Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/2022/NQ-HĐND

Tuyên Quang, ngày 03 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ PHÁP LÝ VÀ MỨC CHI PHỤC VỤ HOẠT ĐỘNG HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
KHÓA XIX, KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019; Khoản 2 Điều 57 Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Thông tư số 64/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Xét Tờ trình số 38/TTr-UBND ngày 21 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định chính sách hỗ trợ pháp lý và mức chi phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Báo cáo thẩm tra số 192/BC-HĐND ngày 29 tháng 6 năm 2022 của Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị quyết này quy định chính sách hỗ trợ pháp lý và mức chi phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

2. Các nội dung không được quy định tại Nghị quyết này thực hiện theo quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây viết tắt là Nghị định số 55/2019/NĐ-CP); Thông tư số 64/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 7 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (sau đây viết tắt là Thông tư số 64/2021/TT-BTC) và các văn bản pháp luật hiện hành.

3. Khi các văn bản dẫn chiếu để áp dụng tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản mới thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

2. Tổ chức đại diện của doanh nghiệp; Doanh nghiệp nhỏ và vừa đăng ký thành lập trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

3. Cơ quan, tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức, cá nhân đủ điều kiện hành nghề tư vấn pháp luật trên địa bàn tỉnh.

4. Cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Chính sách bồi dưỡng kiến thức pháp luật

1. Nội dung hỗ trợ: Hỗ trợ kinh phí để Tổ chức đại diện của doanh nghiệp thực hiện bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

2. Nội dung chi, mức chi: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 64/2021/TT-BTC và Nghị quyết này.

3. Phương thức thực hiện

a) Hằng năm, tổ chức đại diện của doanh nghiệp xây dựng dự toán kinh phí, đăng ký tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với Sở Tư pháp để tổng hợp, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp theo quy định.

b) Kinh phí tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp cho Sở Tư pháp để ký hợp đồng với tổ chức đại diện của doanh nghiệp tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật theo quy định.

Điều 4. Chính sách hỗ trợ tư vấn pháp luật

1. Đối tượng, mức hỗ trợ

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn pháp luật khi sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn viên pháp luật, trung tâm tư vấn pháp luật đủ điều kiện hành nghề tư vấn pháp luật và có đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang theo quy định của pháp luật nhưng tối đa không quá 05 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, không quá 07 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ, không quá 10 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa.

2. Nguyên tắc hỗ trợ

a) Việc hỗ trợ kinh phí được thực hiện sau khi hoàn thành và kết thúc hợp đồng tư vấn pháp luật, có văn bản tư vấn pháp luật của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật.

b) Trường hợp cùng một nội dung tư vấn, doanh nghiệp nhỏ và vừa ký hợp đồng tư vấn pháp luật với nhiều tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật thì chỉ được hỗ trợ theo giá trị của một hợp đồng, mức hỗ trợ thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều này.

c) Trường hợp có nhiều chính sách hỗ trợ về tư vấn pháp luật khác nhau, doanh nghiệp thụ hưởng được lựa chọn một chính sách hỗ trợ, trừ trường hợp pháp luật quy định khác.

Điều 5. Mức chi phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý

1. Chi xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng các dữ liệu, cơ sở dữ liệu phục vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, các văn bản hiện hành về chi ứng dụng công nghệ thông tin và các định mức kinh tế - kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

2. Chi hoạt động cung cấp thông tin pháp luật trong nước, thông tin pháp luật nước ngoài, pháp luật quốc tế, cảnh báo rủi ro pháp lý và chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP dưới các hình thức: Tài liệu viết; dữ liệu điện tử (bản tin pháp luật, phóng sự, chuyên đề, chuyên mục nâng cao kiến thức pháp luật) để đăng tải trên các phương tiện truyền thông, mức chi cụ thể như sau:

a) Chi biên soạn sách, tài liệu: Thực hiện theo quy định về chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học theo quy định tại Thông tư số 76/2018/TT-BTC ngày 17 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp.

b) Chi sản xuất, phát hành, phát sóng các chương trình thu hình, thu thanh; các nội dung chi khác liên quan đến hoạt động cung cấp thông tin: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác, quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật hiện hành và các hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật. Trường hợp địa phương ban hành mức chi cụ thể thì thực hiện quy định của địa phương.

3. Chi tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP:

a) Chi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, tư vấn viên pháp luật:

- Các khoản chi do doanh nghiệp nhỏ và vừa, tư vấn viên pháp luật tự chi trả: Thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 3 Thông tư số 64/2021/TT-BTC.

- Ngân sách nhà nước hỗ trợ các khoản chi còn lại (trừ chi phí đi lại, tiền ăn, tiền thuê phòng nghỉ do doanh nghiệp nhỏ và vừa, tư vấn viên pháp luật tự chi trả theo điểm a khoản 3 Điều này) để tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật: Thực hiện theo quy định về chế độ chi tổ chức hội nghị tại Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định chế độ chi công tác phí, chế độ chi hội nghị, chế độ chi tiếp khách áp dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND) và Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND ngày 01 tháng 8 năm 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Quy định về chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc, chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế và chi tiếp khách trong nước áp dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (sau đây viết tắt là Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND).

b) Đối với chi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho các đối tượng của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 06/2018/NQ-HĐND ngày 06 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

4. Chi tổ chức đối thoại, diễn đàn tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND và Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND.

5. Chi mua các ấn phẩm, sách, tài liệu tuyên truyền phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thực hiện theo quy định của pháp luật về mua sắm, hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật hiện hành.

6. Chi xây dựng và thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa:

a) Chi khảo sát nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia.

b) Chi các cuộc họp góp ý đề cương chương trình, xét duyệt, thẩm định, xây dựng nội dung chương trình: Thực hiện theo Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND và Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND.

c) Chi thực hiện chương trình: Các cơ quan được giao thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa căn cứ chương trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt và các chế độ, định mức chi đã được quy định để thực hiện.

Điều 6. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Việc lập, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí bảo đảm cho công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết này theo đúng quy định của pháp luật.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang khóa XIX, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 02 tháng 7 năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2022./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Các Văn phòng: Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính, Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL- Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế- Bộ Tài chính;
- Các Ban của HĐND tỉnh, Đại biểu HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Sở Tư pháp (đăng tải CSDLPL);
- Các Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND tỉnh;
- Các tổ chức đại diện của DN cấp tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND huyện, thành phố;
- Báo Tuyên Quang, Đài PT&TH tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Công báo Tuyên Quang;
- Trang thông tin điện tử Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Lưu: VT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Phạm Thị Minh Xuân