Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HƯNG YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/2017/NQ-HĐND

Hưng Yên, ngày 21 tháng 7 năm 2017

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI TỈNH HƯNG YÊN GIAI ĐOẠN 2011 - 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
KHÓA XVI, KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Xây dựng năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 2111/QĐ-TTg ngày 28/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hưng Yên đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BGTVT-BKHĐT ngày 17/01/2012 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn nội dung, trình tự lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh;

Xét Tờ trình số 62/TTr-UBND ngày 30/6/2017 của UBND tỉnh về điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên; ý kiến thảo luận và kết quả biểu quyết của các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 với nội dung chính như sau:

1. Quan điểm phát triển

- Ưu tiên đầu tư phát triển giao thông vận tải để tạo tiền đề, động lực thực hiện các chương trình mục tiêu cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

- Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, toàn diện, từng bước hiện đại và bền vững, bảo đảm được sự liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải; gắn kết giữa các địa phương, giữa đô thị và nông thôn, đặc biệt với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội gắn kết với tiềm năng phát triển du lịch, bảo vệ sinh thái của địa phương.

- Huy động mọi nguồn lực để từng bước đầu tư xây dựng đồng bộ và đưa vào cấp kỹ thuật hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tốc độ xây dựng tuyến đường trọng yếu theo quy hoạch được duyệt; coi trọng công tác quản lý, bảo trì để sử dụng các công trình hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông.

- Nâng cao chất lượng vận tải với chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng hiệu quả, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vận tải tiên tiến, vận tải đa phương thức và logistics.

- Phát huy nội lực, thu hút mọi thành phần kinh tế, từ nhiều nguồn khác nhau, nhiều hình thức tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; dành quỹ đất hợp lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả để phát triển, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo hành lang an toàn giao thông và bảo vệ môi trường, cảnh quan.

2. Mục tiêu phát triển

2.1. Mục tiêu chung:

Huy động tối đa các nguồn lực, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển GTVT; tập trung đầu tư đồng bộ các công trình trọng điểm có vai trò động lực phát triển kinh tế; ưu tiên đầu tư các công trình tăng tính kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực, phát huy tối đa lợi thế của tỉnh để đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển bền vững các lĩnh vực; chú trọng phát triển giao thông liên huyện, liên xã và giao thông đô thị, tạo mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, liên hoàn, thông suốt, hiệu quả cao; tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển giao thông nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển nông thôn mới. Phát triển vận tải an toàn, tiện lợi với chất lượng ngày càng cao, giá cả hợp lý; kiềm chế, tiến tới giảm tai nạn giao thông; bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giao thông, vận tải.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

a) Về vận tải:

- Đến năm 2020 vận chuyển hành khách đạt trên 15 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân 9%/năm; vận chuyển hàng hóa đạt 35 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng bình quân 8%/năm.

- Hàng năm giảm bình quân trên 5% số người chết do tai nạn giao thông có nguyên nhân từ phương tiện kinh doanh vận tải.

b) Về kết cấu hạ tầng:

- Đường bộ: Hoàn thành tuyến nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình, triển khai xây dựng vành đai 4, vành đai 3,5 Thủ đô Hà Nội, tuyến cao tốc Chợ Bến - Yên Mỹ; nâng cấp các tuyến quốc lộ, tuyến nối vành đai, các tuyến đường tỉnh, hệ thống cầu, cống. Đầu tư nâng cấp các tuyến đường huyện trọng yếu; nâng cấp một số tuyến đường xã, liên xã lên thành đường huyện; đẩy mạnh phong trào cứng hóa, cải tạo đường nội đồng; thực hiện đạt các tiêu chí giao thông của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

- Đường sông: Duy trì cấp kỹ thuật các tuyến sông trung ương, cải tạo hạ tầng các tuyến sông địa phương; xây dựng cảng, bến thủy nội địa, tăng cường công tác quản lý.

- Đường sắt: Từng bước đưa vào cấp kỹ thuật tuyến đường sắt hiện có; nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt vành đai theo hành lang vành đai IV Thủ đô Hà Nội; tuyến đường sắt kết nối với thành phố Hưng Yên, Khu Đại học Phố Hiến.

3. Quy hoạch phát triển vận tải

a) Quy hoạch tuyến vận tải hành khách cố định:

- Tuyến vận tải khách liên tỉnh: Đến năm 2020 có khoảng 151 tuyến đi và đến 29 tỉnh, thành phố khác.

- Tuyến vận tải khách công cộng bằng xe buýt: Nâng cao chất lượng 08 tuyến xe buýt hiện có; mở thêm một số tuyến buýt đi Hà Nội, Bắc Ninh, tuyến buýt nội tỉnh kết nối trung tâm huyện, thành phố và khu du lịch, khu vực Đại học Phố Hiến, các khu công nghiệp...; nghiên cứu mở thêm các tuyến buýt đi theo các vành đai Thủ đô Hà Nội khi hoàn thành xây dựng.

b) Quy hoạch phát triển dịch vụ taxi:

- Phát triển dịch vụ taxi là một bộ phận hỗ trợ vận tải hành khách công cộng, gắn với phát triển du lịch, nhu cầu đi lại của nhân dân; phục vụ cho nhu cầu đi lại với cự ly ngắn, đi trong nội thị.

- Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 đạt 15 - 20%/năm. Từ năm 2021 trở đi giữ ổn định tăng trưởng từ 5 - 15% so với năm trước đó, tùy theo tình hình thực tế.

c) Quy hoạch vận tải khách bằng đường thủy:

- Phát triển tuyến từ Hưng Yên đến Hà Nội kết hợp du lịch thăm quan các thắng cảnh dọc sông như khu di tích lịch sử quốc gia Phố Hiến, Chử Đồng Tử - Tiên Dung, làng gốm Bát Tràng...., nâng cao tổ chức, quản lý các tuyến khách ngang sông.

- Quy hoạch 05 cảng hành khách trên sông Hồng, sông Luộc trong đó 02 cảng Hưng Yên, Bình Minh đã có trong quy hoạch của Bộ GTVT; bổ sung 03 cảng: Phố Hiến, Thăng Long và La Tiến.

4. Quy hoạch trung tâm đăng kiểm, cơ sở đào tạo sát hạch lái xe

- Trung tâm đăng kiểm: Duy trì, hiện đại hóa các trung tâm đăng kiểm hiện có: (1) Trung tâm đăng kiểm cơ giới Hưng Yên (Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 89.02S tại xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên và Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 89.01S tại xã Dị Sử, huyện Mỹ Hào); (2) Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 89.03D tại xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm.

- Cơ sở sát hạch, đào tạo lái xe: Nâng cấp trang thiết bị, hiện đại hóa 03 cơ sở đào tạo lái xe, 03 trung tâm sát hạch lái xe hiện có; đến năm 2030 nghiên cứu xây mới các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe đáp ứng nhu cầu.

5. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

5.1. Mạng lưới giao thông đường bộ:

a) Quy hoạch phát triển đường cao tốc, vành đai: Gồm 05 tuyến có chiều dài khoảng 101 km (Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Cao tốc Chợ Bến - Yên Mỹ; Vành đai 4 Hà Nội; Vành đai 3,5 Hà Nội; Đường nối 02 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình)

b) Các tuyến Quốc lộ: Gồm 04 tuyến có chiều dài khoảng 106 km (Quốc lộ 5, Quốc lộ 39, Quốc lộ 38, Quốc lộ 38B): Quy hoạch và nâng cấp một số tuyến, đoạn tuyến kéo dài lên quốc lộ:

Quy hoạch 04 tuyến nâng lên quốc lộ dài khoảng 75 km (tuyến đường tỉnh 379; kéo dài QL.39 đoạn từ giao với QL.5 đến giao với ĐT.281 và QL.38 tỉnh Bắc Ninh; đường nối vành đai V vùng Thủ đô Hà Nội với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và QL.21 tỉnh Nam Định; tuyến từ cầu Yên Lệnh đi song song với QL38B đi qua thành phố Hưng Yên, huyện Tiên Lữ, huyện Phù Cừ đến địa phận tỉnh Hải Dương).

c) Đường tỉnh: Gồm 15 tuyến với chiều dài khoảng 372 km (ĐT.376, ĐT.377, ĐT.377B, ĐT.378, ĐT.379, ĐT.379B, ĐT.380, ĐT.381, ĐT.382, ĐT.382B. ĐT.383, ĐT.384, ĐT.385, ĐT.386 và ĐT.387), đường tỉnh cơ bản quy hoạch cấp III, riêng một số tuyến quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội quy hoạch cấp cao hơn như ĐT.379 quy hoạch cấp I, ĐT.376, ĐT.377, ĐT.386, ĐT.387 quy hoạch cấp II.

Quy hoạch bổ sung đường tỉnh: Quy hoạch nâng cấp 09 tuyến từ đường huyện và các tuyến đường được xây dựng mới dài khoảng 168 km lên đường tỉnh (đường trục kinh tế Bắc - Nam và đường nối đường trục kinh tế Bắc - Nam với đường ĐT.281 tỉnh Bắc Ninh; ĐT.382C; ĐT.381B; nâng cấp ĐH.56 huyện Khoái Châu thành một đoạn tuyến kéo dài của ĐT.383; ĐT.381C; ĐT.386B; tuyến đường gom hai bên đường nối hai cao tốc; tuyến đường kết nối từ chùa Nôm đến lăng Kinh Dương Vương, tỉnh Bắc Ninh; tuyến đường chuyên dùng phục vụ vận tải ngoài đê tả sông Hồng).

d) Giao thông nông thôn:

- Đường huyện: Giai đoạn 2016 - 2020 có 100% đường huyện cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông xi măng (hiện tại còn 53,6 km mặt đường cấp phối, đá, gạch; tương ứng với 12,38%). Nâng cấp một số tuyến đường huyện quy mô tối thiểu cấp V - IV, mặt đường nhựa hoặc bê tông xi măng; các đoạn tuyến qua đô thị theo quy hoạch đô thị được duyệt. Đến 2030 khoảng 50% tuyến đường huyện đạt cấp IV tương đương 216,52 km (hiện tại đường cấp III, IV mới đạt 8,76%/37,95 km).

- Hệ thống đường xã, đường thôn xóm, đường ra đồng: Đầu tư xây dựng gắn với thực hiện Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2020, trên 90% số xã đạt tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2030, 100% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới.

e) Đường giao thông đô thị: Phát triển hệ thống đường giao thông đô thị phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030. Đảm bảo đất cho giao thông tối thiểu đạt mức chuẩn cho từng loại đô thị, đối với đô thị loại II là 21 - 23%, đô thị loại IV-V là 16 - 18% đất xây dựng đô thị; những trục phố chính đạt quy mô 4 làn xe trở lên; bố trí đầy đủ các hệ thống công trình phụ trợ, đảm bảo hiện đại, mỹ quan và bảo vệ môi trường. Các tuyến nhánh đảm bảo thuận lợi, hiện đại, có quy mô ít nhất đạt 2 làn xe. Các giao cắt hợp lý và dành quỹ đất thích hợp để tạo được việc phân làn phù hợp, thuận lợi. Dành quỹ đất hợp lý để xây dựng bãi đỗ xe (giao thông tĩnh).

f) Quy hoạch hệ thống giao thông tĩnh:

- Quy hoạch bến xe hàng: Quy hoạch phát triển một số bến xe hàng tập trung tại thành phố Hưng Yên, thị trấn Yên Mỹ (02 bến) và trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Quy hoạch bãi đỗ xe: Mỗi huyện, thành phố và tại các khu công nghiệp bố trí tối thiểu 01 bãi đỗ xe tĩnh.

- Quy hoạch bến xe khách: Tổng số có 16 bến xe, trong đó có 05 bến xe hiện tại và xây dựng mới thêm 11 bến xe tại địa bàn thành phố Hưng Yên và các huyện.

- Trạm dừng nghỉ: Xây dựng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại xã Tân Việt, huyện Yên Mỹ; xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi là thành phần của dự án. Xây dựng cặp trạm dừng nghỉ trên QL.5 khu vực huyện Văn Lâm: Trạm dừng nghỉ Km15+300 phía trái QL.5 tại vị trí khách sạn Tre Xanh và trạm dừng nghỉ Km15+200 phía phải QL.5 tại vị trí khách sạn Á Đông.

- Điểm dừng đón, trả khách: Quy hoạch và xây dựng các điểm dừng đón, trả khách trên các tuyến quốc lộ, đường tỉnh mới đưa vào khai thác.

5.2. Quy hoạch giao thông đường sắt:

- Giai đoạn 2017 - 2020: Từng bước đưa vào cấp kỹ thuật đường sắt quốc gia; xóa bỏ các đường ngang dân sinh không đảm bảo an toàn, xây dựng hệ thống đường ngang có phòng vệ, đường gom, rào cách ly, rào bảo vệ hành lang an toàn, cầu vượt tại các điểm giao cắt đường sắt với quốc lộ và đường tỉnh có lưu lượng giao thông lớn, nguy cơ mất an toàn giao thông cao. Nghiên cứu xây dựng đường gom dọc đường sắt, quy mô cấp IV, chiều dài khoảng 20,4 km.

- Giai đoạn đến năm 2030: Xây dựng hệ thống công trình đảm bảo trật tự hành lang an toàn giao thông đường sắt, các điểm giao cắt khác mức giữa đường bộ và đường sắt theo quy định của Luật Đường sắt. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong nghiên cứu xây dựng, cải tạo đường sắt theo các chương trình, dự án của Bộ Giao thông vận tải.

5.3. Quy hoạch giao thông đường thủy nội địa

a) Quy hoạch tuyến:

- Sông trung ương: Quy hoạch các tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình, Cửa Lạch Giang - Hà Nội.

- Sông địa phương: Nâng cấp âu Nghi Xuyên để nối thông sông Cửu An ra sông Hồng; nạo vét các tuyến luồng.

b) Quy hoạch cảng, bến thủy nội địa:

- Quy hoạch cảng sông trung ương: Quy hoạch 10 cảng hàng hóa và hành khách (trong đó 05 cảng hàng hóa và 05 cảng hành khách).

- Quy hoạch bến thủy nội địa:

+ Đối với bến hàng hóa: Trên sông trung ương quy hoạch 22 bến và cụm bến tương ứng với 46 vị trí bến thủy nội địa. Trên sông địa phương (sông Bắc Hưng Hải) quy hoạch 09 bến.

+ Đối với bến khách ngang sông: Trên sông trung ương 21 bến (sông Hồng: 15 bến, sông Luộc: 06 bến). Trên sông địa phương (sông Bắc Hưng Hải): 03 bến.

5.4. Quy hoạch hệ thống cảng cạn:

- Cảng cạn 1: Tại khu vực Đông Nam Hà Nội (xã Đại Đồng, Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm); quy mô khoảng 69 ha.

- Cảng cạn 2: Tại khu vực Lý Thường Kiệt, gần điểm giao giữa cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với QL.39; quy mô khoảng 60 ha.

- Cảng cạn 3: Tại khu vực xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm; quy mô khoảng 37 ha.

Điều 2. HĐND tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2011-2020, định hướng đến năm 2030 và tổ chức thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ chức năng nhiệm vụ theo quy định của luật kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Hưng Yên Khóa XVI, kỳ họp thứ Tư thông qua ngày 19 tháng 7 năm 2017 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 8 năm 2017./.

 

 

CHỦ TỊCH




Đỗ Xuân Tuyên