Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 100/2008/NQ-HĐND

Đà Lạt, ngày 11 tháng 7 năm 2008

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỨC CHI CHO CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN, UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP THUỘC TỈNH LÂM ĐỒNG

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16/12/2002;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 09/2007/TTLT-BTP-BTC ngày 15/11/2007 của Bộ Tư Pháp- Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND.
Sau khi xem xét Tờ trình số 4494/TTr-UBND ngày 26/6/2008 của UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị phê duyệt Đề án về mức chi cho công tác xây dựng các văn bản Quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp thuộc tỉnh Lâm Đồng; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu dự kỳ họp,

 QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. HĐND tỉnh Lâm Đồng khoá VII kỳ họp thứ 12 nhất trí thông qua về mức chi cho công tác xây dựng các văn bản Quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Điều 2. Nội dung và mức chi cụ thể:

1. Nội dung chi:

a) Công tác lập dự kiến chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND, quyết định, chỉ thị của UBND cấp tỉnh: Chi tổ chức các cuộc họp xét duyệt chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND; quyết định, chỉ thị của UBND cấp tỉnh hàng năm.

b) Công tác soạn thảo, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật:

- Chi điều tra, khảo sát đánh giá thực trạng quan hệ xã hội; rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật để đánh giá, tổng kết tình hình thi hành pháp luật; nghiên cứu thông tin tư liệu có liên quan đến nội dung dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

- Chi xây dựng đề cương.

- Mua tư liệu phục vụ cho công tác soạn thảo văn bản.

- Chi hợp đồng nghiên cứu, hợp đồng soạn thảo.

- Chi tổ chức các cuộc họp, hội thảo để lấy ý kiến, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo trong quá trình soạn thảo.

- Chi tổ chức lấy ý kiến rộng rãi góp ý vào dự thảo.

- Các chi phí cần thiết khác phục vụ trực tiếp hoạt động nghiên cứu, soạn thảo văn bản (nếu có).

c) Chi cho công tác thẩm tra của các Ban của HĐND đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.

d) Chi cho công tác thẩm định của cơ quan tư pháp đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh do UBND cùng cấp trình; quyết định, chỉ thị của UBND cấp tỉnh, cấp huyện; góp ý của cơ quan tư pháp đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện; góp ý của UBND cấp tỉnh đối với nghị quyết của HĐND cùng cấp không do UBND trình.

đ) Chi cho công tác xây dựng văn bản góp ý kiến của Công chức Tư pháp - Hộ tịch vào dự thảo nghị quyết của HĐND cấp xã, quyết định, chỉ thị của UBND cấp xã.

2. Quy định về mức chi :

Ngoài các chế độ chi tiêu tài chính hiện hành (như chế độ công tác phí, hội nghị phí, làm đêm, làm thêm giờ, chi phí in ấn) phục vụ cho việc sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND; do tính chất đặc thù trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nên quy định mức chi cụ thể đối với một số khoản chi mang tính chất hỗ trợ cho các hoạt động trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND như sau:

a) Xây dựng đề cương:

- Nghị quyết, quyết định: mức chi tối đa không quá 350.000 đồng/đề cương (có bao gồm Đề án kèm theo). Trong trường hợp Nghị quyết, Quyết định không bao gồm Đề án kèm theo thì mức chi tối đa không quá 150.000 đồng/đề cương;

- Chỉ thị: mức chi tối đa không quá 200.000 đồng/ đề cương.

b) Chi soạn thảo dự thảo:

- Nghị quyết, quyết định: mức chi tối đa không quá 1.400.000 đồng/văn bản dự thảo;

- Chỉ thị: mức chi tối đa không quá 700.000 đồng/văn bản dự thảo.

Cơ quan, tổ chức chủ trì có thể sử dụng phương thức ký hợp đồng soạn thảo. Số lượng hợp đồng được ký căn cứ yêu cầu của công tác soạn thảo nhưng tổng mức chi của các hợp đồng không quá mức chi quy định trên đây.

c) Chi soạn thảo báo cáo chỉnh lý; báo cáo thẩm định, thẩm tra; góp ý vào dự thảo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh không do UBND trình; góp ý của cơ quan tư pháp đối với dự thảo nghị quyết của HĐND cấp huyện; góp ý kiến của công chức Tư pháp - Hộ tịch.

- Báo cáo thẩm định: mức chi tối đa không quá 200.000 đồng/báo cáo;

- Báo cáo thẩm tra: mức chi tối đa không quá 200.000 đồng/báo cáo;

- Báo cáo góp ý hoặc báo cáo chỉnh lý: mức chi tối đa không quá 100.000 đồng/báo cáo.

d) Chi cho cá nhân tham gia hội thảo; phục vụ: công tác lập dự kiến chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh, quyết định, chỉ thị của UBND cấp tỉnh; soạn thảo, chỉnh lý dự thảo; thẩm định, thẩm tra dự thảo:

- Các thành viên tham dự: mức chi tối đa không quá 50.000 đồng/người/buổi.

đ) Chi cho công tác tổ chức lấy ý kiến rộng rãi:

- Chi lấy ý kiến theo phiếu điều tra, phiếu lấy ý kiến được duyệt (về số phiếu và diện đối tượng điều tra, lấy ý kiến): 20.000 đồng/phiếu

- Chi cho công tác tổng hợp và xây dựng bản tổng hợp, giải trình tiếp thu ý kiến góp ý vào dự thảo: mức chi tối đa không quá 100.000 đồng/bản tổng hợp

e) Đối với công tác soạn thảo văn bản của HĐND, UBND các cấp, căn cứ dự toán kinh phí được giao và tính chất phức tạp của mỗi văn bản, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được giao chủ trì soạn thảo phân bổ mức kinh phí phù hợp cho từng văn bản, nhưng tổng mức phân bổ kinh phí để thực hiện các nội dung chi và mức chi quy định tại điểm a, b, c, d, đ khoản 2 mục II trên không được vượt quá mức khống chế tối đa quy định dưới đây:

- Đối với dự thảo nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND: tối đa không quá 3.500.000 đồng/văn bản

- Đối với dự thảo chỉ thị của UBND: tối đa không quá 1.400.000 đồng/văn bản.

f) Đối với các văn bản quy phạm pháp luật trong một số lĩnh vực có nội dung phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, mức phân bổ kinh phí cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp cao hơn mức quy định tại điểm e khoản này, nhưng tối đa không quá 5.000.000 đồng/văn bản.

g) Các mức chi quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g của mục này là mức chi tối đa áp dụng cho cấp tỉnh, đối với cấp huyện mức chi không quá 80% và cấp xã không quá 50% mức chi quy định cho cấp tỉnh.

Thủ trưởng cơ quan, tổ chức được giao chủ trì lập dự kiến chương trình xây dựng nghị quyết của HĐND, quyết định, chỉ thị của UBND; chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND các cấp quyết định mức chi cụ thể cho từng văn bản nhưng không được vượt mức chi tại quy định này.

3. Sử dụng và quyết toán kinh phí:

- Nguồn kinh phí thực hiện: từ nguồn kinh phí giao không thực hiện tự chủ hàng năm.

- Kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được phân bổ sử dụng và quyết toán theo quy định hiện hành.

Điều 3. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh chịu trách nhiệm triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được HĐND tỉnh Lâm Đồng Khoá VII kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 09/7/2008 và thay thế Nghị quyết số 50/2006/NQ-HĐND ngày 07/7/2006 của HĐND tỉnh khóa VII về kinh phí cho công tác xây dựng và kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Tiến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết 100/2008/NQ-HĐND về mức chi cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp thuộc tỉnh Lâm Đồng do Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng khóa VII, kỳ họp thứ 12 ban hành

  • Số hiệu: 100/2008/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 11/07/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
  • Người ký: Nguyễn Xuân Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản