Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 3 Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục

MỤC 3. THỦ TỤC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẦU TƯ

Điều 32. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đầu tư

1. Đối với dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Nghị định này:

a) Có dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

b) Có Đề án tiền khả thi thành lập cơ sở giáo dục theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 33 của Nghị định này;

c) Có quỹ đất tại địa phương để giao hoặc cho nhà đầu tư thuê hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định tại Khoản 6 Điều 29 của Nghị định này;

d) Có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư theo mức quy định tại Điều 28 của Nghị định này.

2. Đối với dự án đầu tư mở phân hiệu của cơ sở giáo dục quy định tại Khoản 3, 4 Điều 26 của Nghị định này:

a) Cơ sở giáo dục phải là đối tượng được phép mở phân hiệu theo quy định tại Điều 40 của Nghị định này;

b) Cơ sở giáo dục đã được tổ chức kiểm định chất lượng hoặc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam hoặc của nước ngoài công nhận về chất lượng;

c) Có quỹ đất tại địa phương để giao hoặc cho nhà đầu tư thuê hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định tại Khoản 6 Điều 29 của Nghị định này;

d) Có Đề án tiền khả thi thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục theo quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 33 của Nghị định này;

đ) Có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư mở phân hiệu theo mức quy định tại Điều 28 của Nghị định này.

3. Đối với dự án đầu tư thành lập trường đại học, ngoài các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều này, dự án đầu tư còn phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Điều 33. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư

1. Đối với dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Nghị định này:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư;

b) Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của nhà đầu tư: Nhà đầu tư là tổ chức cần nộp bản sao có chứng thực quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ tương đương khác. Nhà đầu tư là cá nhân cần nộp bản sao có chứng thực hộ chiếu hoặc chứng minh nhân dân, lý lịch cá nhân; nhà đầu tư là cá nhân người nước ngoài nộp bổ sung lý lịch tư pháp;

c) Hồ sơ đăng ký kinh doanh tương ứng với mỗi loại hình tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan;

d) Giải trình kinh tế - kỹ thuật bao gồm các nội dung chủ yếu: Mục tiêu, quy mô, địa điểm đầu tư; vốn đầu tư; tiến độ thực hiện dự án; nhu cầu sử dụng đất hoặc thỏa thuận về nguyên tắc thuê cơ sở vật chất sẵn có phù hợp với quy định tại Khoản 6 Điều 29 của Nghị định này; giải pháp về công nghệ và môi trường; kiến nghị ưu đãi đầu tư (nếu có);

đ) Đề án tiền khả thi thành lập cơ sở giáo dục, bao gồm các nội dung sau:

Loại cơ sở giáo dục đề nghị thành lập; sự cần thiết thành lập cơ sở giáo dục; sự phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

Tên gọi của cơ sở giáo dục; mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục; kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô đào tạo của cơ sở giáo dục trong từng giai đoạn; dự kiến cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý, điều hành;

Dự kiến về văn bằng, chứng chỉ; cơ sở vật chất, thiết bị; chương trình giáo dục; đội ngũ nhà giáo phù hợp với quy định tại các Điều 23, 29, 30, 31 của Nghị định này.

e) Văn bản chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư theo mức quy định tại Điều 28 của Nghị định này.

2. Đối với dự án đầu tư mở phân hiệu của cơ sở giáo dục quy định tại Khoản 3, 4 Điều 26 của Nghị định này:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư;

b) Bản sao có chứng thực Quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục;

c) Bản sao có chứng thực Giấy phép hoạt động của cơ sở giáo dục;

d) Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng của cơ sở giáo dục xin mở phân hiệu hoặc giấy tờ công nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền;

đ) Giải trình kinh tế - kỹ thuật liên quan đến việc mở phân hiệu, bao gồm các nội dung quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này;

e) Đề án tiền khả thi đề nghị mở phân hiệu của cơ sở giáo dục, bao gồm các nội dung sau:

Sự cần thiết mở phân hiệu;

Tên gọi của phân hiệu, phạm vi hoạt động của phân hiệu; kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô đào tạo tương ứng với từng giai đoạn phát triển của phân hiệu; dự kiến về cơ cấu bộ máy tổ chức, quản lý, điều hành;

Dự kiến về cơ sở vật chất, thiết bị; chương trình giáo dục; đội ngũ nhà giáo phù hợp với quy định tại Điều 29, 30, 31 của Nghị định này.

g) Văn bản chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư theo mức quy định tại Điều 28 của Nghị định này.

3. Văn bản xác nhận do cơ quan nước ngoài cấp cho nhà đầu tư phải được hợp pháp hóa lãnh sự tại Bộ Ngoại giao Việt Nam hoặc cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Điều 34. Thẩm tra điều kiện về giáo dục, dạy nghề để cấp Giấy chứng nhận đầu tư

1. Việc thẩm tra điều kiện về giáo dục, dạy nghề để cấp Giấy chứng nhận đầu tư được quy định như sau:

a) Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm tra dự án đầu tư thành lập trường đại học, trường cao đẳng và phân hiệu của những cơ sở này;

b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra dự án đầu tư thành lập trường cao đẳng nghề và phân hiệu của những cơ sở này;

c) Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm tra dự án đầu tư thành lập cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và phân hiệu của những cơ sở này; trường trung cấp chuyên nghiệp và phân hiệu của những cơ sở này; cơ sở giáo dục mầm non; cơ sở giáo dục phổ thông;

d) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm tra dự án đầu tư thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề và phân hiệu của những cơ sở này.

2. Trường hợp cần thiết, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xin ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn, giải quyết kịp thời.

Điều 35. Quy trình, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư

1. Quy trình, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư.

2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cơ quan tiếp nhận hồ sơ dự án đầu tư gửi bản sao Giấy chứng nhận đầu tư đến:

a) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với dự án đầu tư thành lập trường đại học, trường cao đẳng và phân hiệu của những cơ sở này;

b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với dự án đầu tư thành lập trường cao đẳng nghề và phân hiệu của những cơ sở này;

c) Sở Giáo dục và Đào tạo đối với dự án đầu tư thành lập cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông; cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và phân hiệu của những cơ sở này; trường trung cấp chuyên nghiệp và phân hiệu của những cơ sở này;

d) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đối với dự án đầu tư thành lập trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề và phân hiệu của những cơ sở này.

Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục

  • Số hiệu: 73/2012/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 26/09/2012
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 10/10/2012
  • Số công báo: Từ số 623 đến số 624
  • Ngày hiệu lực: 15/11/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH