Hệ thống pháp luật

Chương 1 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

2. Vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư là hành vi vi phạm pháp luật có lỗi do tổ chức, cá nhân thực hiện mà không phải là tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự và được quy định tại Nghị định này, bao gồm:

a) Vi phạm quy định trong lĩnh vực đầu tư (bao gồm: đầu tư công, đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, đầu tư kinh doanh từ Việt Nam ra nước ngoài, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP));

b) Vi phạm quy định trong lĩnh vực đấu thầu;

c) Vi phạm quy định trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp;

d) Vi phạm quy định trong lĩnh vực quy hoạch.

3. Các hành vi vi phạm hành chính có liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Nghị định này áp dụng đối với:

a) Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi tắt là tổ chức, cá nhân) có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư;

b) Người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này;

c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này.

2. Tổ chức quy định tại điểm a khoản 1 Điều này gồm:

a) Công ty cổ phần, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty hợp danh, Doanh nghiệp tư nhân được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và các văn bản quy phạm pháp luật khác;

b) Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này vi phạm hành chính trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền của doanh nghiệp và theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của doanh nghiệp thì đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính là doanh nghiệp đó; mức phạt áp dụng đối với tổ chức.

Chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm hành chính không thuộc phạm vi, thời hạn được doanh nghiệp ủy quyền và không theo sự chỉ đạo, điều hành, phân công, chấp thuận của doanh nghiệp thì người đứng đầu chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo mức phạt áp dụng đối với cá nhân về những hoạt động do chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện;

c) Tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, văn phòng điều hành của nhà đầu tư nước ngoài trong hợp đồng BCC, văn phòng điều hành của nhà thầu nước ngoài tại Việt Nam;

d) Tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã;

đ) Các tổ chức khác có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.

Điều 3. Hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả

1. Hình thức xử phạt chính gồm:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả được quy định cụ thể tại các điều từ Chương II đến Chương V Nghị định này.

Điều 4. Mức phạt tiền

1. Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định này được quy định như sau:

a) Trong lĩnh vực đầu tư là 300.000.000 đồng;

b) Trong lĩnh vực đấu thầu là 300.000.000 đồng;

c) Trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp là 100.000.000 đồng;

d) Trong lĩnh vực quy hoạch là 500.000.000 đồng.

2. Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm c khoản 2 Điều 28; điểm a và điểm b khoản 2 Điều 38; Điều 62 và Điều 63 Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 (một phần hai) mức phạt tiền đối với tổ chức.

Điều 5. Thời hiệu và thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực đầu tư, đấu thầu, đăng ký doanh nghiệp là 01 năm; đối với lĩnh vực quy hoạch là 02 năm.

2. Các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 7; Điều 9; Điều 10; Điều 13; Điều 14; khoản 2 Điều 15; khoản 3 Điều 16; Điều 17; Điều 18; Điều 19; Điều 20; Điều 21; Điều 22; Điều 23; Điều 24; Điều 30; Điều 36; Điều 37; Điều 43; Điều 44; Điều 45; Điều 46; Điều 47; Điều 48; Điều 49; Điều 50; Điều 51; Điều 52; Điều 53; Điều 54; Điều 55; Điều 56; Điều 57; Điều 58; Điều 59; Điều 60; Điều 61; Điều 62; Điều 63; Điều 64; Điều 65; Điều 66; Điều 67; Điều 68, Điều 69; Điều 70; Điều 71 và Điều 72 của Nghị định này là hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện.

Đối với hành vi vi phạm đang thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp hành vi vi phạm đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

3. Các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này (trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2 Điều này, Điều 12 và Điều 25) là hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc.

Đối với hành vi vi phạm đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm.

Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư

  • Số hiệu: 122/2021/NĐ-CP
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 28/12/2021
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Minh Khái
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH