Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12-NĐ

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 1958

NGHỊ ĐỊNH

BỔ SUNG NHỮNG VĂN BẢN QUY ĐỊNH VIỆC CHUYỂN BƯU PHẨM VÀ BƯU KIỆN.

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN

Căn cứ Nghị định số 236-NĐ ngày 29-12-1954 quy định việc gửi bưu phẩm ở trong nước;
Căn cứ Nghị định số 237-NĐ ngày 29-12-1954 quy định việc gửi bưu phẩm đi Trung quốc và các nước đã đặt quan hệ với Trung quốc;
Căn cứ Nghị định số 109-NĐ ngày 07-03-1956 quy định cước phí bưu điện gửi trong nước;
Căn cứ Nghị định số 110-NĐ ngày 09-03-1955 quy định việc chuyển bưu kiện;
Căn cứ Nghị định số 08-NĐ ngày 07-01-1955 quy định cước phí bưu phẩm gửi ra ngoài nước;
Căn cứ Nghị định số 330-NĐ ngày 25-10-1957 điều chỉnh bưu phí và điện phí gửi trong nước;
Căn cứ Nghị định số 403-NĐ/LB ngày 24-12-1957 quy định chế độ miễn bưu phí cho thư quân nhân và thư thương binh;
Xét đề nghị của ông Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. – Nay bổ sung những văn bản quy định việc chuyển bưu phẩm và bưu kiện dẫn chiếu ở trên bảng những điều sau đây:

Điều 2. – Tất cả các bưu phẩm gửi qua bưu điện, người gửi phải trả đủ cước phí bằng cách dán tem do bưu điện phát hành. Thư miễn bưu phí của quân nhân và thương binh phải gửi theo quy định các điều 1, 2, và 3 của Nghị định số 403-NĐ/LB ngày 24-12-1957.

Điều 3. – Những bưu phẩm, bưu kiện dán tem giả, tem có tẩy xóa, sửa chữa, tem đã dùng rồi, không dán tem hoặc thiếu tem, hoặc viết những câu có tính chất thông tin ở trong hay ngoài đều coi là vi phạm thể lệ bưu điện.

Điều 4. - Những trường hợp vi phạm thể lệ bưu điện như trên sẽ xử lý như sau:

a) Trường hợp dùng tem giả, người gửi bưu phẩm sẽ bị truy tố trước tòa án, Bưu điện không chuyển bưu phẩm này mà giao cho Tòa án.

b) Trường hợp dùng tem có tẩy xóa, sửa chữa, tem đã dùng rồi, Bưu điện không chuyển, phạt người gửi một khoản tiền bằng 10 lần tiền cước bưu phẩm. Nếu bưu điện không tìm được người gửi thì làm biên bản hủy bỏ bưu phẩm này.

c) Trường hợp bưu phẩm không dán tem hoặc dán thiếu tem thì bưu điện chuyển bưu phẩm đi, nhưng thu ở người nhận một khoản tiền bằng hai lần tiền cước bưu phẩm. Nếu bưu điện không phát được bưu phẩm hoặc người nhận không chịu nhận thì bưu điện phạt người gửi một khoản tiền bằng hai lần tiền cước bưu phẩm.

Những bưu phẩm gửi ra nước ngoài không dán tem hoặc thiếu tem thì bưu điện không chuyển, trả lại cho người gửi, thu ở người gửi một khoản tiền bằng tiền cước phí một bưu phẩm thường.

Nếu không tìm được người gửi thì bưu điện lập biên bản hủy bỏ bưu phẩm này.

d) Trường hợp bên ngoài hoặc bên trong bưu phẩm, bưu kiện cước hạ có viết các câu có tính chất thông tin thì bưu điện trả lại người gửi. Nếu trong quá trình chuyển mới thấy thì bưu điện thu ở người nhận một khoản tiền bằng hai lần tiền cước một thư thường.

Nếu những câu viết vào bưu kiện, bưu phẩm có ảnh hưởng không tốt thì tùy theo sự cần thiết, bưu điện sẽ giao trả bưu kiện, bưu phẩm lại cho người gửi hoặc giao sang cơ quan có thẩm quyền xét xử.

Điều 5. – Bưu phẩm gửi trong nước hay ra nước ngoài nếu dán tem nước ngoài thì bưu điện không chuyển, trả lại cho người gửi, phạt người gửi một khoản tiền bằng hai lần tiền cước thư thường gửi trong nước.

Điều 6. – Các Ủy ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh, các ông Chánh văn phòng Bộ Giao thông Bưu điện và Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện có trách nhiệm thi hành Nghị định này.

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN




Nguyễn Văn Trân

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị định 12-NĐ năm 1958 về việc bổ sung những văn bản quy định việc chuyển bưu phẩm và bưu kiện do Bộ trưởng Bộ Giao Thông và Bưu Điện ban hành.

  • Số hiệu: 12-NĐ
  • Loại văn bản: Nghị định
  • Ngày ban hành: 27/02/1958
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông và Bưu điện
  • Người ký: Nguyễn Văn Trân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản