượng khoảng 220 tấn. Đến năm 2020: Diện tích nuôi 1.005 ha, năng suất 0,278 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 290 tấn.

- Nuôi cá lồng: Phát triển trên các sông suối, hồ chứa có điều kiện phù hợp với yêu cầu kỹ thuật riêng của nghề này. Các đối tượng cá bản địa như: cá bỗng, cá chiên, cá lăng, cá quả, ba ba gai; các đối tượng phổ thông như: Cá trắm cỏ, cá rô phi đơn tính….Đến năm 2015 có khoảng 800 lồng năng suất 0,32 tấn/lồng, sản lượng đạt khoảng 260 tấn. Đến năm 2020 có khoảng 1.500 lồng, năng suất 0,35 tấn/lồng, sản lượng đạt khoảng 530 tấn.

- Nuôi thủy đặc sản: Phát triển ở vùng cao có nhiệt độ thấp, thuận lợi về khí hậu đối với các đối tượng cá nước lạnh như: Cá hồi, cá tầm. Các đối tượng thủy đặc sản được phát triển nuôi là cá chiên, cá lăng, ếch, lươn, tôm càng xanh, cá quả, baba gai. Đến năm 2015 sản lượng đạt khoảng 50 tấn các loại, năm 2020 đạt khoảng 90 tấn.

3. Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

- Khai thác kết hợp với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, cân đối hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ tài nguyên môi trường đảm bảo ổn định cân bằng sinh thái trong các thủy vực. Sản lượng khai thác đến năm 2015 đạt 1.550 tấn, năm 2020 đạt 2.010 tấn. Các khu vực cần được bảo vệ là các bãi cá đẻ, các vùng tập trung động vật thuỷ sản còn non trong các thuỷ vực sông, suối hồ chứa, đặc biệt là các bãi cá đẻ trên hệ thống sông Đà và sông Mã.

- Thả cá bổ sung cho các hồ thuỷ điện

+ Hồ thuỷ điện Hoà Bình: Trong hai năm đầu (2010 - 2012) mỗi năm thả bổ sung 1 triệu cá giống; từ năm 2013 mỗi năm thả 50 vạn cá giống. Thành phần cá giống thả theo tỷ lệ sau: Cá mè trắng, cá trắm cỏ, cá chép, cá mè hoa, cá bỗng tổng cộng 50%; Cá tiểu bạc 20%; Cá chiên 10%; Cá lăng 10%; Cá rô phi vằn 10%

+ Hồ thuỷ điện Sơn La: trong ba năm đầu ngập nước (2012- 2015) mỗi năm thả 1 triệu cá giống theo tỉ lệ sau: Cá mè trắng, cá mè hoa, cá trôi 35%; Cá tiểu bạc 20%; Cá chiên 10%; Cá quả 10%; Cá lăng 10%; Cá chép 5%; Cá rô phi vằn 5%; Cá trắm cỏ 5%.

+ Từ năm 2016, mỗi năm thả 50 vạn cá giống theo tỉ lệ như hồ thuỷ điện Hoà Bình. Trong quá trình theo dõi, có thể điều chỉnh tỷ lệ trên cho phù hợp với điều kiện thực tế.

III. TỔNG HỢP NHU CẦU NGUỒN VỐN VÀ DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN THUỶ SẢN GIAI ĐOẠN 2010 - 2020

1. Tổng nhu cầu vốn đầu tư: 379,9 tỷ đồng

- Ngân sách nhà nước: 123,4 tỷ đồng

+ Đầu tư phát triển: 104,9 tỷ đồng

+ Vốn sự nghiệp khoa học: 18,5 tỷ đồng

- Vốn vay: 26,5 tỷ đồng

- Vốn tự có: 230,0 tỷ đồng

2. Phân theo giai đoạn

a) Giai đoạn 2010 - 2015: 206,4 tỷ đồng

- Ngân sách:  72,9 tỷ đồng

+ Đầu tư phát triển: 56,4 tỷ đồng

+ Sự nghiệp khoa học: 16,5 tỷ đồng

- Vốn vay: 13,5 tỷ đồng

- Vốn tự có: 120,0 tỷ đồng

b) Giai đoạn 2015 - 2020: 173,5 tỷ đồng

- Ngân sách: 50,5 tỷ đồng

+ Đầu tư phát triển: 48,5 tỷ đồng

+ Sự nghiệp khoa học: 2 tỷ đồng

- Vốn vay: 13 tỷ đồng

- Vốn tự có: 110 tỷ đồng

3. Các dự án ưu tiên đầu tư

- Xây dựng Trung tâm Giống thuỷ sản cấp 1.

- Xây dựng cơ sở vệ tinh của Trung tâm Giống thuỷ sản cấp 1 để bảo tồn quỹ gien thuỷ sản và sản xuất cá giống để thả ra hồ chứa thuỷ điện.

- Khảo sát, quy hoạch bãi cá đẻ, bãi sinh vật thuỷ sản còn non để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên hồ thuỷ điện Hoà Bình, hồ thuỷ điện Sơn La.

- Bổ sung nguồn lợi cho hồ thuỷ điện Hoà Bình và hồ thuỷ điện Sơn La (thả cá giống bổ sung hàng năm xuống hồ).

- Xây dựng chợ cá, bến cá trên hồ thuỷ điện Hoà Bình và hồ thuỷ điện Sơn La

- Xây dựng quy chế bảo vệ đường di cư, bãi đẻ trứng của những loài cá quý hiếm như cá Anh vũ, cá Lăng, cá Chiên, cá Rầm xanh.

- Xây dựng khu bảo tồn cấp quốc gia hệ thống hồ chứa trên sông Đà thuộc tỉnh Sơn La; xây dựng khu bảo tồn cấp tỉnh tại sông Mã nhằm bảo vệ phức hệ thuỷ sinh vật, kết hợp với du lịch, nghiên cứu - giáo dục.

- Xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm thuỷ sản tiêu biểu của Sơn La.

- Xây dựng cơ sở chế biến thức ăn công nghiệp bằng nguồn nguyên liệu địa phương.

- Xây dựng khu nuôi cá ruộng tập trung ven suối Muội, huyện Thuận Châu và Quỳnh Nhai.

- Dự án truyền thông bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

- Đào tạo cán bộ thuỷ sản và khuyến ngư.

- Dự án thử nghiệm nuôi cá lồng trên hồ Hoà Bình.

- Hoàn chỉnh quy trình sản xuất cá lăng chấm.

- Dự án nhập giống cá tiểu bạc từ Trung Quốc về hồ thủy điện Hoà Bình và hồ thủy điện Sơn La.

- Dự án đưa cá bỗng vào nuôi trong ao nước chảy và trong lồng, từng bước thay thế cá trắm cỏ.

- Nhập và chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo cá chiên.

- Dự án nuôi thử nghiệm cá hồi vân và cá tầm thương phẩm.

IV. CÁC GIẢI PHÁP VÀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giải pháp về tổ chức quản lý nhà nước và đào tạo phát triển nguồn nhân lực

a) Tổ chức quản lý nhà nước về thuỷ sản

- Cấp tỉnh: Tập trung hoàn thiện tổ chức bộ máy, các phòng/ban của Chi cục Thuỷ sản để đủ năng lực giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực thuỷ sản trên địa bàn tỉnh, bao gồm quản lý: nuôi, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản. Hoàn thiện tổ chức của các đơn vị hoạt động thuỷ sản trên địa bàn của tỉnh theo quy định hiện hành của Nhà nước.

- Cấp huyện: Tổ chức bộ phận quản lý về thuỷ sản thuộc biên chế Phòng Nông nghiệp và PTNT, tăng cường cán bộ có chuyên môn cho hoạt động khuyến ngư để đảm bảo các hoạt động thuỷ sản. Phấn đấu ít nhất mỗi huyện có một cán bộ đại học hoặc cao đẳng chuyên ngành thuỷ sản.

- Cấp xã: Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn về thuỷ sản cho cán bộ khuyến nông hoặc cán bộ thú y xã để thực hiện công tác khuyến ngư tại cơ sở.

b) Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực

- Có chính sách thu hút lực lượng trẻ được đào tạo chuyên môn thuỷ sản ở các Trường Đại học, Cao đẳng và Trung học trong và ngoài tỉnh.

- Khuyến khích đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ đã có nhiều năm công tác trong lĩnh vực thuỷ sản.

- Tổ chức cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ cho con em các dân tộc trong tỉnh.

- Đào tạo tập huấn chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong nuôi trồng, khai thác thuỷ sản cho người dân thực hiện.

- Chú trọng mối liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, doanh nghiệp, khoa học, người dân) để phát huy tối đa nguồn nhân lực để phát triển thuỷ sản.

2. Giải pháp khoa học công nghệ

- Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh tăng năng suất đối với các giống truyền thống và các giống mới có giá trị kinh tế cao vào những vùng nuôi trồng thuỷ sản tập trung. Đầu tư việc chuyển giao công nghệ sản xuất giống và nuôi trồng thuỷ đặc sản thương phẩm theo quy hoạch.

- Từ năm 2015 sẽ ứng dụng rộng rãi công nghệ nuôi thâm canh, bán thâm canh, sử dụng thức ăn công nghiệp và xử lý môi trường. Nhanh chóng đưa giống cá bỗng vào các ao nước chảy và nghề nuôi cá lồng, từng bước giảm dần tỷ lệ cá trắm cỏ trong cơ cấu đàn cá nuôi nhằm hạn chế rủi ro do dịch bệnh. Ứng dụng công nghệ nuôi thương phẩm cho các loài cá bản địa như cá lăng, cá chiên, cá bỗng, cá rầm xanh, cá anh vũ…

- Bổ sung các đối tượng nuôi mới và sử dụng thức ăn công nghiệp cho nghề nuôi cá lồng. Ứng dụng các công nghệ nuôi thuỷ sản bằng các loại thức ăn đảm bảo chất lượng nhằm hạn chế dịch bệnh và bảo vệ môi trường.

3. Giải pháp khuyến ngư

Từ năm 2010 đến năm 2015 tối thiểu 50% người nuôi cá phải được dự các lớp kỹ thuật, tỷ lệ này đến năm 2020 ít nhất phải đạt 70%. Ngoài ra, các tài liệu hướng dẫn kỹ thụât phải ngắn gọn, dễ hiểu, phải đến tận tay người nuôi cá để họ nắm được những kiến thức tối thiểu áp dụng vào sản xuất thông qua chương trình truyền thông khuyến ngư (đài truyền thanh, đài truyền hình, tờ rơi....).

Bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến ngư trong hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở, đảm bảo đáp ứng yêu cầu phát triển thủy sản của tỉnh theo quy hoạch.

Xây dựng mô hình trình diễn sản xuất giống và nuôi một số đối tượng được nhiều người quan tâm và thị trường chấp nhận, đặc biệt chú ý nhân rộng các mô hình đã được chứng minh là có triển vọng vào thực tế sản xuất để có sản phẩm hàng hoá.

4. Giải pháp về giống

- Để đảm bảo số lượng và chất lượng giống phục vụ sản xuất trong các thời kỳ, ngoài việc nâng cấp mở rộng các cơ sở sản xuất giống thuỷ sản của tỉnh cần nhân rộng mô hình ương cá giống trong nhân dân và tổ chức ương cá giống trong lồng trên hồ thuỷ điện để tận dụng diện tích mặt nước hồ, sản xuất ra một lượng giống lớn cung cấp cho nghề nuôi thuỷ sản.

- Chỉ đạo và hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh giống thuỷ sản thực hiện tốt Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 05 năm 2005 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh một số ngành nghề thủy sản, Quyết định 85/2008/QĐ-BNN ngày 06 tháng 8 năm 2008 ban hành quy chế quản lý sản xuất và kinh doanh giống.

- Dần dần thay thế đàn cá bố mẹ của các cơ sở để đảm bảo chất lượng con giống sản xuất ra ngày càng tốt hơn.

5. Giải pháp về chính sách

a) Chính sách đất đai phục vụ cho phát triển thuỷ sản

- Xây dựng chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất thuỷ sản ở những vùng có mặt nước rộng lớn như hồ thuỷ điện.

- Đối với các hoạt động về sản xuất giống, chế biến thuỷ sản và chế biến thức ăn để nuôi thuỷ sản được áp dụng các chính sách ưu đãi về đất đai.

- Đầu tư vốn, đầu tư mặt bằng diện tích phù hợp để xây dựng các bến cá, chợ cá làm nơi tập trung giao lưu trao đổi sản phẩm cho đồng bào tái định cư sống ven các hồ chứa thuỷ điện.

b) Chính sách tài chính

- Nhu cầu vốn đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng ban đầu và chi phí sản xuất trong nuôi thuỷ đặc sản với quy mô thâm canh đòi hỏi rất lớn. Thời gian khấu hao vốn xây dựng cơ bản có thể kéo dài 10- 15 năm, vì vậy cần có chính sách tài chính phù hợp với chu trình sản xuất và hoàn trả vốn.

- Kết hợp với các Chương trình, Dự án mục tiêu quốc gia để người nghèo vay vốn nuôi thuỷ sản, trong đó những hộ nghèo làm nghề nuôi cá lồng được hưởng mức lãi suất thấp hoặc không tính lãi trong thời gian 2- 3 năm.

- Có chính sách hỗ trợ giá giống thuỷ sản trong hai năm đầu cho các hộ gia đình thuộc diện tái định cư trên vùng hồ thuỷ điện.

- Có chính sách hỗ trợ khi gặp rủi ro do thiên tai gây ra, tuỳ theo nguồn ngân sách có được của địa phương, sự hỗ trợ của Trung ương, của các cơ quan đoàn thể trong nước và quốc tế, để giúp người dân nhanh chóng khôi phục cơ sở vật chất bị hư hỏng và tiếp tục nuôi cá trong những năm sau đó.

- Nuôi và khai thác thuỷ sản là những nghề có tính rủi ro cao, vì vậy cần thành lập Quỹ bảo hiểm trong sản xuất nông nghiệp, trong đó có thuỷ sản.

6. Giải pháp thị trường

- Tổ chức các bến cá và chợ cá ở một số điểmkết mang tính truyến thống; ví dụ bến cá Vạn Yên, Tạ Khoa, Tà Hộc.... ở hồ Hoà Bình và Tạ Bú, Chiềng Bằng, Mường Chiên… trên hồ Sơn La.

- Xây dựng một số cửa hàng giới thiệu sản phẩm thuỷ sản Sơn La ở các thành phố tiêu thụ chính như Hà Nội, Sơn La, Hoà Bình .... Từng bước xây dựng một số thương hiệu về thủy sản của tỉnh Sơn La quảng bá mở rộng tiêu dùng trên thị trường cả nước và quốc tế.

7. Giải pháp bảo vệ môi trường: Bảo vệ môi trường rừng, môi trường nước nhằm bảo vệ phức hệ thuỷ sinh vật cho phát triển thuỷ sản; Rà soát lại công tác quy hoạch các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn đảm bảo không ảnh hưởng lớn đến môi trường sinh thái. Thiết kế xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi thuỷ sản, nhà máy chế biến, chợ thuỷ sản...cần đảm bảo hệ thống cấp thoát nước, hệ thống thu gom, xử lý rác thải, nước thải. Tăng chỉ đạo, giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường trong nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản.

Điều 2. Hiệu lực thi hành: Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày HĐND tỉnh Sơn La khóa XII thông qua.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Chủ tịch UBND tỉnh quyết định Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 và xây dựng kế hoạch 5 năm, kế hoạch hàng năm để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này.

2. Thường trực, các Ban và các vị đại biểu HĐND tỉnh phối hợp với Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, tăng cường truyên truyền và tổ chức giám sát việc thực hiện nghị quyết này.

Nghị quyết này được HĐND tỉnh Sơn La khóa XII, kỳ họp thứ 14 thông qua./.

 

 

Nơi nhận:
- Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Văn phòng Chủ tịch nước, VPQH, VPCP;
- UB Tài chính-Ngân sách của Quốc hội;
- Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính,
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn;
- Ban Công tác đại biểu của UBTVQH;
- Ban TV Tỉnh uỷ; TTHĐND; TTUBND;
UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh Khóa XII;
- Đại biểu HĐND tỉnh khoá XII;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể;
- TT Huyện uỷ, Thành uỷ; HĐND; UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng Tỉnh uỷ; Văn phòng UBND tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh; Trung tâm Lưu trữ tỉnh;
- Lưu: VT, 240b.

CHỦ TỊCH




Thào Xuân Sùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 332/NQ-HĐND năm 2010 thông qua quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản tỉnh Sơn La giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020

  • Số hiệu: 332/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 08/07/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Sơn La
  • Người ký: Thào Xuân Sùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/07/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản