Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2011/NQ-HĐND

Bắc Kạn, ngày 07 tháng 10 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA ĐỀ ÁN TỔ CHỨC XÂY DỰNG LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ TỈNH BẮC KẠN GIAI ĐOẠN 2011- 2015 VÀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TỰ VỆ

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN KHOÁ VIII
KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ THÁNG 9 NĂM 2011

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số: 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;

Căn cứ Thông tư liên tịch số: 102/2010/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 02 tháng 9 năm 2010 của liên Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ và việc lập dự toán chấp hành và quyết toán ngân sách cho công tác Dân quân tự vệ;

Căn cứ Thông tư: 85/2010/TT-BQP ngày 01 tháng 7 năm 2010 của Bộ Quốc phòng về hướng dẫn một số điều của Luật Dân quân tự vệ và Nghị định số: 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ.

Sau khi xem xét Tờ trình số: 38/TTr-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án Tổ chức xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011- 2015 và chế độ, chính sách đối với lực lượng Dân quân tự vệ; Báo cáo Thẩm tra số: 25/BC-HĐND ngày 27 tháng 9 năm 2011 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Đề án Tổ chức xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011- 2015 và chế độ, chính sách đối với lực lượng Dân quân tự vệ với các nội dung sau:

1. Mục tiêu.

Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp ngày càng cao; tổ chức chặt chẽ, biên chế tinh, gọn; trang bị vũ khí đầy đủ, phù hợp; được giáo dục chính trị, tư tưởng, huấn luyện quân sự toàn diện, thiết thực; khả năng sẵn sàng chiến đấu và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, thực sự là lực lượng chính trị tin cậy của cấp uỷ, chính quyền địa phương và nhân dân.

2. Tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ.

a) Cấp tỉnh xây dựng 3% so với tổng dân số;

b) Cấp huyện xây dựng 2,4% so với tổng dân số;

c) Cấp xã xây dựng từ: 5% đến 3,3% so với tổng dân số;

d) Lực lượng Tự vệ ở cơ quan, đơn vị, tổ chức:

- Đối với các cơ quan Nhà nước có số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ký kết hợp đồng lao động dài hạn từ 50 người trở lên tỷ lệ từ 10% đến 20% so với tổng số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động;

- Đối với các cơ quan Nhà nước có số cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dưới 50 người, căn cứ tình hình cụ thể do Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện quyết định tỷ lệ và việc thành lập đơn vị tự vệ.

3. Chế độ chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ.

a) Chế độ trợ cấp ngày công khi huấn luyện, hoạt động:

Đối với Dân quân: Được trợ cấp ngày công lao động bằng hệ số 0,08 mức lương tối thiểu chung của cán bộ, công chức.

b) Chế độ phụ cấp đối với Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã và Thôn đội trưởng:

- Đối với Chỉ huy phó Ban Chỉ huy quân sự cấp xã: Được hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng với hệ số 1,0 mức lương tối thiểu chung của cán bộ, công chức.

- Đối với Thôn đội trưởng (hoặc tương đương): Được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 0,5 mức lương tối thiểu chung của cán bộ, công chức. Những người đang giữ chức Trưởng thôn mà kiêm nhiệm thêm chức danh Thôn đội trưởng thì được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm bằng 20% của mức phụ cấp 0,5.

c) Nguồn kinh phí bảo đảm:

Thực hiện theo Điều 52, Luật Dân quân tự vệ; Điều 47, Nghị định số: 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ và Điều 13, Thông tư liên tịch số: 102/2010/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 01 tháng 8 năm 2010 của liên Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính.

Điều 2. Hiệu lực thi hành.

1. Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.

2. Bãi bỏ mức phụ cấp hàng tháng đối với Phó Chỉ huy trưởng Quân sự (Chỉ huy phó) quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 3, Nghị quyết số: 25/2010/NQ-HĐND ngày 01 tháng 10 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn về số lượng và chế độ chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, bản, tổ dân phố.

Điều 3. Tổ chức thực hiện.

1. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết. Trong quá trình thực hiện, Uỷ ban nhân dân tỉnh cần xác định thứ tự ưu tiên các công việc để xây dựng theo lộ trình cho phù hợp trên nguyên tắc tăng trưởng kinh tế, xã hội đi đôi với củng cố quốc phòng - an ninh.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh khoá VIII kỳ họp chuyên đề tháng 9 thông qua ngày 28 tháng 9 năm 2011./.

 

 

CHỦ TỊCH




Hà Văn Khoát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 23/2011/NQ-HĐND thông qua Đề án Tổ chức xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011- 2015 và chế độ chính sách đối với lực lượng Dân quân tự vệ

  • Số hiệu: 23/2011/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 07/10/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
  • Người ký: Hà Văn Khoát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản