Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 7 Nghị định 131/2021/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

sohoa.ver.1.1.0.6--->

CHÍNH PHỦ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 131/2021/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2021

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH PHÁP LỆNH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng ngày 09 tháng 12 năm 2020;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định chi tiết về việc công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng và các biện pháp thi hành Pháp lệnh số 02/2020/UBTVQH ngày 09 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Ưu đãi người có công với cách mạng (sau đây gọi là Pháp lệnh).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người có công với cách mạng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh (sau đây gọi là người có công).

2. Thân nhân của người có công với cách mạng theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Pháp lệnh (sau đây gọi là thân nhân).

3. Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan với chính sách ưu đãi người có công theo quy định của Pháp lệnh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Người làm nghĩa vụ quốc tế là người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở nước ngoài hoặc thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở nước ngoài theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên theo các mốc thời gian như sau:

a) Làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào: thời gian từ tháng 5 năm 1975 đến 31 tháng 12 năm 1988.

b) Làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia: thời gian từ tháng 01 năm 1979 đến 31 tháng 8 năm 1989.

c) Làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở nước ngoài: thời gian từ tháng 5 năm 2014 trở về sau.

2. Đại diện thân nhân là cá nhân hoặc pháp nhân được các thân nhân giao đại diện theo quy định của pháp luật dân sự.

3. Con của người có công nếu còn tiếp tục đi học là người đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ bậc phổ thông đến trình độ đại học.

Chương II

ĐIỀU KIỆN, TIÊU CHUẨN, THẨM QUYỀN, THỦ TỤC, HỒ SƠ CÔNG NHẬN, GIẢI QUYẾT VÀ THỜI ĐIỂM HƯỞNG CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI

Mục 1. NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG TRƯỚC NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 1945

Điều 4. Điều kiện, tiêu chuẩn công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945

Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 quy định tại khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh là người được các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận khi có một trong các điều kiện, tiêu chuẩn sau:

1. Đã tham gia một tổ chức cách mạng hoặc đã thực sự hoạt động cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945.

2. Được kết nạp hoặc được kết nạp lại vào Đảng Cộng sản Đông Dương trước ngày 19 tháng Tám năm 1945.

Việc công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 thực hiện theo quy định tại Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 24 tháng 12 năm 1977 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IV) “Về chính sách, chế độ đối với cán bộ, đảng viên hoạt động lâu năm”, Thông tri số 07-TT/TC ngày 21 tháng 3 năm 1979 của Ban Tổ chức Trung ương “Hướng dẫn vận dụng tiêu chuẩn và xác nhận những đối tượng được hưởng chính sách, chế độ đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 19 tháng Tám năm 1945”.

Điều 5. Căn cứ lập hồ sơ

1. Người còn sống hoặc người đã hy sinh, từ trần sau ngày 30 tháng 6 năm 1999 thì căn cứ vào bản sao được chứng thực từ một trong các giấy tờ có ghi nhận thời gian tham gia hoạt động cách mạng sau:

a) Lý lịch của cán bộ, đảng viên khai từ năm 1962 trở về trước do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền quản lý.

b) Lý lịch khai trong Cuộc vận động bảo vệ Đảng theo Chỉ thị số 90-CT/TW ngày 01 tháng 3 năm 1965 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III).

c) Lý lịch đảng viên khai năm 1975, 1976 theo Thông tri số 297/TT-TW ngày 20 tháng 4 năm 1974 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa III) đối với người hoạt động cách mạng được kết nạp vào Đảng sau năm 1969 hoặc người hoạt động liên tục ở các chiến trường B, C, K từ năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

2. Người đã hy sinh, từ trần từ ngày 30 tháng 6 năm 1999 trở về trước thì căn cứ một trong các giấy tờ có ghi nhận thời gian tham gia hoạt động cách mạng sau:

a) Bản sao được chứng thực từ lý lịch theo quy định tại khoản 1 Điều này, từ hồ sơ khen thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hoặc từ hồ sơ, tài liệu đang lưu giữ tại cơ quan lưu trữ của Đảng, Nhà nước, bảo tàng lịch sử từ cấp huyện trở lên.

b) Bản trích lục hồ sơ liệt sĩ.

c) Lịch sử đảng bộ từ cấp xã trở lên được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và cấp phép xuất bản.

Điều 6. Thẩm quyền ban hành quyết định công nhận

1. Người hoạt động cách mạng thuộc ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương quản lý thì Ban đảng, Ban cán sự đảng, Đảng đoàn, Đảng ủy trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định. Nếu không có Ban cán sự đảng, Đảng đoàn thì Đảng ủy cấp trên (trực thuộc Trung ương) xem xét, quyết định.

Trường hợp người hoạt động cách mạng chỉ thuộc cấp ủy địa phương quản lý thì Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương nơi người đó hoạt động cách mạng trước năm 1945 xem xét, quyết định.

2. Người hoạt động cách mạng thuộc quân đội thì Tổng cục Chính trị xem xét, quyết định.

3. Người hoạt động cách mạng thuộc công an thì Ban thường vụ Đảng ủy công an Trung ương xem xét, quyết định.

Điều 7. Hồ sơ, thủ tục công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi

1. Cá nhân viết bản khai theo Mẫu số 01 Phụ lục I Nghị định này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú kèm theo một trong các giấy tờ quy định tại Điều 5 Nghị định này.

2. Ủy ban nhân dân cấp xã trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, có trách nhiệm xác nhận bản khai và gửi đầy đủ giấy tờ đến cơ quan có thẩm quyền quy định tại Điều 6 Nghị định này.

3. Cơ quan có thẩm quyền trong thời gian 20 ngày kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, có trách nhiệm xem xét, ban hành quyết định công nhận theo Mẫu số 49 Phụ lục I Nghị định này và chuyển hồ sơ đến Sở Lao động -Thương binh và Xã hội nơi người hưởng trợ cấp thường trú để giải quyết chế độ ưu đãi.

4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong thời gian 12 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, có trách nhiệm ban hành quyết định cấp giấy chứng nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 và trợ cấp, phụ cấp ưu đãi theo Mẫu số 50 Phụ lục I Nghị định này; đồng thời thực hiện việc cấp giấy chứng nhận theo Mẫu số 102 Phụ lục I Nghị định này.

5. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hướng dẫn quy trình công nhận người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 thuộc quân đội, công an.

Điều 8. Thời điểm hưởng

1. Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 còn sống được hưởng trợ cấp, phụ cấp hằng tháng kể từ tháng ban hành quyết định công nhận.

2. Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi thì đại diện thân nhân hoặc người thờ cúng được hưởng trợ cấp một lần kể từ tháng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi.

Nghị định 131/2021/NĐ-CP hướng dẫn Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

  • Số hiệu: 131/2021/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 30/12/2021
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Vũ Đức Đam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH