Hệ thống pháp luật

Chương 3 Nghị định 28/CP Hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng

Chương 3:

NHỮNG CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI KHÁC ĐỂ CHĂM SÓC ĐỜI SỐNG NGƯỜI CÓ CÔNG GIÚP ĐỠ CÁCH MẠNG

MỤC 1: VỀ CHĂM SÓC SỨC KHOẺ

Điều 62.- Những người có công giúp đỡ cách mạng sau đây nếu không phải là người hưởng lương, hưởng bảo hiểm xã hội thì được Nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế để khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế, bệnh viện dân y hoặc bệnh viện quân đội.

1/ Người hoạt động cách mạng trước Cách mạng Tháng 8 năm 1945;

2/ Vợ (chồng), bố, mẹ đẻ, con của liệt sỹ, người có công nuôi liệt sỹ đang hưởng trợ cấp hàng tháng;

3/ Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, Bà mẹ Việt Nam anh hùng;

4/ Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động do thương tật từ 21% trở lên;

5/ Bệnh binh bị mất sức lao động do bệnh tật từ 61% trở lên;

6/ Người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày;

7/ Người có công giúp đỡ cách mạng đang được hưởng trợ cấp hàng tháng;

8/ Người được hưởng trợ cấp phục vụ và con thứ nhất, thứ hai dưới 18 tuổi của thương binh, bệnh binh, bị mất sức lao động từ 81% trở lên.

Điều 63.- Mức bảo hiểm y tế hàng tháng của những người có công với cách mạng quy định tại Điều 62 của Nghị định này là 3.600 đồng. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thực hiện.

MỤC 2: VỀ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

Điều 64.- Học sinh là con liệt sỹ; học sinh là con của thương binh, con của bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động từ 81% trở lên, khi học ở các trường mầm non, tiểu học và phổ thông trung học được:

1/ Ưu tiên trong tuyển sinh và xét tốt nghiệp;

2/ Được trợ cấp mỗi năm học 1 lần với các mức: 60.000 đồng khi học trường mầm non, 90.000 đồng khi học trường tiểu học, 120.000 đồng khi học trường phổ thông trung học cho một học sinh để mua sách, vở, đồ dùng học tập;

3/ Được miễn các khoản đóng góp xây dựng trường, sở;

4/ Được miễn nộp học phí.

Học sinh là con của thương binh, con của bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 61% đến 80% nếu học tiểu học và phổ thông trung học được miễn nộp học phí;

Con của thương binh, con của bệnh binh và người hưởng chính sách như thương binh hoặc con bệnh binh mất sức lao động từ 21% đến 60% được giảm 50% mức nộp học phí.

Điều 65.- Anh hùng lực lượng vũ trang; Anh hùng lao động; thương binh; người hưởng chính sách như thương binh; con của liệt sỹ; con của thương binh, con của bệnh binh và con của người hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 81% trở lên, khi học ở các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, dự bị đại học và trường phổ thông dân tộc nội trú:

1/ Được xếp vào nhóm ưu tiên cao trong tuyển chọn, trong việc xét lên lớp, thi kiểm tra ở cuối năm học, chuyển giai đoạn trong đào tạo. Riêng Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động đã tốt nghiệp phổ thông được nhận thẳng vào hệ chính quy (không phải thi), được xếp vào nhóm ưu tiên cao nhất trong tuyển chọn, chuyển giai đoạn;

2/ Được trợ cấp mỗi năm 1 lần với các mức: 150.000 đồng khi học trường trung học chuyên nghiệp, dự bị đại học, phổ thông dân tộc nội trú; 180.000 đồng khi học trường cao đẳng và đại học cho một học sinh để mua tài liệu, đồ dùng học tập;

3/ Được cấp 50% tiền mua vé xe tháng để đi học từ nơi ở nội trú đến trường (nếu có);

4/ Được miễn nộp học phí;

Học sinh, sinh viên là con của thương binh, con của bệnh binh và con của người hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 61% đến 80% được miễn nộp học phí.

Học sinh là con của thương binh, con của người hưởng chính sách như thương binh mất sức lao động từ 21% đến 60% được giảm 50% mức nộp học phí.

Điều 66.- Trợ cấp xã hội hàng tháng đối với học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách ưu đãi đang học ở các trường đào tạo của Nhà nước: Đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề, dự bị đại học và trường phổ thông dân tộc nội trú mà không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học:

1/ Mức trợ cấp hàng tháng 150.000 đồng/ người cấp cho học sinh, sinh viên là:

- Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động;

- Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh;

- Con của thương binh, con của bệnh binh và con của người hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 81% trở lên có vết thương, bệnh lý đặc biệt nặng quy định tại Điều 34 và Điều 50 Nghị định này.

2/ Mức trợ cấp hàng tháng 120.000 đồng/ người cấp cho học sinh, sinh viên là:

- Con liệt sỹ đang hưởng tiền tuất hàng tháng.

- Con của thương binh, con của bệnh binh và con của người hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 81% trở lên.

3/ Mức trợ cấp hàng tháng 100.000 đồng/ người, cấp cho học sinh, sinh viên là:

- Con của liệt sỹ đang hưởng trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng.

- Con của thương binh, con của bệnh binh và con của người hưởng chính sách như thương binh bị mất sức lao động từ 61% đến 80%.

Điều 67.- Ngân sách Nhà nước đảm bảo các khoản cấp, trợ cấp bằng nguồn riêng cho giáo dục và đào tạo để chi trả theo quy định tại các Điều 64, 65, 66 Nghị định này. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn, quy định tại nguồn chi trả, phương thức quản lý chặt chẽ việc thực hiện các chế độ ưu đãi quy định tại mục này.

MỤC 3: VỀ HỖ TRỢ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG CẢI THIỆN NHÀ Ở

Điều 68.- Người có công với cách mạng quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh được giải quyết đất ở hoặc hỗ trợ để có nhà ở tuỳ theo công lao và hoàn cảnh cụ thể của từng người, khả năng của Nhà nước và địa phương.

Bộ Xây dựng phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Tổng cục Địa chính hướng dẫn thực hiện cụ thể những ưu đãi về nhà ở, đất ở.

Điều 69.- Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Tung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cấp, các ngành, tổ chức kinh tế - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi người có trách nhiệm tham gia và vận đông phong trào xây dựng "Ngôi nhà tình nghĩa" bằng nguồn kinh phí đóng góp của mọi tổ chức và cá nhân trong địa phương và các nguồn khác để góp phần cung Nhà nước hỗ trợ người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt có nơi ở ổn định.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia và phối hợp phát động, duy trì phong trào xây dựng "Ngôi nhà tình nghĩa".

MỤC 4: VỀ GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM, HỖ TRỢ NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG, PHÁT TRIỂN KINH TẾ GIA ĐÌNH

Điều 70.- Người có công với cách mạng được ưu tiên trong giải quyết việc làm, hỗ trợ đời sống, phát triển kinh tế gia đình như: ưu tiên giao đất, vay vốn của "Quỹ quốc gia giải quyết việc làm" và từ các nguồn khác với lãi suất để sản xuất; được miễn hoặc giảm các loại thuế; miễn hoặc giảm nghĩa vụ lao động công ích theo quy định của pháp luật.

Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Tổng cụ Địa chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo thẩm quyền phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các chế độ ưu đãi quy định tại Điều này.

Nghị định 28/CP Hướng dẫn Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng

  • Số hiệu: 28-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 29/04/1995
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 13
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1995
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH