Hệ thống pháp luật

Mục 4 Chương 4 Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế

Mục 4. KHU CÔNG NGHIỆP SINH THÁI

Điều 40. Mục tiêu phát triển khu công nghiệp sinh thái

1. Nâng cao hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp trong khu công nghiệp thông qua việc áp dụng các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và xây dựng mối liên kết cộng sinh công nghiệp.

2. Nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong và xung quanh khu công nghiệp thông qua việc giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm và chất thải, khuyến khích sử dụng công nghệ sạch, các phương pháp sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường.

3. Hình thành cộng đồng doanh nghiệp trong khu công nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường, bảo vệ và phát triển môi trường sống cho cộng đồng xung quanh khu công nghiệp, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Điều 41. Chính sách khuyến khích phát triển khu công nghiệp sinh thái

1. Khuyến khích nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội, cung cấp dịch vụ hạ tầng khu công nghiệp với chất lượng cao, kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong khu công nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp để chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái.

2. Khuyến khích doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cải tiến quy trình quản lý và vận hành, đổi mới và ứng dụng công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, giảm các nguồn gây ô nhiễm, tái sử dụng chất thải và phế liệu, sử dụng hiệu quả tài nguyên.

3. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được khuyến khích hợp tác với nhau hoặc với bên thứ ba để sử dụng hoặc được cung cấp chung hạ tầng dịch vụ, nguyên phụ liệu và các yếu tố đầu vào sản xuất; được phép tái sử dụng chất thải, phế liệu và năng lượng dư thừa của mình và của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

4. Việc xây dựng mới khu công nghiệp sinh thái được thực hiện thông qua quy hoạch, bố trí hợp lý các phân khu chức năng thu hút các doanh nghiệp có ngành, nghề tương đồng hoặc hỗ trợ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện cộng sinh công nghiệp.

5. Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế giao một đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ban quản lý hoặc một đơn vị phù hợp thực hiện chức năng hỗ trợ cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu, kết nối doanh nghiệp thực hiện các liên kết cộng sinh công nghiệp.

6. Các cơ quan, tổ chức và nhà đầu tư được khuyến khích xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sử dụng hiệu quả tài nguyên trong khu công nghiệp để hỗ trợ và kết nối doanh nghiệp thực hiện hoạt động cộng sinh công nghiệp.

Điều 42. Tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái

1. Nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nghiêm túc tuân thủ các quy định pháp luật về sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường và lao động; khuyến khích nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý sản xuất và môi trường theo các tiêu chuẩn của Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) phù hợp.

2. Nhà đầu tư phát triển hạ tầng kết cấu khu công nghiệp cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản trong khu công nghiệp theo quy định pháp luật, bao gồm: Dịch vụ hạ tầng thiết yếu (điện, nước, thông tin, phòng cháy, chữa cháy...) và các dịch vụ liên quan.

3. Tối thiểu 90% doanh nghiệp trong khu công nghiệp có nhận thức về sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn và tối thiểu 20% doanh nghiệp trong khu công nghiệp áp dụng các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn, đổi mới, cải tiến phương pháp quản lý và công nghệ sản xuất để giảm chất thải, chất gây ô nhiễm, tái sử dụng chất thải và phế liệu.

4. Dành tối thiểu 25% diện tích đất khu công nghiệp cho các công trình cây xanh, giao thông, các hạ tầng dịch vụ dùng chung theo quy chuẩn xây dựng của Bộ Xây dựng.

5. Thực hiện ít nhất 01 liên kết cộng sinh công nghiệp và ít nhất 10% tổng số doanh nghiệp trong khu công nghiệp có kế hoạch tham gia các liên kết cộng sinh công nghiệp.

6. Có giải pháp đảm bảo nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa và thể thao cho người lao động làm việc trong khu công nghiệp.

7. Nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có cơ chế phối hợp thực hiện giám sát đầu vào và đầu ra của khu công nghiệp về sử dụng năng lượng, nước, các vật liệu sản xuất thiết yếu, quản lý hóa chất độc hại; lập báo cáo định kỳ hàng năm về các kết quả đạt được trong hoạt động hiệu quả tài nguyên và giám sát phát thải của khu công nghiệp, báo cáo Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế của địa phương.

8. Hàng năm, nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp thực hiện công bố báo cáo thực hiện bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội và các đóng góp cho cộng đồng xung quanh khu công nghiệp tới Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế của địa phương và đăng trên website của doanh nghiệp.

Điều 43. Ưu đãi đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái

1. Khu công nghiệp đáp ứng các tiêu chí tại Điều 42 Nghị định này được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có khu công nghiệp chứng nhận là khu công nghiệp sinh thái sau khi lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng.

2. Doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái tham gia vào hoạt động sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hoạt động cộng sinh công nghiệp được Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế chứng nhận là doanh nghiệp sinh thái trong khu công nghiệp.

3. Doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên vay vốn ưu đãi từ Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các quỹ, tổ chức tài chính, nhà tài trợ trong nước và quốc tế để xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, thực hiện các biện pháp sản xuất sạch hơn, sử dụng hiệu quả tài nguyên và các giải pháp cộng sinh công nghiệp.

4. Doanh nghiệp phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái và doanh nghiệp sinh thái được ưu tiên tham gia các chương trình hỗ trợ kỹ thuật, chương trình xúc tiến đầu tư do các cơ quan nhà nước tổ chức, quản lý.

5. Doanh nghiệp trong khu công nghiệp sinh thái được ưu tiên cung cấp thông tin liên quan về thị trường công nghệ, khả năng hợp tác để thực hiện cộng sinh công nghiệp trong lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều 44. Trình tự, thủ tục đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái

1. Nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp lập 04 bộ hồ sơ đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái, trong đó, giải trình cụ thể việc đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 42 Nghị định này và gửi Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế của địa phương. Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế giao một bộ phận thường trực có chức năng tiếp nhận hồ sơ đăng ký chứng nhận khu công nghiệp sinh thái.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế gửi hồ sơ đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng để lấy ý kiến.

3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị của Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, các cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này có ý kiến về việc đáp ứng các tiêu chí khu công nghiệp sinh thái quy định tại Điều 42 Nghị định này.

4. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của các cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế tổ chức lập báo cáo đánh giá việc đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 42 Nghị định này.

5. Trường hợp kết quả đánh giá đạt yêu cầu, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận khu công nghiệp sinh thái cho khu công nghiệp. Giấy chứng nhận được thông báo tới nhà đầu tư ngay khi được ký ban hành.

6. Trường hợp kết quả đánh giá không đạt yêu cầu, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả đánh giá, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp biết và nêu rõ lý do không đạt yêu cầu.

7. Trường hợp chứng nhận doanh nghiệp sinh thái quy định tại khoản 2 Điều 43 Nghị định này, trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp sinh thái của doanh nghiệp, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế lấy ý kiến các cơ quan liên quan để xem xét, chứng nhận là doanh nghiệp sinh thái.

Nghị định 82/2018/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế

  • Số hiệu: 82/2018/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 22/05/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 683 đến số 684
  • Ngày hiệu lực: 10/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH