Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 92/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về các hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT).

2. Hành vi vi phạm hành chính về BHYT là hành vi do cá nhân, cơ quan, tổ chức (sau đây gọi chung là cá nhân, tổ chức) cố ý hoặc vô ý vi phạm các quy định của pháp luật về BHYT mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử lý vi phạm hành chính.

3. Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT, bao gồm:

a) Vi phạm các quy định về đóng BHYT và thu BHYT;

b) Vi phạm các quy định về cấp, cấp lại, đổi thẻ và sử dụng thẻ BHYT;

c) Vi phạm các quy định về tổ chức khám bệnh, chữa bệnh BHYT, công tác giám định BHYT;

d) Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng quỹ BHYT;

đ) Vi phạm các quy định về báo cáo, cung cấp thông tin, số liệu về BHYT;

e) Vi phạm các quy định về thanh tra, kiểm tra, cản trở hoạt động quản lý nhà nước về BHYT.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Lạm dụng dịch vụ y tế là việc chỉ định và sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật và các dịch vụ y tế khác trong khám bệnh, chữa bệnh quá mức cần thiết so với các quy định về chuyên môn kỹ thuật y tế làm thiệt hại đến người bệnh có thẻ BHYT, quỹ BHYT và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

2. Thông tin trên thẻ BHYT liên quan đến quyền lợi và mức hưởng BHYT là thông tin được quy định bằng số, ký hiệu, ký tự, hoặc hình thức khác trên thẻ BHYT để làm căn cứ xác định về quyền lợi và mức hưởng BHYT đối với từng đối tượng tham gia BHYT.

3. Hành vi cản trở, gây khó khăn là những hành vi không hợp tác, không thực hiện yêu cầu hợp tác hoặc tự quy định, đưa ra các yêu cầu không hợp pháp trong thực hiện BHYT đối với các bên liên quan đến BHYT.

4. Mức độ vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức độ thiệt hại về tài chính (tính bằng tiền đồng Việt Nam) đối với cá nhân, tổ chức có liên quan đến BHYT.

Điều 3. Nguyên tắc xử phạt, thời hiệu xử phạt, thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính

1. Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT được áp dụng theo quy định tại Điều 3 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 02 tháng 7 năm 2002 và Điều 3 Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT do người có thẩm quyền thực hiện theo quy định tại các Điều: 45, 46, 47, 48 và 49 của Nghị định này.

3. Các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng áp dụng trong việc xử phạt vi phạm hành chính về BHYT được xem xét và xử lý theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Điều 6 của Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số Điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008.

4. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT là 12 tháng, kể từ ngày vi phạm hành chính được thực hiện. Đối với các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến thu, đóng và quản lý, sử dụng quỹ BHYT thì thời hiệu xử phạt là 24 tháng, kể từ ngày xảy ra hành vi vi phạm hành chính. Nếu quá thời hạn nêu trên thì cá nhân, tổ chức vi phạm không bị xử phạt vi phạm nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị định này.

5. Trong thời hạn quy định tại khoản 4 Điều này mà cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính mới trong lĩnh vực BHYT hoặc cố tình trốn tránh, trì hoãn việc xử phạt thì không áp dụng thời hiệu nêu trên, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm thực hiện vi phạm hành chính mới hoặc thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn việc xử phạt.

6. Đối với cá nhân bị khởi tố, truy tố hoặc có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục tố tụng hình sự mà có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án thì bị xử phạt hành chính nếu có dấu hiệu vi phạm hành chính, trong trường hợp này, thời hiệu xử phạt là 03 tháng, kể từ ngày có quyết định đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án.

7. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính về pháp luật BHYT nếu sau 12 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT.

Điều 4. Các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Hình thức xử phạt chính

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT chịu một trong các hình thức xử phạt sau:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền: Mức phạt tiền tối đa xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT là 40.000.000 đồng (bốn mươi triệu đồng).

2. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHYT;

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Ngoài các hình thức xử phạt được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính còn phải chịu áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Thu hồi thẻ BHYT; tạm giữ thẻ BHYT;

b) Buộc truy nộp, hoàn trả số tiền vi phạm theo quy định pháp luật về BHYT vào tài khoản thu của quỹ BHYT trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày giao quyết định xử phạt đối với hành vi vi phạm về đóng BHYT;

c) Buộc nộp số tiền lãi của số tiền BHYT chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tại thời điểm xử lý vi phạm hành chính;

d) Buộc hoàn trả số tiền vi phạm cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày giao quyết định xử phạt;

đ) Buộc cấp thẻ, cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT đúng quy định;

e) Buộc báo cáo, cung cấp chính xác về thông tin, số liệu về BHYT;

g) Buộc chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, chấp hành quy định của cơ quan có thẩm quyền về BHYT.

Nghị định 92/2011/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm y tế

  • Số hiệu: 92/2011/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 17/10/2011
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 543 đến số 544
  • Ngày hiệu lực: 01/12/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH