Hệ thống pháp luật

Chương 4 Nghị định 49/2014/NĐ-CP về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ quyết định của chủ sở hữu

Chương 4.

THANH TRA DOANH NGHIỆP

Điều 29. Trách nhiệm thanh tra

1. Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chủ sở hữu của doanh nghiệp và các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra trong phạm vi thẩm quyền của mình có trách nhiệm thanh tra hoặc tham gia thanh tra việc chấp hành pháp luật, thực hiện các quyết định của chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp khi có một trong những căn cứ theo quy định của Luật thanh tra và Nghị định này.

2. Đối với lĩnh vực đầu tư hoặc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thì căn cứ vào kết quả giám sát, kiểm tra, Bộ quản lý ngành là chủ sở hữu của doanh nghiệp có trách nhiệm thanh tra việc chấp hành pháp luật và tuân thủ quyết định của chủ sở hữu tối thiểu hai (02) năm một (01) lần đối với doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều 30 Nghị định này; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chủ sở hữu của doanh nghiệp có trách nhiệm thanh tra việc chấp hành pháp luật và tuân thủ quyết định của chủ sở hữu tối thiểu một (01) năm một (01) lần đối với doanh nghiệp thuộc thẩm quyền theo quy định tại Khoản 3 Điều 30 Nghị định này.

3. Trường hợp Bộ quản lý ngành là chủ sở hữu của doanh nghiệp không thực hiện trách nhiệm quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có trụ sở chính của doanh nghiệp có quyền ra quyết định thanh tra theo các nội dung thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cùng cấp đối với doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Bộ quản lý ngành quy định tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định này. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải chịu trách nhiệm về việc ra quyết định thanh tra và gửi quyết định thanh tra cho Bộ quản lý ngành để phối hợp trong quá trình tiến hành thanh tra.

Điều 30. Thẩm quyền thanh tra

1. Thanh tra Chính phủ thanh tra việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp cấp 1 do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập và các doanh nghiệp cấp 2.

2. Thanh tra Bộ quản lý ngành:

a) Thanh tra việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu đối với các doanh nghiệp cấp 1 do Bộ trưởng quyết định thành lập hoặc được chuyển đổi từ các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ hoặc được giao cho Bộ quản lý và các doanh nghiệp cấp 2.

Đối với các doanh nghiệp cấp 1 do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập mà Bộ quản lý ngành được giao là cấp trên trực tiếp của Hội đồng thành viên, thì Thanh tra Bộ tiến hành thanh tra sau khi đã báo cáo và thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ;

b) Thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ đối với các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thanh tra.

3. Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Thanh tra tỉnh) thanh tra việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp cấp 1 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc được chuyển đổi từ các doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các doanh nghiệp cấp 2; thanh tra việc chấp hành pháp luật đối với các doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 Nghị định này khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao. Trường hợp Thanh tra tỉnh không đáp ứng các yêu cầu cần thiết để tiến hành thanh tra thì có trách nhiệm báo cáo Thanh tra Chính phủ để xem xét, xử lý.

4. Thanh tra sở thanh tra việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn - kỹ thuật, quy tắc quản lý ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của sở đối với doanh nghiệp cấp 1 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc được chuyển đổi từ các doanh nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; việc chấp hành pháp luật chuyên ngành của các doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 29 Nghị định này khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.

Điều 31. Nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra

Khi tiến hành thanh tra đối với các doanh nghiệp, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các Điều 46, 47, 48, 53, 54 và 55 của Luật Thanh tra và các quy định của Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 2 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.

Điều 32. Căn cứ, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; kết luận và xử lý kết luận thanh tra

Căn cứ, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra; kết luận và xử lý kết luận thanh tra đối với doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ các quyết định của chủ sở hữu được thực hiện theo quy định tại Luật Thanh tra, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra, Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 2 năm 2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.

Nghị định 49/2014/NĐ-CP về giám sát, kiểm tra, thanh tra đối với doanh nghiệp nhà nước trong việc chấp hành pháp luật và tuân thủ quyết định của chủ sở hữu

  • Số hiệu: 49/2014/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 20/05/2014
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 557 đến số 558
  • Ngày hiệu lực: 10/07/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH