Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2011/NQ-HĐND

Quảng Ngãi, ngày 22 tháng 7 năm 2011

 

NGHỊ QUYẾT

THÔNG QUA ĐỀ ÁN TỔ CHỨC LỰC LƯỢNG DÂN QUÂN TRỰC THƯỜNG XUYÊN BẢO VỆ TRỤ SỞ ỦY BAN NHÂN DÂN XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI, GIAI ĐOẠN 2011 – 2015

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
KHÓA XI - KỲ HỌP THỨ 2

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Dân quân tự vệ ngày 23/11/2009;

Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;

Căn cứ Thông tư số 77/2010/TT-BQP ngày 23/6/2010 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn hoạt động của dân quân tự vệ thực hiện một số điều của Luật Dân quân tự vệ và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 102/2010/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BNV-BTC ngày 2/8/2010 của liên bộ: Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ và việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách công tác dân quân tự vệ;

Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 1928/TTr-UBND ngày 12/7/2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc thông qua Đề án tổ chức lực lượng dân quân trực thường xuyên bảo vệ trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2011 - 2015; báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua Đề án tổ chức lực lượng dân quân trực thường xuyên bảo vệ trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2011 - 2015 với những nội dung sau:

1. Mục tiêu: Từng bước phấn đấu đến cuối năm 2013 trở đi có 100% trụ sở làm việc UBND cấp xã có tổ chức lực lượng dân quân trực 12/24 trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu thường xuyên, phối hợp với lực lượng công an xã nắm chắc tình hình, báo cáo cho lãnh đạo, chỉ huy kịp thời, xử lý ngăn chặn mọi tình huống như kẻ gian đột nhập, cháy nổ, đối tượng quá khích gây rối để bảo vệ tài sản, vũ khí trang bị, tài liệu ... tại trụ sở UBND cấp xã, giữ vững sự ổn định về an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở.

2. Một số nội dung, giải pháp chủ yếu và tiến độ thực hiện:

a) Tổ chức lực lượng trực:

- Thành phần tổ trực:

+ Trực chỉ huy: 01 đồng chí (Chỉ huy trưởng; Chỉ huy phó Ban CHQS cấp xã hoặc Trung đội trưởng dân quân cơ động của xã luân phiên đảm nhiệm).

+ Lực lượng dân quân luân phiên đảm nhiệm trực thường xuyên: 02 đồng chí (lấy lực lượng dân quân đã qua chương trình huấn luyện năm thứ nhất trong trung đội dân quân cơ động của xã luân phiên đảm nhiệm).

- Số lượng trực thường xuyên tại trụ sở UBND cấp xã: 1 tổ trực gồm 3 đồng chí.

- Thời gian trực: 12/24 giờ (Từ 18h00 ngày hôm trước đến 6h00 ngày hôm sau).

b) Nhiệm vụ lực lượng trực:

- Thực hiện chế độ trực thường xuyên 12/24 giờ tại trụ sở UBND cấp xã có nhiệm vụ tuần tra, canh gác, nắm tình hình, thông báo, báo cáo tình hình; xây dựng phương án bảo vệ tài sản, vũ khí trang bị quản lý tại trụ sở UBND cấp xã; đề xuất sử dụng lực lượng đúng chức năng, nhiệm vụ.

- Chỉ huy trực căn cứ tình hình, quy định phạm vi, nội dung, tổ chức, phương pháp hoạt động nắm tình hình và các chế độ báo cáo của lực lượng thuộc quyền; đề xuất tham mưu xử lý kịp thời các tình huống an ninh – chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ an toàn trụ sở làm việc UBND cấp xã và tham gia phòng chống bão lụt, thiên tai, cứu nạn cứu hộ đạt hiệu quả.

- Tổng hợp tình hình kịp thời, đầy đủ báo cáo cho Đảng ủy, UBND cấp xã và báo cáo cấp trên theo quy định; ghi chép nhật ký trong phiên trực và ký nhận, bàn giao ca trực đầy đủ.

c) Lộ trình triển khai thực hiện:

Năm 2011 có 40%, năm 2012 có 70%, năm 2013 trở đi có 100% số xã, phường, thị trấn có lực lượng dân quân trực thường xuyên bảo vệ trụ sở UBND cấp xã.

3. Chế độ chính sách cho lực lượng trực:

a) Được trợ cấp một đêm trực bằng 0,08 mức lương tối thiểu chung/người.

b) Trong thời gian làm nhiệm vụ bị ốm, bị tai nạn, bị thương, bị chết, hy sinh thì được hưởng chế độ theo quy định tại Điều 51 Luật Dân quân tự vệ.

4. Kinh phí bảo đảm thực hiện Đề án (2011 - 2015):

a) Kinh phí thực hiện Đề án:

- Từ tháng 8 năm 2011: Tổ chức tại 67 xã, phường, thị trấn (40% tổng số xã, phường, thị trấn) với tổng số tiền là 2.028.652.000 đồng (Hai tỷ, không trăm hai mươi tám triệu, sáu trăm năm mươi hai ngàn đồng).

- Năm 2012: Tổ chức tại 117 xã, phường, thị trấn (70% tổng số xã, phường, thị trấn) với tổng số tiền là 8.506.836.000 đồng (Tám tỷ, năm trăm không sáu triệu, tám trăm ba mươi sáu ngàn đồng).

- Năm 2013: Tổ chức tại 168 xã, phường, thị trấn (100% số xã, phường, thị trấn) với tổng số tiền là 12.214.944.000 đồng (Mười hai tỷ, hai trăm mười bốn triệu, chín trăm bốn mươi bốn ngàn đồng).

- Năm 2014 và 2015: như năm 2013.

* Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 47.180.320.000 đồng (Bốn mươi bảy tỷ, một trăm tám mươi triệu, ba trăm hai mươi ngàn đồng).

b) Nguồn kinh phí bảo đảm thực hiện Đề án:

- Nguyên tắc chung:

+ Đối với các phường thuộc thành phố Quảng Ngãi và các thị trấn thuộc các huyện đồng bằng thì sử dụng ngân sách của cấp phường, thị trấn.

+ Đối với các xã thuộc thành phố Quảng Ngãi và các huyện đồng bằng (trừ các xã bãi ngang ven biển) thì sử dụng 50% ngân sách cấp xã và ngân sách cấp huyện hỗ trợ 50%.

+ Đối với các xã, thị trấn thuộc các huyện miền núi, các xã miền núi thuộc các huyện đồng bằng và các xã bãi ngang ven biển, do ngân sách huyện hỗ trợ 50% và ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%.

- Trong năm 2011, năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách mới theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, các xã, phường, thị trấn (cấp xã), UBND huyện, thành phố (cấp huyện) thực hiện theo dự toán kinh phí được giao. Cuối năm 2011, trên cơ sở rà soát khả năng thu - chi của cấp xã, cấp huyện để cân đối bổ sung theo thực tế.

- Từ năm 2012 trở đi, trong quá trình lập dự toán ngân sách hằng năm sẽ phân loại khả năng thu - chi ngân sách từng xã, phường, thị trấn và huyện, thành phố để có phương án cân đối cụ thể trình HĐND cùng cấp và HĐND tỉnh quyết định.

- Ngoài nguồn kinh phí ngân sách, sử dụng kinh phí từ Quỹ quốc phòng – an ninh và các nguồn thu hợp pháp khác quy định tại Điều 48 Nghị định số 58/2010/NĐ- CP ngày 01/6/2010 của Chính phủ.

Điều 2. Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và hoàn chỉnh đề án, thông qua Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để ban hành.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày thông qua.

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XI thông qua ngày 19 tháng 7 năm 2011, tại kỳ họp thứ 2./.

 

 

CHỦ TỊCH




Phạm Minh Toản

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 16/2011/NQ-HĐND thông qua đề án tổ chức lực lượng dân quân trực thường xuyên bảo vệ trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn trên địa bàn giai đoạn 2011–2015 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành

  • Số hiệu: 16/2011/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 22/07/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ngãi
  • Người ký: Phạm Minh Toản
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/07/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản