Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2010/NQ-HĐND

Đông Hà, ngày 23 tháng 7 năm 2010

 

NGHỊ QUYẾT

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NỘI DUNG MỘT SỐ NGHỊ QUYẾT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KHÓA V

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 21

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Xét Tờ trình số 1895/TTr-UBND ngày 06/7/2010 của UBND tỉnh về đề nghị thông qua Nghị quyết về "Sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết của HĐND tỉnh” và Nghị quyết về “Danh mục các Nghị quyết do HĐND tỉnh Ban hành hết hiệu lực kể từ ngày 01/01/2011”; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua việc sửa đổi, bổ sung nội dung một số Nghị quyết HĐND tỉnh khóa V như sau:

I. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NỘI DUNG MỘT SỐ NGHỊ QUYẾT SAU

1. Nghị quyết 3.5/2004/NQ-HĐND ngày 18/12/2004 về phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2005- 2010:

a) Kéo dài thời hạn hiệu lực thực hiện của Nghị quyết 3.5/2004/NQ-HĐND đến năm 2015;

b) Sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số nội dung trong Nghị quyết 3.5/2004/NQ- HĐND như sau:

- Tại khoản 1, mục I của Nghị quyết (Tại tiết 2.3.1, điểm 2.3, khoản 2, mục III của Đề án): Điều chỉnh mục tiêu đến năm 2015 có 50% số trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia;

- Tại khoản 3, mục I của Nghị quyết (Tại tiết 2.2.3, điểm 2.3, khoản 2, mục III của Đề án):

Về xây dựng cơ sở vật chất: Bổ sung phần đầu tư xây dựng trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia, cụ thể như sau:

+ Nâng cấp 33 trường Mầm non đã đạt chuẩn giai đoạn 2002- 2005 (Chuẩn cũ) theo Quyết định số 45/2001/QĐ-BGDĐT ngày 26/12/2001 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục- Đào tạo lên chuẩn mới theo Quyết định số 36/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16/7/2008 của Bộ Giáo dục- Đào tạo về việc Ban hành Quy chế công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (Chuẩn mới): 33 trường x 300.000.000đ/trường = 9.900.000.000 đồng;

+ Đầu tư xây dựng mới 36 trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia theo Quyết định số 36/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục- Đào tạo: 36 trường x 500.000.000đ/trường = 18.000.000.000 đồng.

Nguồn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất: Ngân sách Nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác.

Về mua sắm trang bị, đồ chơi: Điều chỉnh định mức mua sắm từ 5.000.000 đồng/lớp lên 12.000.000 đồng/lớp cho 10 trường trọng điểm và 50 trường thuộc vùng khó khăn, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 40%: 60 trường x 4 lớp/trường x 12.000.000đ x 40% = 1.152.000.000 đồng.

- Tại mục II của Nghị quyết (Tại tiết 2.3.4, điểm 2.3, khoản 2, mục III của Đề án): Tiền lương cho giáo viên mầm non ngoài biên chế trong giai đoạn 2011- 2015 tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 3.5/2004/NQ-HĐND với cách tính như sau:

Tổng tiền lương được hưởng = Lương cơ bản (Theo trình độ đào tạo) + Phụ cấp ưu đãi (Theo nghề) + Phụ cấp thu hút (Nếu có) + Bảo hiểm (Xã hội, y tế, thất nghiệp) và kinh phí Công đoàn (Nếu có).

Hàng năm, giáo viên ngoài biên chế được xét nâng bậc lương theo quy định của Nhà nước như đối với giáo viên trong biên chế. Việc nâng lương được thực hiện từ khi Nghị quyết này có hiệu lực.

- Tại mục II của Nghị quyết (Tại điểm 3.1, khoản 3, mục III của Đề án) về sắp xếp mạng lưới giáo dục Mầm non phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của từng địa phương: Giao UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng Đề án chuyển đổi các loại hình trường mầm non trình HĐND tỉnh quyết định vào kỳ họp thứ 22 khóa V;

- Tại điểm 2, Mục I của Nghị quyết về Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên: Bổ sung: Kế hoạch phát triển giáo viên mầm non ngoài biên chế giai đoạn 2010- 2015 và số giáo viên tăng thêm hàng năm cụ thể cho từng đơn vị, giao Sở Giáo dục- Đào tạo và Sở Nội vụ thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt;

- Tại điểm 3.5, khoản 3, mục III của Đề án: Về đổi mới công tác giáo dục và thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục:

Điều chỉnh tăng mức thu học phí ngành học Mầm non để đảm bảo cân đối mức chi trả tiền lương cho giáo viên ngoài biên chế và một phần hoạt động dạy và học trên cơ sở thỏa thuận giữa nhà trường với phụ huynh học sinh.

Mức đóng góp học phí như sau:

+ Vùng thành phố, thị xã: Từ 75.000- 100.000 đồng/cháu/tháng;

+ Vùng đồng bằng, thị trấn: Từ 35.000- 50.000 đồng/cháu/tháng;

+ Vùng núi thấp, miền biển: Từ 25.000- 30.000 đồng/cháu/tháng.

- Tại phụ lục 4 của Đề án: Điều chỉnh về cơ cấu kinh phí chi trả lương và phụ cấp cho giáo viên mầm non ngoài biên chế theo vùng miền, bằng cấp chỉ thực hiện đối với ngân sách cấp tỉnh, huyện và nguồn đóng góp từ phụ huynh học sinh, không thực hiện huy động đối với ngân sách cấp xã.

2. Nghị quyết số 12/2008/NQ-HĐND ngày 24/7/2008 về luân chuyển và chính sách khuyến khích đối với giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn:

- Sửa đổi khoản 1, mục II, điều 1 (Đối tượng chuyển về): “Là giáo viên trong biên chế của ngành Giáo dục- Đào tạo (Trừ giáo viên mầm non, giáo viên có đơn tình nguyện công tác lâu dài) đang công tác tại các xã vùng đặc biệt khó khăn.. thành: “Là giáo viên trong biên chế của ngành Giáo dục- Đào tạo (Trừ giáo viên mầm non, giáo viên có đơn tình nguyện công tác lâu dài) đã công tác tại các xã vùng đặc biệt khó khăn...”;

- Tại mục IV, điều 1, về một số quy định chung: Bổ sung thêm khoản 7: “UBND các huyện, thành phố, thị xã phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục- Đào tạo và Sở Nội vụ tổ chức thực hiện tốt việc xét luân chuyển đối với giáo viên công tác vùng đặc biệt khó khăn theo đúng quy định tại Nghị quyết này”.

3. Nghị quyết số 08/2008/NQ-HĐND ngày 08/4/2008 về Phê duyệt Tổng thể phát triển hệ thống y tế Quảng Trị đến năm 2020.

- Sửa đổi điểm a, mục 4.2, khoản 4, Điều 1: “Hoàn thành đầu tư, nâng cấp Bệnh viện tỉnh với quy mô 500 giường bệnh vào năm 2010” thành “Hoàn thành đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Đa khoa tỉnh quy mô 500 giường bệnh vào năm 2015 và nâng cấp lên 700 giường bệnh vào năm 2020”;

- Bổ sung điểm a, mục 4.2, khoản 4, Điều 1: “Xây dựng mới Bệnh viện chuyên khoa Lao và bệnh phổi”.

4. Nghị quyết 04/2009/NQ-HĐND ngày 24/4/2009 của HĐND tỉnh về Sửa đổi, bổ sung chính sách khuyến khích đào tạo, thu hút và sử dụng cán bộ; chính sách thu hút, đào tạo, đãi ngộ đối với bác sỹ, dược sỹ đại học và cán bộ y tế cơ sở.

- Sau dòng cuối cùng của điểm 1, mục I, Điều 1 của Nghị quyết, bổ sung thêm “Kể từ ngày 01/5/2010, các đối tượng trên được cử đi đào tạo sau đại học phải đảm bảo điều kiện quy định tại Điều 20 Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/3/2010 của Chính phủ”.

5. Kéo dài thời hạn hiệu lực thực hiện Nghị quyết 02/2007/NQ-HĐND ngày 12/04/2007 của HĐND về xã hội hóa các hoạt động giáo dục- đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục- thể thao tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2007- 2010 đến năm 2015.

Giữ nguyên các chỉ tiêu phấn đấu thực hiện đến 2010 để thực hiện đến 2015.

II. UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các Nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành theo quy định của pháp luật, nhất là đối với các nghị quyết hết hiệu lực từ 01/01/2011, trình HĐND tỉnh xem xét tại các kỳ họp tới

Điều 2. Giao UBND tỉnh hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này được HĐND tỉnh khóa V, kỳ họp thứ 21 thông qua ngày 23 tháng 7 năm 2010./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Hữu Phúc

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 13/2010/NQ-HĐND sửa đổi nội dung một số Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng trị khóa V

  • Số hiệu: 13/2010/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 23/07/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
  • Người ký: Lê Hữu Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản