Chương 5 Nghị định 23/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực
PHƯƠNG PHÁP, TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ HỒ SƠ DỰ THẦU
1. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu của nhà đầu tư được thực hiện trên cơ sở phương pháp và tiêu chuẩn quy định tại Điều 62 của Luật Đấu thầu, tiêu chuẩn chi tiết và tiêu chí quy định tại các Điều 45, 46 và 47 của Nghị định này.
2. Hồ sơ dự thầu được đánh giá theo thang điểm 100 hoặc 1.000, trong đó điểm tổng hợp được xây dựng trên cơ sở kết hợp giữa điểm năng lực, kinh nghiệm, điểm phương án đầu tư kinh doanh và điểm hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, bảo đảm tổng tỷ trọng là 100%, trong đó:
a) Điểm năng lực, kinh nghiệm chiếm tỷ trọng từ 20% đến 30% tổng số điểm;
b) Điểm phương án đầu tư kinh doanh chiếm tỷ trọng từ 20% đến 50% tổng số điểm;
c) Điểm hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương chiếm tỷ trọng từ 30% đến 50% tổng số điểm.
3. Nhà đầu tư phải đáp ứng điểm tối thiểu sau đây để được đánh giá, xếp hạng:
a) Điểm tổng hợp tối thiểu không được thấp hơn 70% tổng số điểm;
b) Điểm tối thiểu của tiêu chuẩn, tiêu chuẩn chi tiết không thấp hơn 60% điểm tối đa của tiêu chuẩn đó. Đối với dự án áp dụng phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, điểm tối thiểu của tiêu chuẩn, tiêu chuẩn chi tiết quy định tại Điều 45 và Điều 46 của Nghị định này không thấp hơn 70% điểm tối đa của tiêu chuẩn đó;
c) Điểm tối thiểu của từng tiêu chí không thấp hơn 50% điểm tối đa của tiêu chí đó.
Nhà đầu tư đáp ứng điểm tối thiểu của từng tiêu chuẩn quy định tại khoản này và có điểm tổng hợp cao nhất được xếp hạng thứ nhất.
4. Đối với dự án đầu tư kinh doanh có yêu cầu đặc thù về điều kiện đầu tư kinh doanh, quản lý, phát triển ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực, hồ sơ mời thầu quy định cố định một hoặc các tiêu chí đánh giá về phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư hoặc về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương mà không phải xây dựng thang điểm đối với tiêu chí cố định này.
Điều 45. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm
1. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực tài chính, khả năng thu xếp vốn gồm các tiêu chí sau đây:
a) Yêu cầu về vốn chủ sở hữu được xác định trên cơ sở tổng vốn đầu tư của dự án;
Đối với dự án quy định tại khoản 4 Điều 1 của Nghị định này và có sử dụng đất, yêu cầu về vốn chủ sở hữu tối thiểu được xác định theo quy định của pháp luật về đất đai. Đối với các dự án khác, yêu cầu về vốn chủ sở hữu tối thiểu được xác định theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực. Trường hợp pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực không quy định thì yêu cầu về vốn chủ sở hữu tối thiểu không thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư.
Trường hợp liên danh, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn chủ sở hữu của các thành viên liên danh, từng thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu tương ứng với phần góp vốn chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh. Nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 30%, từng thành viên liên danh có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15%.
b) Yêu cầu về khả năng huy động vốn vay của nhà đầu tư; trường hợp liên danh, vốn vay của nhà đầu tư liên danh bằng tổng vốn vay của các thành viên liên danh;
c) Yêu cầu về các chỉ tiêu tài chính (nếu có).
2. Tiêu chuẩn đánh giá về kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự căn cứ lĩnh vực; quy mô đầu tư; thời gian và mức độ hoàn thành công trình, dự án; tỷ lệ vốn chủ sở hữu mà nhà đầu tư đã tham gia vào dự án tương tự, gồm các tiêu chí sau đây:
a) Kinh nghiệm đầu tư, xây dựng công trình, dự án tương tự (đối với dự án có cấu phần xây dựng); kinh nghiệm đầu tư dự án tương tự (đối với dự án không có cấu phần xây dựng);
b) Kinh nghiệm vận hành, kinh doanh công trình, dự án tương tự;
c) Yêu cầu về kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt, trang thiết bị chuyên dùng (nếu có);
d) Yêu cầu nhà đầu tư kê khai lịch sử tranh chấp, khiếu kiện đối với dự án đã và đang thực hiện; đánh giá của cơ quan có thẩm quyền về quá trình hoạt động của nhà đầu tư tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi triển khai dự án (nếu có).
3. Trường hợp liên danh, kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự quy định tại khoản 2 Điều này của nhà đầu tư liên danh bằng tổng số dự án của các thành viên liên danh đã thực hiện.
4. Nhà đầu tư được sử dụng kinh nghiệm của đối tác để chứng minh kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự quy định tại khoản 2 Điều này. Đối tác là tổ chức ký kết hợp đồng với nhà đầu tư để tham gia thực hiện dự án đầu tư kinh doanh và được nhà đầu tư đề xuất trong hồ sơ dự thầu trên cơ sở yêu cầu về kinh nghiệm quy định tại hồ sơ mời thầu.
5. Trường hợp dự án áp dụng hình thức đấu thầu trong nước nhưng cần thúc đẩy sử dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý quốc tế, hồ sơ mời thầu có thể quy định nhà đầu tư trong nước được sử dụng đối tác là nhà thầu nước ngoài.
6. Đối với dự án đầu tư kinh doanh thực hiện trình tự, thủ tục quy định tại Điều 43 của Nghị định này, tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm phải được cập nhật, bổ sung căn cứ yêu cầu sơ bộ về năng lực, kinh nghiệm được phê duyệt, các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này và các văn bản quy định tại Điều 12 của Nghị định này.
Điều 46. Tiêu chuẩn đánh giá về phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư
1. Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật:
a) Yêu cầu về sự phù hợp của phương án đầu tư, xây dựng công trình dự án của nhà đầu tư (gồm phạm vi, quy mô, sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án, thời gian, tiến độ, phân kỳ đầu tư xây dựng công trình) với quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý ngành, lĩnh vực và pháp luật có liên quan; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, kế hoạch cải tạo, xây dựng nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở (đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư);
b) Yêu cầu về sự phù hợp của thiết kế kiến trúc do nhà đầu tư đề xuất, trong đó có yêu cầu về công năng chính của công trình, hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc, cảnh quan đảm bảo đồng bộ với tổng thể công trình (đối với dự án có cấu phần xây dựng), trừ quy định tại điểm g khoản này;
c) Yêu cầu về tính khả thi của giải pháp ứng dụng công nghệ do nhà đầu tư đề xuất; yêu cầu về chuyển giao công nghệ (nếu có); yêu cầu về sự phù hợp với quy định về tiêu chí công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường (đối với dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt);
d) Yêu cầu về sự phù hợp với điều kiện đầu tư kinh doanh theo pháp luật về đầu tư và pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực (nếu có); yêu cầu về phương án phân kỳ, tổ chức vận hành, kinh doanh của nhà đầu tư;
đ) Yêu cầu về sự phù hợp của phương án đầu tư hệ thống đặt cược, phương án kinh doanh đặt cược với quy định của pháp luật về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế (đối với dự án kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế; dự án đầu tư trường đua ngựa, đua chó, trong đó có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó);
e) Yêu cầu về chất lượng hàng hóa, dịch vụ mà nhà đầu tư cung cấp (đối với dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt, dự án thuộc lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa); yêu cầu về kỹ thuật chuyên ngành, phạm vi, quy mô nạo vét, khối lượng sản phẩm được thu hồi (đối với dự án nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm); yêu cầu về chất lượng nước sạch, giảm tỷ lệ thất thoát nước và bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục, ổn định (đối với dự án đầu tư xây dựng công trình nguồn cấp nước, dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước);
g) Yêu cầu về công năng chính của công trình, hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan bảo đảm đồng bộ với tổng thể công trình (đối với dự án công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay có cấu phần xây dựng).
2. Tiêu chuẩn đánh giá về xã hội:
a) Yêu cầu về phương án, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (nếu có);
b) Yêu cầu về khả năng đóng góp phúc lợi xã hội cho người lao động tại địa phương thông qua việc sử dụng lao động địa phương, đào tạo nguồn nhân lực, mức thu nhập bình quân và tốc độ tăng thu nhập bình quân;
c) Yêu cầu đáp ứng nhu cầu và lợi ích chăm sóc sức khỏe, lợi ích về giáo dục đào tạo cho người dân (đối với dự án khuyến khích xã hội hóa thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục).
3. Tiêu chuẩn đánh giá về môi trường:
a) Yêu cầu về sự phù hợp của công trình, hàng hóa, dịch vụ cung cấp với quy định của pháp luật về môi trường; yêu cầu về giải pháp nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa để hạn chế tận thu sản phẩm ảnh hưởng đến vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa (đối với dự án nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm);
b) Yêu cầu áp dụng giải pháp giảm thiểu tác động xấu tới môi trường (đối với dự án thuộc nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường);
c) Yêu cầu về bảo vệ môi trường, sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng;
d) Yêu cầu về tỷ lệ sử dụng đất, tài nguyên; khả năng bảo tồn hoặc cải thiện đất, tài nguyên, hệ sinh thái tự nhiên tại khu vực thực hiện dự án.
Điều 47. Tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương
Căn cứ yêu cầu phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương, tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương được xây dựng trên cơ sở một trong các tiêu chuẩn sau đây:
1. Giá trị bằng tiền nộp ngân sách nhà nước đối với dự án nạo vét vùng nước cảng biển, vùng nước đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm, trong đó:
a) Giá trị tối thiểu phần chênh lệch giữa kinh phí nạo vét và giá trị sản phẩm thu hồi trong trường hợp kinh phí nạo vét của dự án nhỏ hơn hoặc bằng giá trị sản phẩm thu hồi;
b) Giá trị tối đa phần chênh lệch giữa kinh phí nạo vét và giá trị sản phẩm thu hồi trong trường hợp kinh phí nạo vét của dự án lớn hơn giá trị sản phẩm thu hồi.
2. Giá trị tối thiểu bằng tiền nộp ngân sách nhà nước căn cứ yêu cầu, tiêu chí đặc thù quy định tại pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.
3. Tỷ lệ doanh thu tối thiểu do nhà đầu tư chia sẻ được quy tương đương giá trị bằng tiền nộp ngân sách nhà nước theo phương án đầu tư kinh doanh được sử dụng để lập hồ sơ mời thầu đối với dự án công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay có phát sinh doanh thu.
4. Khung giá, giá tối đa theo quy định của pháp luật về giá, pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực.
5. Số lượng tối thiểu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, không gian công cộng phục vụ cộng đồng xung quanh dự án và các dịch vụ vận hành kèm theo phù hợp với nhu cầu của địa phương nơi thực hiện dự án.
6. Giá trị tối thiểu của hoạt động trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội hoặc giá trị tối thiểu của các hoạt động phúc lợi xã hội khác mà nhà đầu tư đóng góp cho địa phương, phù hợp với nhu cầu của địa phương nơi thực hiện dự án.
7. Ngưỡng tối đa tổng lượng phát thải các chất độc hại theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Giá trị, tỷ lệ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này độc lập với nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Điều 48. Nguyên tắc xét duyệt trúng thầu
1. Nhà đầu tư được xem xét, đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Có hồ sơ dự thầu hợp lệ;
b) Đáp ứng yêu cầu về năng lực và kinh nghiệm;
c) Đáp ứng yêu cầu về phương án đầu tư kinh doanh;
d) Đáp ứng yêu cầu về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương;
đ) Có điểm tổng hợp về năng lực, kinh nghiệm, phương án đầu tư kinh doanh và hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương cao nhất.
2. Đối với nhà đầu tư không được lựa chọn, thông báo kết quả lựa chọn nhà đầu tư phải nêu lý do nhà đầu tư không trúng thầu.
Nghị định 23/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực
- Số hiệu: 23/2024/NĐ-CP
- Loại văn bản: Nghị định
- Ngày ban hành: 27/02/2024
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Trần Hồng Hà
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 27/02/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
- Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
- Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Điều 3. Giải thích từ ngữ
- Điều 4. Bảo đảm cạnh tranh
- Điều 5. Ưu đãi trong lựa chọn nhà đầu tư
- Điều 6. Quản lý chi phí, nguồn thu trong lựa chọn nhà đầu tư
- Điều 7. Chi phí giải quyết kiến nghị của nhà đầu tư về kết quả lựa chọn nhà đầu tư
- Điều 8. Quy trình, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư
- Điều 9. Công bố dự án đầu tư kinh doanh đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư
- Điều 10. Công bố dự án đầu tư kinh doanh đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư
- Điều 11. Lập, phê duyệt bảng theo dõi tiến độ thực hiện các hoạt động lựa chọn nhà đầu tư
- Điều 12. Căn cứ lập hồ sơ mời thầu
- Điều 13. Lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu
- Điều 14. Lựa chọn danh sách ngắn đối với đấu thầu hạn chế
- Điều 15. Điều kiện phát hành hồ sơ mời thầu
- Điều 16. Mời thầu, phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời thầu; gia hạn thời gian nộp hồ sơ dự thầu
- Điều 17. Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, quản lý, sửa đổi, thay thế, rút hồ sơ dự thầu
- Điều 18. Mở thầu
- Điều 19. Nguyên tắc đánh giá hồ sơ dự thầu
- Điều 20. Làm rõ hồ sơ dự thầu
- Điều 21. Đánh giá hồ sơ dự thầu
- Điều 22. Mở hồ sơ đề xuất về kỹ thuật
- Điều 23. Đánh giá hồ sơ đề xuất về kỹ thuật
- Điều 24. Phê duyệt danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật
- Điều 25. Mở hồ sơ đề xuất về tài chính
- Điều 26. Đánh giá hồ sơ đề xuất về tài chính
- Điều 27. Trình, thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư
- Điều 28. Công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư
- Điều 29. Đàm phán, hoàn thiện hợp đồng
- Điều 30. Ký kết hợp đồng và đăng tải thông tin chủ yếu của hợp đồng dự án đầu tư kinh doanh
- Điều 31. Chuẩn bị đấu thầu giai đoạn một
- Điều 32. Tổ chức đấu thầu giai đoạn một
- Điều 33. Chuẩn bị, tổ chức đấu thầu giai đoạn hai
- Điều 34. Đánh giá hồ sơ dự thầu giai đoạn hai
- Điều 35. Trình, thẩm định, phê duyệt, công khai kết quả lựa chọn nhà đầu tư; đàm phán, hoàn thiện và ký kết hợp đồng, công khai thông tin hợp đồng dự án
- Điều 36. Áp dụng thủ tục mời quan tâm
- Điều 37. Chuẩn bị mời quan tâm
- Điều 38. Lập, phê duyệt hồ sơ mời quan tâm
- Điều 39. Thông báo mời quan tâm, phát hành, sửa đổi, làm rõ hồ sơ mời quan tâm; gia hạn thời gian nộp hồ sơ đăng ký thực hiện dự án
- Điều 40. Chuẩn bị, nộp, tiếp nhận, sửa đổi, rút hồ sơ đăng ký thực hiện dự án
- Điều 41. Mở thầu và đánh giá hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư kinh doanh
- Điều 42. Trình, phê duyệt và công khai kết quả mời quan tâm
- Điều 43. Quy trình, thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
- Điều 44. Phương pháp đánh giá
- Điều 45. Tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm
- Điều 46. Tiêu chuẩn đánh giá về phương án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư
- Điều 47. Tiêu chuẩn đánh giá về hiệu quả đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực, địa phương
- Điều 48. Nguyên tắc xét duyệt trúng thầu
- Điều 49. Thành lập doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư trúng thầu
- Điều 50. Triển khai thực hiện dự án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư trúng thầu
- Điều 51. Triển khai thực hiện dự án đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư được chấp thuận theo quy định của pháp luật về đầu tư
- Điều 52. Thẩm định hồ sơ mời thầu
- Điều 53. Thẩm định kết quả lựa chọn nhà đầu tư
- Điều 54. Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế
- Điều 55. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn, cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ban quản lý khu kinh tế; Ủy ban nhân dân cấp huyện
- Điều 56. Trách nhiệm của tổ thẩm định
- Điều 57. Xử lý tình huống trong lựa chọn nhà đầu tư
- Điều 58. Kiểm tra hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư
- Điều 59. Giám sát hoạt động đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư