Hệ thống pháp luật

Chương 6 Nghị định 160/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối

Chương 6 :

HOẠT ĐỘNG CUNG ỨNG DỊCH VỤ NGOẠI HỐICỦA CÁC TỔ CHỨC TÍN DỤNG VÀ CÁC TỔ CHỨC KHÁC

MỤC 1 : CUNG ỨNG DỊCH VỤ NGOẠI HỐI TRÊN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

Điều 41. Phạm vi, điều kiện cung ứng dịch vụ ngoại hối của các ngân hàng

1. Khi đáp ứng đủ các điều kiện do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các ngân hàng được cung ứng các dịch vụ ngoại hối trong phạm vi dưới đây:

a) Cung cấp các giao dịch hối đoái dưới hình thức giao dịch giao ngay, kỳ hạn, hoán đổi, quyền lựa chọn, hợp đồng tương lai và các giao dịch hối đoái khác theo thông lệ quốc tế;

b) Huy động vốn, cho vay và bảo lãnh bằng ngoại tệ dưới các hình thức theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

c) Phát hành, đại lý phát hành thẻ thanh toán quốc tế;

d) Cung cấp các dịch vụ chuyển tiền và thanh toán (trong nước và quốc tế) cho các đối tượng quy định tại Nghị định này; nhận và chi, trả ngoại tệ;

đ) Chiết khấu, tái chiết khấu giấy tờ có giá bằng ngoại tệ;

e) Ủy nhiệm cho tổ chức tín dụng khác và tổ chức kinh tế làm đại lý cung ứng một số dịch vụ ngoại hối, bao gồm dịch vụ đổi ngoại tệ, dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ và các dịch vụ khác theo quy định tại Nghị định này;

g) Cung cấp các dịch vụ ủy thác và quản lý tài sản bằng ngoại hối;

h) Cung cấp các dịch vụ ngân hàng đầu tư bằng ngoại hối (mua, bán, sát nhập, bảo lãnh và làm đại lý phát hành chứng khoán bằng ngoại tệ...);

i) Cung ứng các dịch vụ tư vấn cho khách hàng về ngoại hối;

k) Thực hiện các hoạt động ngoại hối khác theo thông lệ quốc tế và phù hợp với pháp luật Việt Nam.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, thủ tục và xác nhận đủ điều kiện cung ứng dịch vụ ngoại hối của các ngân hàng.

Điều 42. Cung ứng dịch vụ ngoại hối của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng

Các tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải đăng ký hoạt động với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện một số hoặc toàn bộ các nội dung cung ứng dịch vụ ngoại hối dưới đây:

1. Đối với Công ty tài chính:

a) Cung cấp các giao dịch hối đoái dưới hình thức giao dịch giao ngay, kỳ hạn, hoán đổi, quyền lựa chọn và các giao dịch hối đoái khác phù hợp với thông lệ quốc tế;

b) Nhận tiền gửi có kỳ hạn từ một năm trở lên bằng ngoại tệ, phát hành trái phiếu, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, vay vốn bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước;

c) Cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn bằng ngoại tệ, chiết khấu, tái chiết khấu, cầm cố các giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, bảo lãnh tín dụng bằng ngoại tệ;

d) Cung cấp các dịch vụ uỷ thác và quản lý tài sản bằng ngoại hối;

đ) Nhận và chi, trả ngoại tệ; ủy nhiệm cho các tổ chức kinh tế làm đại lý đổi ngoại tệ, đại lý chi, trả ngoại tệ;

e) Cung ứng các dịch vụ tư vấn cho khách hàng về ngoại hối.

2. Đối với Công ty cho thuê tài chính:

a) Nhận tiền gửi có kỳ hạn từ một năm trở lên bằng ngoại tệ, phát hành trái phiếu, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, vay vốn bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước;

b) Cho thuê tài chính bằng ngoại tệ ;

c) Bảo lãnh tín dụng bằng ngoại tệ;

d) Thực hiện các dịch vụ ủy thác và quản lý tài sản bằng ngoại tệ;

đ) Cung ứng các dịch vụ tư vấn cho khách hàng về ngoại hối.

3. Tổ chức tín dụng phi ngân hàng khác được thực hiện một số nội dung cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, thủ tục đăng ký hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng.

Điều 43. Cung ứng dịch vụ ngoại hối của các tổ chức khác

1. Dịch vụ đại lý đổi ngoại tệ cho tổ chức tín dụng

Tổ chức kinh tế được làm đại lý đổi ngoại tệ cho tổ chức tín dụng được phép khi được uỷ nhiệm. Việc uỷ nhiệm đổi ngoại tệ phải được thực hiện trên cơ sở ký kết hợp đồng đại lý đổi ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế được uỷ nhiệm và phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ

a) Tổ chức kinh tế làm đại lý cung ứng dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ cho tổ chức tín dụng phải đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tổ chức kinh tế trực tiếp cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép;

b) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục đăng ký, cấp giấy phép cho tổ chức kinh tế cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ.

3. Cung ứng dịch vụ ngoại hối khác:

Các tổ chức kinh tế chỉ được thực hiện cung ứng dịch vụ ngoại hối ngoài các nội dung quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép.

MỤC 2 : CUNG ỨNG DỊCH VỤ NGOẠI HỐI TRÊN THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ

Điều 44. Phạm vi, điều kiện cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế

1. Các tổ chức tín dụng và tổ chức khác được cung ứng các dịch vụ ngoại hối trên thị trường quốc tế trong phạm vi dưới đây:

a) Đối với các ngân hàng:

- Cung cấp dịch vụ thanh toán quốc tế;

- Thực hiện các giao dịch mua, bán ngoại hối và vàng trên thị trường nước ngoài;

- Tham gia các thị trường tiền tệ, thị trường phái sinh ở nước ngoài;

- Cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản tài chính của khách hàng ở nước ngoài;

- Cung cấp các dịch vụ ngân hàng đầu tư (tư vấn tài chính, mua, bán, sát nhập, bảo lãnh, đồng tài trợ...) trên thị trường quốc tế.

b) Đối với công ty tài chính:

- Thực hiện các giao dịch mua, bán ngoại hối và vàng trên thị trường nước ngoài;

- Tham gia các thị trường tiền tệ, thị trường phái sinh ngoại hối ở nước ngoài;

- Cung cấp các dịch vụ quản lý tài sản tài chính của khách hàng ở nước ngoài.

c) Đối với các tổ chức khác:

Trong từng trường hợp cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các tổ chức khác được thực hiện một số nội dung cung ứng dịch vụ ngoại hối nêu tại khoản 1, khoản 2 Điều này.

2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể điều kiện, hồ sơ, thủ tục đăng ký hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối của các tổ chức tín dụng và tổ chức khác trên thị trường quốc tế.

MỤC 3 : TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG VÀ CÁC TỔ CHỨC KHÁC KHI THỰC HIỆN CUNG ỨNG DỊCH VỤ NGOẠI HỐI

Điều 45. Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối

Khi thực hiện các hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối, các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác được phép hoạt động ngoại hối có trách nhiệm:

1. Thực hiện các hoạt động cung ứng dịch vụ ngoại hối theo đúng phạm vi hoạt động ghi trong giấy phép, giấy xác nhận đăng ký hoạt động ngoại hối, các quy định của Nghị định này và các quy định khác có liên quan của pháp luật;

2. Chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các nội dung cung ứng dịch vụ ngoại hối ủy nhiệm cho tổ chức tín dụng khác và tổ chức kinh tế;

3. Chấp hành các quy định về đảm bảo an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

4. Chấp hành nghiêm túc và hướng dẫn khách hàng thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý ngoại hối và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Điều 46. Kiểm tra chứng từ

Tổ chức tín dụng và các tổ chức khác được phép hoạt động ngoại hối khi thực hiện các giao dịch ngoại hối cho khách hàng có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, lưu giữ các giấy tờ và các chứng từ phù hợp với các giao dịch thực tế để đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ ngoại hối được thực hiện đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 47. Đáp ứng nhu cầu ngoại tệ để thanh toán vãng lai

Trong phạm vi khả năng ngoại tệ hiện có, tổ chức tín dụng và các tổ chức khác được phép hoạt động ngoại hối có trách nhiệm đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ của người cư trú, người không cư trú để thanh toán vãng lai căn cứ theo nhu cầu thực tế và hợp lý của từng giao dịch.

Điều 48. Thanh tra, kiểm soát và báo cáo

1. Tổ chức tín dụng và các tổ chức khác được phép hoạt động ngoại hối phải chịu sự thanh tra, kiểm soát và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

2. Trách nhiệm về thông tin báo cáo của các tổ chức tín dụng được phép. Tổ chức tín dụng được phép có trách nhiệm báo cáo các thông tin liên quan đến hoạt động ngoại hối theo quy định sau:

a) Báo cáo các thông tin, số liệu cần thiết liên quan đến ngoại hối và hoạt động ngoại hối theo đúng thời hạn quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động ngoại hối;

b) Được phép yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin nhằm phục vụ việc thu thập số liệu, thông tin liên quan đến ngoại hối và hoạt động ngoại hối;

c) Được thực hiện cung cấp thông tin, tư vấn về chính sách ngoại hối và hoạt động ngoại hối cho tổ chức và cá nhân phù hợp với các quy định của pháp luật;

d) Có nghĩa vụ giữ bí mật và chịu trách nhiệm về các thông tin thuộc danh mục bí mật của ngành ngân hàng.

3. Trách nhiệm về thông tin báo cáo của tổ chức và cá nhân:

a) Tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động ngoại hối có nghĩa vụ cung cấp các thông tin, số liệu theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức tín dụng được phép theo đúng thời hạn quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động ngoại hối;

b) Tổ chức và cá nhân có quyền yêu cầu tổ chức tín dụng cung cấp các thông tin hướng dẫn để thực hiện đúng các chính sách về quản lý ngoại hối.

Nghị định 160/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối

  • Số hiệu: 160/2006/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 28/12/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 29 đến số 30
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH