Hệ thống pháp luật

Chương 5 Nghị định 160/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối

Chương 5:

THỊ TRƯỜNG NGOẠI TỆ, CƠ CHẾ TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI VÀ QUẢN LÝ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU VÀNG

Điều 37. Thị trường ngoại tệ của Việt Nam

1. Thị trường ngoại tệ là nơi diễn ra hoạt động mua bán các loại ngoại tệ. Đối tượng tham gia thị trường ngoại tệ bao gồm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng được phép, bàn đổi ngoại tệ và các tổ chức, cá nhân là người cư trú, người không cư trú tại Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định điều kiện, phương thức, các loại hình nghiệp vụ giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ.

2. Thị trường ngoại tệ liên ngân hàng là thị trường cho các giao dịch giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với các tổ chức tín dụng được phép và giữa các tổ chức tín dụng được phép với nhau. Các thành viên tham gia thị trường ngoại tệ liên ngân hàng thực hiện mua bán ngoại tệ theo các phương thức, loại hình nghiệp vụ giao dịch trên cơ sở các thoả thuận, cam kết giữa các bên theo thông lệ quốc tế và phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

3. Trong trường hợp tham gia thị trường ngoại tệ liên ngân hàng tập trung do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức, điều hành, các tổ chức tín dụng được phép phải chấp hành quy chế tổ chức và hoạt động của thị trường này do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.

Điều 38. Hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trên thị trường ngoại tệ

Căn cứ biến động tỷ giá trên thị trường ngoại tệ và mục tiêu chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng và thực hiện phương án can thiệp mua hoặc bán ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ trong nước.

Điều 39. Cơ chế tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam

1. Tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam được hình thành trên cơ sở cung cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện điều tiết tỷ giá hối đoái thông qua việc sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ và thực hiện phương án mua bán trên thị trường ngoại tệ.

2. Cơ chế tỷ giá hối đoái của đồng Việt Nam là cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xác định trên cơ sở rổ tiền tệ của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư với Việt Nam phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.

Điều 40. Quản lý xuất khẩu, nhập khẩu vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng

Tổ chức tín dụng và các tổ chức được phép hoạt động kinh doanh vàng được xuất khẩu, nhập khẩu vàng dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nghị định 160/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh Ngoại hối

  • Số hiệu: 160/2006/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 28/12/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: 12/01/2007
  • Số công báo: Từ số 29 đến số 30
  • Ngày hiệu lực: 27/01/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH