Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 33/2001/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 7 năm 2001

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 33/2001/NĐ-CP NGÀY 06 THÁNG 7 NĂM 2001 VỀ ''GIẤY CHỨNG MINH AN NINH NHÂN DÂN'' VÀ ''GIẤY CHỨNG NHẬN CẢNH SÁT NHÂN DÂN''

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Điều 21 Pháp lệnh về Lực lượng An ninh nhân dân Việt Nam ngày 02 tháng 11 năm 1987 và Điều 31 Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát nhân dân Việt Nam ngày 28 tháng 01 năm 1989;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,

NGHỊ ĐỊNH :

Điều 1. Giấy chứng minh An ninh nhân dân, Giấy chứng nhận Cảnh sát nhân dân, là giấy riêng của lực lượng Công an nhân dân, chứng nhận người được cấp giấy này là sĩ quan, hạ sĩ quan làm việc trong lực lượng Công an nhân dân, dùng để quản lý sĩ quan, hạ sĩ quan, sử dụng trong công tác, chiến đấu bảo vệ an ninh trật tự.

Điều 2. ''Giấy chứng minh An ninh nhân dân'', ''Giấy chứng nhận Cảnh sát nhân dân'' hình chữ nhật, chiều dài 9 cm, chiều rộng 6,5 cm.

Mặt trước : giữa là công an hiệu in chìm, xung quanh hoa văn hình rẻ quạt màu hồng, đường kính 2,3 cm. Bên trái từ trên xuống là hình công an hiệu in nổi, đường kính 1,4 cm, dưới dán ảnh màu của người được cấp Giấy, dưới ảnh có ghi số. Bên phải từ trên xuống là các hàng chữ : ''cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Giấy chứng minh (đối với lực lượng An ninh nhân dân) hoặc Giấy chứng nhận (đối với lực lượng Cảnh sát nhân dân). Họ tên; Năm sinh; Cấp bậc; Chức vụ; Đơn vị công tác của người được cấp giấy; Ngày ....... tháng ...... năm ....... Thủ trưởng đơn vị (Bộ trưởng, Thứ trưởng, Tổng cục trưởng, Giám đốc ......) cấp giấy ký tên và đóng dấu''.

Mặt sau : màu nền đỏ cờ, giữa là quốc huy in nổi đường kính 2,5 cm. Trên quốc huy là hàng chữ : ''Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt nam'' dưới quốc huy là hai hàng chữ : ''Giấy chứng minh An ninh nhân dân'' đối với lực lượng An ninh nhân dân) hoặc Giấy chứng nhận Cảnh sát nhân dân (đối với lực lượng Cảnh sát nhân dân).

Điều 3. ''Giấy chứng minh An ninh nhân dân'' cấp cho sĩ quan, hạ sĩ quan An ninh nhân dân; ''Giấy chứng nhận Cảnh sát nhân dân'' cấp cho sĩ quan, hạ sĩ quan, Cảnh sát nhân dân.

Giấy chứng nhận công nhân, nhân viên : Giấy chứng nhận nghĩa vụ tại ngũ; Giấy chứng nhận tạm thời cấp cho công nhân, nhân viên, chiến sĩ nghĩa vụ và cán bộ, nhân viên tạm tuyển trong lực lượng Công an nhân dân do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.

Điều 4. Trường hợp sĩ quan, hạ sĩ quan công an khi thi hành nhiệm vụ khẩn cấp mà mặc thường phục, không mặc trang phục của Công an nhân dân, được sử dụng ''Giấy chứng minh An ninh nhân dân'', "Giấy chứng nhận Cảnh sát nhân dân'' để xuất trình giới thiệu là cán bộ công an. Các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân có trách nhiệm tạo điều kiện để sĩ quan, hạ sĩ quan đó thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân được sử dụng ''Giấy chứng minh An ninh nhân dân'', Giấy chứng nhận Cảnh sát nhân dân'' của mình làm chứng nhận là sĩ quan, hạ sĩ quan công an; xuất trình khi người có thẩm quyền yêu cầu kiểm tra.

Sĩ quan, hạ sĩ quan Công an nhân dân sử dụng "Giấy chứng minh An ninh nhân dân", ''Giấy chứng nhận Cảnh sát nhân dân'' sai quy định, sửa chữa, cho mượn, làm mất hoặc giữ Giấy chứng minh An ninh nhân dân, chứng nhận Cảnh sát nhân dân khi không còn được quyền sử dụng, hoặc để người khác sử dụng "Giấy chứng minh An ninh nhân dân", ''Giấy chứng nhận Cảnh sát nhân dân'' thì tùy theo mức độ sai phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 6. Sĩ quan, hạ sĩ quan công an quy định tại Điều 1 Nghị định này khi thay đổi đơn vị, nghỉ hưu, chuyển ngành, xuất ngũ hoặc bị kỷ luật tước danh hiệu Công an nhân dân thì phải nộp Giấy chứng minh An ninh nhân dân hoặc Giấy chứng nhận Cảnh sát nhân dân lại cho cơ quan đã cấp giấy trước khi nhận các thủ tục chuyển ngành, xuất ngũ, nghỉ hưu.

Điều 7. Nghiêm cấm việc làm giả ''Giấy chứng minh An ninh nhân dân'', ''Giấy chứng nhận Cảnh sát nhân dân'' và sử dụng Giấy chứng minh An ninh nhân dân giả, Giấy chứng nhận Cảnh sát nhân dân giả để mạo danh cán bộ, chiến sĩ công an hoạt động phạm pháp hoặc vụ lợi cá nhân. Người làm giả ''Giấy chứng minh An ninh nhân dân'', ''Giấy chứng nhận Cảnh sát nhân dân'', sử dụng giấy giả để mạo danh cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân hoạt động phạm pháp tùy theo mức độ sai phạm bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các cơ quan, tổ chức và mọi công dân có trách nhiệm và có quyền phát hiện với cơ quan Công an, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vi phạm trong việc sử dụng ''Giấy chứng minh An ninh nhân dân'', ''Giấy chứng nhận Cảnh sát nhân dân'' quy định trong Nghị định này.

Điều 8. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Nghị định số 295/HĐBT ngày 15 tháng 8 năm 1990 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

Bộ trưởng Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

Điều 9. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 33/2001/NĐ-CP về việc Giấy chứng nhận An ninh nhân dân và Giấy chứng nhận Cảnh sát nhân dân

  • Số hiệu: 33/2001/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 06/07/2001
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 29
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản