Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI - BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2012/TTLT-BGTVT-BKHĐT

Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2012

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG, TRÌNH TỰ LẬP QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI CẤP TỈNH

Căn cứ Nghị định số 116/2008NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 09 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn nội dung, trình tự lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này hướng dẫn công tác lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Quy hoạch); trừ quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh là xây dựng các quan điểm, mục tiêu, định hướng các phương án và đề ra giải pháp, cơ chế chính sách phát triển giao thông vận tải trong thời kỳ quy hoạch trên địa bàn của tỉnh. Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh bao gồm các nội dung về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải.

Điều 3. Thời kỳ lập và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh

1. Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh được lập cho thời kỳ 10 năm và định hướng phát triển tới 20 năm.

2. Trong giai đoạn quy hoạch cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các nội dung, phương án quy hoạch cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội và các quy hoạch giao thông vận tải toàn ngành và các chuyên ngành.

3. Cần lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cho từng thời kỳ phát triển phù hợp với chiến lược và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội mới.

Điều 4. Yêu cầu đối với quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh

1. Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh phải đảm bảo có cơ sở pháp lý, thực hiện các chủ trương, chính sách hiện hành của Đảng và Nhà nước, cơ quan các cấp; căn cứ vào các luật cơ bản như Luật giao thông đường bộ, Luật giao thông đường thủy nội địa, Luật Hàng không dân dụng, Luật Đường sắt, Bộ luật Hàng hải và Luật Xây dựng,… các quyết định phê duyệt quy hoạch có liên quan như chiến lược và quy hoạch phát triển giao thông vận tải cả nước, vùng miền, các chuyên ngành đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và hàng không đã được Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt (tham khảo danh mục Chiến lược, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đã được phê duyệt tại phụ lục 1).

2. Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh cần phải định hướng kịp thời đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn quy hoạch và đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế xã hội của tỉnh.

3. Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh cần phải đảm bảo tính đồng bộ, kết nối liên hoàn hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh với hệ thống hạ tầng giao thông của vùng và của quốc gia, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

4. Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh cần phải đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch phát triển các hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và kỹ thuật khác, đảm bảo kết nối liên hoàn các kết cấu hạ tầng khác nhau trên địa bàn tỉnh.

5. Kết hợp phát triển giao thông vận tải với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.

6. Quy hoạch giao thông vận tải phải xác định rõ mục tiêu, quan điểm, tính chất và quy mô phát triển; nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu vốn, nguồn vốn, xác định danh mục các dự án, dự án ưu tiên; xác định cơ chế, chính sách và giải pháp thực hiện quy hoạch.

Điều 5. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch

1. Gồm các bước sau:

Bước 1. Công tác chuẩn bị

Bước 2. Điều tra, khảo sát, thu thập số liệu

Bước 3. Phân tích và lập báo cáo quy hoạch giao thông vận tải

Bước 4. Báo cáo quy hoạch cấp cơ sở (tại Sở Giao thông vận tải)

Bước 5. Chỉnh sửa và bổ sung báo cáo

Bước 6. Báo cáo quy hoạch trước cơ quan quản lý (UBND tỉnh, HĐND tỉnh…)

Bước 7. Hoàn thiện báo cáo cuối cùng

Bước 8. Thẩm định, phê duyệt, công bố quy hoạch

Chi tiết các bước xem phụ lục số 2

2. Quá trình lập quy hoạch cần xây dựng kế hoạch tổng thể và bố trí nhân nhân lực thực hiện dự án (chi tiết tham khảo phụ lục số 3).

3. Trình tự thẩm định, phê duyệt quy hoạch căn cứ theo Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Trước khi phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh cần có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải. Hồ sơ gửi lấy ý kiến Bộ Giao thông vận tải gồm có: văn bản đề nghị của UBND tỉnh, trong đó trình bày rõ các nội dung cần có ý kiến của Bộ Giao thông vận tải; Báo cáo quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải của tỉnh (Báo cáo tóm tắt, báo cáo chính, bản đồ quy hoạch giao thông tỷ lệ 1/250.000; 1/100.000 hoặc 1/50.000).

4. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, các địa phương có trách nhiệm tổ chức công bố công khai, thông báo quy hoạch trên các phương tiện thông tin và trang WEB của tỉnh đồng thời gửi về Bộ Giao thông vận tải.

5. Trong quá trình thực hiện quy hoạch, nếu có điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thì cần phải thông báo với Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 6. Nội dung chủ yếu của đề án Quy hoạch

Nội dung chủ yếu của một đề án Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh thông thường gồm 5 phần:

- Mở đầu (Sự cần thiết, mục đích, yêu cầu, căn cứ pháp lý, đối tượng, phạm vi quy hoạch)

- Phần 1. Hiện trạng phát triển giao thông vận tải

- Phần 2. Dự báo nhu cầu vận tải

- Phần 3. Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm … và định hướng đến năm …

- Phần 4. Cơ chế chính sách và giải pháp thực hiện quy hoạch

- Phần 5. Tổ chức thực hiện

- Kết luận, kiến nghị

Nội dung chi tiết tham khảo phụ lục số 4.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan gửi ý kiến về Bộ Giao thông vận tải để phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời xem xét, chỉnh lý./.

 

BỘ TRƯỞNG
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ




Bùi Quang Vinh

BỘ TRƯỞNG
BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI




Đinh La Thăng

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Các Thứ trưởng;
- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở GTVT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ GTVT;
- Website Bộ KH và ĐT;
- Công báo;
- Các Cục, Vụ, Viện, đơn vị thuộc Bộ;
- Lưu: VT, KH.

 

 

PHỤ LỤC 1

DANH MỤC CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI ĐÃ ĐƯỢC THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VÀ BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI PHÊ DUYỆT (TÍNH ĐẾN 7/2011)

Điều chỉnh Chiến lược giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 (Quyết định số 35/2009/QĐ-TTg ngày 03/03/2009);

Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1686/QĐ-TTg ngày 20/11/2008);

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 21/QĐ-TTg ngày 08/01/2009);

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1327/QĐ-TTg ngày 24/8/2009);

Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 (Quyết định số 1734/QĐ-TTg ngày 01/10/2008);

Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển tổng thể giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 (Quyết định số 13/2008/QĐ-BGTVT ngày 06/08/2008, Thủ tướng ủy quyền Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt);

Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1436/QĐ-TTg ngày 10/09/2009);

Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 1601/QĐ-TTg ngày 15/10/2009);

Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 2190/QĐ-TTg ngày 24/12/2009);

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 05/2011/QĐ-TTg ngày 24/01/2011);

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 07/2011/QĐ-TTg ngày 25/01/2011);

Quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 06/2011/QĐ-TTg ngày 24/01/2011);

Chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 08/7/2011).

 

PHỤ LỤC 2

SƠ ĐỒ CÁC BƯỚC LẬP QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI CẤP TỈNH



PHỤ LỤC 4

NỘI DUNG CỦA MỘT ĐỀ ÁN QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG VẬN TẢI CẤP TỈNH

Phần mở đầu

- Sự cần thiết lập quy hoạch.

- Căn cứ lập quy hoạch

- Đối tượng, phạm vi và mục tiêu quy hoạch

Phần I. Hiện trạng giao thông vận tải

1.1. Điều kiện tự nhiên

- Phân tích vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên (vị trí, tài nguyên đất, khoáng sản, nước, thời tiết khí hậu, địa hình, địa chất, thủy văn) nhằm xác định địa phương có những lợi thế, hạn chế cho việc phát triển và quản lý kết cấu hạ tầng GTVT, phát triển sản phẩm hàng hóa, tiềm năng du lịch…

- Phân tích vị trí, vai trò của tỉnh đối với việc đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa trong khu vực cũng như đối với toàn bộ nền kinh tế.

1.2. Hiện trạng kinh tế - xã hội

- Tổ chức hành chính; Dân số, lao động: tình hình diễn biến về dân số (tốc độ tăng bình quân hàng năm trong quá khứ, mật độ dân số trong tỉnh, sự phân bố dân cư,…) đánh giá lực lượng lao động cả về số lượng và chất lượng…

- Hiện trạng phát triển kinh tế: Tốc độ tăng trưởng; tỉ trọng các ngành trong GDP của tỉnh trong những giai đoạn quá khứ (ít nhất là 5 năm); Phân tích, đánh giá về chuyển đổi, cơ cấu kinh tế của tỉnh: ngành nông, lâm, ngư nghiệp; sản xuất công nghiệp, xây dựng; lĩnh vực du lịch, dịch vụ; tình hình văn hóa, quốc phòng an ninh)

1.3. Hiện trạng giao thông vận tải

1.3.1. Tổng quan về hệ thống giao thông vận tải

- Giới thiệu tổng quan về vị trí, vai trò của giao thông vận tải, các phương thức vận tải có trên địa bàn tỉnh, vai trò và ưu thế của từng phương thức vận tải.

- Phân tích, đánh giá hiện trạng cấu trúc mạng lưới giao thông.

- Tổng quan về phát triển vận tải.

1.3.2. Hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông

1.3.2.1. Hiện trạng mạng lưới giao thông đường bộ

- Hiện trạng các quốc lộ, đường cao tốc, đường tỉnh (vị trí, điểm đầu, điểm cuối, chiều dài, nền, mặt, chất lượng, các công trình trên tuyến,…), lưu lượng giao thông trên các tuyến.

- Hiện trạng đường đô thị, đường giao thông nông thôn.

- Mật độ đường giao thông (như km/km2, km/1000 dân), có so sánh với các tỉnh trong vùng.

- Hiện trạng các bến, bãi đỗ xe (số lượng, vị trí, năng lực các bến xe).

1.3.2.2. Hiện trạng giao thông đường sắt

- Hiện trạng các tuyến đường sắt (vị trí, chiều dài, khổ đường,…)

- Hiện trạng các ga đường sắt (vị trí, năng lực, cơ sở vật chất,…)

1.3.2.3. Hiện trạng giao thông đường thủy nội địa

- Các tuyến đường thủy nội địa do trung ương quản lý, các tuyến đường thủy nội địa do địa phương quản lý (khả năng vận tải trên các đoạn, tuyến đường thủy nội địa, điểm đầu, điểm cuối, chiều dài, tiêu chuẩn kỹ thuật, phao tiêu báo hiệu,…).

- Các cảng, bến, bãi (vị trí, năng lực hiện tại, cơ sở vật chất,…)

1.3.2.4. Hiện trạng hàng không (cảng hàng không, sân bay)

- Nêu rõ cấp hạng cảng hàng không, sân bay, số đường hạ cất cánh, chiều dài, chiều rộng đường cất, hạ cánh, diện tích nhà ga, năng lực thiết kế, số lượng hàng hóa, hành khách thông qua các năm,…

1.3.2.5. Hiện trạng giao thông đường biển (luồng tuyến, kết cấu hạ tầng cảng biển)

- Đặc trưng kỹ thuật, tình trạng các luồng tàu, phao tiêu báo hiệu.

- Các cảng, bến chính, các đặc trưng kỹ thuật: số cầu tàu, chiều dài cầu tàu và độ sâu, cỡ tàu ra vào được, lượng hàng qua cảng so với năng lực thiết kế.

1.3.3. Hiện trạng hoạt động khai thác vận tải

- Tình hình chung về tổ chức, khai thác vận tải (khối lượng vận chuyển, luân chuyển hàng hóa và hành khách phân theo ngành và theo thành phần kinh tế).

- Hiện trạng khai thác vận tải (đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, vận tải hàng không, vận tải biển), khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải có trên địa bàn tỉnh.

- Hiện trạng phương tiện vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, vận tải hàng không, vận tải biển,..).

1.3.4. Tình hình trật tự an toàn giao thông

- Đánh giá tình hình trật tự an toàn giao thông tại địa phương.

- Phân tích tình hình tai nạn giao thông (số vụ, số người chết, số người bị thương, nguyên nhân gây tai nạn giao thông,…).

1.3.5. Đánh giá chung về tình hình thực hiện quy hoạch đã được duyệt trong thời gian qua (nếu có).

Phần II. Dự báo nhu cầu vận tải

2.1. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội

- Định hướng phát triển chung (tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 5 năm, 10 năm).

- Định hướng phát triển một số ngành kinh tế chủ yếu (tốc độ tăng trưởng của các ngành nông, lâm nghiệp, ngư nghiệp; ngành công nghiệp, xây dựng; ngành du lịch, dịch vụ)

2.2. Dự báo nhu cầu vận tải

2.2.1. Phương pháp dự báo nhu cầu vận tải

- Trình bày phương pháp sử dụng để dự báo nhu cầu vận tải: Hiện nay có nhiều phương pháp dự báo nhu cầu vận tải; mỗi phương pháp có ưu nhược điểm và phạm vi áp dụng nhất định, tùy theo từng điều kiện cụ thể của từng tỉnh mà áp dụng hoặc kết hợp các phương pháp dự báo khác nhau.

2.2.2. Kết quả dự báo nhu cầu vận tải

- Kết quả dự báo nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh.

- Kết quả dự báo lưu lượng vận tải trên các tuyến giao thông chính, các hành lang vận tải (nếu có).

Phần III. Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đến năm … và định hướng đến năm …

3.1. Quan điểm và mục tiêu phát triển

3.1.1. Quan điểm phát triển

- Xây dựng hệ thống các quan điểm phát triển giao thông vận tải có tính khái quát cao, là cơ sở để đề ra mục tiêu, các phương án quy hoạch giao thông vận tải và giải pháp thực hiện quy hoạch.

- Các quan điểm này cần phù hợp với các nghị quyết của tỉnh ủy, hội đồng nhân dân tỉnh, định hướng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển giao thông vận tải cả nước, chuyên ngành đã được Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải phê duyệt,…

3.1.2. Mục tiêu phát triển

- Cần đưa ra các mục tiêu chính, mang tính tổng quát và các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn cho toàn ngành, các chuyên ngành vận tải và các lĩnh vực hoạt động; xác định rõ khu vực, lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư.

3.2. Quy hoạch phát triển vận tải

- Quy hoạch vận tải theo các chuyên ngành (tuyến vận tải, tổ chức vận tải, khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải có trên địa bàn tỉnh,…).

- Quy hoạch phương tiện vận tải theo các chuyên ngành (số lượng, chủng loại, cơ cấu phương tiện … theo định hướng phát triển chính).

3.3. Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông

3.3.1. Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ

- Các tuyến đường cao tốc, quốc lộ do trung ương quản lý và quy hoạch. Cần nghiên cứu, cập nhật phương án quy hoạch các tuyến đường cao tốc, quốc lộ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phù hợp với giai đoạn quy hoạch (ví dụ như: Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020,…).

- Các kiến nghị đề xuất của tỉnh về phương án quy hoạch các tuyến đường cao tốc, quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh (nếu có).

- Quy hoạch các tuyến đường tỉnh, đường vành đai, một số đường trục chính trong đô thị.

- Định hướng phát triển giao thông nông thôn.

- Quy hoạch các bến, bãi đỗ xe.

- Cần quy hoạch khớp nối các tuyến đường do địa phương quản lý với các tuyến đã được Trung ương quy hoạch.

3.3.2. Quy hoạch giao thông đường sắt

- Các tuyến đường sắt quốc gia đi qua địa bàn tỉnh do trung ương quản lý và lập quy hoạch. Cần nghiên cứu, cập nhật phương án quy hoạch các tuyến đường sắt, các ga đường sắt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (như Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, các quy hoạch giao thông cấp vùng, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương án quy hoạch các tuyến đường sắt có trên địa bàn tỉnh,…).

- Các kiến nghị đề xuất của tỉnh về phương án quy hoạch các tuyến đường sắt, ga đường sắt đi qua địa bàn tỉnh (nếu có).

- Cần quy hoạch khớp nối các tuyến đường do địa phương quản lý với các tuyến, ga đường sắt đã được Trung ương quy hoạch.

3.3.3. Quy hoạch giao thông đường thủy nội địa

- Cập nhật quy hoạch các tuyến đường thủy nội địa, các cảng đường thủy nội địa do Trung ương quản lý và quy hoạch.

- Quy hoạch tuyến đường thủy nội địa, các bến, cảng đường thủy nội địa địa phương.

3.3.4. Quy hoạch các cảng hàng không, sân bay

- Các cảng hàng không, sân bay do trung ương quản lý và quy hoạch. Cần nghiên cứu, cập nhật (như Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030,…).

3.3.5. Quy hoạch các cảng biển, luồng hàng hải

Đối với luồng tuyến vận tải biển, cảng biển do trung ương quản lý, cần nghiên cứu, cập nhật từ các quy hoạch (như Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương án quy hoạch các cảng biển, luồng tàu biển có trên địa bàn tỉnh,…). Đối với các công trình biển còn lại cần căn cứ vào nhu cầu vận tải đã được dự báo và các tiêu chuẩn kỹ thuật về cảng biển để đề ra các phương án quy hoạch.

Ghi chú: cần quy hoạch kết nối được các công trình do địa phương quản lý với các công trình do Trung ương quản lý và quy hoạch để phát triển một hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, liên kết, nhằm đáp ứng được nhu cầu và hạ giá thành vận tải.

3.4. Tính toán, tổng hợp quỹ đất dành cho giao thông

Quỹ đất dành cho giao thông bao gồm đất dùng cho kết cấu hạ tầng giao thông các chuyên ngành đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không, bao gồm cả phần nền và phần diện tích dành cho hành lang an toàn giao thông; đất dùng cho các nhà ga, bến cảng, sân bay, bến xe, bãi đỗ,…

Căn cứ vào các phương án quy hoạch giao thông, các tiêu chuẩn kỹ thuật chuyên ngành và các quy định về bảo vệ hành lang an toàn giao thông… tính toán tổng quỹ đất dành cho giao thông trên địa bàn tỉnh.

3.5. Bảo vệ môi trường trong quy hoạch

Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển vận tải cũng như phát triển công nghiệp giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường khu vực. Vì vậy, cần phải xem xét, đánh giá tác động của các phương án quy hoạch đối với môi trường và đề xuất các biện pháp bảo vệ môi trường dựa trên các quy định của Nhà nước. Nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch gồm những nội dung chính sau:

+ Đánh giá khái quát hiện trạng môi trường có liên quan đến quy hoạch.

+ Dự báo tác động / ảnh hưởng của quy hoạch tới môi trường trong giai đoạn thực hiện quy hoạch.

+ Định hướng các mục tiêu, chỉ tiêu bảo vệ môi trường.

+ Phương hướng nhiệm vụ và giải pháp bảo vệ môi trường.

3.6. Nhu cầu vốn đầu tư

- Tính toán tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển GTVT trên địa bàn tỉnh (vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, gồm cả vốn bảo trì; vốn đầu tư cho vận tải; vốn đầu tư cho công nghiệp giao thông vận tải…).

- Phân kỳ vốn đầu tư.

- Xác định danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trong giai đoạn ngắn hạn (5 năm).

Phần IV. Cơ chế chính sách và giải pháp thực hiện quy hoạch

4.1. Các giải pháp, chính sách quản lý quy hoạch

4.2. Các giải pháp, chính sách về vốn

4.3. Các giải pháp, chính sách đảm bảo trật tự, an toàn giao thông

4.4. Các giải pháp, chính sách về khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường

4.5. Các giải pháp, chính sách phát triển nguồn nhân lực

4.6. Các giải pháp, chính sách liên quan khác

Phần V. Tổ chức thực hiện

- Phân công phối hợp các ngành thực hiện quy hoạch.

- Công bố quy hoạch

Kết luận và kiến nghị

- Kiến nghị đối với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương.

- Kiến nghị đối với tỉnh.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 02/2012/TTLT-BGTVT-BKHĐT hướng dẫn nội dung, trình tự lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh do Bộ Giao thông vận tải - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

  • Số hiệu: 02/2012/TTLT-BGTVT-BKHĐT
  • Loại văn bản: Thông tư liên tịch
  • Ngày ban hành: 17/01/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Người ký: Bùi Quang Vinh, Đinh La Thăng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 275 đến số 276
  • Ngày hiệu lực: 02/03/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản