Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 24/2016/NĐ-CP Quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

Nghị định này quy định các nguyên tắc quản lý ngân quỹ nhà nước; các nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhà nước trong hệ thống Kho bạc Nhà nước; nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc quản lý ngân quỹ nhà nước.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Các đơn vị thuộc hệ thống Kho bạc Nhà nước.

4. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế và các cá nhân có liên quan đến công tác quản lý ngân quỹ nhà nước.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước là các quy định về quản lý ngân quỹ nhà nước, bao gồm các quy định về nguyên tắc quản lý ngân quỹ nhà nước; các nghiệp vụ quản lý ngân quỹ nhà nước (nghiệp vụ về tổ chức thanh toán, dự báo luồng tiền và xây dựng phương án Điều hành ngân quỹ nhà nước để quản lý tập trung, thống nhất mọi nguồn thu, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của ngân sách nhà nước và các đơn vị giao dịch tại Kho bạc Nhà nước; huy động vốn ngắn hạn, sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi đảm bảo an toàn và hiệu quả; quản lý rủi ro; quản lý thu, chi từ hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước); nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý ngân quỹ nhà nước.

2. An toàn về khả năng thanh Khoản là việc các Khoản ngân quỹ nhà nước đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu chi của ngân sách nhà nước và các đơn vị giao dịch với Kho bạc Nhà nước tại mọi thời Điểm.

3. An toàn về việc sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi là việc các Khoản ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được sử dụng đúng Mục đích theo quy định và có khả năng được thu hồi đầy đủ khi đến hạn (bao gồm cả gốc và lãi).

4. Ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi là phần ngân quỹ chênh lệch dương giữa dự báo thu và dự báo chi trong kỳ và phần chênh lệch giữa định mức tồn ngân quỹ nhà nước đầu kỳ và tồn ngân quỹ nhà nước cuối kỳ.

5. Ngân quỹ nhà nước tạm thời thiếu hụt là phần chênh lệch âm giữa dự báo thu và dự báo chi trong kỳ và phần chênh lệch giữa định mức tồn ngân quỹ nhà nước cuối kỳ và tồn ngân quỹ nhà nước đầu kỳ (nếu có).

6. Quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước là hoạt động nhận dạng các loại rủi ro, đánh giá rủi ro và áp dụng các phương pháp phòng ngừa đối với các rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước.

7. Hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước là mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tối đa đối với từng lĩnh vực cụ thể do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định để đảm bảo hoạt động quản lý ngân quỹ nhà nước luôn được an toàn.

8. Tài Khoản thanh toán tập trung của Kho bạc Nhà nước là hệ thống các tài Khoản thanh toán, bao gồm: tài Khoản thanh toán tập trung của Kho bạc Nhà nước tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tại các hệ thống ngân hàng thương mại.

9. Dự báo luồng tiền là việc tổng hợp, xác định số dự kiến thu, dự kiến chi và chênh lệch số dự kiến thu, chi ngân quỹ nhà nước theo tháng, quý và năm.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý ngân quỹ nhà nước

1. Thực hiện quản lý ngân quỹ nhà nước tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống Kho bạc Nhà nước.

2. Thực hiện tập trung nhanh mọi nguồn thu nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu thanh toán, chi trả của ngân sách nhà nước và các đơn vị giao dịch tại Kho bạc Nhà nước theo quy định.

3. Việc quản lý ngân quỹ nhà nước phải luôn đảm bảo an toàn và có hiệu quả; gắn kết quản lý ngân quỹ nhà nước với quản lý ngân sách nhà nước và quản lý nợ công, đảm bảo khả năng thanh toán các Khoản nợ của Chính phủ.

Nghị định 24/2016/NĐ-CP Quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước

  • Số hiệu: 24/2016/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 05/04/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 14/04/2016
  • Số công báo: Từ số 285 đến số 286
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH