Hệ thống pháp luật

Mục 6 Chương 3 Nghị định 131/2021/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

Mục 6. HỖ TRỢ CẢI THIỆN NHÀ Ở

Điều 99. Đối tượng, hình thức và nguyên tắc hỗ trợ

1. Đối tượng được hỗ trợ

Đối tượng được hỗ trợ cải thiện nhà ở là các đối tượng được quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh và thân nhân liệt sĩ.

2. Các hình thức hỗ trợ nhà ở

a) Tặng nhà: Nhà nước và xã hội tặng nhà tình nghĩa đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

b) Hỗ trợ khi thuê nhà ở xã hội, nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Điều 100 Nghị định này.

c) Hỗ trợ khi mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước (không bao gồm tiền sử dụng đất) theo quy định của pháp luật về nhà ở.

d) Hỗ trợ giải quyết cho mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không phải do Nhà nước đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về nhà ở.

đ) Hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi của Nhà nước để mua, thuê mua nhà ở xã hội; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở theo quy định của pháp luật về nhà ở.

e) Hỗ trợ kinh phí để cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng theo quy định tại Điều 102 Nghị định này.

3. Nguyên tắc hỗ trợ

Việc hỗ trợ cải thiện nhà ở theo các nguyên tắc sau:

a) Căn cứ vào công lao, hoàn cảnh của từng người hoặc khi có khó khăn về nhà ở và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước.

b) Kết hợp, lồng ghép với các chương trình đầu tư, hỗ trợ khác của Trung ương, địa phương và khuyến khích cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp.

c) Bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát, phân bổ công bằng và hợp lý các nguồn lực hỗ trợ.

d) Phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật khác có liên quan.

Điều 100. Hỗ trợ khi thuê nhà xã hội, nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước

1. Điều kiện, nguyên tắc hỗ trợ miễn, giảm tiền thuê nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở.

2. Đối tượng được miễn tiền thuê nhà ở

a) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng.

b) Các đối tượng thuộc diện được giảm tiền thuê nhà ở quy định tại khoản 3 Điều này hiện đang sống cô đơn, không nơi nương tựa (có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở thuê).

3. Đối tượng và mức giảm tiền thuê nhà ở

a) Giảm 90% tiền thuê nhà ở đối với các đối tượng: Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% đến 80%.

b) Giảm 80% tiền thuê nhà ở đối với các đối tượng: Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 41% đến 60%.

c) Giảm 70% tiền thuê nhà ở đối với các đối tượng:

- Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31 tháng 12 năm 1993, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 21% đến 40%.

- Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày.

- Người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước” trước cách mạng tháng Tám năm 1945, người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huân chương kháng chiến.

- Thân nhân liệt sĩ.

d) Giảm 65% tiền thuê nhà ở đối với các đối tượng sau:

- Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế.

- Người được tặng hoặc người trong gia đình được tặng Huy chương kháng chiến.

Điều 101. Hồ sơ, trình tự thủ tục giải quyết

1. Hồ sơ, trình tự, thủ tục giải quyết đối với các trường hợp quy định tại điểm c, điểm d, điểm đ khoản 2 Điều 99 và Điều 100 Nghị định này thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở.

2. Hồ sơ, trình tự, thủ tục giải quyết đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 Điều 99 Nghị định này thực hiện theo quy định tại Điều 102 Nghị định này.

Điều 102. Hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng

1. Điều kiện hỗ trợ

Nhà ở mà hộ gia đình hiện đang ở và có hộ khẩu thường trú tại nhà ở là nhà tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây, trừ những hộ gia đình đã được hỗ trợ theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở) với các mức độ như sau:

a) Nhà ở phải phá dỡ để xây mới nhà ở.

b) Nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở.

2. Mức hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở và tỷ lệ phân bổ vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, tỷ lệ đối ứng vốn hỗ trợ từ ngân sách địa phương do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

3. Yêu cầu về chất lượng nhà ở

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu, thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà ở điển hình, kèm theo dự toán kinh phí đầu tư xây dựng, dự trù vật liệu chủ yếu, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương để phổ biến, giới thiệu cho các hộ gia đình tham khảo, nghiên cứu áp dụng xây dựng nhà ở phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng hộ.

b) Đối với trường hợp nhà ở phải phá dỡ để xây dựng lại thì sau khi được hỗ trợ, nhà ở mới được xây dựng phải đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30 m2; trường hợp hộ độc thân thì diện tích xây dựng nhà ở nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 24 m2. Nhà ở xây dựng mới phải đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng), độ bền tối thiểu 20 năm.

c) Đối với trường hợp nhà ở phải sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở thì sau khi sửa chữa phải bảo đảm tiêu chuẩn “2 cứng” (khung - tường cứng, mái cứng), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên, nhưng không yêu cầu phải đúng tiêu chuẩn về diện tích sử dụng quy định tại điểm b khoản này.

4. Nguồn vốn thực hiện

a) Ngân sách nhà nước, gồm: ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

b) Vốn huy động từ cộng đồng, dòng họ và đóng góp của hộ gia đình được hỗ trợ.

5. Phương thức thực hiện

a) Việc lập, phê duyệt Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở (sau đây gọi là Đề án) do Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm đối chiếu, lập danh sách các hộ được hỗ trợ, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, kiểm tra và phê duyệt danh sách số hộ thuộc diện được hỗ trợ, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để làm cơ sở lập và phê duyệt Đề án trên địa bàn tỉnh theo trình tự quy định tại khoản 6 Điều này; việc tổng hợp, kiểm tra và phê duyệt Đề án trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành mức hỗ trợ để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo quy định tại khoản 2 Điều này.

b) Việc cấp vốn

Căn cứ số vốn được phân bổ từ ngân sách trung ương, vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ cho Ủy ban nhân dân cấp huyện. Căn cứ số vốn được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phân bổ, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện phân bổ vốn hỗ trợ cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Việc quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán nguồn vốn hỗ trợ thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về đầu tư công.

c) Sau khi nhận được tạm ứng kinh phí hỗ trợ nhà ở theo quy định, các hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở. Trường hợp hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn (già cả, neo đơn, khuyết tật...) không có khả năng tự xây dựng nhà ở thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ gia đình này.

d) Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, vận động việc thực hiện xây dựng nhà ở đảm bảo yêu cầu về diện tích, chất lượng nhà ở theo quy định của Nghị định này. Khi hoàn thành xây dựng phần nền móng và khung - tường nhà ở thì phải lập Biên bản xác nhận xây dựng nhà ở hoàn thành theo Mẫu số 05 Phụ lục IX Nghị định này; khi hoàn thiện toàn bộ nhà ở thì phải lập Biên bản xác nhận hoàn thành xây dựng nhà ở đưa vào sử dụng theo Mẫu số 06 Phụ lục IX Nghị định này.

6. Trình tự lập và phê duyệt Đề án

a) Các đối tượng đủ điều kiện được hỗ trợ nhà ở làm đơn đề nghị theo Mẫu số 01 Phụ lục IX Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có nhà ở.

b) Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thành lập Ban chỉ đạo thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ của xã, gồm đại diện chính quyền cấp xã, đại diện Mặt trận tổ quốc cấp xã, đại diện Hội Cựu chiến binh cấp xã để tổ chức kiểm tra hiện trạng nhà ở của từng đối tượng có đơn đề nghị hỗ trợ nhà ở.

Sau khi kiểm tra, Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách đối tượng được hỗ trợ nhà ở trên địa bàn theo Mẫu số 02 Phụ lục IX Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.

c) Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, kiểm tra, đối chiếu, tổng hợp và phê duyệt danh sách đối tượng được hỗ trợ nhà ở trên địa bàn theo Mẫu số 03 Phụ lục IX Nghị định này, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

d) Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, đối chiếu, lập, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt Đề án.

Trong Đề án phân định rõ số lượng người được hỗ trợ, mức vốn hỗ trợ, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan và dự toán kinh phí các nguồn vốn thực hiện trong từng năm. Đối tượng hỗ trợ được theo thứ tự ưu tiên sau đây:

- Hộ gia đình người có công mà nhà ở có nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng.

- Hộ gia đình mà người có công cao tuổi.

- Hộ gia đình người có công là dân tộc thiểu số.

- Hộ gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn.

- Hộ gia đình người có công thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai.

đ) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo theo Mẫu số 04 Phụ lục IX Nghị định này gửi Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kèm theo Đề án. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bố trí vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương.

7. Chi phí quản lý

a) Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sử dụng ngân sách địa phương để bố trí kinh phí quản lý triển khai thực hiện chính sách với mức tối đa không quá 0,5% tổng kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện chính sách theo quy định.

b) Bộ Xây dựng có trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí hằng năm để ngân sách trung ương cấp bổ sung vào kinh phí hoạt động thường xuyên của Bộ Xây dựng để thực hiện công tác tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và tổng kết thực hiện việc hỗ trợ kinh phí để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với nhà ở tạm hoặc nhà ở bị hư hỏng nặng theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Nghị định 131/2021/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

  • Số hiệu: 131/2021/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/12/2021
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Vũ Đức Đam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH