Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 128/NQ-HĐND

Quảng Ninh, ngày 14 tháng 3 năm 2014

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG KHOÁNG SẢN LÀM VẬT LIỆU XÂY DỰNG THÔNG THƯỜNG VÀ KHOÁNG SẢN PHÂN TÁN NHỎ LẺ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
KHOÁ XII - KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Khoáng sản năm 2010, Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;

Sau khi xem xét “Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” kèm theo Tờ trình số 6454/TTr-UBND ngày 17/11/2013 của Uỷ ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 14/BC-HĐND ngày 11/3/2014 của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với một số nội dung chủ yếu như sau:

1. Phạm vi, quan điểm, mục tiêu quy hoạch.

a) Phạm vi quy hoạch

Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 bao gồm các loại khoáng sản sau đây:

- Các khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường: Sét gạch ngói, đá vôi và đá xây dựng khác, cát cuội sỏi xây dựng và cát làm vật liệu san lấp.

- Khoáng sản ở khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ theo quy định Luật khoáng sản.

b) Quan điểm quy hoạch

Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo, tài sản quan trọng và nguồn lực phát triển; khoáng sản phải được quản lý bảo vệ, khai thác sử dụng hợp lý, tiết kiệm, thực sự có hiệu quả gắn liền với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, danh thắng, an ninh quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế xã hội ổn định và bền vững.

Quy hoạch khoáng sản phải đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Ninh; quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển công nghiệp, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng, quy hoạch sử dụng cát, cuội, sỏi xây dựng của Tỉnh. Phù hợp với chương trình, kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu.

c) Mục tiêu

Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đến năm 2020 đáp ứng đủ số lượng, đảm bảo chất lượng nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm và đáp ứng tối đa nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình hạ tầng giao thông, đô thị, đặc biệt là các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Định hướng công tác thăm dò chuẩn bị nguồn trữ lượng khoáng sản, tiếp tục duy trì và đầu tư khai thác các mỏ đáp ứng cho giai đoạn đến năm 2030.

Là căn cứ pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn; cấp phép các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản theo thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh; tăng cường điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, thăm dò khoáng sản đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài; quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; ngăn chặn, xử lý và chấm dứt tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản đồng thời nâng cao trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định pháp luật; đảm bảo quyền lợi của người dân địa phương nơi khai thác khoáng sản theo luật định.

2. Nội dung quy hoạch bao gồm:

a) Đánh giá tiềm năng, trữ lượng các loại khoáng sản trong quy hoạch

b) Cân đối nhu cầu khoáng sản

c) Quy hoạch các dự án thăm dò khoáng sản

d) Quy hoạch các dự án khai thác khoáng sản

e) Quy hoạch sử dụng khoáng sản

3. Những giải pháp thực hiện quy hoạch

a) Nhóm giải pháp quản lý nhà nước

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khoáng sản, công khai Quy hoạch khoáng sản sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong quá trình thực hiện theo dõi cập nhật, đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch, điều chỉnh bổ sung kịp thời cho phù hợp với tình hình thực tế.

Bổ sung, hoàn thiện các văn bản qui phạm pháp luật trong quản lý khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp tỉnh ban hành. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản; công khai thủ tục cấp phép hoạt động khoáng sản; không cấp phép hoạt động khoáng sản cho các tổ chức, cá nhân không đủ năng lực tài chính, công nghệ lạc hậu; hạn chế việc chia nhỏ các mỏ khoáng sản thành các khu vực để cấp phép khai thác quy mô nhỏ. Kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép khai thác khoáng sản tại các khu vực sườn núi dọc theo hai bên đường quốc lộ; trong phạm vi rừng đầu nguồn, các hồ chứa nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất, các di tích, lịch sử văn hóa, danh thắng đã được tỉnh và Trung ương xếp hạng và các điểm mỏ có trữ lượng nhỏ lẻ nhưng ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường...

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra hoạt động khoáng sản để khai thác đúng quy định giấy phép, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, với địa phương và người dân nơi khai thác khoáng sản và các quy định liên quan; đảm bảo an toàn trong khai thác mỏ, phòng chống sự cố; tuân thủ biện pháp bảo vệ môi trường, ký quĩ cải tạo phục hồi môi trường và thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, đất đai trong và sau khai thác; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép theo quy định, kể cả việc xem xét các dự án đã quá thời hạn mà không triển khai thực hiện.

Đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và sản xuất vật liệu xây dựng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế xã hội nhanh và bền vững. Đẩy nhanh tiến độ thăm dò khoáng sản, thu thập, cập nhật đầy đủ thông tin về các điểm mỏ đã được phát hiện chuẩn bị nguồn trữ lượng để chủ động đưa vào khai thác theo quy hoạch.

Tổ chức thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản theo quy định Luật khoáng sản. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục về quản lý khoáng sản, đất đai, bảo vệ môi trường.

Ban hành các quy định, quy chế bắt buộc các doanh nghiệp, các tổ chức, cơ quan nhà nước và các đoàn thể phải có trách nhiệm hoàn nguyên môi trường khi thực hiện khai thác tài nguyên hoặc phục vụ các yêu cầu về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

b) Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách

- Tham gia với các Bộ, Ngành trung ương xây dựng, hoàn chỉnh các văn bản qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành pháp luật về khoáng sản. Xây dựng và ban hành các văn bản qui phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai có hiệu quả Luật Khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

- Phân vùng sử dụng khoáng sản theo hướng:

Xây dựng các cơ chế, chính sách để khuyến khích đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ trong khai thác chế biến nhằm khai thác triệt để, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường. Khuyến khích chế biến sâu để sản xuất các sản phẩm mới, sản phẩm có thương hiệu, giá trị cao đáp ứng thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tạo giá trị gia tăng cao của khoáng sản.

Đối với sét gạch ngói: Hình thành cụm sản xuất sản phẩm đất sét nung tập trung tại khu vực Hạ Long - Hoành Bồ và Đông Triều. Gắn các khu khai thác, chế biến sử dụng làm nguyên liệu liền với nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn. Sử dụng tối đa sét ở khu vực miền Tây của Tỉnh để sản xuất các sản phẩm mỏng có thương hiệu, giá trị cao và lợi thế cạnh tranh, đồng thời tiến tới chấm dứt sử dụng để sản xuất gạch nung. Gạch nung chuyển sang sử dụng sét chất lượng thấp, đá xít than, đất đồi với công nghệ bán dẻo. Chuyển một lượng sét khai thác từ Hoành Bồ, Ba Chẽ cho các nhà máy sản xuất tại khu vực Hạ Long và nghiên cứu kế hoạch dịch chuyển một số nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tới các huyện miền Đông cho các giai đoạn sau góp phần gắn liền với vùng nguyên liệu. Ưu tiên các mỏ sét chất lượng tốt để chế biến làm nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất sản phẩm chất lượng cao; không cấp mỏ để khai thác đối với các doanh nghiệp không có nhà máy sản xuất ra sản phẩm.

Đối với đá xây dựng: Tăng cường công tác thăm dò khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh và ưu tiên các dự án thăm dò và khai thác đá ryolit, đá cát kết làm vật liệu xây dựng ở khu vực miền Đông của tỉnh; sắp xếp lại những cơ sở khai thác hiện có với quy mô, công suất, công nghệ khai thác phù hợp đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong thời gian tới.

Đối với cát, cuội, sỏi xây dựng: Triển khai thăm dò, khai thác cát cuội sỏi tại các sông trên khu vực miền Đông của tỉnh (sông Ba Chẽ, Tiên Yên, Đầm Hà, Hà Cối, Tài Chi) để phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Khuyến khích việc thăm dò khai thác, sử dụng khoáng sản không truyền thống để sản xuất cát xây dựng nhằm giải quyết nguồn thiếu hụt cát xây dựng trên địa bàn tỉnh như: Tận dụng nguồn đá vụn trong chế biến đá xây dựng (ryolit, cát kết); sử dụng cuội sỏi ở khu vực miền Đông để nghiền làm cát xây dựng; Tận dụng nguồn đá cát kết, cuội kết trong đá thải các mỏ than để nghiền, sàng, rửa thành cát xây dựng.

- Duy trì, cải tạo nâng công suất khai thác để khai thác hết trữ lượng tại các khu vực đã cấp phép khai thác. Khuyến khích đầu tư thăm dò, khai thác xuống sâu (sét đồi và đá vôi) dưới mức khai thác hiện tại để khai thác triệt để khoáng sản, sử dụng cơ sở hạ tầng đã có và chuẩn bị trữ lượng cho khai thác giai đoạn 2021-2030. Kiểm kê trữ lượng còn lại ở các khu vực, điểm mỏ đang khai thác để xem xét điều chỉnh công suất và giới hạn khai thác theo hướng tập trung, tận dụng tài nguyên, hạn chế phát triển khai thác theo chiều rộng, nhỏ lẻ, phân tán.

- Khai thác, thu hồi triệt để nguồn khoáng sản từ các khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình. Tận dụng đất đá thải mỏ, cát từ nạo vét luồng lạch (sau khi đã thu hồi cát trắng silic nếu có) làm vật liệu san lấp mặt bằng công trình hạ tầng giao thông, đô thị.

c) Nhóm giải pháp về khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường

Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác, chế biến sử dụng khoáng sản và bảo vệ môi trường để nâng cao chất lượng, tăng năng suất, hạ giá thành khai thác và đảm bảo phát triển bền vững.

Đầu tư các dự án thử nghiệm nghiền đá cát kết trong đá thải mỏ than, thau rửa cát nước lợ làm cát xây dựng nếu sản phẩm đạt tiêu chuẩn (kích thước cỡ hạt, cường độ kháng và độ nhiễm mặn) và có hiệu quả kinh tế thì bổ sung vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản để triển khai thực hiện.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất gạch không nung từ xỉ thải nhà máy nhiệt điện, đất đồi theo công nghệ bán dẻo... để thay thế gạch nung; hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác sét làm nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất gạch thủ công, lò đứng liên tục, lò vòng (Hofman) theo lộ trình để hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và cắt giảm phát thải khí nhà kính.

Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, ưu tiên thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về khoáng sản và cán bộ công nhân kỹ thuật ở các cơ sở khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khai thác tài nguyên phải có cam kết sử dụng công nghệ cao để bảo vệ môi trường, tăng năng xuất lao động tổng hợp và nếu không thực hiện cam kết sẽ bị thu hồi giấy phép.

d) Giải pháp vốn đầu tư

Xã hội hóa việc đầu tư cho công tác thăm dò, khai thác khoáng sản theo quy hoạch thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo quy định để minh bạch, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng và lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm năng thực sự theo quy định của Luật khoáng sản.

Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao:

- Uỷ ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu tại kỳ họp, xem xét hiệu chỉnh lại số liệu về các dự án thăm dò, các dự án khai thác khoáng sản bảo đảm theo đúng các quan điểm và mục tiêu, hoàn chỉnh Quy hoạch và thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để phê duyệt và tổ chức thực hiện.

- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban, các Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Khoá XII - Kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 14/03/2014 và có hiệu lực kể từ ngày thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Long

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 128/NQ-HĐND năm 2014 thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và khoáng sản phân tán nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

  • Số hiệu: 128/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 14/03/2014
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nguyễn Đức Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản